11 thg 10, 2014

Món “sách lừa” của NXB Đồng Nai


              Hoàng Tuấn Công

            
Sách của Nhà sách Mai Văn Đượm
Sách kém chất lượng bây giờ không ít, thậm chí khá nhiều trên thị trường. Nhưng “sách lừa” tôi mới chỉ “nếm” phải lần đầu. Đó là cuốn “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” của Thùy Linh-Việt Trinh-NXB Đồng Nai-2014.
Ngày 3/10/2014, tôi nhận được cuộc gọi đích danh, nói từ Trung tâm nghiên cứu văn hóa gia đình và dòng họ Việt Nam (?). Cô gái giới thiệu cuốn sách hay vừa xuất bản. Sau khi hỏi tên sách, tác giả, nội dung, nhà xuất bản, số trang, giá cả..., tôi đồng ý mua một cuốn (văn hóa dòng họ là vấn đề tôi đang quan tâm). Hình thức thanh toán cũng rất hợp lý: nhân viên Bưu điện đem sách đến, tôi nhận sách rồi mới trả tiền.[1]

Ngày 6/10/2014, đi làm ngoài đồng về, bác Bảo vệ đưa cho tôi gói bưu phẩm và nói: “Nhân viên Bưu điện đến nhưng anh đi vắng, họ nhờ tôi chuyển tới anh và nhận tiền hộ”. Tôi gửi lại đủ số tiền 335.000đ (ba trăm ba lăm ngàn) và khấp khởi cầm gói bưu phẩm về. Tuy nhiên khi mở ra thấy giật mình. Sách không giống như lời cô bán sách giới thiệu:
-Sách của Nhà xuất bản Đồng Nai chứ không phải Nhà xuất bản Lao Động, Cái tên “Lao động” là “Nhà sách Lao động Mai Văn Đượm” đóng dấu ngoài bưu phẩm (Cô bán sách không phân biệt được Nhà xuất bản với Nhà sách khác nhau thế nào chăng?)
-Nói sách của “tập thể tác giả gồm các Nhà nghiên cứu”, trong đó có GS Trần Quốc Vượng,...nhưng thực chất của hai tác giả: "THÙY LINH-VIỆT TRINH (biên soạn, tổng hợp)". GS Trần Quốc Vượng chỉ có một bài. (Cô bán sách lẫn lộn giữa tác giả (biên soạn sách) với tác giả những bài viết được in trong sách?)
-Tên sách không phải là“Các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” mà là “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam”. (Vì nói qua điện thoại nên tôi bị nhầm lẫn giữa tên sách với chủ đề, nội dung cuốn sách chăng?).
Tôi vội gọi cho bác Bảo vệ giữ lại tiền. Trong vòng 2 tiếng buổi trưa, trước khi anh Bưu điện đến để nhận lại sách, tôi tranh thủ lật giở qua một lượt, chụp mấy cái ảnh. Gọi là “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng cũng đủ phác họa nên câu chuyện xuất bản thời loạn sách.
Sách có hai phần:
- Phần I Đôi nét về các dòng họ Việt Nam
Phần này chỉ có 75 tr, gồm một số bài viết khai thác từ nguồn vanhoadongho.vn. Trong đó GS Trần Quốc Vượng (1 bài), TS Nguyễn Xuân Kính (1 bài), GS Vũ Khiêu (nhiều bài, nguồn copy từ nguồn langmotrach.com) Trịnh Khắc Mạnh (Hannom.org.vn)...Một số bài không có tên tác giả, chỉ chú thích “theo vanhoadongho.vn

-Phần II Những người con ưu tú trong các dòng họ Việt Nam.
Phần này, sách“tôn vinh những người con” của các "dòng họ nổi tiếng Việt Nam" như: Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Hoàng-Huỳnh, Phan, Vũ-Võ, Đặng, Bùi, Đỗ, Hồ, Ngô, Dương, Lý, Mạc, Trịnh, Đoàn,  Đào, Vương, Mai, Lương, Lưu, Tôn, Giang, Cao, Cù...Phần lớn các bài viết đều cóp nhặt từ các trang mạng, sách báo đã xuất bản, “thượng vàng, hạ cám”, đủ các nguồn như: Hồ Chí Minh (Chính phủ Việt Nam-1945-1998. NXB Chính trị Quốc Gia, 1999); Lê Đức Thọ (Theo báo Nam Định); Lý Tự Trọng (Theo doanthanhnien.vn); Phạm Hùng-PGS TS Bùi Đình Phong (nhandan.com.vn); Phạm Tuân (Lê Khiêm tổng hợp-baotanglichsu.vn); Phạm Văn Đồng-Đỗ Xuân (Báo Điện tử Đảng cộng sản); Võ Nguyên Giáp (vov.vn); Ngô Bảo Châu (Theo toantieuhoc.vn); Lê Trọng Tấn-Bộ môn Lý luận chính trị (Không biết “Bộ môn...” này thuộc Trường, Viện nào?). Phần tên tác giả nhiều bài viết được mở ngoặc kiểu như: bentre.gov.com; trianlietsi.vn; (Nghĩa trang liệt sĩ Trị An?) toquoc.vn; quansuvn.net; hungyen.vn; caoxuan.com (Họ Cao Xuân?), toantieuhoc (Toán tiểu học?)...Các bài viết phần nhiều rất sơ sài, nội dung, văn phong mang tính thông tấn, báo chí, không phải nghiên cứu biên soạn. Mặt khác, người đọc rất khó kiểm chứng thông tin vì không biết bài gốc vốn tên là gì, của tác giả nào.
-Sách không có phần “Phàm lệ” nên cũng không biết các tác giả căn cứ vào tiêu chí nào để chọn ra “các dòng họ nổi tiếng” với “những người con làm rạng danh” ? Ví dụ, họ Giang ở Việt Nam có nổi tiếng không? Nếu nổi tiếng tại sao sách chỉ chọn được mỗi “một người con” là Giang Văn Minh-văn thần đời Lê Thần tông để đưa vào sách?
-Phần họ Đinh, không biết căn cứ vào đâu, các tác giả “tôn vinh” 3 “người con” là Đinh Tiên Hoàng, Đinh Công Tráng và Đinh Xuân Lâm (GS Sử học đương đại)? Và lý do gì xếp chung 3 “cụ” vào cùng một “chiếu”? Nếu là họ Đinh nói chung thì các cụ Đinh Liệt, Đinh Lễ, Đinh Văn Tả, Đinh Thời Trung... lừng danh ở đâu? 
Một trang mục lục sách
         -Nghe tên sách, độc giả cứ ngỡ sách biên soạn có hệ thống, khoa học. Ví dụ cùng họ Nguyễn, nhưng sẽ phân biệt các nhân vật lịch sử, danh nhân thuộc dòng Nguyễn nào. Thế nhưng thực tế trong sách cứ “Nguyễn” là được xếp chung vào một “mâm”. Ví dụ căn cứ vào đâu, và tại sao lại xếp chung Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Huệ... vào một dòng Nguyễn? Nguyễn Huệ làm rạng danh Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng bằng cách đánh cho Nguyễn Ánh phải chạy dạt ra tận đảo Thổ Chu chăng? Hay hậu duệ của Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ánh có công làm "rạng danh" dòng Nguyễn Huệ bằng cách diệt Nhà Tây Sơn rồi quật mồ mả, giam hài cốt từ cha đến con vào ngục tối?
-Nhiều bài viết không có tên tác giả, cách viết nôm na không ra nhân vật chí, cũng chẳng phải truyện danh nhân như: Đinh Tiên Hoàng; Phạm Ngọc Thạch; Nguyễn Bặc; Nguyễn Hiền; Nguyễn Trãi; Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nguyễn Kim; Nguyễn Hoàng; Nguyễn Huệ; Nguyễn Đình Chiểu... Có bài viết giống tiểu sử, bài lại tựa như bản sơ yếu lý lịch. Nội dung cóp nhặt, lắp ghép, xào xáo rất tùy tiện.
Đọc kỹ một chút bài về hai nhân vật quê Thanh Hóa: Lê Lợi và Lê Văn Hưu đã phát hiện ngay những cái sai rất sơ đẳng:
-Bài “Lê Lợi”, viết: “Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trư)” Tuy nhiên, "Đại Việt sử ký toàn thư""Lam sơn thực lục", cùng nhiều sách khác chép rõ: Lê Lợi là con của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Thương chứ không phải “Hương”(1). Anh thứ của Lê Lợi tên “Trừ” chứ không phải là “Trư” (2). Về cái sai thứ 1, tôi nhớ ra ngay lỗi đánh máy của sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nguyễn Q.Thắng-Nguyễn Bá Thể-NBX Văn hóa thông tin-1999) khi viết về Lê Lợi:“Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trừ)”. Cái sai thứ 2: Có lẽ khi chép lại sách "Từ điển nhân vật lịch sử", các tác giả sách "Tôn vinh..." của NXB Đồng Nai thiếu kiến thức lịch sử và tra cứu nên chép lấy cái sai do lỗi đánh máy của người khác, rồi góp thêm một cái sai nữa: "Trừ" viết thành "Trư" (!)
-Bài về Lê Văn Hưu, khi giới thiệu làng Phủ Lý, sách chú thích: “...nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Thiệu Hóa...” Tuy nhiên, Thanh Hóa không có xã nào là “Triệu Trung” (chỉ có xã Thiệu Trung thuộc huyện Thiệu Hóa). Lỗi này không phải lỗi văn bản, vì địa danh “Triệu Trung” được nhắc lại trong đoạn văn khác: “Theo lời các cố lão địa phương thì đất Triệu Trung vốn là trang trại của vị tổ khai sáng dòng họ Lê”. Bài này, phần tên tác giả thấy mở ngoặc: “(Theo GS Đặng Đức Siêu)”. Không rõ GS Đặng Đức Siêu viết như vậy hay trong khi các vị xào xáo món "sách lừa", chữ tác lại thành chữ tộ ?
-Các tác giả "biên soạn, tổng hợp" sách "Tôn Vinh..." bằng cách sao chép trên Wikipedia, cóp nhặt trên các trang mạng. Được bài nào, xào bài ấy nên sách hoàn toàn không mang tính hệ thống hoặc theo một nguyên tắc nào. Ví dụ: Nhân vật lịch sử Cao Bá Quát chỉ vẻn vẹn có 1 trang, trong khi Đinh Xuân Lâm 5 trang, rồi Nguyễn Huệ  lại chỉ có 1 trang với những thông tin hết sức sơ sài.
          Bài “Hồ Chí Minh”, (2 trang, kiểu gạch đầu dòng) các tác giả chú thích nguồn từ cuốn “Chính phủ Việt Nam-1945-1998”- NXB Chính trị Quốc Gia, 1999) nên cách viết mang tính chất liệt kê theo trình tự thời gian những chức vụ, công việc mà Hồ Chí Minh từng đảm nhiệm trong chính phủ. Như vậy gọi là “tôn vinh”sao?
          Bài “Võ Nguyên Giáp” lại càng cẩu thả. Tất cả chỉ 2 trang thưa thớt chữ, mở đầu bằng câu: “Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn” và kết thúc bằng: "Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi đảng và nhiều Huân huy chương cao quý khác của Việt Nam và thế giới". Cách viết giống điếu văn, nhưng không phải điếu văn. Vì bài viết không hề có thông tin về ngày mất của Đại tướng. Trong khi sách “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” xuất bản và nộp lưu chiểu quý III năm 2014. Nghĩa là xuất bản ở thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đã được giỗ đầu. Thế nhưng cứ theo như nội dung bài viết thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện đang còn sống(!) 
              
Tran 2, bài viết "Võ Nguyên Giáp"
Hơn nữa, nếu căn cứ vào bài viết này, người ta thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ tham gia công tác chính quyền, chứ không hề chỉ huy một trận đánh hay chiến dịch nào. Thậm chí, bài viết không hề nhắc đến địa danh và chiến thắng Điện Biên Phủ làm nên tên tuổi, sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng. Vậy, rốt cuộc sách có ý "tôn vinh" hay "hạ bệ" ? Phần tên tác giả chỉ được mở ngoặc (vov.vn). Trang vov.vn có biết bao nhiêu bài viết về Đại tướng, ở rất nhiều thời điểm khác nhau. Vậy tác giả sử dụng bài viết vốn tên gốc là gì và đăng vào thời điểm nào?
-Về văn phong, từ ngữ cũng rất “đáng học tập” với những ai theo trường phái “tân cổ giao duyên”. Bài “Lê Hoàn”: “Đại Hành làm vua tỏ rõ là một người chí công vô tư...” (giống khẩu hiệu người cộng sản?) Bài “Lê Lợi” (đoạn Hội thề Lũng Nhai): “Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương” (giống Đội thiếu niên du kích hay Đoàn Thanh niên cứu quốc?); Rồi “Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa, ở đó có đủ các tầng lớp xã hộithành phần dân tộc khác nhau, với những đại biểu ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn...” (giống nói về Quốc hội?) Hay “Lê Lợi đã kiên quyết đập tan những âm mưu, hành động bạo loạn...”(nghe như bản tin thời sự?)
- Ngay cái tên sách ngẫm ra cũng thấy thật hài hước: “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam”. Sao lại có từ trong ở đây nhỉ? Vậy “những người con làm rạng danh” ai? Đất nước hay dòng họ? Ngoài bìa là như vậy, nhưng “Lời nói đầu”, tác giả lại giới thiệu: “Để góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nhân dân ta, đất nước ta. Chúng tôi biên soạn sách: “Tôn vinh những người con làm rạng danh các dòng họ nổi tiếng Việt Nam”. (không có từ trong). Thế là tên sách viết đúng thì đưa vào “Lời nói đầu” còn tên sai thì lại trương ra ngoài bìa(!)
Phải chăng, các tác giả sách và NXB Đồng Nai không có ý lừa ai, mà do trình độ làm sách chỉ có vậy?
-Về hai chữ “Tôn vinh” cũng rất lạ. Phải chăng Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Lê Lợi...Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp...chưa được ai “tôn vinh”? Bây giờ hai cô Thùy Linh-Việt Trinh và NXB Đồng Nai cóp nhặt các bài viết trên mạng, xào xáo đem in vào sách rồi gọi đó là “tôn vinh”? (Do bài đăng trên Báo mạng không sang trọng bằng sách xuất bản?) Hay các nhân vật đương đại như GS Đinh Xuân Lâm, Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn...cố GS Phan Cự Đệ, Trần Văn Giàu...được hai "người đẹp" đưa vào sách, đứng ngang hàng với các vị thánh nhân, các bậc tiền bối nên gọi là “tôn vinh”?
Trang sachphapluattaichinh.com.vn  giới thiệu như sau:
“Để tôn vinh những người  con của các dòng họ nói trên  NXB DỒNG NAI cho xuất bản cuốn sách :
VINH DANH NHỮNG NGƯỜI CON LÀM RẠNG DANH TRONG CÁC DÒNG HỌ NỔI TIẾNG VIỆT NAM
Nội dung cuốn sách  vinh danh những người con của các dòng họ sau :
NGUYỄN, TRẦN, LÊ, PHẠM, HOÀNG, HUỲNH, PHAN, VŨ, VÕ, ĐẶNG, BÙI, ĐỖ, HỒ, NGÔ, DƯƠNG, LÝ, MẠC, TRỊNH, ĐOÀN, ĐÀO, VƯƠNG, MAI, LƯƠNG, LƯU,TÔN,CAO,CÙ
Vì quỹ thời gian có hạn nên nhà xuất bản chỉ có thể Vinh danh được những người con nổi tiếng của một số dòng họ,một số dòng họ khác chúng tôi chưa cập nhật kịp thời,rất mong quý vị hết sức thông cảm .Xin trân trọng cảm ơn quý vị”
Cứ theo đây, sách có thêm một cái tên thứ 3: từ “Tôn vinh” được thay bằng “vinh danh”. Và có vẻ như “những người con” nào lọt được vào “mắt xanh” của các cô Thùy Linh-Việt Trinh cùng NXB Đồng Nai là một “vinh dự” lớn? Bởi vậy, NXB mới có lời cảm thông: “một số dòng họ khác chúng tôi chưa cập nhật kịp thời, rất mong quý vị hết sức thông cảm” (?!)

-Về vấn đề bản quyền. Trong “Lời nói đầu”, các tác giả biên soạn sách tỏ ra “lịch sự” và “phải phép” khi thừa nhận: “Đây là cuốn sách được biên soạn trên cơ sở sưu tầm, chọn lọc từ các nguồn tư liệu khác nhau đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do điều kiện khách quan, chúng tôi chưa trực tiếp liên hệ để xin phép trước, thành thật xin sự lượng thứ của các tác giả!” Hóa ra xin phép được "vi phạm bản quyền” chỉ đơn giản thế thôi ư? Vậy nhuận bút từ tiền bán 1000 cuốn sách với giá 335.000/cuốn, rồi danh dự của những người cầm bút, các nhân vật lịch sử bị các vị tự ý tập hợp lại làm nên món “thắng cố"  này thì sao nhỉ?[2]
Một trong nhiều chú thích lỗi phông chữ
-Cuối cùng, về chuyện chế bản, in ấn, có lẽ sách “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” cũng đáng được độc giả “tôn vinh” bằng một danh hiệu nào đó. Ngay "Lời nói đầu" ngoài việc viết chưa nên câu, từ độc giả còn bị đánh thành "độc gải", lỗi chính tả do phát âm tràn lan trong sách. Toàn bộ chú thích trong “Phần II Những người con ưu tú trong các dòng họ Việt Nam” bị lỗi phông chữ, không đọc được nhưng vẫn để vậy in ấn và phát hành! (xem ảnh). Phải chăng, đã đến thời các "Đại văn xào" cầm bút biên soạn sách danh nhân lịch sử "Để góp phần vào công cuộc xây dựng nên văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nhân dân ta, đất nước ta" rồi rao bán giống như giỏ xách, mỹ phẩm tồn kho đóng mác hàng hiệu trên thị trường?
Trả được sách và lấy lại được tiền, ngồi viết mấy dòng này hầu bạn đọc, tôi vẫn còn thắc mắc không yên: Các tác giả “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” và biên tập viên của NXB Đồng Nai "lừa người hay người lừa" mà lại cho ra đời một cuốn sách như vậy? [3]
                                                    HTC/Thanh Hóa-11/10/2014
 
               [1]- HTC có thói quen từ nhỏ là đi đường nhìn thấy cái gai, hay mảnh chai, mảnh sành thì hay nhặt vứt bỏ vào bụi. Không nhặt được thì áy náy, vì cứ tưởng tượng ra có người khác dẫm phải. Nay gặp phải "sách lừa", biết rằng rất mất thời gian, nhưng cũng xin đem mấy lời thô kể lể. Ai quan tâm thì đọc. Biết đâu có người sẽ tránh được chính cuốn "sách lừa" này hoặc các cuốn sách khác tương tự ở thời buổi loạn sách? Lưu ý: cô bán sách nói tìm được tên HTC qua danh sách điện thoại của Nhà mạng.
            [2]-Sách có số trang: 450 trang, Số lương in 1000 cuốn, khổ 20x28 cm. Bìa mềm. In xong, nộp lưu chiểu quý III/2014. Giá bìa: 335.000 VND, giá bán: 335.000 VND. Dường như các nhà làm sách đã tính toán sẽ bán theo con đường Bưu điện. Do đó, đã cộng sẵn tiền gửi Bưu điện vào giá bìa. Sách này in thưa, chữ cỡ to. Cùng loại, sách có bản quyền khác chỉ bán với giá chưa bằng một nửa. Hôm ấy, nếu HTC ở nhà, tiền trao cháo múc thì đã mất oan 335.000 VND rồi.
                 [3]-Anh Bưu điện đến lấy tiền lúc tôi vẫn lúi húi xem dở "sách lừa". Tôi bảo trả lại sách, anh bắt đền, hỏi tại sao không lấy mà lại bóc hàng ra. Tôi nói: "Tôi bóc ra để dùng, nhưng thấy bị lừa, vì sách không giống như giới thiệu. Chẳng nhẽ họ gửi cho tôi tập giấy lộn tôi cũng phải nhận ư?". Anh vò đầu bứt tai kêu khổ, nói: "Chứ còn sao nữa. Làm thế này thì chết tôi rồi. Tôi sẽ bị phạt, cuối tháng chẳng có thêm đồng nào đâu. Mà tôi có đem về thì cũng coi nó như giấy lộn mà thôi". Anh hỏi: "Vậy hóa đơn kẹp trong sách đâu?" Tôi trả lời: "Không có hóa đơn nào cả". Anh lại kêu: "Thế có chết tôi không chứ!" Tôi áy náy, xin trả anh tiền gửi sách trở lại nơi bán. Anh gắt: "Có còn nguyên xi đâu mà gửi lại. Anh bóc tan tành thế này còn gửi lại cái gì?" Tôi phân trần: tại vì sách sai chỗ nọ, sai chỗ kia, tôi không thể mất oan 335.000đ, mà nhà tôi cũng không có chỗ cho loại sách này... Thấy anh im lặng có vẻ nghĩ ngợi ghê lắm. Rốt cuộc, anh thấy tôi nói có lý, anh không thể coi sách giống như hàng hóa khác? Nhưng không, anh đâu thèm để ý nghe tôi nói gì. Anh im lặng là để nghĩ ra một cách. Anh bấm máy gọi về báo cáo: "Sách không có hóa đơn thanh toán nên khách bóc hàng ra rồi trả lại". Phía bên kia chấp nhận. Anh thở phào cầm sách về rồi làu bàu: "Tháng nào mà cũng gặp người mua sách như ông thì chết tôi chứ còn gì !".
             
        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét