25 thg 10, 2014

Phát hiện Từ điển do “môn đồ cụ Vũ Chất” biên soạn



  Hoàng Tuấn Công

Tuần qua, thiên hạ xôn xao về “Từ điển ma” có khả năng xuất quỷ nhập thần. Mấy nhà xuất bản danh tiếng, đại đao lăm lăm gác cửa là thế vẫn bị nó đột nhập, "đội lốt" tới cả chục năm trời mà không hề hay biết. 

"Ma từ điển" còn tàng hình, chui vào tận Thư viện Quốc gia, đi lại, nói năng cợt nhả đến rợn người... Khi bị nhà đài VTV truy đuổi dồn dập, đúng lúc tưởng sắp quay được "con ma" đã thành tinh này thì bỗng nó "nhập" vào bà “Chúa Kho” xinh đẹp. "Khổ thân" người nắm giữ kho tri thức của nhân loại! Đang thỏ thẻ, duyên dáng là thế, bỗng nhiên Bà nổi cơn tam bành, chỉ tay xua đuổi khiến mấy anh “VTV24” đầu đinh cũng phải sợ đến líu cả lưỡi, ôm máy quay tháo chạy...
Nghe nói “Từ điển ma” xuất sinh từ thời Việt Nam cộng hòa, vốn có tên “Việt Nam tự điển”. Cha đẻ của nó là cụ Vũ Chất. Cụ tính hay châm chọc, hài hước, càng thích chơi chữ, nói lái... Nhân lúc rảnh rỗi, Cụ giở xem “Việt Nam tân tự điển” của Thanh Nghị. Thấy gọi là “tân” mà sao toàn giải nghĩa theo lối hiểu phổ thông cũ rích. Thế là Cụ mới “hứng bút” viết nên “Việt Nam tự điển” theo "trường phái" nói một đường, hiểu một nẻo. Sau “cơn gió bụi” 1975, tưởng sách đã thành tro tàn giấy bay, theo cha đẻ về cõi vĩnh hằng rồi. Ấy vậy mà nhân thời xuất bản loạn lạc, nó bỗng đội mồ sống dậy làm “ma từ điển”, rong chơi khắp trời Nam đất Bắc...
Hiện vẫn chưa biết hết những ai là nạn nhân, ai là thủ phạm chứa chấp “Từ điển ma” dưới cái tên “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh". Bà “Chúa Kho” thì quả quyết nó có “giấy chứng sinh” hẳn hoi. Ông “Thiên Lôi” lại phán nó là “yêu quái” đội lốt hại người và sẽ “hoàn táng”, thiên thu yên nghỉ cùng cụ Vũ Chất.Tuy nhiên, lúc sinh thời và hơn chục năm cùng “Từ điển ma” rong chơi cõi thế, dường như cụ Vũ Chất có thu nhận môn đồ [1]
Số là hôm chủ nhật vừa rồi thấy bé con H.C học lớp 4 nhà mình đang loay hoay với cuốn từ điển tiếng Việt, trông xa giống như “Từ điển ma” của cụ Vũ Chất. Giật mình nghĩ: “nó” dám vào cả nhà mình nữa sao? Lại gần. Hóa ra đây là “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1,2,3”- Khắc Trí-Trọng Tấn-NXB Đồng Nai-2012. Mới nhớ lại, hàng ngày Bé con vẫn hay hỏi mình từ này từ kia. Hôm hai bố con vào FAHASA (Siêu thị Coopmart- Thanh Hóa) thấy cuốn này, xem qua rồi mua, mục đích để Bé làm quen với từ điển. (Bìa trong ghi ngày mua 26/3/2014). Vì bận nhiều việc, mình hướng dẫn cách tra từ cho Bé rồi quên bẵng đến nay... Nhớ đến vụ “Từ điển ma” giở xem qua một lượt. Chết thật! Chỉ một chút "quan liêu" mà coi như "rước ma" vào nhà rồi!
Trước tiên, về khoản cợt nhả, trêu ngươi, nói một đường hiểu một nẻo thì tác giả “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2-3” không thua kém gì cụ Vũ Chất. Tưởng tượng Bé con nhà mình sử dụng cuốn từ điển này mà "lạnh gáy". (sau đây chúng tôi lược theo vần, gọi là lỗi đại diện. Phần gạch đầu dòng, chữ màu xanh là của Từ điển):
-Ai điếu (dt) Bài văn chia buồn với người đã chết.
Lâu nay Bố giảng rằng: “ai điếu” là lời tỏ lòng đau buồn, tiếc thương đối với người đã chết. Còn “chia buồn” là lời an ủi người sống vơi đi nỗi buồn mất người thân. Hóa ra còn có cả “chia buồn với người đã chết”? Như thế cái nắp kính ở đầu quan tài không phải chỉ để người đến viếng nhìn mặt người chết lần cuối như Bố mình nói, mà còn có tác dụng để người chết nghe được lời “ai điếu” chia buồn của người sống? Sợ thật!
-Ẩy (đgt) 1.Xúi giục. Ẩy mèo bắt chuột.
Quê mình khi hô “ẩy...ẩy...” là xuỵt chó đuổi gà hay bắt chuột. Bây giờ mình mới biết nó có nghĩa là “xúi giục”. Thì ra mèo bắt chuột không phải hoàn toàn do bản năng như lời Cô dạy, mà một phần do con người “xúi giục” nó. Thú vị thật! 
-Bắc thang (đgt) Xúi giục, giúp đỡ. Bắc thang cho con leo.
Nghĩa của từ này mình mới nghe lần đầu. Thỉnh thoảng thấy mấy chú thợ điện bắc thang sửa chữa, không hiểu như thế gọi là “xúi giục” hay là “giúp đỡ” đây? “Ẩy”“xúi giục”, “Bắc thang” cũng có nghĩa là “xúi giục”.Hay quá! Vậy mình có thể đặt câu “Bắc thang cho mèo bắt chuột” được không nhỉ? 
-Bắt rể (đgt) Đem  rể về nuôi tại nhà mình.
"Mình có nghe kể về tục "bắt rể", nhưng không biết ở đâu mà lại “đem rể về nuôi tại nhà mình” như bắt lợn về nuôi ấy nhỉ? Cái này mình phải hỏi Cô mới được.
-Bần đạo (dt) Kẻ đạo sĩ nghèo.
Thế mà hôm trước xem phim Tây Du Ký, Bố mình giải thích “bần đạo” là lời khiêm xưng của người tu hành. "Bần" ở đây được hiểu là ít, hèn kém. Bây giờ xem từ điển mới biết Bố nói sai. Cô dặn phải học một biết mười, nên mình nghĩ thế này: đã có “bần đạo” (Kẻ đạo sĩ nghèo) ắt phải có “phú đạo” (Kẻ đạo sĩ giàu) chứ nhỉ? 
-Bỡn (đgt) Đùa một cách không nghiêm chỉnh.
 Đùa, bỡn là thú vui hàng ngày của bọn mình, nhiều khi bị rầy la. Thế nên mình thắc mắc, đùa thế nào thì được gọi là nghiêm chỉnh nhỉ? Cái này mình thực sự không hiểu.
-Cảnh giác (đgt) Báo cho biết trước, thức tỉnh.
Ồ, Thế ra "cảnh giác" cũng có nghĩa giống như "cảnh báo"?
-Cào cấu (đgt) Cào và cấu
Mình nhớ rồi, dễ ợt!
-Cảm quan (dt) Bộ phận cơ quan thuộc về cảm giác.
Thế mà Cô giáo dạy “cảm quan” là nhìn thấy, nhận biết sự vật nào đó bằng giác quan của mình. Ví dụ bằng "cảm quan" có thể đánh giá được món ăn ngon hay không ngon. Hóa ra “cảm quan” lại là tay, chân, mắt mũi, lưỡi... của chính mình.
-Chết (đgt) Hết sống.
Từ “chết” Bố mình giảng rất lằng nhằng: nào chết có nghĩa các bộ phận của cơ thể như tim, gan, phổi, mắt, mũi, miệng vĩnh viễn không bao giờ hoạt động, nói năng được nữa...nào là...Bây giờ mình sẽ nhớ: Chếthết sống; hết sống nghĩa là chết... Rất đơn giản! Nhưng mà..."hết sống" nghĩa là gì nhỉ?
-Chị (dt) Người con gái cùng cha, cùng mẹ sinh ra trước mình.
-Anh (dt) 1-Con trai bác mình.2-Người con trai cùng cha mẹ sinh trước mình. (Lưu ý: Từ điển không ghi nhận “anh”, “chị” với nghĩa khác-HTC)
 Thế mà Cô lại dạy: Người con gái lớn tuổi, học trên mình thì gọi là chị. Người con trai lớn tuổi hơn mình thì gọi là anh. Khi trò chuyện với người ít tuổi, mình cũng có thể tự xưng là chị. Còn chị gái, anh trai mới có nghĩa là anh chị em cùng mẹ cha sinh ra. Hóa ra vì tin lời Cô mà lâu nay mình nhận lầm bao nhiêu người làm anh chị em ruột mà không biết!? Nhưng mà...Chỗ này mình hơi thắc mắc! Vậy bây giờ mấy anh, chị lớn tuổi, mình phải gọi bằng gì được nhỉ? Và mình xưng hô với các em lớp 1 thế nào được đây?
-Em (dt) Trai hay gái cùng cha mẹ sinh ra. (Từ điển này không ghi nhận “em” với nghĩa khác-HTC)
Vậy mà Mẹ bảo người ít tuổi hơn mình có thể gọi là em, và mình có thể xưng em khi nói chuyện với người lớn tuổi. Mẹ còn dặn mình phải gọi thằng cu Tý nhà cô X. là em, không được kêu là “mày”, là “thằng”...Mẹ sai rồi nhé! Thằng ấy nó có phải do mẹ đẻ ra đâu mà gọi là em?
-Anh chị (dt) (lóng) Đàn anh sừng sỏ trong bọn lưu manh. ( Từ điển không ghi nhận “anh chị” với nghĩa khác-HTC)
          Sao lại thế này nhỉ? Lâu nay mình vẫn thấy các cô chú đến nhà chơi, gặp Bố Mẹ mình chào: Em chào anh chị. Thế hóa ra mấy cô chú ấy nghĩ Bố Mẹ mình thuộc diện “sừng sỏ trong bọn lưu manh” nên mới dùng tiếng lóng này để gọi?!
-Chụp giật (đgt) Giành giật bằng cách chụp lấy.
Hay nhỉ. Thỉnh thoảng mình nghe TV nói “kinh doanh theo lối chụp giật”, bây giờ mới hiểu kinh doanh kiểu ấy cũng gần giống như người lớn chơi bóng rổ vậy: giành giật quả bóng bằng cách chụp lấy.
-Ếch (dt) loại nhái mình lớn, thịt ngon.
-Nhái (dt) Loại ếch nhỏ.
Ồ! Hóa ra ếch và nhái, hai con vật này tưởng hai mà một. Lâu nay nhà mình toàn ăn nhái mà không biết! Vậy mà Bố lại bảo: “Lấy chồng Mường phải ăn mắm nhái”. Sao bà con nông dân không bắt nhái về nuôi lớn thành ếch mà lại phải đi mua ếch giống rất đắt tiền nhỉ? Bây giờ mình sẽ nhớ: Ếch là con nhái to, nhái là con ếch nhỏ. Tuyệt thật!
-Gà (dt) Vật nuôi để lấy thịt và trứng.
Thế mà Cô giảng: Gà là gia cầm nuôi để lấy thịt và trứng. Con trống có mào đỏ tươi, bộ lông sặc sỡ, biết gáy báo sáng. Con mái đẻ trứng, ấp con. Bây giờ mới biết gà vịt, hay ngan ngỗng cũng giống nhau cả mà thôi.
-Ba ba (dt) Rùa nhỏ ở nước ngọt, có mai đẹp, phủ da, không vảy.
Ra thế! Rùa con lớn lên sẽ thành ba ba. Còn ba ba nhỏ gọi là rùa. Không phải rùa và ba ba là hai loài khác nhau như mình đã học. Mình thấy Từ điển dành cho trẻ con này rất đơn giản, dễ nhớ. Cứ phải phân biệt ếch với nhái, ba ba với rùa, gà vịt với ngan ngỗng mệt lắm!
-Chồn (dt) Loại thú thường bắt gà.
Thế chồn và cáo khác nhau thế nào nhỉ? Cáo cũng hay bắt gà mà!
-Chờm (đgt) Áp vào da thịt một vật gì cho bớt đau. Chờm nước nóng.
Sao lại thế này? Cô dạy mình phân biệt: "chườm nước nóng" với "ngựa chờm vó" cơ mà?
-Thằn lằn (dt) Loài bò sát mình nhỏ, da trơn lạnh hay bò trên tường nhà.
Ồ, thế mà lâu nay mình cứ tưởng con vật này gọi là thạch sùng. Còn thằn lằn (còn gọi rắn mối) da có vảy, hay bò kiếm ăn ngoài bờ bụi, cây cối kia đấy!
-Cọp (dt) Thú dữ ở rừng sâu hay ăn thịt loài thú khác.
Cô dạy rằng, “cọp” là tên gọi khác của con hổ, com hùm, ông ba mươi... Hóa ra không phải vậy. “Cọp” là cách gọi chung các con thú dữ ở trong rừng như: hổ, báo, chó sói, linh cẩu...Cô lại sai nữa rồi!
Vạc (dt) Chim chân cao, thuộc loài cò.
Hóa ra, “chân cao” mới là đặc điểm của con vạc. Vậy mà lâu nay Bố lại nói đã từng thấy con vạc: trông gần giống như con cò bợ, hay con diệc, đi ăn đêm, kêu “vạc, vạc..”

-Bả chuột (dt) Bả lừa cho chuột ăn mà chết.
Cái này hơi khó hiểu, “bả” nó là cái gì mà chuột ăn lại chết được nhỉ?
-Bạc giấy (dt) Bạc làm bằng giấy do ngân hàng nhà nước phát hành.
“Bạc” là cái gì nhỉ? 
-Bách diệp (dt) Trắc bách diệp.
Nhưng “trắc bách diệp” nó là gì?
Bạn đời (dt) Người bạn gắn bó suốt đời với mình. Tình bạn đời.
Thế mà Bố lại giải thích “bạn đời” chỉ người vợ hoặc người chồng sống gắn bó với nhau suốt đời. Cứ như từ điển thì mình chơi thân, gắn bó với bạn nào đó từ nhỏ, đến lớn, đến già đều có thể gọi là “bạn đời”. Hay thật!

Bai (dt) Dụng cụ (dùng trong nghề của thợ nề)

Sao hôm trước lại nghe Bác mình nói, cái “bai” là dụng cụ của thợ đào đất, còn cái “bay” mới là của thợ nề ? Rắc rối quá.

-Bài giảng (dt) Bài giảng của giáo viên, cha xứ.

Nhưng, như thế nào thì được gọi là “bài giảng” ?
          
         -Cổ kính (tt) Rất cổ với vẻ y nghi
          Vậy, lâu nay mình viết "uy nghi" là sai, phải "y nghi" mới đúng?

-Chơi chữ (đgt) Dùng chữ để cho người ta hiểu lầm ý mình.

Mình nghe Bố giảng: chơi chữ là dùng từ đồng âm, dị nghĩa, đồng tự đa nghĩa, nói lái... để tạo hiệu quả đặc biệt trong sử dụng từ, ngữ, khiến lời văn trở nên hàm súc, hay hơn, ý nghĩa hơn... Hóa ra “chơi chữ” lại gần giống kiểu chơi khăm, nói lừa người khác, hoặc viết sai chính tả, dùng từ sai vậy. Nếu thế thì bọn mình “chơi chữ” suốt, chẳng có gì là khó! 

 -Đền (dt) Chỗ vua ở, chỗ thờ phụng lớn.

Thế là vua chết hay là vua sống nhỉ? Mình vẫn nghe nói vua khi sống thường ngự trong cung điện. Và chỉ người chết mới "ở" trong đền thờ kia mà?

-Dờn (tt) Có màu xanh mét. Nước da xanh dờn.

Cô dạy miêu tả vườn rau tươi tốt, xanh non mơn mởn thì dùng từ “xanh rờn”, lại còn lưu ý, chữ “rờn” không được viết thành “dờn”, vì tiếng Việt không có từ nào là “xanh dờn” cả. Thế là Cô không hề biết có từ “xanh dờn” nói nước da người xanh mét (!) Mình phải nhớ kỹ mới được.

-Đoản văn (dt) Bài văn ngắn.

Bố mình bảo “đoản văn” là thể loại văn ngắn, có kết cấu ngắn gọn, súc tích, rất khó viết cho hay. Hóa ra theo từ điển, nó đơn giản chỉ là một “bài văn ngắn” mà thôi. Thế thì bọn mình viết “đoản văn” suốt, chẳng thấy có gì là khó.

-Đua đòi: (đgt) Theo cho kịp, không chịu kém.

Thế có nghĩa, “đua đòi” không phải là xấu như lời Cô và Bố Mẹ, Ông Bà dạy. Mình có thể đặt câu: Em “đua đòi” bạn bè chăm ngoan, học giỏi. Tuyệt!

-Dằng co (đgt) Lôi kéo dây dưa không dứt.

Từ này mình nhớ Cô dạy phải viết là "Giằng co" , phân biệt với "dùng dằng" cơ mà?

          -Quan cách (dt) Kiểu cách nhà quan.

          Đơn giản nhưng khó hiểu quá !

-Săm (dt) Ruột xe.

“Săm” nghĩa là “ruột xe”? Xe mà cũng có “ruột” ư? Nó nằm ở đâu ấy nhỉ?

-Tà đạo (dt) Đường xấu, đạo gian dối lừa gạt.

Mình biết thêm một nghĩa nữa: đường xấu, nhiều ổ gà có thể gọi là “tà đạo”. Ví như đặt câu: Quê em có rất nhiều “tà đạo” (!)

-Tâm thần (dt) Tâm trí, tinh thần.

Mình nghe nói người bị tâm thần có thể bỗng dưng đập phá, thậm chí giết người. Hóa ra, “tâm thần” đơn giản chỉ có nghĩa là “tâm trí, tinh thần”. Cái này ai mà chả có. Từ nay mình không sợ người tâm thần nữa.

-Ủng (dt) Giày cao cổ.

Vậy mà Cô giáo dạy phải biết phân biệt giữa “ủng”“giày cao cổ”: “ủng” là loại giày bảo hộ lao động bằng cao su, cổ cao đến tận đầu gối, có thể dùng lội nước, bùn lầy mà không ướt, lấm chân. Còn "giày cao cổ" làm bằng nhiều chất liệu, như vải, da thuộc,... cổ cao quá mắt cá chân, dưới đầu gối, còn gọi là “bốt”, đi rất ấm chân. Về hình dáng chúng gần giống nhau, nhưng chất liệu và công dụng khác nhau nên có tên gọi khác nhau. Vậy bây giờ mình biết tin ai?

-Vàng anh (dt) Chim thuộc bộ sẻ, cỡ lớn bằng chim sáo, lông màu vàng, hót hay.

Hóa ra chim vàng anh vừa đẹp vừa hót hay. Vậy mà hôm trước, Bố giảng rằng: vàng anh là loài chim cổ tích rất đẹp, lông vàng, mỏ đỏ, chân đỏ, trên đầu vắt ngang vệt lông đen như tấm khăn duyên dáng. Nhưng vàng anh hót không hay. Mình hỏi tại sao, Bố trả lời: thông thường loài chim có màu lông đẹp, sặc sỡ giọng hót rất dở. Bởi vậy, nó hấp dẫn chim mái bằng mẽ bề ngoài của mình. Ngược lại, loài chim có bộ lông nâu nâu, xam xám kém hấp dẫn như họa mi, sơn ca...lại có giọng hót làm say đắm muôn loài. Dĩ nhiên, chúng thu hút chim mái bằng cách trổ tài, thể hiện giọng hót mê ly của mình. Bởi vậy, người ta nuôi vàng anh chỉ để ngắm chứ không phải để nghe hót. Bố còn nói nếu hoa nào không có mùi thơm, chúng sẽ hấp dẫn ong bướm bằng màu sắc, vẻ đẹp. Ngược lại, loài hoa xấu xí, bé nhỏ, chẳng có gì nổi bật lại có mùi hương thơm ngát, tỏa bay để quyến rũ bướm ong. Bố giảng nghe có vẻ hay, nhưng sai nhiều quá. Hờ...!

-Vỗ (đgt) Đập tay vào vật gì. Vỗ vai bạn.
-Vỗ béo (đgt) Vỗ cho chóng béo. Vỗ cho đàn lợn chóng béo để bán. (lưu ý: hai mục từ này liền nhau-HTC)

“Đập tay vào vật gì” mà lại làm cho nó chóng béo lên được nhỉ? Kỳ diệu thật! Thảo nào về quê, thấy mỗi khi mấy con lợn tranh ăn, cắn nhau, Bác mình lại lấy tay vỗ mạnh vào lưng, vào mông của chúng. Hóa ra là để chúng chóng béo. Nuôi lợn béo đơn giản thật!

-Xào  xáo (đgt) Gây gổ ồn ào.Gia đình xào xáo.(lưu ý: Từ điển không ghi nhận “xào xáo” với nghĩa khác-HTC)

Gia đình mà cũng “xào xáo” được ư? Lâu nay, mỗi khi có ai bàn tán, háo hức chuyện gì, mình có nghe bà Nội nói: “ Thôi đừng xáo nữa”. Nấu nướng qua loa, ăn gọn một bữa Bà gọi là “xào xáo”. Bây giờ mới biết từ “xào xáo” không hề liên quan tới chuyện nấu nướng mà có nghĩa là “gây gổ ồn ào”. Mai đến lớp các bạn mà “gây gổ, ồn ào” mình sẽ nói: Các bạn đừng xào xáo nữa!

Cuốn từ điển này giúp mình nhận ra bao nhiêu là điều mới lạ. Hóa ra lâu nay Cô giáo, Ông Bà, Bố Mẹ giảng sai rất nhiều !

Trên đây chỉ là số ít trong vô số sai sót của “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2,3” của Khắc Trí-Trọng Tấn. Tác hại của nó không biết có đến mức như tôi tưởng tượng không, xin để bạn đọc phán xét.
 Ngoài việc tự ý bịa ra nghĩa của từ theo ý mình, Khắc Trí-Trọng Tấn cũng có cách làm giống cụ Vũ Chất là chép lại nội dung cuốn từ điển khác. Nếu cụ Vũ Chất dùng “Việt Nam tân tự điển” của Thanh Nghị để làm “bột” thì Khắc Trí-Trọng Tấn lại lấy “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học Vietlex -Hoàng Phê chủ biên (gọi tắt Vietlex) làm “hồ”. Và cũng giống cụ Vũ Chất, một từ có 2,3,4 hoặc 5 nghĩa, tác giả chỉ chép lấy một nghĩa bất kỳ, thậm chí là nghĩa ít thông dụng nhất, hoặc bỏ phần chú thích đi. Bởi vậy, giải nghĩa từ trở thành tình trạng “Thầy bói xem voi”. Ví dụ:

-Vietlex: “Ngưỡng cửa: 1-Thanh dưới của khung cửa ra vào. bước qua ngưỡng cửa; 2-Lúc mới đầu của một quá trình, lúc bước vào một giai đoạn. bước vào ngưỡng cửa đại học”.

-Khắc Trí-Trọng Tấn: “Ngưỡng cửa: thanh ngang phía dưới của cửa ra vào”.

-Vietlex: “bảnh mắt: mở mắt thức dậy [vào lúc sáng sớm]
-Khắc Trí-Trọng Tấn: “bảnh mắt: mở mắt thức dậy”.

-Vietlex: “bách diệp: xem trắc bách diệp. (mục “trắc bách diệp” giải thích: “cây hạt trần, cành mọc đứng, lá dẹp, hình vảy, thường trồng làm cảnh”)

-Khắc Trí-Trọng Tấn: “bách diệp (dt) Trắc bách diệp”. (Làm từ điển là dùng cái biết để định nghĩa cái chưa biết, sao lại dùng cái không biết để định nghĩa cái chưa biết? (lưu ý vần TR. của Từ điển này không có “trắc bách diệp”-HTC)

-Vietlex: “tâm thần: 1-tâm trí, tinh thần. tâm thần bất định;thích đến mê mẩn tâm thần. 2-bệnh tâm thần [nói tắt] bệnh tâm thần; mắc chứng tâm thần.

-Khắc Trí-Trọng Tấn: “tâm thần: tâm trí, tinh thần”

Những lỗi kiểu này rất nhiều.
Vietlex sắp xếp các mục từ có hệ thống khoa học. Ví dụ:

-Vietlex: “Vỗ béo đg [kng] Vỗ cho chóng béo. Vỗ béo đàn lợn”. Người sử dụng từ điển hiểu được “vỗ” ở đây là gì, vì phía trên, (ngay trước đó) mục từ “vỗ”, ngoài nghĩa 1-“vỗ lên bề mặt” và các nghĩa 2-3, Từ điển ghi nhận nghĩa thứ 4 thích ứng với từ "vỗ" trong "vỗ béo": “cho ăn dồn nhiều thức ăn hoặc chăm bón đặc biệt trong thời gian ngắn để cho chóng béo, chóng phát triển”.
-Tuy nhiên, khi Khắc Trí-Trọng Tấn chép lại, đã bỏ bớt nghĩa 2,3,4: Từ “vỗ” chỉ được ghi nhận 1 nghĩa duy nhất: “đập tay vào vật gì. Vỗ vai bạn” rồi đến “Vỗ béo (đgt) Vỗ cho chóng béo. Vỗ béo đàn lợn để bán”. Bởi vậy, từ “vỗ” tiếp theo trong “vỗ cho chóng béo” trở nên rất buồn cười, ngô nghê, què cụt khó hiểu đối với học sinh. (Những lỗi kiểu này rất nhiều)
Nhiều từ, Khắc Trí-Trọng Tấn giải nghĩa rất thô, sai nghĩa, dẫn cả nghĩa cổ không còn dùng, hoặc cóp nhặt cách diễn đạt thiếu chính xác của từ điển khác. Sau đây, chúng tôi nêu ra một số ít ví dụ để bạn đọc tự đánh giá. Ví dụ:

-Ấp (đgt) Nằm phủ lên cho có hơi nóng để nở con.
-Bạc má (dt) Loài cá có vệt trắng hai bên má, hai bên đầu.
-Bãi mìn (dt) Vùng địa hình hoặc vùng biển có đặt mìn.
-Bảo dưỡng (đgt) Chăm sóc nuôi nấng. (nghĩa cổ-Từ điển Đào Duy Anh)
-Bắt ấn (đgt) Nắm tay ở chỗ yếu huyệt để làm cho người ta phải sợi mình.
-Bầy tôi (dt) Người ở trong cương vị làm tôi.
-Bậy bạ (tt) Quá sai lầm, xấu hổ.
-Béo ngậy (tt) Món ăn nhiều mỡ đến phát ngấy (giống Từ điển Nguyễn Lân)
-Bèo ong (dt) Thứ bèo thân nhỏ như con ong.
-Bi kịch (dt) 1-Cảnh buồn thương. 2-Kịch diễn một tích tuồng.
-Bia đá (dt) Tấm bia bằng đá khắc tên tuổi hay chiến công của ai để ghi nhớ.
- Bón lót (đgt) Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa (giống Nguyễn Lân)
          -Bù khú (đgt) Nói chuyện tâm sự với nhau có vẻ đắc ý.
-Ca khúc (dt) Bài hát ngắn gọn, mạch lạc.
-Cộng sản (dt) Thuộc về đảng cộng sản.
-Chạy (đgt) Phóng mình thật nhanh, gót chân không chạm đất.
-Chiến sĩ (dt) Lính đánh giặc.
-Chùa (dt) Nơi thờ Phật (giống Từ điển Nguyễn Lân)
-Chuồng (dt) Nơi nhốt súc vật (giống Từ điển Nguyễn Lân)
-Chùng (tt) Không thẳng ra theo bề dài hoặc bề mặt.
-Binh khí (dt) Vũ khí của lực lượng vũ trang
-Duy vật (dt) Chủ về giá trị vật chất.
-Đãi (đgt) Thết, cho ăn.
          -Đối chất: Đưa ra trước mặt nhau.
          -Đồn điền: Vùng đất được khai khẩn để trồng trọt cây công nghiệp. Đồn điền cao su.
            -Đĩ (dt) Hạng gái chơi bời.
            -Đĩ đực (dt) Đàn ông lẳng lơ.
          -Đứt gánh (đgt) Chia lìa, không còn chung sống với nhau nữa.
          -Gái (dt) Người thuộc về giống cái.
          -Trai (dt) Người nam còn nhỏ tuổi.
          -Hĩm (dt) Người con gái ở nông thôn có bé gái đầu lòng.
          -Huân chương (dt) Huy chương ban cho người có công lao với Tổ quốc.
          -Kén ăn (tt) Có thức ăn ngon mới ăn được cơm.
          -Loạn luân: Có quan hệ nam nữ về xác thịt với nhau giữa những người họ hàng gần, trái với pháp luật và đạo lý.
          -Quan liêu (tt) Lối làm việc cứng ngắc và hách dịch.
          -Quàn (dgt) Chôn tạm một thời gian trước khi đưa đi mai táng.
          -Sàm ngôn (dt) Lời nói không đứng đắn.
          -Sàm sỡ (tt) Suồng sã trong quan hệ giao tiếp nam nữ.
          -Săm soi (đgt) Ngắm một cách thích thú, say sưa.
          -Tác chiến (đgt) Đánh nhau bằng lực lượng vũ trang.
          -Tao (dt) Vợ lấy từ thuở còn nghèo hèn.
          -Têm (đgt) Quệt vôi vào miếng trầu để ăn.
          -Thác loạn (tt) Quá lộn xộn, không còn nền nếp, trật tự bình thường.
          -Tùm lum (tt) Truyền ra ai cũng biết và có tính cách xấu xa.
          -Tử nạn (đgt) Chết do giặc giã, loạn lạc.
          -Vay (đgt) Mướn, mượn có trả lãi.
......
Những kiểu sai, chưa chính xác, đầy đủ như trên khó có thể liệt kê hết.
Gọi là “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2-3”, nhưng sách không hề có tiêu chí biên soạn hay dấu hiệu nào gọi là “dành cho học sinh lớp 2-3”. Ví dụ với học sinh tiểu học, những từ liên quan đến nhận biết thế giới xung quanh, mô tả màu sắc, hương vị rất quan trọng (các em thường xuyên phải sử dụng trong các bài văn miêu tả); cần có cách diễn đạt, giải nghĩa riêng, phù hợp với cấp học. Tuy nhiên phần lớn từ điển không ghi nhận, giải thích: Đỏ chót, đỏ chói, đỏ ửng, đỏ lòm, đo đỏ... Đen sì, đen kịt, đen sạm, đen nhức, đen ngòm, đen đen...; Trắng toát, trắng ngần, trắng nõn, trắng ngà, trắng xanh, trăng trắng..; Xanh ngắt, xanh ngát, xanh rờn, xanh non, xanh mơn mởn, xanh mướt, xanh đen...Thơm nức, thơm lừng, thơm lựng, thơm ngát...không thấy có trong từ điển.
Tuy nhiên, sách lại thu nhận rất nhiều từ kiểu như: Đĩ; Đĩ đực (hai từ này bị giải nghĩa sai); Bao cao su; Điếm; Đĩ điếm; Quang dẫn; Triết thuyết; cộng sản; duy vật ("duy vật" giải nghĩa sai); Trinh; Trinh tiết; Màng trinh; Bán dâm; Bạo dâm; Cuồng dâm; Hồ, Xự, Xang, Xê, Cống  (5 cung); Ban bạch (bệnh); Bán hạ (vị thuốc) Thục địa (thuốc) An tức hương (một thứ nhựa thơm) Bát nhã,v.v...
Rồi các từ láy, phương ngữ (?) lạ hoắc thì nhiều vô kể: áy o-chần chừ; cỡn cờ-lẳng lơ; be he-người có tính ve vãn phụ nữ; òn ỷ-rủ rỉ nài xin; ỏe họe-chê bai, bắt bẻ; òi ọp-yếu đuối, hay đau ốm; ột ệt-Có vẻ nặng nề; Vúc vắc-khó ưa...Chúng tôi không có ý bài trừ phương ngữ. Tuy nhiên, mục đích của Từ điển này là giúp các em nhỏ giải nghĩa từ phổ thông hay học thổ âm, thổ ngữ?
Từ điển ghi ngoài bìa có 2 phần “Giải nghĩa từ và Mở rộng vốn từ”. Phần “Mở rộng vốn từ” là dấu hiệu duy nhất của “từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2-3”. Tuy nhiên phần này chỉ có 16 trang trong tổng số 623 trang, liệt kê (không giải nghĩa) một số từ thông dụng (sao lại gọi “mở rộng vốn từ”?). Và điều đáng nói là nó sai bét. Ví dụ:
-Mục “Tên một số loài chim gọi theo hình dáng, từ điển liệt kê “chim két, chim sáo...”. Nhưng hai loài chim này được đặt tên dựa theo tiếng kêu (Chim két vừa bay vừa kêu: két...két, chim sáo đậu trên cành cao, thỉnh thoảng huýt như tiếng sáo thổi vi vu trong gió).
-Mục “Tên cách loài chim gọi theo cách kiếm ăn liệt kê “chim cú, chim bìm bịp...”. Nhưng hai loài chim này được gọi tên dựa theo tiếng kêu. Chim cú đi ăn đêm hay kêu: cú rúc...cú rúc (còn gọi là "cú bói"); chim bìm bịp hay kêu: bịp...bịp... trong bụi cây.
-“Mít”, là cây ăn quả, nhưng từ điển xếp vào “cây lấy gỗ”, bên cạnh “thông, xoan, sến...” (gỗ mít rất tốt, nhưng lâu khai thác. Người ta chỉ khai thác gỗ khi không còn thu quả nữa)
-“Dạ lý hương, sứ” là cây cảnh (chơi hương, chơi hoa) lại được Từ điển xếp vào “cây bóng mát” bên cạnh “bàng, me, đa...”
-“Chim, cá” không hiểu sao Từ điển xếp vào nhóm vật nuôi “chó, gà, lợn, vịt, ngỗng, trâu bò...”. Còn “rắn, trăn gió” lại được xếp vào nhóm “thú dữ” như: “hổ, báo, sử tử, gấu...” ? Thành ngữ “Nhanh như cắt” lại bị chép thành “Nhanh như két”.
          - Mục "Một số dân tộc thiểu số ở miền Bắc", thấy kể tên: "Tây, Thái, Mường, Hoa, Mèo (Hmông), Dao, Nùng...". Người "Tây" có thể đoán do đánh máy lầm từ "Tày", nhưng không biết dân tộc "Hoa" là "Hoa" nào? Là Mèo Hoa chăng? Tuy nhiên, vì sao "Hoa" lại đứng trước "Mèo"?

 
(Nhân đây xin nói thêm, lỗi chế bản của Từ điển rất nhiều. Ví dụ: Báo oán thành bá oán (45); mút (mút kẹo) thành "nút" (tr.129) Nghèo "túng" thành nghèo "tùng" (144); Chắt lọc thành "chất" lọc (174) Rừng thành "rừn" (tr316) Cây "vầu" thành cây "vẩu" (564) “chiều chuộng” viết thành “chìu" chuộng; “cưng chiều” viết thành cưng "chìu”(tr608) Nghĩa "của từ" thành nghĩa "củ từ" Cuộc đời thành "xuộc đời" (tr612)....Có những đoạn không biết lỗi gì, nhưng đọc lên không thể hiểu nổi: "Hồ: nơi có đất trũng, chưa 1 nước, tương đối rộng và sâu..." (phải chăng là "chứa 1 lượng nước"?).... Ngoài ra, rất nhiều trang, lỗi kỹ thuật in, chữ chồng lên chữ không đọc được. (Cách làm cẩu thả này rất giống với
Món “sách lừa” của NXB Đồng Nai mà chúng tôi đã có bài viết phản ánh gần đây)

          Phải chăng, các ông Khắc Trí-Trọng Tấn và NXB Đồng Nai tự thấy chất lượng của Từ điển này đến đâu nên cũng chẳng cần quan tâm, cầu kỳ khâu chế bản, in ấn cho lắm?

Những lỗi trên đây trong cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 2-3"-XB 2012 ("dành cho lớp 2-3" là theo "Lời nói đầu", thực tế ngoài bìa ghi "dành cho lớp 1,2,3"). Ra hiệu sách SAHABA tìm hiểu chúng tôi thấy đồng tác giả Khắc Trí-Trọng Tấn NXB Đồng Nai còn có "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 4" "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lớp 5"(đều XB quý II/2014). Nhận xét tổng thể của chúng tôi:
-Nội dung hai cuốn xuất bản 2014 cơ bản giống cuốn XB 2012. Nghĩa là lặp lại toàn bộ những cái sai của cuốn trước. Nếu có bổ sung từ mới cũng trong tình trạng nhiều từ giải thích sai hoặc không chính xác. Các lỗi chính tả, lỗi đánh máy của hai cuốn sau y nguyên cuốn trước, đồng thời xuất hiện thêm các lỗi mới. Đáng chú ý, hai cuốn Từ điển XB 2014 có sửa lại 2 từ, nhưng các tác giả lại thay cái sai này bằng cái lầm khác:
          -Cuốn 2 dành cho lớp 4 sửa từ "Ba ba (dt) Rùa nhỏ ở nước ngọt, có mai đẹp, phủ da, không vảy" thành "Loài rùa biển, mai dày, thịt có sớ to như thịt bò". Tuy nhiên, ba ba không chỉ có ở biển mà còn phân bố rất rộng ở môi trường ao đầm, sông hồ nước ngọt. Bởi vậy, "rùa nhỏ ở nước ngọt" hay "loài rùa biển" đều không phải là định nghĩa đúng, đầy đủ của "ba ba".
-Cuốn 3 dành cho lớp 5, sửa từ "Ai điếu (dt) Bài văn chia buồn với người đã chết" thành: "Bài văn đọc trước linh cữu người chết đại khái kể tiểu sử người chết và tỏ lòng mến tiếc của người sống". Nhưng như vậy, các tác giả lại lẫn lộn giữa "điếu văn" với "ai điếu". Vì "điếu văn" là bài văn viếng người chết (danh từ) chứ không phải "ai điếu"-lời điếu xót thương ("ai" = thương xót, buồn đau, tiếc nhớ-tính từ).
Phần “Mở rộng vốn từ” của các cuốn lớp 4, lớp 5 cũng trong tình trạng thỉnh thoảng lại chen vào một lỗi rất ngớ ngẩn. Ví dụ "Từ chỉ phẩm chất của người nam”: “mạnh mẽ, dũng cảm...nặng nề,..kín đáo...” (?) Những thành ngữ tục ngữ về “phẩm chất người Việt”: “...dám làm dám chịu, cam làm quýt chịu...” (?!) Vậy phẩm chất cũng giống thói xấu hay sao? 
v.v...
Chất lượng từ điển là vậy. Thế nhưng trong "Lời nói đầu" "Nhóm biên soạn" đã tự tin giới thiệu: "Với cách trình bày chính xác, rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, lại vừa đủ tinh tế..."; "...phương pháp giải nghĩa dựa trên cách nghĩ, cách nhận cảm (đúng ra phải là "cảm nhận" mới đúng chứ nhỉ?-HTC) kiểu tư duy của người Việt..." (!?)
Nếu lấy "Từ điển tiếng Việt" của Vietlex để so sánh thì chúng tôi cho rằng cuốn của Vietlex phù hợp, xứng đáng với cái tên "dành cho học sinh" hơn vì độ tin cậy cao, cách giải nghĩa chính xác, rõ ràng, dễ hiểu. Còn cuốn của Khắc Trí-Trọng Tấn có chăng nên "dành cho người lớn" vì chỉ người lớn mới có thể nhận biết được đủ kiểu sai, từ giải nghĩa từ, đến lỗi chính tả, lỗi đánh máy...của Từ điển mà tránh. [2]
Không rõ, Cục xuất bản phán vụ này thế nào. Bởi cả ba cuốn "Từ điển tiếng Việt" dành cho học sinh của Khắc Trí-Trọng Tấn với đầy rẫy những sai sót nêu trên đều được Cục xuất bản xác nhận Kế hoạch xuất bản và NXB Đồng Nai cấp Quyết định xuất bản [3]
                                                 HTC Thanh Hóa/25/10/2014 
Chú thích:


[1]-Thực tình, chúng tôi không biết Khắc Trí-Trọng Tấn là ai. Hỏi người trong "làng biên soạn từ điển" thì nhận được câu trả lời không biết. Họ nói tra trong "Từ điển về từ điển" cũng không thấy tên tuổi hai ông. Bởi vậy, chúng tôi mạo muội phỏng đoán hai ông là "môn đồ của cụ Vũ Chất". Nếu không phải, mong hai ông đánh hai chữ "đại xá" !
   [2]-Từ điển học sinh quan trọng như sách giáo khoa. Bởi vậy, biên soạn từ điển cho học sinh, đặc biệt cấp tiểu học rất quan trọng. Lại khó ở chỗ cách giải nghĩa từ vựng sao cho chính xác, dễ hiểu, giúp các em có thể hình dung ra các sự vật, hiện tượng còn hoàn toàn mới lạ.
[3]- Một số ý kiến độc giả thắc mắc tại sao Tuấn Công thư phòng đã giới thiệu bài tiếp theo về những sai lầm của PGS,TS Nguyễn Công Lý trong "Giải thích từ và ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa..." nhưng đã gần hai tháng qua vẫn không thấy tiếp tục, phải chăng có sự tác động hay can thiệp nào đó? Chúng tôi xin trả lời là không phải. Sở dĩ lâu nay gác lại vì chúng tôi ưu tiên các vấn đề mang tính "thời sự" hơn. Và Tuấn Công thư phòng sẽ trở lại vấn đề của GS,TS Nguyễn Công Lý sau khi đăng bài này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét