Hoàng Tuấn Công
Ngay sau khi đăng kỳ II bài viết "Những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý trong sách "Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa..." (10/11/2014) một độc giả của Tuấn Công thư phòng gửi cho chúng tôi đường link bài viết của Trúc Phong-học trò PGS.TS Nguyễn Công Lý, tiêu đề: "Về những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý | Trúc Phong" và đề nghị chúng tôi cho biết ý kiến.
Bài
của Trúc Phong trên trucphongpnk.blogspot.com đã đăng
cách đây hơn 1 tháng (30/9/2014)-tức sau khi chúng tôi đăng kỳ I (6/9/2014) gần
1 tháng. Quả tình, nếu không được dẫn link, chúng tôi cũng không biết có một
bài viết như vậy.
Trúc Phong cho biết,
ông là “một
biên tập viên chuyên nghiệp” (...) "cần trao đổi với người viết bài
này" (tức bài của tôi-Hoàng Tuấn Công) và "nói trước là tôi đang biện hộ cho
thầy tôi đấy!"
Vậy, Trúc Phong “biện hộ” cho thầy mình thế nào?
Ý Trúc Phong cho rằng
chúng tôi đã “đánh
tráo khái niệm”, mà ông lại “là người không thích đánh tráo khái niệm (...) Cãi nhau
ầm ĩ khi các khái niệm bị hiểu lộn xộn thì "ông nói gà, bà nói vịt",
không hay cho lắm”.Thế nên Trúc Phong đã mất công giảng giải lại cho chúng tôi và
bạn đọc biết thế nào là từ, thế nào
là tự, thế nào là từ Hán Việt, từ đồng âm khác nghĩa...
Trúc Phong “biện hộ” cho thầy học của mình ở hai
điểm chính:
1-Chỉ ra“Những nhận định
sai lầm trong bài viết” (của tôi-HTC)
2-Lý giải tại sao thầy
Lý “lại dùng
"từ điển" của Đào Duy Anh thay vì "tự điển" của Thiều Chửu,
hoặc "từ điển" của Trần Văn Chánh...” (vì trong kỳ I, chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao giải nghĩa
hàng trăm, hàng ngàn yếu tố Hán Việt
và từ Hán Việt mà thầy Lý lại chỉ căn
cứ vào mỗi cuốn từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh, dẫn đến những sai sót
không đáng có)
1-Về “Những nhận định sai lầm trong bài viết”,
Trúc Phong viết:
“Thứ nhất, người viết dường như đã quên mất rằng, không phải mọi
"chữ Hán" đều là "từ Hán Việt"... (HTC gạch chân).
Đúng vậy, “không phải mọi "chữ Hán" đều là "từ Hán
Việt", chúng tôi hiểu. (Trúc Phong phân
tích khá công phu, nhưng tôi xin không trích lại. Độc giả có thể theo link đầu
bài viết này để tham khảo).
Tuy nhiên, nếu Trúc
Phong đọc kỹ bài viết, thậm chí chỉ cần đọc kỹ đoạn tôi trích dẫn dưới đây(*) sẽ thấy, đối tượng “giải thích” và “mở rộng”
của thầy Lý không chỉ là “từ Hán Việt”
mà còn có “yếu tố Hán Việt”. (xin xem
ảnh “Bảng kê các yếu tố Hán Việt...” trong
sách của thầy Lý) Mà “yếu tố Hán Việt” là
gì? Nó chính là tự (chữ Hán), bộ phận
cấu tạo nên từ Hán Việt đó thôi. Ví
dụ chữ kiên 堅 = bền
chặt, là yếu tố Hán Việt để tạo
nên các từ như: kiên cố, kiên định, kiên quyết...Chẳng lẽ Trúc Phong giảng giải cho
chúng tôi nghe về từ và tự khác nhau thế nào mà lại không hiểu
điều đó? Vậy, chỉ có thể giải thích là ông đã không đọc kỹ bài viết của chúng
tôi.
(*)-Trong bài kỳ I, chúng tôi viết: sách “Giải nghĩa từ ngữ Hán Việt...” thầy Lý chủ trương cung cấp
vốn từ của 220 yếu tố Hán Việt có trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở, “Đồng thời tài liệu cũng
mở rộng, cung cấp thêm một số từ Hán Việt thường
gặp mà sách giáo khoa
không nêu và cung cấp
các từ đồng âm của các yếu tố
Hán Việt (nếu có)” (trích Lời nói đầu- HTC
nhấn mạnh) là việc làm rất cần thiết. Rất tiếc thực tế lại không giống
nhưng những gì Thầy nói”.
(tức có những từ và yếu tố Hán Việt đồng âm, nhưng thầy Lý
thấy trong “Hán Việt từ điển”
của Đào Duy Anh không có, thầy sẽ kết luận là không có)
Như vậy, về điểm “Thứ nhất”, chúng tôi không hề “quên mất rằng, không phải mọi "chữ
Hán" đều là "từ Hán Việt", cũng không “nhận định sai lầm” cho thầy Lý như Trúc Phong nhận xét.
2.Trúc
Phong viết: “Thứ hai, người viết mải
mê tìm những lỗi sai trong cuốn sách mà quên mất rằng, nên cần một cái nhìn rõ
ràng hơn về quan điểm của người viết”, và
cho rằng:
“cái lỗi lớn nhất trong cuốn sách của thầy tôi - PGS Nguyễn Công Lý - chính là:
Thay vì khẳng định rõ ràng các khái niệm lớn như ở phần trên để tránh hiểu lầm,
lại tiến vào nội dung quá nhanh (không rõ là do tôi không biết, hay là bản thân
cuốn sách không có mục này)”.
Từ đó, Trúc Phong khẳng
định:
“Mặc dù tôi cũng không
tin rằng, trong tất cả các cuốn sách giáo khoa ngữ văn, không có cuốn nào có chữ
"tiền" nghĩa là tiền bạc, hay "phú" nghĩa là cấp cho, và
"bạch" nghĩa là lụa (một sai lầm thực sự đáng trách đối với 1 người
nổi tiếng tỉ mỉ như Nguyễn Công Lý), nhưng "hạt sạn" trong sách
không nhiều như bài viết nêu ra đâu! Cười! Hơn 1 nửa trong số đó là sai
lầm của bài viết tôi đã trình bày ở trên, một số ít các trường hợp còn lại
nằm trong mâu thuẫn về khái niệm giữa tác giả bài viết và tác giả cuốn sách:
Thế nào là từ "đồng âm khác nghĩa"?
Như vậy, Trúc Phong cho
rằng, đối tượng của sách là “từ” nên
thầy Lý không ghi nhận “tự” là đúng.
Và ông kết luận những: "hạt sạn" trong sách không nhiều như bài viết
nêu ra đâu! (...) Hơn 1 nửa trong số đó là sai lầm của bài viết”
(tức sai lầm của chúng tôi)
Dĩ nhiên,
đó là những nhận định sai của Trúc Phong, vì ngay từ đầu ông đã không hiểu “yếu tố Hán Việt” chính là đơn vị “tự” (chữ). Nhớ lại, trong bài kì I,
chúng tôi đã viết như sau: “Ở mục từ
"đường" 堂 thầy Lý
kể thêm một số "Từ
đồng âm khác nghĩa" như: "đường 鏜-Tiếng trống; đường 塘-Bờ đê, cái ao hình vuông...". Những yếu tố Hán Việt này rất hiếm xuất hiện trong từ
ngữ văn chương hoặc lời ăn tiếng nói hàng ngày. Tuy nhiên thầy
Lý vẫn ghi nhận chúng trong mục "Từ
đồng âm khác nghĩa", lý gì lại bỏ qua những yếu tố Hán Việt
đồng âm khác nghĩa rành rành khác mà chúng tôi đã nêu?”
Về điều này, chính Trúc
Phong cũng phải thừa nhận: “Tác giả cuốn sách (tức
GS.TS Nguyễn Công Lý-HTC) cũng "nhập
nhằng" ra trò khi lôi "đường" nghĩa là nhà chính ra làm
"từ đồng âm khác nghĩa" với "đường" - Tiếng trống...”
Điều mà Trúc Phong gọi
là “nhập nhằng” thực ra là do lỗi của
PGS.TS Nguyễn Công Lý. Vì với đề mục “Từ
đồng âm khác nghĩa”, lẽ ra thầy Lý phải viết đầy đủ: Từ và yếu tố Hán Việt đồng âm, khác nghĩa. Nhưng, có lẽ do muốn
ngắn gọn nên hai khái niệm từ và yếu tố Hán Việt, thầy Lý gọi chung là “từ”
cả. Chúng tôi không vì thế mà “bắt lỗi” thầy Lý không phân biệt được từ và tự. Bởi trong “Lời nói đầu”
thầy Lý đã phân biệt rạch ròi và xác định rõ sẽ thu nhận, giải thích cả từ và tự (ở đây được hiểu một đơn vị tự tương đồng với một từ tố,hay yếu tố Hán Việt) đồng
âm khác nghĩa.
Trong bài
kỳ I, chúng tôi viết: “Với yêu cầu giải nghĩa 220 yếu tố Hán Việt có trong sách Ngữ văn các lớp
6,7,8,9 và mấy ngàn từ ngữ của các yếu tố Hán Việt mở rộng có liên quan, mà
thầy Nguyễn Công Lý chỉ dựa vào 3 đầu sách trên làm tài liệu tham khảo kể ra
hơi ít.Thậm chí là quá ít để Thầy vận dụng một phương pháp
biên soạn có thể nói rất “ngây thơ”
và “dại dột”. Đó là: căn cứ vào "Hán Việt từ điển" của
Đào Duy Anh để khẳng định với"các thầy giáo, cô giáo và các em học
sinh" từ và yếu tố Hán Việt A hoặc B nào
đó có hay không có “từ đồng âm khác nghĩa”.
Về điều này, một mặt
Trúc Phong thừa nhận: “ngay cả khi người viết là
một người có uy tín như thầy tôi - PGS.TS. Nguyễn Công Lý cũng không đủ căn cứ
để mô tả hàng trăm từ Hán Việt như vậy.”
Tuy nhiên, theo Trúc
Phong, thầy Lý có cái lý của mình. Bởi Thầy chỉ giải nghĩa từ Hán Việt
nên “tác
giả cuốn sách lại dùng "từ điển" của Đào Duy Anh thay vì "tự
điển" của Thiều Chửu, hoặc "tự điển" của Trần Văn Chánh...”
là đúng. Theo Trúc Phong: “Nguyên nhân có thể đoán
ra được là: Trong số ba cuốn "điển" trên, chỉ có đúng một mình cuốn
của Đào Duy Anh là mô tả "từ Hán Việt" thay vì là "chữ Hán...".
Và ông kết
luận: “Thiết nghĩ, lý do chỉ chọn cuốn sách này cũng đã quá rõ ràng
rồi!
(Nếu người đọc còn thắc mắc, xin xem khái niệm thứ
2 trong bài viết này-tức khái niệm về từ Hán Việt-HTC)
Trúc Phong phân tích
thêm: “Tự điển Thiều Chửu là một cuốn tự điển phổ
thông và có nội dung khá đầy đủ, nhưng vì là "tự điển" nó không phân
biệt cho người sử dụng, đâu là "chữ Hán", đâu là "chữ Hán trong
từ Hán Việt". Trong khi đó, mục từ kiểu như thế này trong từ điển của Trần
Văn Chánh lại nằm trong phần "tự" chứ không phải "từ". Nếu
cần, "Từ điển Hán Việt từ
nguyên" của Bửu Kế có lẽ là một cuốn sách đáng để tham khảo trong
trường hợp này”.
Thiết nghĩ, chúng tôi
không cần nói gì thêm, mà chỉ đề nghị Trúc Phong đọc kỹ lại bài viết của chúng
tôi. Đó đã là câu trả lời rồi.
Tuy nhiên, chúng tôi
muốn lưu ý: có lẽ ông Trúc Phong đã quan niệm quá máy móc về cách dùng “từ điển” và “tự điển”. Bởi trong “từ
điển” không chỉ có “từ” mà (dĩ
nhiên) còn có “tự” (vì tự là yếu tố Hán Việt cấu tạo nên từ-
thường được nhà biên soạn nêu ra và giải nghĩa chung ở đầu mỗi mục từ). Trong
“tự điển” cũng không chỉ có “tự” mà còn có cả “từ” (các ví dụ, trích dẫn về từ,
ngữ của nhà biên soạn. Ví dụ, chữ nguyên 元 = mới, đầu,
Thiều Chửu đã liệt kê và giảng tới 18 từ, ngữ có chữ nguyên như: nguyên niên, kỷ nguyên, nguyên nguyệt,
nguyên nhật, nguyên lão, trạng nguyên, nguyên thủ...). Bởi vậy, ngay cả với
sách chỉ giải nghĩa từ Hán Việt, nếu
tham khảo tự điển cũng sẽ rất bổ ích
và không bao giờ là thừa(*) Vì “tự” cấu
tạo nên “từ”. Hiểu đúng, hiểu sâu về
nghĩa của “tự” sẽ góp phần hiểu chính
xác, hiểu sâu về nghĩa của “từ”.
Huống chi, mục đích sách của thầy Lý là mở rộng cả vốn từ Hán Việt lẫn yếu tố Hán Việt
(tự) cho giáo viên và học sinh. Vậy, việc tham khảo thêm “Hán Việt tự điển” của
Thiều Chửu hay “Tự điển Hán Việt” của Trần Văn Chánh sao có thể gọi là không
cần thiết?
(*)Xin
đưa ra một ví dụ: Chữ “tải”, “Hán
Việt từ điển” của Đào Duy Anh chỉ đưa ra hai âm đọc là tái và tải, với 4 nghĩa: âm “tải”: chở đồ hàng bằng xe thuyền hoặc
lừa, ngựa; âm “tái”: Chở xe; Chịu người ta giao cho; Mới bắt đầu; Đặt việc. Trong
khi “Hán
Việt tự điển” của Thiều Chửu ghi nhận 3 âm đọc: tái, tại, tải, và giảng tới 9 nghĩa; “Tự điển Hán Việt” của Trần
Văn Chánh giảng 13 nghĩa. Riêng tự điển của Thiều Chửu giảng một nghĩa rất quan
trọng mà sách của Đào Duy Anh và Trần Văn Chánh không có, đó là “Tải 載-
Năm, nhà Hạ 夏
gọi là tuế 歲. Nhà Thương 商
gọi là tự 祀. Nhà Chu 周
gọi là niên 年. Nhà Ðường 唐,
nhà Ngô 吳 gọi là tải 載”.
Chính GS Nguyễn Lân trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”,
vì tham khảo “Hán Việt từ điển” giản-yếu của cụ Đào Duy Anh, mục chữ “tải” thấy chỉ giảng duy nhất một nghĩa
là: “chở đồ hàng bằng xe thuyền hoặc lừa,
ngựa”, nên mới giảng sai chữ “tải” trong
câu thành ngữ gốc Hán “Thiên tải nhất
thì” là “tải: nghĩa đen là chở đi”, trong khi “tải” này nghĩa là “năm” (Ngàn năm mới có một lần) như
Thiều Chửu đã giảng.
Sở dĩ người ta phải sử dụng rất nhiều từ điển, tự điển cũng vì lẽ đó. Cuốn này bổ khuyết cho cuốn kia. Không có cuốn từ điển, hay tự điển nào đầy đủ hết tất cả, hoặc có thể thay thế cho tất cả các cuốn khác. Đôi khi, những từ, tự cần tìm lại không nằm trong những cuốn từ điển, tự điển tên tuổi. Trong khi, như chúng tôi đã nói trong bài kỳ I, không ai hạn chế số lượng sách tham khảo của thầy Lý.
Trúc Phong
khuyên thầy mình: “...Vậy nên, có chăng là
nên thêm 1 vài cuốn từ điển khác kiểu như Khang Hi, hay từ điển Hán Việt
từ nguyên gì đấy! Nó làm cuốn sách chính xác hơn”.
Nhưng, Trúc Phong vừa “biện hộ” việc thầy Lý không sử dụng “tự điển” của Thiều Chửu và Trần Văn
Chánh để tham khảo giải nghĩa từ là
đúng, sao cuối cùng lại khuyên thầy Lý nên sử dụng “Khang Hy tự điển”? Căn
cứ nguyên văn câu của Trúc Phong tôi trích dẫn trên, hình như ông cũng không rõ
Khang Hy từ điển hay Khang Hy tự điển?
Cũng cần nói thêm “Từ điển Hán Việt từ nguyên”
của Bửu Kế thiên về nguồn gốc, nghĩa gốc,
nghĩa cổ của từ, đâu phải là một lựa chọn hoàn hảo và phù hợp với yêu cầu
mở rộng vốn từ Hán Việt ở cấp Trung học cơ sở? [1]
Tôi nghĩ, Trúc Phong là
người khách quan và trung thực, nặng tình thầy trò đáng trân trọng. Ông đã không
đứng ngoài cuộc khi thấy có người nói “oan” cho thầy mình. Tuy nhiên, như Trúc
Phong đã thừa nhận: "cũng không rõ lắm về cuốn sách" của thầy mình-PGS.TS Nguyễn Công Lý; lại không
đọc kỹ bài viết của chúng tôi, dẫn đến thực tế ngoài ý muốn: “biện hộ” lại trở thành “ngụy biện” !Điều này rõ ràng không có lợi. Với
Hoàng Tuấn Công: độc giả (và ngay cả Trúc Phong) ngỡ rằng tôi cố tình “đánh tráo khái niệm” nói sai cho thầy Lý. Với Trúc
Phong: những người đọc kỹ và hiểu rõ hai bài viết sẽ hiểu lầm ông vì tình riêng mà
thiên vị thầy học PGS.TS Nguyễn Công Lý, “...ra
dáng một người không có chút tinh thần khoa học nào nữa rồi!” (chữ của
Trúc Phong). Dù đầu bài viết, ông đã dẫn trước câu nói của Aristotle: "Tôi yêu thầy tôi, nhưng tôi còn yêu chân lý
hơn". Phần độc giả, nhiều người sẽ thấy bị “nhiễu” thông tin,
không biết ai đúng, ai sai. Cuối cùng, thầy Nguyễn Công Lý nếu biết, dẫu cảm kích về tình thầy trò, chắc cũng không dám nhận lời "biện hộ" của học trò Trúc Phong.
Bởi vậy, chúng tôi xin có đôi lời, gọi là phân trần với Trúc
Phong và bạn đọc. Để hiểu rõ hơn vấn đề, Trúc Phong và độc giả có thể xem lại
Kỳ I, Kỳ II và đón xem Kỳ III-cũng là kỳ cuối của loạt
bài “Những sai lầm trong
sách “Giải thích từ, ngữ Hán Việt...” của PGS.TS Nguyễn Công Lý”.
Cảm ơn anh Trần Phi
Điệp (tranphidiep@gmail.com - người
gửi link bài viết "Về
những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý của Trúc Phong"
cho tôi) cùng độc giả đã quan tâm tới chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng.
HTC/Thanh Hóa/12/11/2014
Chú thích:
[1]-Cách lựa chọn tài liệu tham khảo của PGS.TS Nguyễn Công Lý có khá nhiều vấn đề, bởi nó không chỉ thiếu mà còn lạc hậu. Ngoài cuốn từ điển cổ của cụ Đào Duy Anh, nhiều từ, ngữ Hán Việt không còn phù hợp với nghĩa tiếng Việt hiện đại như chúng tôi đã nói, cách lựa chọn hai cuốn Từ điển tiếng Việt còn lại cũng có điều cần nói. Ví dụ: Sách "Giải thích từ ngữ Hán Việt..." xuất bản năm 2011, thế nhưng, thầy Lý lại chọn "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên) bản xuất bản 1994 (trước đó tới 17 năm) và "Đại từ điển tiếng Việt" (Nguyễn Như Ý chủ biên) xuất bản 1999 (trước đó 13 năm). Hình như thầy Lý không biết rằng, "Từ điển tiếng Việt" được Trung tâm từ điển học-Vietlex (do Hoàng Phê sáng lập) đã tái bản, sửa chữa bổ sung rất nhiều từ ngữ. Bởi vậy, ngay cả với một cuốn từ điển cùng tác giả, việc tìm hiểu quá trình biên soạn, tái bản để cập nhật thông tin cũng là điều rất cần thiết đối với người sử dụng. Với một công việc quan trọng như của thầy Lý, điều này càng không thể xem nhẹ.
Chú thích:
[1]-Cách lựa chọn tài liệu tham khảo của PGS.TS Nguyễn Công Lý có khá nhiều vấn đề, bởi nó không chỉ thiếu mà còn lạc hậu. Ngoài cuốn từ điển cổ của cụ Đào Duy Anh, nhiều từ, ngữ Hán Việt không còn phù hợp với nghĩa tiếng Việt hiện đại như chúng tôi đã nói, cách lựa chọn hai cuốn Từ điển tiếng Việt còn lại cũng có điều cần nói. Ví dụ: Sách "Giải thích từ ngữ Hán Việt..." xuất bản năm 2011, thế nhưng, thầy Lý lại chọn "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên) bản xuất bản 1994 (trước đó tới 17 năm) và "Đại từ điển tiếng Việt" (Nguyễn Như Ý chủ biên) xuất bản 1999 (trước đó 13 năm). Hình như thầy Lý không biết rằng, "Từ điển tiếng Việt" được Trung tâm từ điển học-Vietlex (do Hoàng Phê sáng lập) đã tái bản, sửa chữa bổ sung rất nhiều từ ngữ. Bởi vậy, ngay cả với một cuốn từ điển cùng tác giả, việc tìm hiểu quá trình biên soạn, tái bản để cập nhật thông tin cũng là điều rất cần thiết đối với người sử dụng. Với một công việc quan trọng như của thầy Lý, điều này càng không thể xem nhẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét