“TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM”
của GS Nguyễn Lân
Hoàng Tuấn Công
Từ điển là sách công cụ tra cứu, kho cứ liệu chuẩn mực, tin cậy để người dùng vận dụng chính xác từ ngữ, khái niệm, vấn đề cần tìm. Bởi thế, yêu cầu tối quan trọng của từ điển là phải chính xác. Sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân xuất bản lần đầu năm 1989, khi ông còn trường mạnh. Tuy nhiên cũng như hai cuốn “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (XB1989) và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” xuất bản sau đó hơn 10 năm, “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân có quá nhiều sai sót.Mà nói như Cụ An Chi: “Uy tín của người viết sai càng lớn thì cái hại càng lớn vì người ta dễ tin theo những người đã thành danh”. Nếu những sai sót đó được nhiều người biết đến sẽ tránh được tình trạng “Dĩ hư truyền hư”, “Tiền mất tật mang” cho độc giả. Vậy nên có loạt bài viết này.
Những chữ in nghiêng, nghiêng đậm là của GS Nguyễn Lân. Phần gạch đầu dòng là trao đổi của Hoàng Tuấn Công:
“TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT NAM”
DĨ HƯ TRUYỀN HƯ 1
Giải thích sai nghĩa đen, hoặc không giải thích, ghi sai, ghi nhầm dị bản dẫn đến hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ tục ngữ dân gian:
Thông thường, thành ngữ, tục ngữ dân gian đều có nghĩa đen (điều có thật, chuyện thực tế diễn ra như thành ngữ, tục ngữ nói) và nghĩa bóng (hàm ý của câu thành ngữ, tục ngữ). Nhiệm vụ của người làm từ điển (nếu khoa học, chặt chẽ) phải giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng và cách dùng của câu thành ngữ tục ngữ. Thậm chí thành ngữ, tục ngữ có mấy cách hiểu về nghĩa đen, mấy cách hiểu về nghĩa bóng, quan điểm riêng của tác giả ra sao hoặc những câu thành ngữ hiện chưa rõ nghĩa đen thế nào, chỉ biết nghĩa bóng và cách dùng cũng cần nói rõ. Tuy nhiên, cách biên soạn của GS Nguyễn Lân khá tuỳ tiện. Có câu giải thích nghĩa đen, có câu lại lờ đi, giải thích nước đôi, chung chung hoặc giải thích sai nghĩa đen dẫn đến hiểu sai ý câu thành ngữ, tục ngữ:
Bụng đói như bò bắt nợ (Con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói, chẳng béo tốt gì) ý nói: đói quá.
- Đói có muôn vàn kiểu đói, sao lại ví “đói như bò bắt nợ” ? Câu này không đơn giản chỉ là “ý nói: đói quá”, đói vì “con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói” như GS hiểu sai nghĩa đen và suy diễn. “Chó gầy xấu mặt nhà nuôi” vì chó ăn theo người. Nhà nghèo, người còn thiếu cơm ăn, chó làm sao béo tốt được ? Nhưng bò đâu có ăn cơm, thóc lúa, lương thực ? Nó ăn cỏ và uống nước lã. Thế nên, bò nhà nghèo vẫn béo tốt như thường. Thậm chí được chăm sóc cẩn thận và rất béo tốt, bởi đó là cả gia tài của họ. Hơn nữa, có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến bị bắt nợ. Không hẳn nhà nghèo mới bị bắt nợ. Vậy sao lại “đói như bò bắt nợ” ? Thực ra “bò bắt nợ” là con bò bị chủ nợ bắt về, bị buộc (nhốt) một chỗ (gây sức ép buộc con nợ phải lo trả nợ và tránh bị đánh tháo). Trong khi chưa chính thức thuộc quyền sở hữu của chủ nợ (bởi con nợ có thể đến chuộc) thì bò không được chăm sóc, cho ăn uống gì, luôn thể hiện vẻ sợ hãi, bồn chồn.
Ý thành ngữ là bị đói khát trong hoàn cảnh rất trớ trêu, bơ vơ nơi xa lạ, không được ăn uống chăm sóc, cũng không thể tự đi tìm kiếm thức ăn được…
Im như thóc đổ bồ (Người có thóc đổ vào bồ không muốn cho người ngoài biết, sợ người ta vay mượn) Ý nói im lặng một cách ích kỷ.
-GS không hiểu nghĩa đen câu thành ngữ nên giải thích sai. “Im” ở đây không phải tả động tác đổ thóc vào bồ một cách nhẹ nhàng, kẻo có người (đang rình ở xó nhà hay bờ vách nhà mình chăng ? !) nghe tiếng rào rào của thóc chảy vào bồ rồi đến vay mượn như GS hiểu. Sự im lặng theo nghĩa đen này ám chỉ những hạt thóc đã ở yên trong bồ, đã cất vào bồ, đưa vào trong kho, buồng kín rồi, không có gì xáo trộn nữa. Đó là sự im hơi, lặng tiếng ở một nơi kín đáo, không hề nhúc nhích. Có dị bản mang tính nhấn mạnh hơn “Câm như thóc” hoặc “Im như thóc trầm ba mùa”. Thóc “trầm ba mùa” là thóc không còn khả năng mọc mầm nữa, một sự im lặng tuyệt đối và mãi mãi.
Ý thành ngữ: Sự sợ sệt, im thin thít, không nhúc nhích, không dám tỏ thái độ phản ứng trước một việc nào đó. Đó là cách ví von, sự mô tả giàu tính hình tượng của thành ngữ dân gian.
Bán bò tậu ễnh ương Chê kẻ không biết làm ăn.
-Câu này không được giải thích nghĩa đen. Vậy con ễnh ương là con gì ? Tại sao có người vụng làm ăn tới mức bán bò đi để mua con ễnh ương về ?
Ễnh ương thuộc họ ếch nhái, đầu nhỏ nhưng bụng rất to (ễnh bụng ra). Môi trường sống của chúng là các khu vườn hoang rậm, ẩm thấp, nhiều lá rụng, hay ngập nước. Chúng giao phối, sinh sản vào mùa mưa và thường gọi bạn tình bằng những âm thanh không biết mỏi: ộp...ương...ộp...ương to như bò rống. Đặc biệt khi kêu thì bụng ễnh ương càng phình ra. Thế nên, ễnh ương là hình ảnh được dân gian chỉ loại bò gầy, suy dinh dưỡng, thoái hóa do sinh sản cận huyết hoặc có bệnh. Vùng Thanh Hóa hay gọi loại bò này là “bò cóc”. Nghĩa đen “của nghĩa đen” câu thành ngữ đang xét là: bán một con bò tốt, mua về con bò khác gầy ốm, “bụng ỏng, đít beo” trông như con ễnh ương. Nghĩa bóng: chê kẻ vụng về, không biết làm ăn tính toán. Thế nên có bài ca dao cười diễn dịch rất hay câu thành ngữ này: "Nhà anh khéo liệu khéo lo, Bán một con bò tậu cái ễnh ương, Đem về thả ở gầm giường, Đêm nằm ương ộp lại thương con bò..." Gầm giường là môi trường sống của cóc, không phải của ễnh ương. Thế là cái “nhà anh” kia vụng về hết chỗ nói ! Phải hiểu được nghĩa đen mới thấy hết cái hay, cái sâu sắc của tục ngữ, thành ngữ.
Lầm rầm như đĩ khấn tiên sư Chế người lẩm bẩm trong miệng điều gì không dám nói ra.
-Không ít bạn đọc chắc hẳn sẽ thắc mắc “đĩ khấn tiên sư” là gì ? Tại sao lại phải khấn “lầm rầm” ? Rõ ràng GS mới chỉ dừng ở mức giải nôm cách dùng, mà cách giải thích cũng chưa đúng.
Có câu: "Tâm động quỷ thần tri" nghĩa là: trong lòng nghĩ gì quỷ thần đều biết. Khi khấn vái nghĩa là "giao tiếp" với “người âm” hay thần linh, người ta thường phải khấn lầm rầm, chỉ đủ để quỷ thần nghe thấy, đồng thời thể hiện sự tôn kính, sợ sệt. Tuy nhiên, ở đây thành ngữ dân gian không nói việc lầm rầm khấn vái nói chung mà là “lầm rầm như đĩ khấn tiên sư”. Bên Tàu ngày xưa chốn lầu xanh thường có bàn thờ vị Tổ nghề thanh lâu “bạch mi xích nhãn” (mắt đỏ, lông mày trắng). Truyện Kiều có câu: “Giữa thì hương án hẳn hoi, Trên treo một tượng trắng đôi lông mày…Cô nào xấu vía có thưa mối hàng, Cổi xiêm lột áo sỗ sàng, Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm, Đổi hoa lót xuống chiếu nằm, Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi...” Đĩ khấn tiên sư nghĩa là khấn vái “tổ nghề” (bán trôn nuôi miệng), cầu xin được “đắt khách”. Mà khấn để cầu một việc đáng xấu hổ, buồn cười như vậy “đĩ” nào dám khấn to ? Thế nên, khi cúng bái nói chung người ta đã phải “lầm rầm” rồi, khấn tiên sư nghề làm đĩ lại càng phải lầm rầm hơn. Hơn nữa, cũng nên chú ý, lầm rầm là nói ra rồi, nhưng nói nhỏ chứ không phải là“không dám nói ra” như GS giải thích. Bởi “không dám nói ra” tức là chỉ để bụng mà thôi.
Nuôi khỉ giữ nhà Tức là làm một việc trái khoáy (Vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi)
-Đúng là việc làm trái khoáy, nhưng GS giải thích “vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi” thì thà rằng không giải thích, bởi ai cũng biết điều đó. Nếu thế khi sửa thành “Nuôi cáo giữ nhà” hoặc “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cách lý giải về sự “trái khoáy” của GS vẫn là “vì người ta chỉ nuôi chó giữ nhà thôi” sao ? Vậy tại sao dân gian lại chọn con khỉ ?
Khỉ là con vật láu lỉnh, tinh nghịch, hay bắt chước, rất khó quản lý hoặc răn dạy chúng. Khỉ lại có khả năng leo trèo, cầm nắm, thực hiện một số động tác như người nên nếu được thả tự do trong nhà thì nó sẽ phá phách, nghịch ngợm ghê gớm. Từ vật dụng cho đến đồ ăn thức uống nó sẽ làm đảo lộn hết rồi bỏ đi.
Vậy ý câu thành ngữ là: Trông chờ, nhờ cậy không đúng đối tượng, kết quả chỉ có hại.
Mèo già hoá cáo Chỉ những kẻ sống lâu ở nơi nào, lợi dụng sự hiểu biết nơi ấy mà làm bậy.
-Mèo là mèo, cáo là cáo, làm gì có chuyện mèo già hóa cáo. GS không giải thích nghĩa đen. Phần nghĩa bóng giải thích cũng không đúng.
Con mèo khi già, “mắt mờ, chân chậm”, không còn đủ sự tinh nhanh để rình bắt chuột. Tuy nhiên, do bản năng săn mồi và nhu cầu ăn thịt sống, mèo sinh ra tật xấu là rình bắt gà nhà, đặc biệt là gà con. Khi bị chủ đuổi đánh, mèo già thường bỏ nhà đi hoang, thỉnh thoảng lại mò về rình bắt gà hoặc ăn vụng, bộ dạng xơ xác, lấm lét. Mèo già hoá cáo mà dân gian ám chỉ ở đây nghĩa là con mèo mang bản chất của một con cáo (sống hoang dã, bắt gà, gian manh, quỷ quyệt).
Như vậy câu thành ngữ “Mèo già hoá cáo” ám chỉ: Kẻ khôn ngoan, tinh ranh, lâu ngày biến chất trở thành kẻ gian manh, xảo quyệt, không phải là “sống lâu ở nơi nào, lợi dụng nơi ấy để làm bậy” như GS giải thích.
Ốc chẳng mang nổi mình ốc, còn làm cọc cho rêu Chế giễu những người bản thân mình còn khổ sở, lại còn giúp đỡ người khác. Nhưng thực ra những người như thế lại đáng được khen, vì tinh thần hi sinh, quên mình vì người khác.
-Vì không hiểu ý dân gian nên khi giải thích xong, dường như GS vẫn còn băn khuăn, bận lòng cho rằng dân gian đã chế giễu oan người tốt nên phải nói lại một câu “Thực ra những người như thế lại được đáng khen vì tinh thần hy sinh quên mình vì người khác”.
Cần giải thích nghĩa đen: Ốc là loài di chuyển rất chậm chạp, nặng nề, trên vỏ ốc thường bám đầy rong rêu. Dân gian mượn hình ảnh này để phê phán, chê cười những người có thói ôm đồm, không biết lượng sức mình, hay quan tâm những việc bản thân mình chưa lo nổi. Nếu “hy sinh, quên mình” là phải giúp được người khác. Bản thân còn chưa đủ khả năng lo cho chính mình thì giúp đỡ người khác sao nổi ?
Chễm chệ như rể bà góa Nói những người đàn bà góa chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng.
-Chủ thể câu thành ngữ là anh chàng rể nhà bà goá chồng, nhưng GS lại quay ra “nói những người đàn bà goá”. Theo nghĩa đen: con rể ở gia đình có người đàn bà (mẹ vợ) đã góa chồng thường được quý trọng, vì nể do ông bố vợ không còn, chàng rể nghiễm nhiên trở thành người đàn ông có vị trí quan trọng trong gia đình. Như thế anh chàng “rể bà goá” tự nhận thức được vị trí của mình trong gia đình nên làm oai, không phải do người đàn bà goá “chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng”.
Nghĩa bóng: Mỉa mai thái độ làm oai nực cười của ai đó nhờ cơ hội nghiễm nhiên mà có.
Rào dậu ngăn sân Nói hai nhà ở gần nhau mà không giao thiệp với nhau.
-Câu này GS giải thích nghĩa đen, nhưng giải thích không đúng. Nhà nọ với nhà kia được “rào dậu” là chuyện bình thường ở thôn quê, không thể nói đó là “không giao thiệp với nhau”. Thành ngữ “Rào dậu ngăn sân” không nói chuyện “hai nhà” mà là chuyện một nhà: cái sân của một nhà nào đó bị rào lại, ngăn đôi ra, chia cắt thành hai nhà. Nghĩa bóng nói đến việc làm ngang ngược, chia rẽ tình đoàn kết máu mủ anh em một nhà khó chấp nhận. Khi đất nước ta bị chia cắt thành 2 miền, Tố Hữu dùng hình ảnh “rào dậu ngăn sân” để thể hiện niềm tin vào chính nghĩa, đấu tranh thống nhất một nhà: “Chúng ta con một cha, nhà một nóc, Thịt với xương, tim óc dính liền…Dù ai rào dậu ngăn sân, Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ”,v.v…
No gì mà no, trong mo ngoài đất Ý nói: Có no đâu, thực ra vẫn túng thiếu lắm.
-GS chỉ giải nghĩa lơ mơ, sơ sài cách dùng, không giải thích được nghĩa đen “trong mo ngoài đất” là gì.
Câu nói này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích, đại ý: Có cậu bé đi chăn trâu thuê cho nhà chủ, vì ham chơi nên hay cột trâu một chỗ, không chăn dắt gì, để trâu đói. Mỗi khi trâu về chuồng, bà chủ thường đứng đón trước cửa quan sát xem hai cái hõm bên hông lưng trâu có đầy không, tức trâu có no không. Hôm nào cậu bé cũng cho trâu về chuồng lúc chập choạng tối làm như chăm chỉ chăn dắt lắm. Mặt khác cậu đánh lừa bà chủ bằng cách lấy mo cau độn vào hai bên hông trâu rồi lấy bùn đen trát lại. Trong ánh sáng lúc chập choạng tối, bà chủ cứ tưởng trâu được chăn dắt no căng bụng, hôm nào cũng khen ngợi: “Giỏi lắm, trâu ăn rất no”. Đến một hôm, trâu tức quá buột miệng tố cáo: “No gì mà no, trong mo ngoài đất”.
Như thế, con trâu trong chuyện cổ tích đang “nói” chuyện đói bụng, no bụng, no thật, no giả lại được GS lẩy ra làm câu “thành ngữ” và giải thích một nửa là nói về no bụng “có no đâu”, nửa kia lại nói về giàu nghèo “thực ra vẫn túng thiếu lắm”.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ Nói về sự gắn bó, kín đáo giữa hai người, người ngoài không thể biết được.
-Về nghĩa đen, con cá và cái lưỡi câu không thể là sự "gắn bó, kín đáo giữa hai người". “Biết đâu” có nghĩa là không biết cách nào, không thể nào mà gỡ ra được. Nhưng GS Nguyễn Lân lại nhầm tưởng “biết đâu” có nghĩa là sự việc bị bí mật giấu kín nên giải thích “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ” là “sự gắn bó, kín đáo giữa hai người, người ngoài không thể biết được”. Câu thành ngữ GS đưa ra thực chất là lẩy ra từ hai câu ca dao trong một bài ca dao nổi tiếng có câu: “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, Chim vào lồng biết thuở nào ra”. Cá cắn câu nghĩa là con cá bị lừa bởi cái mồi hấp dẫn ở lưỡi câu, bị lâm vào tình thế vô cùng đau đớn, nguy hiểm, không thoát ra được. Nghĩa đen và nghĩa bóng của câu này nói việc nào đó đã trót rồi, lỡ quyết định rồi, không thể xoay chuyển, thay đổi được nữa, giống như cá đã “cắn câu” (cũng như chim vào lồng) thì không nhả ra được nữa, càng vùng vẫy, càng bị gắn chặt và đau đớn hơn mà thôi.
Không ai phản đối việc cắt một ý, một đoạn trong câu ca dao, bài ca dao để dùng như một thành ngữ, tục ngữ đứng độc lập, tuy nhiên, việc gán cho nó một nghĩa mới trong trường hợp này là không có cơ sở và khó chấp nhận.
Nhiều câu thành ngữ thuần Việt có lẽ khi sưu tầm do ghi nhầm, ghi sai, lại không nắm được quy luật sáng tác dân gian dẫn đến GS rất lúng túng không biết nên hiểu thế nào, đành giải thích theo cách suy diễn, phỏng đoán của mình mà không cần biết nó có lý hay không, hoặc có đúng thực tế nghĩa đen hay không:
Lúa tốt xem biên, người hiền xem tướng (Biên là bờ ruộng, trong chế độ cũ, người thợ thường cấy cẩn thận những hàng lúa gần bờ hơn là ở giữa ruộng).
- GS chép nhầm từ “lụa tốt” thành từ “lúa tốt” nên hiểu lầm từ “biên” là mép của mảnh vải lụa thành “biên là bờ ruộng”, rồi tìm cho tục ngữ một cách hiểu khó chấp nhận: “trong chế độ cũ, người thợ thường cấy cẩn thận những hàng lúa gần bờ hơn là ở giữa ruộng” (nên lúa ở bờ ruộng thường tốt ?). Nhưng xưa kia, thợ cấy lấy công, thường cấy thưa cho nhanh hết diện tích, nếu gần bờ họ “cấy cẩn thận” chỉ có một cách là cấy dày hơn, mà như vậy làm sao lúa tốt hơn giữa ruộng được ? Theo khoa học nông nghiệp giải thích, lúa gần bờ tốt hơn giữa ruộng vì được hấp thu nhiều ánh sáng và dinh dưỡng hơn lúa giữa ruộng. Từ kết luận này, ngày nay người ta áp dụng cách cấy mới, đó là cấy “hàng rộng, hàng hẹp”, mục đích tạo ra trên ruộng có nhiều hàng lúa tốt giống như lúa ven bờ ruộng, thuật ngữ nông học gọi là “hiệu ứng hàng biên” (ngày xưa nông dân cũng áp dụng biện pháp này gọi là cấy “rộng hàng sông, hẹp hàng tay”). Mặt khác, về tổng thể cách giải thích của GS hoàn toàn mâu thuẫn, bởi nếu có sự giả dối của người thợ cấy như ý GS nói thì phải làm ngược lại mới đúng: muốn biết lúa tốt hay không phải xem ở giữa ruộng ! (bởi cái tốt ở bờ là tốt lỏi, tốt giả, không đại diện cho cả ruộng lúa).
Trở lại với câu thành ngữ “Lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng”. Chất lượng của vải nói chung và lụa nói riêng, ngoài nguyên liệu tốt phải kể đến kỹ thuật dệt (tức là kết cấu, độ chặt, săn chắc của vải). Vì thế, muốn biết tấm lụa tốt hay xấu, người ta xem đường biên (mép của tấm lụa), xem sợi tơ dệt có săn không, miết tay vào xem vải có bị xô dạt hay không… Thời bao cấp chuộng ăn chắc, mặc bền. Khi mua vải, các bà các chị cũng thường dứt ra vài sợi ở đường biên xem có dai, bền hay không. Ngày nay, để thử lụa dệt bằng tơ tằm tự nhiên hay tơ nhân tạo, người ta cũng dứt ra vài sợi ở đường biên (mép vải) đốt lên, nếu có mùi khét kiểu như tóc cháy, than vón tròn, đưa tay miết nhẹ thì tan ra bột mịn là tơ thật. Ngược lại, đốt lên sợi tơ cháy khét như mùi ni lông cháy, than vón cục, khó phân huỷ được là tơ nhân tạo (theo kinh nghiệm của những người ươm tơ, dệt lụa).
Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó Nói sự băn khoăn của người phải gửi đồ lễ đến cúng cha mẹ hay ông bà ở một nơi nào, không biết gửi bao nhiêu là vừa.
- Câu thành ngữ này phải viết đúng là: “Thờ thời dễ, giữ lễ thời khó”. (Dị bản: “Thờ dễ, lễ khó”) Nghĩa là việc thờ cúng ông bà cha mẹ không khó, cái khó là thờ cúng phải thật kính cẩn, thật lòng, giữ đúng lễ. Thành ngữ Hán-Việt có nhiều câu đề cao sự “giữ lễ” (kính cẩn, thật lòng) trong khi cúng tế, thờ phụng thần thánh, tổ tiên, (còn được sử dụng dưới dạng hoành phi treo ở gian thờ cúng) như: “Tế thần như thần tại” (Tế thần kính cẩn như thần đang hiện diện trước mặt); “Sự tử như sự sinh” (Thờ người chết kính cẩn như lúc còn sống). Hoặc câu thành ngữ thuần Việt: “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”, nghĩa là vật phẩm dâng cúng không câu nệ nhiều ít, quan trọng là ý thức của con cháu có giữ lễ (góp giỗ, làm giỗ) hay không.
Bánh ú đi, bánh gì lại ? Chê người chê ỏng chê eo, rút cục không được gì ?
- Lại một câu giải thích rất chung chung và nhầm lẫn giữa “bánh dì” với cái “gì”. Có lẽ GS cho rằng ví như: Tôi đem cho người ta cái bánh ú, bị chê ỏng chê eo, nhưng rốt cuộc thử hỏi người ta đã cho lại tôi cái bánh gì nào ? Xin thưa, “bánh dì” ở đây không phải là “cái bánh gì” (cái bánh nào), nên GS không thể đặt dấu chấm hỏi cuối câu. Bánh “gì” chính là cái bánh dì (hoặc bánh dầy, bánh dày) làm bằng bột nếp. Bánh ú làm bằng gạo nếp, bánh dì cũng làm bằng bột nếp, đều là bánh ngon quý. “Bánh ú đi, bánh dì lại”, có nghĩa: mình cho người ta cái này (bánh ú), thì người ta cũng sẽ đáp lại mình bằng thứ tương xứng (bánh dì), không đi đâu mà thiệt. Hoặc người ta đã cho mình bánh ú, mình cũng phải tìm cái tương xứng (bánh dì) để đáp lại, kiểu ứng xử “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thành ngữ gốc Hán có câu “Đầu mai, báo lý” nghĩa là: Quả mơ đi, quả mận lại. Mơ và mận là hai thứ quả thuộc phân chi mận mơ (theo khoa học) và họ mận mơ (theo dân gian) đều ăn ngon, cũng ý nói cho và nhận đều là hai vật tương xứng. Trong trường hợp GS cứ khăng khăng cho rằng, bánh dì (dầy) ở đây có nghĩa là cái bánh “gì”, bánh nào, thì thành ngữ lại được hiểu khác hẳn: Mình cho đi cái bánh ú, không biết (người ta) sẽ đền đáp lại mình cái bánh gì đây ? Tuy nhiên, việc phá vỡ cấu trúc một câu thành ngữ vốn có đã ổn định để đem đến một dị bản, một nghĩa mới do hiểu sai trong trường hợp này là rất khó chấp nhận !
Hay ăn vào bếp, chóng chết quản voi (Quản một con voi dữ thì nguy hiểm) Hai việc này không ăn khớp với nhau, nhưng chỉ có nghĩa là tự mình làm lấy mà ăn là một chuyện tất nhiên.
- Do ghi sai câu thành ngữ “Hay ăn nhà bếp” thành “Hay ăn vào bếp” nên GS cũng tự nhận thấy sự vô lý trong câu và thắc mắc “Hai việc này không ăn khớp với nhau”. Nhưng kết cục, có lẽ GS liên tưởng tới câu “Muốn ăn thì lăn vào bếp” rồi phỏng đoán (dù “không ăn khớp với nhau”) “nhưng chỉ có nghĩa là tự mình làm lấy ăn là một chuyện tất nhiên”. Thưa GS, câu này viết đúng phải là “Hay ăn nhà bếp, chóng chết quản voi” và được hiểu tương tự như câu “Giàu thủ kho, no nhà bếp”. Nhà bếp thì hay được ăn (vì trực tiếp nấu ra đồ ăn thức uống). Nên có câu: Làm cỗ không lo mất phần là vậy. Và quản voi thì dễ gặp nguy hiểm. Thực tế nghĩa đen: Voi tuy đã được thuần dưỡng, thường ngày hiền lành, chăm chỉ, nghe lời quản tượng. Tuy nhiên do bản năng hoang dã, đặc biệt đến mùa động dục (mùa sinh sản) voi thường biểu hiện rất hung dữ, có thể bất ngờ quật chết quản tượng.
Có nghĩa: Ai gắn bó với nghề nào thì được hưởng lợi trước tiên hoặc cũng bị nguy hiểm trực tiếp từ nghề đó. (Có câu “Sinh nghề, tử nghiệp” là vậy).
Áo cứ chàng, làng cứ xã (xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình.
GS chép sai chữ “tràng” thành chữ “chàng”. Đúng ra câu này là “Áo cứ tràng, làng cứ xã”. “Tràng” là cái cổ áo (Từ Hán-Việt là y lĩnh). Cổ áo là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo. Muốn cầm cái áo, cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn gọn gàng nhất; cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu “xã” (trưởng) mà gõ xuống là xong. Có lẽ GS cho rằng “áo cứ chàng” nghĩa là: việc giặt giũ, vá may quần áo đáng lẽ người phụ nữ phải đảm đương, đằng này ỷ lại, “cứ” (để cho) “chàng” (chồng) phải lo, phải làm; còn công việc của làng “người dân trong thôn xóm” “cứ” (ỷ lại) cho ông xã trưởng mà “không thấy vai trò làm chủ của mình” ? !)
Thành ngữ này có thể hiểu theo hai nghĩa: Ông xã trưởng là người phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của làng; Muốn nắm được làng, phải nắm được ông xã trưởng, cũng như muốn cầm được cái áo phải cầm lấy cái cổ áo. (bạn đọc có thêm tham khảo thêm bài “CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ?” )
Lấy chất liệu từ nghĩa đen để hiểu theo nghĩa bóng, thành ngữ tục ngữ luôn chứa đựng trong nó tính biện chứng, đúc kết thực tế chặt chẽ, sâu sắc, rất khó bác bỏ. Bởi thế, không hiểu đúng nghĩa đen không thể giải thích đúng và hiểu hết cái hay, cái đẹp của tục ngữ thành ngữ./.
H.T.C
DĨ HƯ TRUYỀN HƯ 2
Sai lầm mang tính hệ thống trong
“TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT NAM”
của GS Nguyễn Lân
Hoàng Tuấn Công
Kỳ 2
"Bò lành đánh bò què", giải thích sai về các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian, “Tiền hậu bất nhất”.
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều dị bản, gần nghĩa hoặc đồng nghĩa. Người làm từ điển có thể thu nhận tất cả để độc giả tham khảo và chọn ra dị bản hay nhất, được sử dụng rộng rãi nhất để giải thích. Thế nhưng, không ít trường hợp GS Nguyễn Lân tự chữa từ trong câu thành ngữ, tục ngữ hoặc phỏng đoán theo ý chủ quan của mình, bác đi dị bản hay nhất, khiến thành ngữ bỗng dưng mất đi cái hay, cái đẹp, sự tinh tế trong ngôn từ của dân gian:
Dứt dây động dừng (có người viết và đọc nhầm là rừng) ý nói: chạm đến một việc nhỏ có thể ảnh hưởng đến cả một việc lớn (Như dứt một dây ở bức vách có thể làm rung cả bức vách)
Rút dây động dừng (Dừng là cốt để trát bức vách) Ý nói: Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác (Có người nói nhầm là: Rút dây động rừng)
-Trong hai mục từ “D” và “R”, GS Nguyễn Lân đều khẳng định “Rút dây động rừng” là nhầm lẫn, phải là “dừng” mới đúng và giải thích “dừng” là “bức vách” hoặc “cốt để trát bức vách”. Trong cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam ” một lần nữa GS lại khẳng định: “Dứt dây động dừng (dừng ở đây là bức vách, có người viết là rừng là không đúng)”. Thế nhưng với “phát hiện” này, GS đã biến nghĩa đen của câu thành ngữ trở nên rất vô lý và tầm thường hoá cách ví von, so sánh rất đắt của dân gian. Mặt khác, dù khăng khăng “có người viết và đọc nhầm” “dừng” thành “rừng”, nhưng GS không đưa ra được lý lẽ chứng minh là họ đã “nhầm” như thế nào.
Nếu theo cách hiểu của GS, xin được hỏi về nghĩa đen: Thứ nhất, dứt dây gì ở bức vách? Thứ hai: giả sử dây đây là dây buộc ở một bức vách đất bé nhỏ đã long lay (nên lòi cả dây lạt buộc xương vách ra) người ta cầm và giật (dứt) thì việc nó “động” cũng là chuyện thường thôi. Bởi cái dây đó ràng buộc, liên quan trực tiếp tới bức vách (mà bức vách đã hỏng, đã long lay rồi).
Nghĩa đen thành ngữ này phải được hiểu đúng ý dân gian: “Rút dây động rừng” mới thâm thuý: Rừng là nơi quy tụ nhiều loại cây, chia thành nhiều tầng, nhiều tán: thảm cỏ, cây bụi, dây leo, cây thân gỗ… Ngoài thực vật còn có muôn loài động vật, muông thú lớn nhỏ. Dây leo trong rừng có thể dài đến hàng trăm mét, luồn lách, vấn vít, đeo bám vào cây nọ sang cây kia. Thế nên, “Rút dây động rừng” có nghĩa chỉ cần rút, dứt (lấy) một cái dây leo cũng có thể làm động cả một cánh rừng ! Động theo ngh ĩa đen ở đây là làm rung đến cây khác, đụng chạm đến thực thể khác. Dứt dây, cây động, bầy con chim giật mình đập cánh, khiến bầy nai cũng hoảng sợ, náo động... Thế là loạn cả lên, cứ như là như động rừng vậy ! Một hình ảnh ví von không gì sinh động hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa cá thể này với cá thể kia trong tự nhiên và trong quan hệ xã hội của con người. Dứt hay rút một sợi dây mà làm động đến cả cánh rừng ! Đó là mối quan hệ mang tính biện chứng. Tục ngữ lời ngắn mà ý nghĩa lớn !
Tham khảo: Với câu “Tai vách mạch dừng” thì dừng ở đây lại là bức vách. Không phải “Tai vách mạch rừng”. Vì vách và dừng đều thuộc kết cấu của một ngôi nhà-nơi (theo nghĩa đen) hai người trao đổi chuyện bí mật, riêng tư. Sau hiểu theo nghĩa bóng chỉ tất cả địa điểm khác. Nhưng địa điểm nào thì những cái có thể “nghe lén” được đều tập trung ở xung quanh hai người. Nếu nói “Tai vách, mạch rừng” thì một là bức vách, một là cái mạch gì đó tận trên rừng thì nghe thật vô lý. Thậm chí khi ra sau nhà để “thậm thụt”, “thì thào” thì lại “Bờ vách có tai, bờ rào có mắt”. Ý câu thành ngữ: không có chỗ nào an toàn kín đáo, ngay kể cả nơi bốn bề tường, vách vắng vẻ, rào dậu kín đáo.
Đãi cát lấy vàng Ý nói ra công chọn những điều quý báu hiếm hoi trong một đám tài liệu hỗn độn.
Câu thành ngữ vốn có hình thức “Đãi cát tìm vàng”. Từ “lấy” trong dị bản GS đưa ra làm hỏng mất ý nghĩa câu thành ngữ. Vì chữ “lấy” đơn giản, dễ dàng quá. Phải là “tìm” mới nói lên sự hiếm hoi, khó khăn. Mặt khác, thành ngữ không chỉ riêng việc “chọn những điều quý báu, hiếm hoi trong đám tài liệu” mà nói chung việc dày công tìm kiếm, sàng lọc một lượng lớn thứ tầm thường, bỏ đi để hy vọng kiếm tìm thứ quý giá nào đó. Nếu được phép “chọn” như cách giải thích của GS có nghĩa là thứ thì đó rất sẵn, tha hồ “chọn” lấy cái tốt nhất, đẹp nhất. Lúc này, lại phải hiểu đãi vàng cám để lấy vàng thỏi, vàng cục, chứ không phải “Đãi cát tìm vàng” nữa.
Tham khảo: Ở Thanh Hoá có câu “Đãi cứt chó lấy vỏ khoai, đãi cứt gà lấy mẳn”. (Mẳn là hạt tấm, hạt gạo nát). Vỏ khoai, hạt mẳn là thứ phụ phẩm, phế phẩm đã tận dụng cho chó, gà ăn mà vẫn còn tiếc, muốn “tận thu” lại một lần nữa ! Từ “lấy” ở đây lại “đắt” hơn từ “tìm”. Bởi vì “lấy” thể hiện “ý tưởng”, mục đích rất rõ ràng và phải thực hiện bằng được của anh chàng bủn xỉn, keo bẩn. Ngôn ngữ dân gian rất tinh tế, đâu có tuỳ tiện thay đổi mà được !
Run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này).
Sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”).
Hai câu này xuất hiện trong hai mục từ “R” và “S” của cuốn sách. Tuy nhiên, cùng trong một cuốn sách nhưng GS giải thích “tiền hậu bất nhất”. Ban đầu thì cho rằng “Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này”, đến sau lại giải thích “với mục đích chơi chữ đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”. Lưu ý, lẫn lộn và chơi chữ là hai khái niệm khác nhau. Và điều đáng nói, hai cách giải thích của GS đều không đúng. Theo “Bách khoa toàn thư mở”:“Dẽ giun hay rẽ giun hoặc giẽ giun là tên gọi thông thường trong tiếng Việt để chỉ gần 20 loài chim lội nước rất giống nhau trong 3 chi của họ Dẽ (Scolopacidae). Chúng có đặc trưng là mỏ rất thanh mảnh và dài cùng bộ lông kỳ bí”. Riêng tôi đã có nhiều dịp quan sát hình dáng và tập tính của loài chim này. Chim dẽ giun thường tìm ăn ở những thửa ruộng đã cày bừa xong nhưng chưa kịp cấy hoặc ruộng lúa mới cấy, đặc biệt là ở vụ xuân. Thanh Hoá gọi loài chim này là con thọc trùn (do chim dẽ bắt giun bằng cách xọc (thọc) chiếc mỏ dài, thẳng, mảnh khảnh xuống đất bùn). Sắc lông “kỳ bí” mà “Bách khoa toàn thư mở” mô tả về chúng chính là mầu lông xam xám, pha lẫn chút lấm tấm trắng mốc ở ngực và hai bên cánh. Nếu chim dẽ đứng náu mình trên mặt ruộng loáng nước, lô nhô vết giun đùn hoặc bờ cỏ úa thì khó có thể phát hiện ra chúng. Khi ta bước chân đến nơi mới thấy chúng bay cái “vù”. Những ruộng có chim dẽ giun đến ăn thường để lại chi chít các vết mỏ chim trên mặt bùn đặc tựa dấu muôn ngàn que tăm xọc xuống. Đặc biệt, chim dẽ giun có một tập tính kỳ lạ là thân mình liên tục cử động: đầu gật, đuôi giật, mình thì rung rung theo nhịp bước chân, khiến người ta có cảm giác chúng thường run lẩy bẩy. Cũng do đặc điểm thân mình luôn cử động, rung lắc, khi kiếm no mồi thì chạy nhảy, đánh đuổi nhau, nên Thanh Hoá cũng có câu thành ngữ “Nghịch như thọc trùn” để chỉ bọn trẻ con nghịch ngợm, thọc mạch, không lúc nào chịu ở yên.
Như vậy, “Run như dẽ” hoặc “Sợ run như dẽ” là hai dị bản đồng nghĩa. Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: “Run như con chim dẽ giun”. Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ gì ở đây mà trong thực tế có nghĩa đen như phân tích ở trên.
Tham khảo: Trong Truyện Kiều, đoạn Thuý Kiều báo oán, Nguyễn Du viết: Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run. Ta có thể hiểu Nguyễn Du mô tả Thúc lang run như con chim dẽ giun. Đào Duy Anh giải thích: “Dẽ run: Tức là chim dẽ hay rẽ, người ta cho rằng thứ chim này mình thường run luôn”. Khi Đào học giả viết “người ta cho rằng…” chứng tỏ ông cũng chưa có hiểu biết thực tế về loài chim dẽ, nhưng cách giải thích trên là đúng.
Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng Đây là lý tưởng của một chàng nông dân lười, ngại đi xa và có tư tưởng thiển cận.
Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng. Đó là lý tưởng của một chị nông dân thiển cận.
-“Ruộng đầu chợ” là “lý tưởng” đối với “anh”,nhưng“ruộng giữa đồng” lại là “lý tưởng” đối với“chị”. Không biết cách làm ruộng của anh chị có gì khác nhau mà lại có cách chọn ruộng khác biệt, đối lập nhau đến vậy ? Mặt khác, cứ cho rằng “Vợ đầu làng" có nghĩa vợ ở cùng làng (rất gần), nhưng “ruộng đầu chợ” đâu có nghĩa là ruộng gần ?
Thực ra “ruộng đầu chợ” là mảnh ruộng hay bị người ta xoi mói, trăm người hai trăm con mắt đều nhìn vào. Nếu canh tác không tốt (lúa xấu, cỏ mọc) thì hay bị chê. Mặt khác ruộng đầu chợ dễ bị xâm phạm (bị vứt rác thải, ăn đòng đòng lúa hoặc ngắt lúa...). Còn “vợ đầu làng” xấu đẹp gì cũng hay bị “người ta” để ý, trêu ghẹo, dòm ngó. Thậm chí ngày xưa đêm hôm tuần đinh lợi dụng tạt vào trêu ghẹo vờ khám xét “tòm tem” nếu ông chồng đi làm ăn phu phen, tạp dịch vắng nhà. Như thế, “Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng” đều nói đến hai điều bất lợi, không phải là “lý tưởng” như cách lý giải của GS Nguyễn Lân.
Với câu “Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng” thì sao ? “Giữa” ở đây không chỉ vị trí (địa lý) mà còn có nghĩa là ngay tại, ở chính tại, rất gần. (Ca dao Thanh Hóa: “Thùng thùng trống đánh ngũ liên, Chợ Gia trước mặt, quán Nam giữa đàng”. “Giữa đàng” đây tức là ngay bên cạnh đường, gần đường). “Ruộng giữa đồng” là ruộng gần, ruộng làng (đồng nhà), tiện canh tác, thăm nom, cũng có thể hiểu là mảnh ruộng “giữa đồng” không bị trâu bò xâm phạm; “chồng giữa làng” là chồng gần, ngay ở trong làng, ở giữa làng. Hai bên trai gái đã hiểu nhau, lại tiện đi về thăm nom, chăm sóc bố mẹ. (Trâu ta ăn cỏ đồng ta hoặc Có con mà ghả chồng gần, Có bát canh cần nó cũng đem cho). Ngày trước, đầu làng, cuối xóm ban đêm vắng vẻ, hay bị trộm cướp, an ninh không đảm bảo. Bởi thế, lấy chồng cùng làng, lại ở giữa làng thì yên tâm lớn.
Hai câu tục ngữ trên đúc kết kinh nghiệm chọn nơi canh tác, nơi ở, lấy vợ, lấy chồng rất chính đáng của nông dân xưa. Chẳng có gì gọi là “thiển cận”, đáng chê như cách phân tích của GS Nguyễn Lân.
Nhiều trường hợp GS Nguyễn Lân giảng giải, chú thích sai hoặc quá chung chung về các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian trong câu thành ngữ tục ngữ:
Lờ đờ như đom đóm đực (Người ta cho rằng đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái ?)
-Thực ra chẳng có “ngưởi ta” nào cho rằng “đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái”. Đó là phỏng đoán của chính GS Nguyễn Lân: đom đóm đực chỉ sáng “lờ đờ”, suy ra đom đóm cái phải sáng hơn . Tuy nhiên vì không chắc chắn nên GS mới đánh dấu chấm hỏi (?) sau câu giải thích. Điều này khiến độc giả cảm tưởng chính mình mới là người có nhiệm vụ đưa ra câu trả lời cho soạn giả.
Trong thực tế, đom đóm đực sáng và to hơn đom đóm cái, nhưng bay chậm. Có những con đom đóm đực sáng đến nỗi khiến người ta hồn vía lên mây vì nhầm tưởng tinh đất (ma trơi) đang lừ lừ tiến lại. Câu thành ngữ này có dị bản là “Lừ đừ như đom đóm đực”, nghĩa bóng chỉ người chậm chạp trong hành động, đi đứng, gần nghĩa câu“Lừ đừ như ông từ vào đền”. Câu “Lờ đờ như đom đóm đực” thì “lờ đờ” ở đây cũng có nghĩa là lừ đừ, chậm chạp, (nói tốc độ bay của đom đóm) không phải tả ánh sáng lờ đờ như cách hiểu thiếu thực tế của GS Nguyễn Lân.
Rau bợ là vợ canh cua (Rau bợ là loài dương xỉ mọc ở chỗ đất ẩm, không ai trồng, nhưng ăn được)
Tuy cùng bộ dương xỉ nhưng hình dáng cây rau bợ không hề giống cây dương xỉ. Giải thích như GS rất dễ khiến người ta hình dung rau bợ chính là cây dương xỉ thường mọc ở bờ bụi rậm hay dưới tán rừng.
Cần viết và phân biệt chính xác, cụ thể: rau bợ thuộc họ tần, bộ dương xỉ, không phải “loài dương xỉ”. Rau bợ, hay cỏ bợ thực chất là một loại cỏ mọc hoang dại, thường sinh trưởng ở môi trường nước (không phải ở chỗ đất ẩm như GS nói) còn có tên chữ là tứ diệp thảo (cỏ bốn lá, do mỗi chiếc lá to chia làm bốn mảnh lá nhỏ) điền tự thảo (lá cỏ chia 4 mảnh, hình giống chữ điền 田), dạ hợp thảo (cỏ có lá rủ xuống khi về đêm). Theo y học dân gian, canh cua nấu với rau bợ rất hợp bởi không chỉ là món ngon mà còn là vị thuốc chữa viêm nhiệt, mất ngủ. “Rau bợ mà nấu canh cua, Người chết nửa mùa sống lại mà ăn”(Ca dao)
Sầu đông trong héo ngoài tươi, vui là vui gượng, cười là cười khuây (sầu đông là một thứ cây có quả)
Trên đời này ngàn vạn thứ cây có quả. Chú thích “sầu đông là thứ cây có quả” thì ai biết đường nào mà lần ? Hơn nữa đặc trưng của loài cây đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ này không phải vì nó là “cây có quả” mà bởi đặc điểm “trong héo ngoài tươi” và là chính cái tên “sầu đông” gợi cảm của nó.
Cây sầu đông (Thanh Hoá gọi là cây xoan đâu, xoan đu, thù đu hoặc cây xoan) có đặc điểm rụng lá theo mùa. Đông về, cây xoan cành nhánh khẳng khiu như đã chết khô. Mùa xuân, xoan nẩy lộc, tưng bừng hoa tím từng chùm, trông rất đẹp mắt. Thế nhưng, nếu đốn hạ xuống, chẻ ra thấy lõi gỗ bên trong mầu nâu nâu, bìa gỗ trăng trắng, khô khốc như khúc củi. Đặc điểm “trong héo ngoài tươi” này của cây xoan mang đến nghĩa đen cho câu ca dao (GS xếp vào tục ngữ là khiên cưỡng).
Nhanh như cái cắt (Cắt là loài chim bay rất nhanh) Khen ai làm gì rất nhanh.
Thứ nhất, giải thích về con chim cắt như vậy là quá chung chung. Thứ hai, bởi hiểu nghĩa đen không rõ ràng nên GS giải thích nghĩa bóng là “Khen ai làm gì rất nhanh” là chưa trúng ý.
Chim cắt là loài chim dữ săn mồi. Bình thường chúng không thuộc loài chim bay nhanh mà thường liệng tà tà trên bầu trời, khi phát hiện mục tiêu mới lao vút xuống như một mũi tên chộp gọn con mồi. Như vậy “nhanh” ở đây không chỉ tốc độ chim bay nói chung mà là “nhanh” ở động tác săn mồi. Theo đó thành ngữ chỉ hành động cụ thể, không phải việc làm nói chung. Thành ngữ cũng không hẳn chỉ là “khen ai” mà là lời nhận xét, so sánh hành động, cử chỉ của ai đó rất nhanh, mạnh, táo bạo và dứt khoát. Ví như có thể nói: “Nhanh như cắt, tên lưu manh đã móc được cái ví”.
Ba hoa chích choè: (Chích choè là một loài chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp) Chê những kẻ hay nói lung tung về những chuyện linh tinh.
-Thế giới loài chim vô số con thuộc lại chim nhỏ, hay kêu chiêm chiếp. Giải thích như vậy khác nào đánh đố ?
Chích choè không phải là loài chim nhỏ, nếu sánh với chim sâu, chim chích (sẻ), chim khuyên, chào mào…Nó cũng không “kêu chiêm chiếp” như gà nhiếp (nhép, gà con) mà nổi tiếng hót hay. Bộ lông vũ của chích choè trống có 3 khoang trắng ở ngực, bụng kéo dài tới phía dưới đuôi và hai bên cánh. Nó thường xuyên kêu “chòe, choè, chi..ích, choè..òe” nên thành tên chích choè. Khi hót, giọng nó thánh thót, líu lo, hót nhiều làn, nhiều giọng, có khi vút lên cao rồi lại hạ xuống rất thấp, bộ dạng vừa hót vừa “đầu gật, đuôi xoè” giống người khoa chân múa tay nên dân gian mượn hình ảnh và đặc điểm giọng hót để chỉ những người ba hoa khoác lác, nói nhiều, không đáng tin. Không phải nói “lung tung về những chuyện linh tinh” như GS giảng. Vì “nói lung tung” đâu có nghĩa là ba hoa khoác lác ?
Nhất ngon là đầu cá gáy, nhất thơm là cháy cơm nếp Lời khen quá đáng những món ăn không phải là ngon nhất, thơm nhất.
-Bởi không hiểu nghĩa đen câu thành ngữ nên thay vì giải thích, GS quay ra phê phán đó là “lời khen quá đáng”. Tuy nhiên, câu này ý dân gian không khen “đầu cá gáy” ngon nhất trong tất cả các món ăn, mà “đầu cá gáy” là bộ phận ngon nhất của con cá gáy; cũng như “cháy cơm nếp” là phần thơm nhất trong nồi cơm nếp. Chúng ta còn gặp cách nhận xét kiểu này của dân gian như “Nhất phao câu, nhì đầu cánh”, phao câu và đầu cánh là những bộ phận ngon nhất, đặc biệt nhất của một con gà, không phải ngon nhất trong mọi thứ thức ăn. Hoặc “Đầu cá trôi, môi cá mè” là những bộ phận ngon nhất của những con cá ấy. Mặt khác từ “ngon” ở đây phải được hiểu là món ăn đem lại hương vị đặc biệt cho người thưởng thức (mà chỗ khác, phần khác của món ăn đó không có được).
Mạ già ruộng ngấu. Đó là những điều kiện tốt để tăng năng suất lúa.
-Đây không phải là “điều kiện tốt để tăng năng suất lúa”. Ngược lại, theo khoa học, cấy mạ già sẽ không cho năng suất cao. Bởi mạ già khi cấy sẽ đẻ nhánh kém, có khi chỉ sau một tháng cây lúa đã có đòng, khi trổ, bông bé như bông may, hạt lép. Tục ngữ có câu “Mạ già chóng trổ”. Ngày xưa, nếu mạ già đến mức có ống (tức đốt sinh trưởng tạo đòng lúa) nông dân sẽ bỏ không cấy. Hiện nay, có những vụ do hạn hán không có nước cày cấy, mạ phải đợi ruộng nên khi cấy xuống lúa bị trổ sớm. Người ta phải dùng biện pháp kỹ thuật bón nhiều đạm, phun thêm phân bón qua lá, làm cỏ sục bùn, kích thích lúa ra rễ mới để cây lúa “trẻ lại” và đẻ nhánh tiếp tục sinh trưởng đủ ngày, đủ tháng mới cho năng suất.
Vậy, nên hiểu câu “Mạ già ruộng ngấu” như thế nào ? Trong canh tác lúa nước, thường xảy ra hai trường hợp: mạ đợi ruộng hoặc ruộng đợi mạ. Tức là mạ gieo đủ tuổi cấy mà đất chưa làm kịp (do hạn hán, lụt lội hoặc không có trâu bò cày bừa); hoặc đất đã cày bừa, chuẩn bị sẵn sàng mà mạ lại còn non. Dân gian nói “Mạ già, ruộng ngấu” nghĩa là 2 điều kiện: mạ (đã đến tuổi cần phải cấy) và ruộng ngấu (đã cày bừa kỹ, nhuyễn từ lâu), tất cả đã sẵn sàng, không còn lý do gì không tiến hành công việc (cấy).
Nghĩa bóng tục ngữ: Điều kiện tốt có thể đem lại kết quả ngay sau đó (thường nói về khả năng thụ thai của cặp vợ chồng trai gái đã trưởng thành) giống như “mà già, ruộng ngấu” cắm bông lúa xuống là đơm bông ngay; Điều kiện đã chín muồi, cần tiến hành ngay; Công việc cần triển khai ngay vì điều kiện khách quan và chủ quan (yếu tố cần và đủ) đều đã hợp lý.
Săn sóc chẳng bằng góc ruộng Ý nói: Ruộng ở góc thì tốt hơn ruộng ở giữa đồng.
Cấu trúc thành ngữ này là sự so sánh theo công thức: A không bằng B. Theo như cách hiểu của GS, B là góc ruộng, còn A là săn sóc tức “ruộng ở giữa đồng”. Không rõ tại sao từ “săn sóc” lại được hiểu là ruộng giữa đồng rồi đi đến kết luận “Ruộng ở góc thì tốt hơn ruộng giữa đồng”. Mặt khác, cách giải thích “ruộng ở góc tốt hơn ruộng ở giữa đồng” cũng không có cơ sở thực tế và khoa học. Góc ruộng là nơi rất khó cày bừa. Thế nên người ta thường phải dùng cuốc để làm đất ở góc ruộng gọi là cuốc góc, rồi dùng châm dẫm, đất không thể tơi nhuyễn. Đất ở góc ruộng thường rất bất lợi cho sự phát triển của cây lúa. Trường hợp thân đất cao “ruộng bái” thì góc ruộng mỗi khi hạn hán là nơi khô hạn đầu tiên. Nếu tát nước thủ công, nước cũng khó ngập đến góc ruộng. Ruộng ở góc cũng đồng nghĩa với ruộng đầu bờ, hay bị trâu bò ăn, nông dân gọi là “Ruộng đầu bò đầu bướu” (một cách chơi chữ).
Nói tóm lại, ruộng ở góc không phải là ruộng tốt hơn giữa ruộng như cách giải thích của GS Nguyễn Lân.
Vậy, câu “Săn sóc không bằng góc ruộng” được hiểu như thế nào ? “Săn sóc” ở đây nghĩa là nghề chăn nuôi (săn sóc = chăm sóc vật nuôi), “góc ruộng” là nghề cấy lúa. Có một dị bản “Xong xóc không bằng góc ruộng” thì “xong xóc” lại được hiểu là nghề đi buôn bán (chạy vạy, buôn vai gánh vã ngược xuôi.-Buôn vai gánh vã chẳng đã hà tiện-tục ngữ ). Câu tục ngữ đang xét coi trọng nghề nông (làm ruộng), xem nông nghiệp là gốc (nông vi bản). Có nghĩa, làm nghề chăn nuôi (hoặc buôn bán) cũng không thể bằng cái góc ruộng (chỗ kém nhất, cái nhỏ bé nhất) của nghề trồng lúa. Đây là cách so sánh thậm xưng. Ngược lại với quan điểm này là: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”: ruộng đất, cấy cày nhiều cũng không bằng có nghề trong tay (làm thợ, buôn bán). Hoặc “Ba mẫu ruộng làng không bằng một hàng chữ anh”, đề cao việc học so với nghề làm ruộng.
Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo Ý nói: Dù là kẻ thù nguy hiểm thế nào nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì mình cũng thắng.
Câu này GS hiểu sai nghĩa từ vựng của từ “dễ”. “Dễ” ở đây không phải “dễ dàng” (ngược lại với khó) mà có nghĩa là “liệu có thể” “khó có thể”, “chưa chắc”. Truyện Kiều: “Một người dễ có mấy thân”, “Đàn bà dễ có mấy tay” Đào Duy Anh (Từ điển Truyện Kiều) giải thích nghĩa chữ “dễ” trong văn cảnh này là: “Chẳng dễ, khó có thể, khó lòng, có dễ đâu”. Câu “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo” được hiểu là: Dù nanh có sắc nhưng chuột cũng khó có thể cắn được cổ mèo. Nếu hiểu “dễ” là không khó như GS thì câu thành ngữ này được hiểu: Nếu sắc nanh, chuột sẽ dễ dàng cắn được cổ mèo. Và thay vì viết “mình cũng thắng” như GS, phải viết là mình sẽ dễ dàng thắng đối phương. Và hiểu theo cách của GS là không đúng với thực tế nghĩa đen. Bởi mèo luôn là khắc tinh của chuột. Nghe tiếng mèo là chuột đã hồn xiêu phách lạc, mau mau chạy trốn hoặc nằm náu yên. Chuột nào là chuột dám cắn, và cắn được cổ mèo ? Thực tế có chuyện mèo không bắt chuột cống, vì giống chuột này hôi hám, bẩn thỉu, không phải là món khoải khẩu của mèo. Hơn nữa trong thế giới tự nhiên, khi các con thú ăn thịt đang còn sự lựa chọn thì không bao giờ săn bắt, tấn công những đối tượng “xương xẩu”, có thể gây nên “ẩu đả” nguy hiểm đến tính mạng. Bởi thế, khi thấy chuột cống thì mèo “làm ngơ”. Nhưng không vì thế mà chuột cống không sợ mèo và có thể dễ dàng “cắn được cổ mèo” như cách hiểu của GS.
Ý câu thành ngữ : khẳng định sức mạnh chính nghĩa; sức mạnh của kẻ bề trên.
Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm. Giễu kẻ tham ăn.
Không đúng ! Nếu hiểu như GS thì vế thứ hai “chết được bó vàng tâm” cũng là giễu kẻ “ham chết” hoặc người chết “tham” cỗ quan tài vàng tâm hay sao ? Đây là cách nói, cách so sánh thậm xưng của dân gian, ý muốn ca ngợi món dồi chó (miếng ăn ngon khi sống) và cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm (khi chết). Còn có một dị bản là “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không, hoặc “Chết xuống âm phủ chẳng có mà ăn”.
Thịt thối hơn muối bùi Ý nói: Ăn cơm có thịt vẫn hơn là không có (Nhưng thịt thối thì rất hại vệ sinh)
Không phải như vậy ! Ngày trước thực phẩm cá thịt rất khan hiếm. Cơm chủ yếu là rau, muối nên dân gian có những cách nói thậm xưng: “Thịt thối hơn muối bùi” hoặc “Cứt cá hơn lá rau”, nhằm đề cao chất lượng bữa ăn có thịt cá. Nhưng do không hiểu cách nói của dân gian, GS nhầm tưởng nông dân coi món “thịt thối” hơn “muối bùi” thật nên lo lắng cảnh báo: “thịt thối thì rất hại vệ sinh” !
To như hộ pháp (Hộ pháp là bức tượng rất to đặt ở trước bàn thờ Phật trong chùa).
Đúng là ở trong chùa có tượng hộ pháp rất to, nhưng không phải “đặt ở trước bàn thờ Phật”. Viết như GS là không hiểu nơi chùa chiền thế nào. Thực tế, tượng Hộ Pháp thường đặt hai bên gian tiền đường, ở giữa là ban thờ Phật. Cũng có khi tượng Hộ Pháp đặt ở ngay hai bên mái hiên Phật điện. Nhưng chẳng có tượng Hộ Pháp nào lại được“đặt ở trước bàn thờ Phật” (tức đứng quay lưng lại trước mặt bàn thờ Phật) như cách tưởng tượng của GS.
Người trần mắt thịt Lời người mê tín cho rằng người thường không linh thiêng như thần thánh.
GS hiểu nhầm rồi ! Không phải “người thường không linh thiêng như thần thánh” mà không thể nhìn thấy thần thánh, không hiểu hết sự linh thiêng của thần thánh nên dễ phạm sai lầm, tội lỗi với các ngài. Bởi thế, khi khấn khứa, người ta thường nói “chúng con người trần mắt thịt, có điều gì sất sá ( tức không hiểu hết được ý tứ của thần thánh) cúi xin các ngài đánh hai chữ đại xá” là vậy.
Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà (Đồng điếu là đồng nguyên chất, màu đỏ)
Không đúng ! Đồng điếu không phải đồng nguyên chất. Đồng điếu được xem là một trong những phát minh về hợp kim sớm nhất của nhân loại. Từ điểm bách khoa Việt Nam cho biết: hợp kim của đồng điếu bao gồm đồng (Cu) thiếc (Sn) có thể lẫn nhôm (Al), Berili (Be) chì (Pb) tạo nên thứ đồng cứng rất tốt. Thế nên: Chuông già đồng điếu chuông kêu, Anh già anh nói em xiêu tấm lòng (Ca dao). Đồng nguyên chất rất quý, nhưng không ai dùng để đúc nồi nấu cơm như GS lầm tưởng. Bởi đồng nguyên chất mềm, dễ méo, khi đun nấu ở nhiệt độ cao có thể làm vật dụng tan chảy. Từ điển bách khoa toàn thư mở cho biết: “Đồng nguyên chất mềm và dễ uốn; bề mặt đồng tươi có màu cam đỏ. Nó được sử dụng làm chất dẫn nhiệt và điện, vật liệu xây dựng, và thành phần của các hợp kim của nhiều kim loại khác nhau”.
Như thế, đồng điếu là đồng hợp kim chứ không phải đồng nguyên chất như cách giảng của GS Nguyễn Lân.
Chó già, gà non Ý nói: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm.
Câu này không có ý khen hai món ăn đều ngon như cách hiểu của GS. Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon. Chỉ cần xem các quán thịt chó hay trương tấm biển “Cầy tơ bảy món” cũng đủ hiểu. Cầy tơ chính là thịt con chó tơ. Thịt chó già ăn dai nhách. Nếu hầm cho mềm, nhừ thì đã teo tóp, ra hết nước, ăn làm sao ngon được ? Còn gà non chỉ phù hợp để nấu cháo. Nếu dùng để ăn thịt, luộc, rang, ít nhất gà cũng phải ở tuổi trưởng thành. Theo kinh nghiệm dân gian, ngon nhất là gà đang đẻ lứa thứ nhất, thứ hai. Bởi thế nên mới có câu “Cải vòng non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ”. Gà nhảy ổ đẻ là con gà đã trưởng thành đến kỳ sinh đẻ. Hoặc “Gà lấm lưng, chó sưng đồ”. Gà lấm lưng là con gà đã chịu trống (chịu để con trống nhảy lên lưng để đạp mái), chuẩn bị đẻ; “chó sưng đồ” là con chó tơ đã ở độ tuổi thuần thục (đồ ở đây là bộ phận sinh dục của nó), sẵn sàng phối giống thì thịt mới ngon. Thực ra câu “Chó già, gà non” nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn. Nó chính là dị bản rút gọn của câu “Chó thiến già, gà thiến non”. Cách rút gọn này ngắn gọn đến nỗi chỉ còn tính quy ước. Giống như câu “Khôn chi không trẻ, khỏe chi khỏe già” được rút gọn thành “Khôn trẻ, khỏe già”. Nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sai lầm.
Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng Ý nói: Phải đi xa ăn cơm, ăn tiệc thì ngại lắm.
Thoạt nghe cũng được. Nhưng thực chất, GS chưa giải thích thành ngữ mà mới nói nôm na về cách dùng với nghĩa hẹp. Hơn nữa, thành ngữ nói ăn “cháo” GS lại giải nghĩa thành “ăn cơm, ăn tiệc” khiến bản chất vấn đề thay đổi. Nếu là được “ăn cơm, ăn tiệc” thì cũng bõ công, có gì đáng phàn nàn ? Ở đây, dân gian nói là ăn “cháo” kia mà ? Lại chỉ có “một bát cháo” ! Cháo là đồ ăn nhanh đói, ngày xưa xem là món ăn tầm thường (bát cháo cầm hơi) của nhà thiếu gạo, đói ăn. Cháo lá đa là thứ bố thí cho “ma đói, ma khát”, những kẻ không người thờ cúng. Người ta chửi kẻ lười biếng: “Làm như vậy thì cháo cũng không có mà ăn”. Ngay như câu “Ăn cháo đái bát” thì cháo ở đây cũng được hiểu là bát cháo bố thí, cứu giúp kẻ đang đói lòng. Nay phải vượt ba quãng đường đồng (ý nói lặn lội hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để ăn một bát cháo, bụng chẳng no thêm mà còn đói mệt hơn. Thế nên dân gian rất hữu ý khi dùng phép tu từ: một với ba, bát cháo, với quãng đồng, ăn với chạy hoặc“lội” (dị bản “Ăn một bát cháo lội ba quãng đồng”)
Thành ngữ này nên giải thích theo nghĩa rộng hơn để tùy độc giả vận dụng: Phải bỏ nhiều công sức chỉ để hưởng những cái quá bình thường, không tương xứng.
Nhìn chung, những sai sót na ná như trên xuất hiện rất nhiều trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân. Bạn đọc còn thấy nó được “copy” lại để sử dụng vào sách “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” xuất bản sau đó hơn 10 năm, tiếp tục nối dài hành trình “Dĩ hư truyền hư”.
(Bạn đọc có thể tham khảo bài"TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM" CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN tại Blog: tuancongthuphong)
H.T.C
DĨ HƯ TRUYỀN HƯ KỲ 3
Sai lầm mang tính hệ thống trong
“TỪ ĐIỂN TỪ THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT NAM"
của GS Nguyễn Lân
Hoàng Tuấn Công
KỲ 3
Bỏ gốc lấy ngọn, giải thích sai, nông cạn, làm hẹp ý nghĩa, cách dùng thành ngữ, tục ngữ.
Đặc trưng của thành ngữ, tục ngữ là nghĩa đen hạn hẹp, cụ thể, nhưng nghĩa bóng lại rất rộng. Nhiệm vụ của người làm từ điển sau khi giải thích nghĩa đen, phải đưa ra được cách hiểu nghĩa bóng khái quát. Từ đó, người sử dụng từ điển có thể vận dụng đúng, linh hoạt vào nhiều trường hợp khác. Nhưng do cách hiểu nông cạn, phiến diện, bỏ gốc lấy ngọn, GS Nguyễn Lân đã biến nhiều câu thành ngữ, tục ngữ có tính khái quát cao thành lời nói nôm na, hời hợt:
Nhân nào quả ấy Ý nói Con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ.
- Hoàn toàn sai ! “Nhân nào quả ấy” thực chất là luật “nhân quả” , nhà Phật gọi là nhân duyên và quả báo: Có nhân ắt có quả, có quả ắt có nhân, đó là luật nhân quả. Quả báo lành là do nhân duyên lành, quả báo dữ là do nhân duyên ác. Ví như gieo giống (nhân) ngọt thì sinh trái (quả) ngọt; gieo giống (nhân) đắng thì sinh trái (quả) đắng. Có một số câu gần nghĩa như: “Nhân viên quả mãn” (Nhân tròn quả tròn) “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” (Ác với người thì sẽ bị báo ác, tốt với người thì sẽ gặp được điều tốt) “Gieo gió gặt bão”, v.v… Nói đến nhân quả là nói đến quy luật tất yếu, đâu chỉ là “con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ” như cách giải thích của GS.
Quả báo ăn cháo gãy răng. Ý nói: Đã làm điều ác, thì phải gánh lấy hậu quả.
-Giải thích như GS không sai nhưng không đúng với ý nghĩa cụ thể câu thành ngữ. Hãy lưu ý việc “ăn cháo gãy răng”: khi đã bị quả báo thì sẽ gặp tai hoạ khôn lường, phải chịu trừng phạt ngay cả trong những tình huống tưởng vô hại nhất. Ăn cháo mà cũng bị gãy răng cơ mà ! Ấy chính là sự đáng sợ của quả báo.
Không xanh cũng tựa màu chàm Màu xanh có nhiều sắc thái khác nhau, nhưng mỗi sắc thái đều là màu xanh. Thường dùng để nói một người sợ tái mặt đi.
-Chẳng có cơ sở nào để nói câu thành ngữ trên “thường dùng để nói một người sợ tái mặt đi”. Có lẽ GS nhầm lẫn với câu “Mặt xanh như chàm đổ” rồi liên tưởng tới Nguyễn Du miêu tả Thúc Sinh: Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run ?
Câu “Không xanh cũng tựa màu chàm” là cách nói phủ định để khẳng định. Nếu không công nhận là xanh, chỉ là màu chàm cũng không sao, bởi màu chàm cũng là màu xanh mà thôi. Giống như câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ai đó bảo rằng tôi không thơm, nhưng tôi là hoa nhài, mà đã hoa nhài là thơm rồi. Ai đó bảo rằng tôi không thanh lịch, nhưng tôi là người Tràng An, mà người Tràng An đồng nghĩa với sự thanh lịch đấy thôi !
Nghĩa bóng: Khẳng định bản chất tốt đẹp thì dù thay đổi tên gọi nó vẫn tốt đẹp; Không thể bác bỏ được thực tế khách quan.
Màn hoa lại trải chiếu hoa, bát ngà lại phải chiếu ngà mâm son Tả cái cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước.
-Trước tiên,về mặt văn bản: không phải chiếu ngà mà là đũa ngà. Vì vế trên đã có “chiếu hoa”. Mà thực tế cũng không có chiếu nào gọi là “chiếu ngà”. Mặt khác, không phải “bát ngà” mà là bát ngọc. Bát ngọc đi với đũa ngà mới đúng: Màn hoa lại phải chiếu hoa, Bát ngọc lại phải đũa ngà mâm son. Từ “trải” trong cụm từ “lại trải chiếu hoa” phải thay bằng “phải”. Mấy từ “lại phải” rồi “lại phải” chính là nói lên yêu cầu tương xứng giữa cái nọ với cái kia. Chắc Giáo sư không lạ gì những câu: “Tiếc thay hạt gạo tám xoan, Nấu nồi đồng điếu lại chan nước cà” hoặc “Trai tơ mà lấy nạ dòng, Như nước cáy thối chấm lòng lợn thiu” rồi câu “Đũa mốc lại chòi mâm son”. Ấy là nói về những sự kết hợp không cân xứng, hài hoà.
Nghĩa bóng: cái đẹp tổng thể là phải tương xứng, hài hoà, đồng bộ. Nói như Giáo sư: “tả cảnh xa hoa của gia đình giàu sang ngày trước” là hời hợt quá.
Lành làm gáo, vỡ làm môi (sọ dừa có thể dùng làm gáo hoặc làm muôi) Nói cách sử dụng người hoặc vật theo đúng khả năng.
Câu tiếp theo “Lành làm thúng thủng làm mê” được GS giải thích “Như câu trên”.
-Thiếu đi ý quan trọng của nghĩa bóng: Không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ.
Lúc thì chẳng có một ai, lúc thì ông xã ông cai đầy nhà Có nghĩa: Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà khi nhiều bạn bè, khi chẳng có ai.
-GS giải thích như vậy là nông cạn. Có một số dị bản gần nghĩa với câu này: “Lúc chẳng có mà coi, lúc có cả voi lẫn ngựa” hoặc “Lúc trổ nghẹn, lúc đẹn nước”. Dân gian nói cung và cầu không gặp nhau, lúc cần thì không có, lúc có lại rõ nhiều.
Nghĩa bóng: chuyện đời trớ trêu, không diễn ra như sự mong muốn, sắp xếp của con người.
Mất cha còn chú Ý nói: Cha chết có chú nuôi nấng che chở.
-Giải thích chưa hết nghĩa, mới chỉ dừng ở nghĩa đen.
Đầy đủ hai vế là “Mất cha còn chú, mất mẹ bú dì”: Chú (em bố) và dì (em mẹ) là những người ruột thịt, gần gũi nhất, được xem như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Đây là câu dân gian có ý đề cao vai trò, tình cảm chú-cháu, dì-cháu coi chú (em bố) và dì (em mẹ) cũng thân thiết, quan trọng như cha mẹ mình. Do đó, ngay cả khi còn cha mẹ, để nhắc nhở, đề cao vai trò, tình cảm chú, dì với cháu người ta vẫn có thể nói câu này.
Mỡ để miệng mèo Đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đương mong muốn.
- Chưa đúng điều cần nói của thành ngữ. Nghĩa bóng: Để một vật quý trong tình trạng hớ hênh, khiến kẻ đang thèm muốn có thể dễ dàng chiếm đoạt; Hành động, việc làm hớ hênh, dại dột.
Người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêu Ca tụng những người ăn nói thanh nhã, lịch sự.
-Câu tục ngữ này muốn ca ngợi bản chất của cái đẹp, sự toàn diện, hoàn hảo của cái đẹp; đã tốt đẹp thì tốt đẹp mọi điều, không bó hẹp ở việc “ca tụng người ăn nói thanh nhã, lịch sự”.
Lỗi thày mặc sách, cứ mạch mà cưa Ý nói: việc người trên đã có người trên lo, riêng phần mình cứ thẳng mà làm.
-Chưa chính xác. Nghĩa bóng là: Phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, thấy việc sai nhưng vẫn cứ làm, cho rằng tội vạ đã có người khác chịu.
Chết không nhắm mắt được. Nói lên sự đau khổ chua xót của cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái.
-Ai chết không nhắm mắt được ? Thành ngữ không chỉ nói “cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái” mà có thể những ai đó khi chết còn bị dằn vặt, hối hận bởi sai lầm hay tội lỗi do mình gây ra. Nó cũng là lời nguyền rủa, chửi bới kẻ mà mình căm ghét.
Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích Nói những kẻ gây rối trong xã hội.
-Không đúng ! Tục ngữ ý nói: những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện; Cần phải có chứng cớ cụ thể, rõ ràng mới quy tội cho người ta được. Cho nên người thi hành luật pháp coi trọng tang chứng hơn lời khai báo (Trọng chứng bất trọng cung).
Bà dì xù xì xó bếp Chê những người dì không có tài năng gì.
-Giải thích như vậy là lạc đề. Thành ngữ chê người dì xấu tính hoặc không đủ tư cách làm người dì. Không phải chê “tài năng” như GS nói. Câu này đồng nghĩa câu “Bác xác bác xơ”.
Buôn có bạn bán có phường Lời nói của những kẻ buôn bán tỏ ý không muốn lẻ loi.
-Đây không phải là “tỏ ý không muốn lẻ loi” mà là một đúc kết, một kinh nghiệm thực tế: làm ăn, buôn bán, phải có phường hội, có hợp tác giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau mọi việc buốn bán sẽ thuận lợi hơn là “đơn thương, độc mã”. Ví như "Có đắt hàng tôi mới trôi hàng bà".
Cha mẹ sinh con trời sinh tính Thường nói đến những người con hư của cha mẹ tốt. Thực ra, con hư một phần lớn cũng vì cha mẹ hoặc quá chiều, hoặc không chú ý đến việc giáo dục.
-Đây là một quan niệm: Bản tính có sẵn trong mỗi người sinh ra, không phụ thuộc ý muốn cha mẹ. (Giang sơn dị cải, bản tính nan di-Núi sông dễ dời đổi, bản tính con người khó thay đổi) Ví như cùng bố mẹ sinh ra, cùng lớn lên trong điều kiện học hành và giáo dục như nhau, nhưng bản tính mỗi đứa con mỗi khác: đứa ít nói, đứa nói nhiều, đứa ngoan, đứa hư. Không hẳn chỉ nói đến chuyện “con hư của cha mẹ tốt”. GS cũng không nên bàn luận là hư do đâu, cần làm gì để không hư, việc này không thuộc nhiệm vụ của từ điển.
Chọc cứt ra mà ngửi Ý nói: Bới việc xấu ra.
-Lời giải thích chung chung và quá đơn giản. Ý câu này chê trách, phê phán ai đó hay bới móc chuyện xấu, việc xấu của người ta thì trước hết tự mình dễ bị mang tiếng là bụng dạ xấu xa, hẹp hòi chuốc lấy phiền hà cho chính bản thân.
Chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào Ý nói chỉ sợ chồng ghét thì khó sống với nhau, chứ mẹ chồng mà ghét thì không ngại.
-Vì sao chồng ghét thì khó sống, trong khi mẹ chồng ghét thì lại không đáng ngại ? GS chỉ mới dừng ở mức diễn xuôi câu tục ngữ, nên không thoả mãn được nhu cầu tìm hiểu của người đọc.
Ý dân gian là: khi chồng giận dữ (ghét) thì nên tránh đi (ra). (Có câu “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời không khê” hoặc “Chồng đánh tại miệng”). Còn mụ gia (mẹ chồng) có mắng (ghét) thì cũng không nên tỏ thái độ, giận dỗi bỏ đi mà nên biết chịu đựng, làm lành (vào). Đó là lời răn dạy cách ứng xử, ăn ở của người vợ đối với chồng và mẹ chồng. Dị bản: “Chồng giận thì ra, mụ gia giận thì vào”.
Hàm chó, vó ngựa Lời khuyên không nên trêu chọc những con chó, con ngựa lạ.
Câu này không chỉ dừng lại ở chuyện trêu chọc con chó, con ngựa lạ. Đó mới chỉ là nghĩa đen thôi. Nghĩa bóng khái quát của thành ngữ phải được hiểu: nên đề phòng, tránh xa những nơi hay xảy ra nguy hiểm khó lường.
Hết quan thì hoàn dân Ngày xưa có nhiều quan lại vì lý do gì đó không làm quan nữa thì trở về làm dân thường.
-Nếu chỉ dừng ở mức như GS diễn xuôi như vậy, chắc hẳn câu nói này không đáng gọi là tục ngữ. Đây là lời nhắc nhở: Cuộc đời làm quan có hạn, rồi sẽ đến lúc phải “hưu quan”, khi ấy lại trở thành người dân bình thường, nên hãy liệu cách ứng xử. Câu này gần nghĩa: “Quan nhất thời, dân vạn đại”.
Ý nói: Không thể nắm mãi trong tay địa vị, chức tước; Hết địa vị chức tước sẽ trở lại như dân thường.
Không ai duỗi tay lâu ngày đến sáng ý nói: Không người nào lại muốn tự bêu xấu mình.
-Duỗi tay thì có gì là “bêu xấu”. Thật ngạc nhiên khi GS liên tưởng đến việc “tự bêu xấu mình” bằng hình ảnh “duỗi tay lâu” trong câu thành ngữ này !
Nghĩa đen: Trong một ngày hoặc một đêm con người ta tham gia vào nhiều hoạt động, dẫu có muốn cố tình nắm tay, hoặc duỗi tay thì cũng sẽ có lúc sơ sảy, quên đi mà phải co, duỗi tay ra. Câu “Không ai nắm tay từ sáng đến tối” hoặc “Không ai duỗi tay thâu ngày đến sáng”(thâu ngày tức hết ngày, không phải lâu ngày như GS viết) Nghĩa bóng: Trong cuộc đời, sẽ có lúc nào đó, do khách quan hoặc chủ quan người ta sẽ không giữ được điều tốt đẹp mà mình đang có; không ai có thể chắc rằng mình giữ được sự giàu có, sung túc, sự tốt đẹp mãi. Gần nghĩa với câu : “Sông có khúc, người có lúc”, “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”.
Môi hở răng lạnh Ý nói nếu mình không tốt với người thân của mình thì bản thân mình cũng chịu ảnh hưởng xấu.
Câu “Môi hở răng lạnh” (thành ngữ Hán-Việt là “Thần vong, xỉ hàn”) đầy đủ là “Môi hở răng lạnh, máu cháy ruột mềm”. Nếu chỉ nói đại khái như GS thì sẽ không thấy được cái ẩn ý sâu xa của dân gian khi nói đến mối quan hệ anh em, máu mủ, ruột rà, lời khuyên đoàn kết, gắn bó, thương yêu lẫn nhau. Và cái hệ quả mà GS nêu “nếu mình không tốt với người thân của mình thì bản thân mình cũng chịu ảnh hưởng xấu” đã làm sai lệch ý nghĩa câu “Môi hở răng lạnh”. Tục ngữ không nhằm nói chuyện tốt hay không tốt với người thân mà ý nói anh em ruột rà, hễ ai bị hoạn nạn, đau khổ mình đều bị tổn thương. Tương tự câu “Tay đứt ruột xót”.
Chó treo mèo đậy Ý nói Thức ăn phải đậy điệm, kẻo chó mèo sục vào.
-Đó chỉ là phần ngọn, cách dùng. Nghĩa đen là: Con chó to khoẻ, đánh mùi rất tốt, nên dù đậy kín nó vẫn có thể ủi đổ nồi, bật vung lên để ăn vụng. Tuy nhiên chó không leo trèo được, nên cách đề phòng tốt nhất là treo cao. Ngược lại, mèo nhỏ yếu, đánh hơi kém chỉ cần đậy lại là chắc chắn, bằng không treo cao thì mèo vẫn có thể leo trèo tới.
Nghĩa bóng: Tuỳ từng đối tượng (mối đe doạ) mà có biện pháp đề phòng hữu hiệu bằng cách khai thác triệt để điểm yếu, hạn chế điểm mạnh của đối tượng. Đây là nghệ thuật phòng gian.
Đò nào, sào ấy: Ý nói: Trong việc gì người ta đã quen dùng dụng cụ nào thì dụng cụ ấy là hợp nhất với người ta.
-Ở đây không nói “quen dùng” mà nhấn mạnh sự phù hợp của dụng cụ trong công việc (không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan “quen dùng” mà là thực tế khách quan, cần phải lựa chọn cho phù hợp). Chẳng hạn, con đò ngắn, đò nhỏ thì phải dùng sào ngắn, con đò to, dài thì phải dùng sào có kích thước tương ứng. Câu này tương tự câu “Trò nào trống nấy” hay câu ca dao: “Sào non chẳng cắm bến lầy…”. “Sào non” là cây sào vừa ngắn, vừa yếu, làm sao cắm nổi “bến lầy” ?
Nghĩa bóng: Tuỳ tính chất công việc mà lựa chọn dụng cụ cho phù hợp mới thành công.
Khôn chết, dại chết, biết thì sống Có ý đề cao sự hiểu biết, nó giúp người ta gỡ được những mối khó khăn. Nhưng người khôn chính là người có nhiều hiểu biết.
-Câu thành ngữ này khuyên người ta nên dung hoà trong cách sống, cách ứng xử: nếu khôn quá (khôn lỏi, chỉ biết thu vén cho mình) dễ bị loại trừ khỏi cộng đồng; ngược lại dại quá cũng sẽ bị chèn ép, bắt nạt, và biết ở đây không phải là “sự hiểu biết” nói chung như GS lý giải mà chính là sự khôn khéo, biết điều, biết người biết ta. Do không hiểu các khái niệm “khôn”, “dại” và “biết” trong văn cảnh này nên GS “phản bác” lại dân gian“nhưng người khôn chính là người có nhiều hiểu biết”.
Khôn nên quan, gan nên giàu Nói lên một sự thật trong xã hội cũ là kẻ nào khôn ngoan chạy chọt thì được làm quan, còn kẻ nào kiên trì ki cóp thì trở nên giàu.
-“Khôn” ở đây nghĩa là thông minh, tài giỏi, không phải “khôn ngoan chạy chọt”; và “gan” tức dám nghĩ, dám làm, hoàn toàn khác “kiên trì, ky cóp” như GS giải thích. Nếu đây là “sự thật trong xã hội cũ” thì GS giải thích như thế nào khi dân gian nói “Có chí làm quan, có gan làm giàu” ? Liệu “chí” ở đây là chí hướng phấn đấu, học hành, rèn luyện để đạt được địa vị, danh vọng như mong muốn, hay “chí” cũng có nghĩa là “chạy chọt” ?
Nghĩa bóng: Thông minh, học giỏi, có chí khí sẽ giúp người ta đạt được chức tước địa vị, còn nếu muốn làm giàu thì phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, không sợ lỗ.
Người ta đánh chú, tôi chẳng tha người, chú đánh cha tôi, tôi chẳng tha chú Ý nói: Trong quan hệ họ hàng, người trên có đúng đắn, người dưới mới kính phục.
GS cho rằng câu thành ngữ nói đến mối “quan hệ họ hàng”, trên dưới, thứ bậc là không đúng. Bởi vì “người ta” (người đánh chú) ở đây ám chỉ một người dưng, không phải trong họ hàng hoặc gia đình. Nghĩa đen câu này được hiểu: Nếu người dưng đánh chú, tôi sẽ đứng ra bảo vệ chú, bởi chú là người ruột thịt, thân thiết với tôi. Tuy nhiên, nếu chú đụng đến cha tôi, người tôi đứng ra bảo vệ không phải là chú nữa mà là cha tôi (người thân thiết với tôi hơn so với chú). “Chẳng tha người”, với “chẳng tha chú” nghĩa là đều bị đối xử như nhau, đều không thể tha thứ được, mặc dù thân sơ có khác nhau.
Nghĩa bóng: người ta có quyền và trước tiên phải bảo vệ người thân thiết nhất của mình, hoặc bảo vệ quyền lợi sát sườn của mình, bất kể kẻ xâm phạm là ai.
Ăn cây nào, rào cây ấy: Nói người có tình nghĩa luôn tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình.
Nên khái quát hơn nghĩa bóng: Tâm lý của người ta thường quan tâm, chăm sóc, vun vén đối với những người, hoặc những việc sẽ đem lại lợi ích cho mình.
Mỡ để miệng mèo Đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đương mong muốn.
Chưa đúng điều cần nói của thành ngữ.
Nghĩa bóng: Để một vật quý trong tình trạng hớ hênh, khiến kẻ đang thèm muốn có thể dễ dàng chiếm đoạt; Hành động, việc làm hớ hênh, dại dột.
Cạn ao bèo đến đất ý nói hết lượt người khác rồi đến lượt mình ?
Có lẽ GS cũng không chắc cách giải thích của mình có đúng hay không nên đã đặt dấu chấm hỏi (?) cuối câu. Và quả tình nó không ổn thật ! Bởi theo nghĩa đen, sở dĩ bèo nổi được, sống được là nhờ có nước. Hết nước thì bèo chạm đến đất và có thể chết vì khô héo. Vậy nghĩa bóng câu thành ngữ ý nói đã hết thời, hết chỗ dựa dẫm thì lộ bản chất thấp kém của mình, không phải hết lượt người khác rồi đến lượt mình. Chẳng nhẽ bèo đợi hết nước để đến lượt mình được chạm đất rồi chết chăng ?
Cậy thần phải nể cây đa (cây đa ở bên cạnh miếu thờ thần)
Không hẳn cây đa “ở bên cạnh miếu thờ thần” mà có thể là thần trú ngụ trong chính cây đa. Dân gian có câu “Thần cây đa, ma cây gạo”. Người ta quan niệm, ma, thần là những linh hồn phiêu diêu, vô định nên thường nương tựa vào cây cổ thụ, lấy thân cây to để nhập hồn, làm chỗ nương tựa, thay thể xác. Vì thần nằm ở trong chính cây đa nên cây đa cũng trở thành thiêng, được mọi người nể (kính nể, tôn trọng). Trong thực tế, dân gian thường kiêng chặt phá cây đa, cho dù có miếu thờ bên cạnh hay sự tích nào liên quan đến cây đa đó không. Dị bản: “Vì thần phải lạy cây đa”.
Giải thích sơ sài, nông cạn, thiếu chính xác là đặc điểm thường thấy trong các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân. (Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài “Giáo sư Nguyễn Lân hiểu gì về nông nghiệp nông thôn” trên Blog: tuancongthuphong)
DĨ HƯ TRUYỀN HƯ KỲ 4
Những sai lầm mang tính hệ thống trong
“TỪ ĐIỂN TỪ THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT NAM”
của GS Nguyễn Lân
kỳ 4
Giảng sai về từ vựng, cách hiểu, cách dùng từ Hán-Việt
và thành ngữ, tục ngữ Hán-Việt
Các sách “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” và “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân mang đậm dấu ấn cùng tác giả. Đó là: dịch sai, hiểu sai nhiều từ Hán - Việt và thành ngữ, tục ngữ Hán-Việt.
Làm trai cho đáng nên trai, đánh đông đông tĩnh, đánh đoài, đoài tan (Đoài là từ địa phương có nghĩa là phía Tây).
- Không biết “địa phương” mà GS nói là vùng nào, xứ nào? Thưa GS, “Đoài” (兌)không phải là “từ địa phương” mà là một từ Hán-Việt, tên một quẻ trong bát quái ứng với hướng tây (chính Tây), nên người ta còn gọi hướng Tây là hướng Đoài. Xưa, cách đặt tên làng, thôn đơn giản theo phương hướng, vị trí như: xóm Đông, xóm Đoài, làng Đông, làng Đoài, làng Thượng, làng Hạ... Cách đặt tên này có ở nhiều vùng miền. Hoàn toàn không phải mang tính địa phương. Thậm chí cả vùng Sơn Tây rộng lớn được gọi chung là xứ Đoài.
Tham khảo: người ta còn gọi gió tây là gió Đoài, gió mùa thu là gió Đoài (vì mùa thu ứng với hướng tây thuộc hành kim). “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Đoài một dấu trong 8 quẻ chỉ nghĩa là nước núi. Hướng đoài-Hướng tây. Gió đoài, gió tây, gió thu. Xứ Đoài vùng Sơn Tây”. Thơ Quang Dũng: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm,...” Thơ Nguyễn Bính: “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Tiên phong, đạo cốt (Nghĩa đen: Phong thái của người tiên, cốt cách người đạo đức)
- Chữ “đạo” (道)ở đây không phải là “đạo đức” mà là đạo tiên, đạo tu tiên (Đạo giáo-Lão giáo). Trong câu này được hiểu là người tu tiên-đạo sĩ. Nếu xem “đạo” ở đây là đạo đức sẽ không đúng với quy luật cấu trúc từ của thành ngữ tục ngữ dân gian.( “tiên” - tiên là danh từ phải đối với “đạo”-người (tu) tiên-đạo sĩ cũng là danh từ). Mặt khác phạm trù đạo đức rất rộng. Kẻ ăn mày nghèo khổ cũng có đạo đức của mình. Câu thành ngữ đang xét được Đào Duy Anh giải thích: “Tiên phong đạo cốt - Phong thái người tiên, cốt cách người đạo = Phẩm cách cao thượng”. Chữ “người đạo” là cách Đào Duy Anh dịch từ “đạo nhân”. Mà hai chữ “đạo nhân” được chính ông giải thích là người tiên (xem kết hợp từ của mục từ “đạo”-Từ điển Hán-Việt-Đào Duy Anh).
Như vậy ý câu thành ngữ là: Từ phong thái đến cốt cách đều giống tiên cả.
Tham khảo: Cái sai này không chỉ mình GS Nguyễn Lân. Cuốn “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán”-NXB Văn Hóa-1994-Viện ngôn ngữ học- Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành cũng có sự nhầm lẫn từ “đạo” là người tiên với “đạo” là đạo đức: “Tiên phong đạo cốt-Có phong thái, phẩm cách cao thượng của một bậc vĩ nhân, ví như có phong thái của tiên, cốt cách của người có đạo đức. Tiên phong: phong thái của tiên, đạo cốt: cốt cách của người có đạo đức”.
Đa số các câu thành ngữ, tục ngữ gốc Hán phần nghĩa đen của nó thường có điển cố, điển tích cụ thể. Bởi thế, người làm từ điển cần tìm hiểu và dẫn lại điển tích, điển cố để bạn đọc tham khảo, qua đó, hiểu đúng, hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, cách dùng. Tuy nhiên, với cách làm của GS Nguyễn Lân, chẳng những không đả động gì đến nguồn gốc mà còn giảng sai, hiểu nông cạn, làm sai lệch ý nghĩa câu thành ngữ, tục ngữ:
Bách phát bách trúng (Trăm phát trúng cả trăm) Ý nói: Có tài, đã làm việc gì thì thành công mỹ mãn.
-Giải thích chung chung quá và không đúng về cách dùng. Câu thành ngữ này xuất phát từ tích Dưỡng Do Cơ nước Sở thiện xạ, đứng cách lá cây dương liễu một trăm bước, dương cung bắn, bách phát bách trúng (thế nên còn có dị bản: Bách bộ xuyên dương) Thành ngữ trước tiên nói đến tài nghệ điêu luyện, một công phu, khả năng chính xác siêu việt. Sau mở rộng ra có thể dùng trong các trường hợp mà động tác người thực hiện công việc nào đó có tỉ lệ chính xác trăm phần trăm. Đâu phải cứ “có tài”, làm việc gì “thành công mỹ mãn” là có thể vận dụng được câu thành ngữ này ?
Tham khảo: Thời Xuân Thu có hai thiện xạ nổi tiếng là Dưỡng Do Cơ và Phiên Đảng. Một lần, Dưỡng Do Cơ thấy Phiên Đảng bắn ba mũi tên đều trúng hồng tâm, bèn nói: “Bắn như thế chẳng có gì khó. Ta có thể bách bộ xuyên dương”. Nói đoạn cho người dùng màu đen đánh dấu lên một cái lá dương liễu. Do Cơ đứng cách xa trăm bước, bắn tên xuyên thủng lá dương liễu đã đánh dấu. Phiên Đảng chưa phục, chọn 3 lá cao thấp khác nhau, đánh thứ tự 1,2,3. Thế nhưng Do Cơ vẫn lần lượt bắn không trượt mũi tên nào.
Bán tự vi sư (Nửa chữ cũng là thầy) Nói đến tình nghĩa cao cả giữa thầy và trò.
Thực tế không có ông thầy nào kể công lao hoặc tự nhận, tự xưng “nửa chữ cũng là thầy”. Do đó, không thể nói rằng thành ngữ này nói lên tình nghĩa của đôi bên, cụ thể là “giữa thầy và trò” được. Ngược lại, thành ngữ chỉ nhằm mục đích tôn xưng, vinh danh nghề thầy, công lao dạy giỗ của thầy, sự biết ơn của trò đối với thầy học mà thôi.
Tham khảo: Nhà sư Tề Kỷ (đời Đường) bên Tàu hay thơ, thơ hay, làm bài “Tảo Mai” (Hoa mai nở sớm) có câu: Vạn mộc đống dục chiết, Cô căn noãn độc hồi. Tiền thôn thâm tuyết lý, Tạc dạ sổ chi khai- Tạm dịch: Vạn cây băng giá chết, Mình cội ấm xuân về, Đầu thôn ngập tuyết trắng, Mấy cành đêm nở hoa... (萬木凍欲折,孤根暖獨迴。前村深雪裏,昨夜數枝開... ) Tề Kỉ nhờ Trịnh Cốc (cũng là một tài thơ đời Đường) chỉ giáo. Trịnh Cốc nhận xét: “Sổ chi phi tảo dã, vị nhược nhất chi giai " (Có tới mấy cành không thể gọi là sớm, chưa hay bằng một cành ). Thế là Trịnh Cốc chỉ đổi một chữ (sổ-mấy thành nhất-một) mà toát lên thần thái của toàn bài thơ ! Sư Tề Kỷ mới sửa thành: Tạc dạ nhất chi khai ( 昨夜一枝開-Một cành đêm nở hoa) và nhận Trịnh Cốc làm "nhất tự sư " (thầy dạy một chữ).
Bất học diện tường (Nghĩa đen: không có học như đứng trước bức tường). Chê những người dốt nát không chịu học hành.
Câu này không phải chê “người dốt nát, không chịu học hành” mà nhằm đề cao sự học, tầm quan trọng của học hành nói chung.
Thiên tải nhất thì (Tải có nghĩa đen là chở đi) Có nghĩa: nghìn năm mới có một lần.
- Giải thích nghĩa cả câu thì đúng, nhưng giải nghĩa riêng từ “tải” lại sai hoàn toàn ! Nhà biên soạn từ điển mà không phân biệt được nghĩa đen với nghĩa gốc (từ nguyên) là thế nào cũng là sự lạ ! Nếu “tải có nghĩa đen là chở đi” như lời GS giảng thì “thiên tải” hiểu theo nghĩa đen là ngàn lần chở đi, hiểu theo nghĩa bóng là “ngàn năm mới có một lần” hay sao ? Trong Hán tự có duy nhất một chữ “tải” (載)nghĩa gốc (chứ không phải nghĩa đen) là chất hàng lên xe.Và nghĩa mở rộng là “năm” của chữ “tải” là nghĩa giả tá chứ không phải nghĩa bóng. Hán-Việt Tự điển Thiều Chửu giải thích: “Tải - năm, nhà Hạ gọi là Tuế, nhà Thương gọi là Tự, nhà Chu gọi là Niên, nhà Ngô gọi là tải”. Chữ tải với nghĩa là năm ta còn gặp trong một số câu thơ, dân gian cũng như bác học: “Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì, Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo” (Ca dao) hoặc “Nàng rằng thiên tải nhất thì, Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn” (Kiều-Nguyễn Du).
Tham khảo: Chữ Hán được tạo thành theo sáu phép, gọi là “Lục thư”: Tượng hình, Chỉ sự, Hộ ý, Hình thanh, Chuyển chú và Giả tá. Chữ “tải” (載) là phép cấu tạo chữ thuộc dạng hình thanh (còn gọi là tượng thanh hay hài thanh) bao gồm chữ “xa” (車) chỉ nghĩa và chữ “tai” (哉-khi ghép bỏ bớt bộ khẩu) chỉ âm đọc hợp thành. Chữ “tải” (đúng ra đọc là “tái”) với nghĩa là “chở”, khi đọc là “tải” được biểu đạt một số nghĩa khác như: năm, tuổi, ghi chép,v.v… gọi là phép giả tá. Vậy phép giả tá là gì ? Ban đầu người ta chỉ căn cứ vào bốn phép tượng hình, chỉ sự, hộ ý và hình thanh để tạo ra văn tự Hán. Tuy nhiên, xã hội phát triển, hiểu biết và nhu cầu biểu đạt của con người ngày càng lớn; nếu cứ có một sự vật, hiện tượng lại tạo ra một tự dạng, một mặt chữ mới thì khó đặt cho đủ chữ được. Vì vậy lối chuyển chú, giả tá ra đời. Hứa Thận giải thích giả tá là “vốn không có chữ, nhờ thanh mà gửi sự”. Ví dụ: chữ “đạo” nghĩa gốc là "dẫn đường" được mượn dùng (giả tá) làm chữ “đạo” là “đạo đức”.
Bách tuế vi kỳ Nói cuộc đời của người ta (Thực ra hiện nay có nhiều người sống quá một trăm tuổi)
Chữ “bách tuế” chỉ mang tính quy ước, không phải quy định kỳ hạn tuổi tác của con người đến 100 tuổi là phải chết, mà là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Bởi là con số ước lệ nên dân gian còn gọi khi chết là “trăm tuổi”, cho dù người này có thể thọ 80-90 hoặc hơn 100 tuổi. Việc GS cải chính “thực ra hiện nay có nhiều người sống quá trăm tuổi” để phản biện câu thành ngữ là không cần thiết và có thể khiến người đọc hiểu sai nội dung, ý nghĩa câu thành ngữ.
Có những từ Hán-Việt quan trọng trong câu thành ngữ bị GS bỏ qua khi dịch nghĩa làm mất đi cái hay, cái đẹp, hoặc khiến bản chất câu thành ngữ bị thay đổi:
“Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử (Không vào hang hùm, không bắt được cọp) Ý nói: phải có gan mạo hiểm mới làm được việc khó”.
- GS đã bỏ đi chữ “tử” trong từ “hổ tử” và dịch: “không vào hang hùm, không bắt được cọp”. Nhưng nếu chỉ cần “bắt cọp” nói chung, cần gì phải vào tận hang hổ ? Phải là “bắt hổ con” (hổ tử) mới chính xác ! Hổ con chưa rời hang ổ, chưa tự đi kiếm ăn, đang nằm dưới sự nuôi nấng, bảo vệ của hổ mẹ nên phải vào tận sào huyệt mới bắt được chúng. Mặt khác, lúc nuôi con chính là lúc bản năng hổ mẹ hung dữ nhất, sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù để bảo vệ con. Do đó, việc bắt hổ con ngay trên lãnh địa, hang ổ của chúng là việc muôn phần nguy hiểm !
Cần dịch đúng: Không vào hang hổ, không thể bắt được hổ con. Ý nói việc làm tuy rất mạo hiểm, nhưng nếu như muốn đạt được mục đích thì không có cách lựa chọn nào khác. Đây còn là một kế sách. Dị bản: “Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử” (Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con)
Tham khảo: Thời Đông Hán, Ban Triệu cùng 36 tùy tùng được điều đến Tây Tạng để làm liên lạc. Ban đầu Quốc vương nước này rất niềm nở, nhưng sau bỗng dưng đổi thái độ rất lạnh nhạt. Hỏi ra mới biết quân Hung Nô cũng vừa đến đây không lâu. Ban Triệu thấy tình thế rất nguy cấp. Nếu chẳng may Quốc vương bắt trói giao cho bọn Hung Nô thì coi như chết cả lũ. Bèn nói với quân sĩ, tùy tùng: “Không vào hang hùm không bắt được hùm con. Chỉ còn một cách dùng lửa tấn công trại của bọn Hung Nô thì Quốc vương mới hiểu được lòng thành của ta với Hán triều”. Quả nhiên, việc thành công.
Bóng câu qua cửa sổ (Câu là con ngựa) ý nói: Thời gian đi nhanh quá.
Giải thích “Câu là con ngựa” là chưa rõ, chưa chính xác. Nguyên câu thành ngữ gốc Hán là “Bạch câu quá khích” (Dịch nghĩa đầy đủ là: Bóng con ngựa sắc trắng đương kỳ sung sức vút qua khe cửa). Trong tiếng Hán cổ, “mã” (馬) là ngựa, “câu” (駒) cũng là ngựa, nhưng tại sao thành ngữ không dùng từ “bạch mã” mà lại dùng “bạch câu” ? Khang Hy tự điển giải thích “Mã nhị tuế viết câu” (Ngựa hai tuổi gọi là câu) Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Ngựa hai tuổi gọi là câu. Phàm ngựa còn non còn khỏe đều gọi là câu cả”. Hán - Việt Từ điển Đào Duy Anh giải thích “câu” là “con ngựa hai tuổi, đương sức mạnh mẽ”.
Chữ “câu” với nghĩa con ngựa hai tuổi rõ ràng rất quan trọng nên khi dịch nôm, người ta không nói “Bóng ngựa qua cửa sổ” mà vẫn nói “Bóng câu qua cửa sổ”. Bởi thế nếu giải nghĩa chữ “câu” cần nói rõ và chính xác hơn: “Câu” là con ngựa non hai tuổi, đương thời kỳ sung sức nhất (nên nó phi rất nhanh, lại sắc trắng khiến chỉ nhìn thấy như bóng chớp loáng qua khe cửa).
Tham khảo: Trong Trang tử có câu: “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ” (Người ta sống ở cõi trời đất, giống như bóng bạch câu lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi”.
Điệu hổ ly sơn. (Nghĩa đen: Đưa hổ xa núi) Tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình để nó không thể quấy rầy mình được.
Giải thích chưa đúng, chưa đủ nghĩa. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm. Rừng núi là lãnh địa của chúng. Do đó, muốn tiêu diệt được hổ phải tìm cách dụ chúng ra khỏi hang ổ hoặc nơi nó phát huy được thế mạnh. Đây là một mưu kế làm suy yếu đối phương trong “Tam thập lục kế”. Ví như dụ giặc ra khỏi thành trì kiên cố để dễ bề tiêu diệt, chính là kế “điệu hổ ly sơn”. Trong thực tế thành ngữ “Điệu hổ ly sơn” cũng được dùng với nghĩa: tìm cách đưa đối thủ đi nơi khác để mình dễ bề hành động, hoặc thực hiện ý đồ nào đó được dễ dàng. Nhưng không có nghĩa chính là “ tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình”. Và với hiểm hoạ lớn từ con hổ nanh ác, liệu dùng từ “quấy rầy” có phù hợp ?
Vậy câu thành ngữ nên được giải nghĩa bóng là: Tìm cách đưa đối thủ đi khỏi địa bàn của nó để dễ bề tiêu diệt hoặc hành động.
Tang điền thương hải (Nghĩa đen: ruộng dâu biển xanh, xuất phát từ ý cho rằng đôi khi ruộng dâu có thể biến thành biển cả và ngược lại) Ý nói: Những sự thay đổi trong đời không thể biết trước được.
Thưa GS, không phải “xuất phát từ ý cho rằng đôi khi…” mà câu thàng ngữ này có thực tế nghĩa đen: Dâu là cây trồng ở đất bãi phù sa. Hiện tượng bồi lấp hoặc xói lở do tác động của dòng chảy sông ngòi, biển cả khiến cho vùng đất trước kia vốn là đất liền có thể biến thành sông nước, biển cả; hoặc ngược lại, biển cả có thể lùi dần nhường chỗ cho bãi bồi, dâu xanh, đất liền trù phú. Lịch sử hình thành nhiều vùng đất, (đặc biệt là vùng duyên hải) cho thấy trước đây nó vốn là biển cả. Từ hiện tượng tự nhiên này, người Trung Quốc cổ đại cho rằng cứ mấy vạn năm lại diễn ra một lần thay đổi, biển xanh biến thành nương dâu, rồi mấy vạn năm sau nương dâu lại biến thành biển xanh. Cũng cần nói thêm, GS giải thích thành ngữ này là “Những sự thay đổi trong đời không thể biết trước được” là chưa đúng. Chính xác phải là sự thăng trầm, thay đổi lớn trong đời. Thay đổi lớn, hoàn toàn khác với “thay đổi trong đời không thể biết trước được”. ( “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”-Kiều- Nguyễn Du).
Tham khảo: Tương truyền thời Đông Hán bên Tàu, người ta hỏi Ma Cô đại tiên bao nhiêu tuổi, Ma Cô nói: “Tôi không thể nhớ nổi, chỉ biết Đông Hải ba lần dâu bể”. Ma Cô nói như vậy ý đã sống lâu lắm rồi, đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao trong trời đất. Trong truyện “Từ Thức lấy vợ tiên” đoạn kể tiệc cưới tổ chức ở gác Giao Quang thuộc động Phù Lai, Tiên nương mặc áo lụa nói: "Chúng ta dạo chơi trong vùng này đã gần tám mươi ngàn năm, biển phía nam đã ba lần biến đổi”. Sự “biến đổi” ở đây chính là nói về “dâu bể” đó thôi.
Thành ngữ, tục ngữ Hán Việt chiếm tỉ lệ không nhiều trong sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp có được sự giải thích thấu đáo của GS, kể cả những câu đã trở nên rất thông dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân ta.
Dĩ hư truyền hư kỳ cuối
Những sai lầm mang tính hệ thống trong
"TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT NAM"
của GS Nguyễn Lân
Kỳ cuối
“Láo nháo như cháo với cơm”
Những chuyện khó tin nhưng có thật
Sách có tên “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, phần "Lời nói đầu" cũng được GS Nguyễn Lân xác định tương đối chính xác tiêu chí thế nào là thành ngữ, tục ngữ. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác. Nhiều câu là ca dao, câu đối, các thuật ngữ ngoại giao, thể thao, quân sự, các cụm từ, ngữ, láy từ đã được GS sư đưa vào làm “thành ngữ, tục ngữ” Việt Nam:
Lầm lẫn tục ngữ với ca dao:
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi, Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”,
Thương nhau chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.
Tìm anh như thể tìm chim, Chim ăn biển bắc đi tìm biển đông, Trị bệnh cứu người.
v.v…
Lầm lẫn câu đố dân gian với thành ngữ, tục ngữ:
-Con đóng khố, bố cởi truồng Tả cảnh nghèo khổ của nhân dân trong chế độ cũ.
Đây là câu đố về cây măng và cây tre. Cây măng non (con) đang được bọc trong những chiếc mo nang ( giống như đóng khố), cây tre già (bố) mo nang đã bong ra và rơi đi (giống như cởi truồng). Có lẽ GS cho rằng trong chế độ cũ vì nghèo khổ nên cha phải nhường khố cho con mặc chăng ? Nhưng trong thực tế không hề có chuyện này. Trái lại, vì con còn nhỏ nên cởi truồng, bố (và ai cũng vậy) là người lớn phải đóng khố, dù nghèo khổ đến đâu.
Đào chẳng thấy, lấy chẳng được Tức là: Sâu kín quá, không sao phát hiện được.
Đây là câu đố dân gian về bóng trăng dưới nước. Nguyên văn: “Vừa bằng cái vung, vùng xuống ao, Đào chẳng thấy, lấy chẳng được”. Mặt trăng dưới đáy nước nhìn thấy rõ, chỉ có điều “ đào chẳng thấy, lấy chẳng được” mà thôi.
Có những trang, bạn đọc giật mình tưởng đầu óc mình có vấn đề. Bởi đang đọc “Thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, bỗng đâu xuất hiện trước mắt một loạt từ chỉ có thể tìm được trong loại sách “Từ điển tiếng Việt”. Ví dụ: Cách mạng xanh; Chạy đua vũ trang, Chiến tranh cân não; Chiến tranh chớp nhoáng; Chiến tranh lạnh; Chiến tranh tâm lý (mục chữ cái C) hoặc: Khăn chữ nhất, Khăn đầu rìu, Khăn mỏ quạ (mục chữ cái K) Rồi: Không chán mắt Nói nhìn vật gì thích quá; được điều mong muốn; Không thể nào như Không tài gì”.(mục chữ cái K) Hay: Rất chi là Có nghĩa như: vô cùng, hết sức. Rinh tùng rinh Tả tiếng trống con xen lẫn tiếng trống cái trong một đám rước”,v.v…Bạn đọc sẽ cho rằng, đó là do lỗi văn bản, hoặc một cái gì đó không thuộc chủ ý của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi cái kiểu "...như cháo với cơm này" vẫn tiếp tục xuất hiện ở nhiều mục từ khác. Ví dụ, mục chữ cái K: "Khúc kha khúc khích Nói một số người ngồi cười vui riêng với nhau khá lâu, Khủng bố trắng Nói một cuộc khủng bố của một chính quyền phản động nói chung, tàn sát hàng loạt người tiến bộ" hoặc mục chữ cái O: "Ò e, ý e Tiếng kèn thổi trong đám ma, Ò e ý ới Như câu trên, nhưng thường dùng để giễu cợt, Oẳn tù tỳ (Câu trẻ con dùng để quyết định đến lượt ai chơi trước"). Và rải rác trong sách, bạn đọc còn gặp rất nhiều....Thậm chí trong Lời nói đầu, GS đưa ra tiêu chí chỉ chọn những câu thành ngữ, tục ngữ "có từ 3 từ trở lên", nhưng trong sách lại có cả loại hai từ như “Tân lang” và GS giải thích, đầy đủ "nghĩa đen" lẫn "nghĩa bóng": "Tân lang (Nghĩa đen: Chàng trai mới) Chỉ chú rể mới” !
Bỏ tiền mua sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, lại được luôn nội dung “Từ điển tiếng Việt”. Kể ra cũng không nên phàn nàn. Vì “Không bổ đầu thì cũng bổ đuôi”. Thế nhưng, ngặt một nỗi, nhiều từ, ngữ Việt Nam lại bị soạn giả giải thích “tréo ngoe”, rất khó chấp nhận:
Chạy đua vũ trang Nói các nước đế quốc đua nhau tăng cường vũ bị.
-Nói thế hóa ra các nước đế quốc chạy đua vũ trang là để đánh lẫn nhau ? Đúng ra là: các cường quốc, phe phái chạy đua, tăng cường mua sắm, chế tạo vũ khí, khí tài để củng cố sức mạnh quốc phòng và đối phó, răn đe đối phương (Có thể lấy ví dụ điển hình là cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe phái, điển hình là Liên xô và Mỹ trước đây).
Chạy ngược chạy xuôi Ý nói: đi lại tíu tít để lo một việc gì.
-Người ta đang nói “chạy” thì GS lại giải thích là “đi”, nói tình trạng “chạy ngược, chạy xuôi” rất khổ sở thì GS lại liên tưởng việc “đi lại tíu tít”. Cụm từ “đi lại tíu tít” khiến người ta liên tưởng đến việc làm gì đó bận bịu, khẩn trương nhưng vui, có nhiều người cùng tham gia, vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Trong khi “Chạy ngược, chạy xuôi” lại chỉ hành động của một người đang phải căng sức ra chạy vạy, lo toan rất vất vả, khổ sở. Đây chỉ là cách diễn đạt ngôn từ theo lối điệp từ để nhấn mạnh ý muốn nói. Ví dụ: Đi ra đi vào, Nói đi nói lại, Đón đầu đón đuôi…chứ không phải thành ngữ, càng không phải tục ngữ. Nhưng muốn gọi là gì thì cụm từ này cũng phải được hiểu: Chạy vạy khắp mọi nơi rất vất vả để lo toan cho công việc.
Bồng bồng bế bế Chê người nhiều con, vất vả vì con.
-Không đúng ! Đây nói về sự vất vả của người có con nhỏ và không có ý nào chê cả. Câu này cũng mới là “ngữ” chưa đủ tiêu chí “thành ngữ”. Có thể ví dụ rất nhiều: Đi đi đứng đứng, Ăn ăn nói nói, Cười cười nói nói, Anh anh em em, Ra ra vào vào, Đi đi lại lại v.v…
Chí cha chí chát Nói tiếng giày giép đi lại nhộn nhịp.
“Chí cha, chí chát” không thể là âm thanh của dày dép, càng không thể diễn tả cảnh “đi lại nhộn nhịp”. Đây là âm thanh của những vật cứng va đập vào nhau, ví như tiếng chặt, tiếng băm vang vọng từ xa tới, nghe lúc xa lúc gần. Nếu “Chí cha chí chát” được xem là “thành ngữ” thì: sột sà, sột soạt; lanh ca, lanh canh; rục rà, rục rịch,v.v...cũng được xem là thành ngữ ư ?
Nhìn chung, những điệp từ, điệp ngữ, từ láy được GS Nguyễn Lân “đôn” lên làm thành ngữ, tục ngữ rất nhiều. Thế nên, sách dày 600-700 trang, nhưng những câu không phải là thành ngữ, tục ngữ chiếm một tỉ lệ khá lớn.
Phần liên hệ câu đồng nghĩa, gần nghĩa cũng rất nhiều sai lầm. Ví dụ:
Mặt sứa, gan lim Như câu: Mặt rắn như sành.
-Hai câu trên có thể được xếp vào trái nghĩa, lại được GS coi là đồng nghĩa. Câu “Mặt rắn như sành” nhận xét khuôn mặt lộ rõ bản chất của con người rắn mày, rắn mặt, ương bướng. Còn câu “Mặt sứa, gan lim” lại nói mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung. “Mặt sứa” (bề ngoài) thì tỏ vẻ hiền lành, trắng bợt, mềm nhũn như con sứa (một loài động vật không xương sống ở biển, thân rất mềm, trắng), nhưng bên trong (gan) lại đen và rắn như gỗ lim. Câu này thường hay dùng để nhận xét về những người bề ngoài có vẻ hiền lành nhu mì nhưng lại dám làm những chuyện tày đình. Trái với câu “Mặt sứa gan lim” là “Miệng hùm, gan sứa”.
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư (Nghĩa đen: Trong ba người cùng đi, chắc có người là thầy ta) Như nghĩa câu trên”.
Câu trên là “Tam ngu thành hiền, ba người ngu họp lại thành một người giỏi) Nói lên tầm quan trọng của tập thể”.
-Câu “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” vốn trong sách Luận Ngữ, nguyên văn: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” Nghĩa: Trong ba người cùng đi, nhất định có một người là thầy ta. Ta chọn lấy mặt tốt của người đó để học tập, xét khuyết điểm của người đó để sửa lỗi của mình. Hai câu không thể mang nghĩa giống nhau. Bởi câu thứ nhất đề cao sự học hỏi; câu thứ hai đề cao sức mạnh trí tuệ của tập thể.
GS Nguyễn Lân là tác giả của hơn 10 cuốn sách Từ điển, được đánh giá là “Nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng Việt Nam” (Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở). Thế nhưng trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” phương pháp chỉ dẫn, sắp xếp các câu thành ngữ, tục ngữ của GS cũng không xong lắm khi trở thành chuyện “dở khóc, dở cười”. Ví dụ câu: “Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”được GS chỉ dẫn là “ Xem câu trên”, nhưng câu trên lại là câu “Ba chân bốn cẳng” chẳng liên quan gì đến nội dung cần tìm. Hoặc câu:“Cười người chẳng ngắm đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần” được GS chỉ dẫn “Như câu trên”. Nhưng khổ nỗi, câu trên lại là câu “Cười ngặt cười nghẽo” (!)…
Cũng liên quan đến chuyện trình bày, sắp xếp. Đối với những câu giống nhau về nội dung chỉ khác một vài từ do đảo vị trí, đáng lẽ chỉ nên giải thích một lần, nếu gặp câu sau nên hướng dẫn bạn đọc tham khảo câu trước. Nhưng GS thường làm chuyện không cần thiết là giải thích lại một lần nữa. Ví dụ các câu: Ăn bậy, nói càn khác gì “Ăn càn, nói bậy” ? “Ăn cạnh nằm kề” khác gì “Ăn cận ngồi kề” ?
“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân in lần đầu 1989, sau đó được tái bản hàng chục lần. Nghĩa là GS Nguyễn Lân có rất nhiều cơ hội để sửa chữa, bổ sung cho cuốn sách được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, chúng ta đã không được thấy GS làm vậy. Mặt khác, có lẽ cho rằng trang viết của GS Nguyễn Lân đã là “khuôn vàng thước ngọc” nên các nhà xuất bản đã bỏ qua khâu biên tập. Thế là hàng chục ngàn bản“dĩ hư truyền hư” đã đến tay bạn đọc. So sánh có thể thấy những sai sót, đến từng lỗi chính tả (của GS Nguyễn Lân) cũng được giữ nguyên (Ví như ngay trong Lời nói đầu "Ăn xổi ở thì" được GS viết thành "Ăn sổi ở thì") Chúng tôi có trong tay 3 cuốn: một sớm nhất do NXB Văn hoá ấn hành năm 1989, một cuốn do NXB Thời Đại ấn hành 2011 và một cuốn gần đây nhất (thời điểm chúng tôi viết những dòng này) do NXB Văn Học ấn hành năm 2012. Khi tìm trong thư viện và các nhà sách sẽ thấy rằn,g từ năm 1989 đến nay sách của GS Nguyễn Lân được khoảng hơn 10 Nhà xuất bản lớn, tên tuổi ở Việt Nam ấn hành, giấy tốt, bìa cứng, trình bày đẹp như: NXB Văn hoá (1989) NXB khoa học xã hội (1997) NXB Văn học 2003 (2 lần) NXB Văn học 2010 (2 bản) NXB Văn Học 2012. NXB Văn hoá thông tin 2010 (2 lần) NXB Thời đại (các năm 2010; 2011). NBX Từ điển bách khoa (2002). NXB Tổng hợp TP HCM (2005, 2008),v.v…
Kể ra một cuốn sách nằm trong cụm công trình về ngôn ngữ được nhận giải thưởng Nhà nước, gắn với tên tuổi Nhà biên soạn từ điển-vị giáo sư lừng danh NGND Nguyễn Lân, mức độ lan tỏa như thế cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng “lan tỏa” hàng chục năm trời cùng với đầy rẫy những sai sót quả rất khó tin và khó chấp nhận.
Đến đây, bạn đọc đã đi cùng chúng tôi trọn năm kỳ “Dĩ hư truyền hư”. Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có cảm giác mệt mỏi, và chẳng thể nhớ nổi “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân sai những gì. Chỉ nhớ rằng sách này sai có hệ thống, sai lớn, sai nhỏ, sai rất nhiều... Liên hệ với bài “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân, mục chữ cái nào cũng có sai sót”, mà chúng tôi đã từng trích đăng, cùng một số bài viết ngắn trước đây của Huệ Thiên (An Chi) của Lê Mạnh Chiến,...có thể nói đây là hiện tượng có một không hai trong lịch sử biên soạn từ điển ở Việt Nam.
H.T.C
Mời độc giả đón đọc loạt bài
“THỬ LÝ GIẢI NHỮNG SAI SÓT ĐỂ ĐỜI
của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân”.
Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,Đại Nam quấc âm tự vị (Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của-Sài Gòn 1895.
2,Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa -Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải (NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1985).
3, Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) A.de Rhodes - NXB Khoa học xã hội-1991.
4,Việt Ngữ Tinh nghĩa từ điển-Long Điền Nguyễn Văn Minh (-NXB Quảng Vạn Thành- Hà Nội 6/1950).
5.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -GS Nguyễn Lân (NXB Văn hóa - 1989)
6.Từ điểm thành ngữ tục ngữ Việt Nam-Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn học 2008.
7.Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931 (bản Scan của vietnamtudien.org )
8. Từ điển từ Việt Cổ-Nguyễn Ngọc San- Đinh Văn Thiện-NXB Văn hóa thông tin-2001.
9.“Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” - Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành - Viện ngôn ngữ học - NXB Văn Hóa-1994,v.v..
Bài viết được lược trích trong "Phê bình từ điển" - Hoàng Tuấn Công-chưa in.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét