1 thg 3, 2014

Thử lý giải những sai sót để đời


của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân Kỳ 4

   Hoàng Tuấn Công

"Trong bụng không có được ba vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì chưa chắc đã làm được văn"(Ngô Lai -“Kiến Văn tiểu lục” - Lê Quý Đôn).

Kỳ 4
Kiến văn và tra cứu

Thành ngữ tục ngữ là gì ? Là lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nhân dân là ai ? Xưa có tới hơn 90% nhân dân là nông dân. Nông dân là ai ? Là ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn, hàng xóm láng giềng...quanh ta. GS Nguyễn Lân là con em nông dân, sinh ra lớn lên ở làng (*). Dẫu lúc nhỏ không phải làm “tiểu nông dân”, cũng cùng ăn, cùng ở với nông dân. Đối với một người có tư chất hoặt thiên hướng nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa truyền thống, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để những kiến văn về nông thôn, làng quê ngấm sâu vào máu thịt.

Làng quê chính là cái nôi của thành ngữ, tục ngữ, kho tàng vô cùng phong phú của tiếng Việt.
Ở ngoài đồng: Con trâu, con bò, con ngựa (Trâu chậm uống ước đục, Khoẻ như trâu, Ngu như bò; Tức như bò đá; Thẳng như ruột ngựa...). Con cò; con vạc; con cuốc, con két, dẽ giun (Lò dò như cò phải bão;  Lử cò bợ; Kêu như vạc; Đen như cuốc; Đánh như đánh két, Run như dẽ) Con cua, con cáy; Con tôm, con cá (Ngang như cua; Nhát như cáy; Họ nhà tôm cứt lộn lên đầu;  Cá mè một lứa) Mưa gió, sấm chớp, Rét, Nóng (Gió thổi là chổi trời; Sấm kêu rêu mọc, Chớp đông nhay nháy, gà gáy trời mưa; Rét tháng ba bà già chết cóng; Tháng tám nắng rám trái bưởi)...Về nhà: con gà, con vịt, con chó, con lợn; con chuột, con mèo (Gà đẻ gà cục tác; Vịt già, gà tơ; Chó già giữ xương; Cháy nhà mới ra mặt chuột; Mèo già hóa cáo...) Những dao, những thớt, thúng mủng, dần sàng, bồ, chĩnh (Dao sắc không gọt được chuôi; Mặt như mặt thớt, Lọt sàng xuống nia; Lấy thúng úp voi, Im như thóc đổ bồ, Một chĩnh đôi gáo...) Bờ vách, bờ rào; cây cối quanh vườn; con chim, con sâu, con đom đóm...(Bờ vách có tai, bờ rào có mắt; Chuối sau, cau trước; Ba hoa chích chòe; Rau nào sâu ấy, Lờ đờ như đom đóm đực...)...Và rất nhiều ! Nhiều không sao kể xiết !
Có thể nói tất cả những gì nông dân nhìn thấy, quan sát và cảm nhận hàng ngày đều trở thành chất liệu của thành ngữ, tục ngữ. Những “giáo cụ trực quan” ấy không hề xa lạ với một người sinh ra lớn lên ở làng như GS Nguyễn Lân.
Về kiến văn và tri thức trên đường đời. GS Nguyễn Lân được đào tạo bài bản tại Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Trước năm 1945 đã là Giáo sư ba trường học ở Huế: Quốc Học, Đồng Khánh, Bách Công. GS viết nhiều tiểu thuyết như: Cậu bé nhà quê (1925), Khói hương (1936) Hai ngả (1938)... Sau 1945, GS ra Hà Nội dạy trường Chu Văn An, làm Giám đốc học chính Trung Bộ, Giám đốc giáo dục liên khu 10 và Liên khu Việt Bắc. GS từng nhớ lại: “Trong thời kỳ kháng chiến trước đây, chúng tôi có dịp đưa sinh viên đi sơ tán về miền quê. Sau một thời gian chung sống với bà con nông dân, anh chị em đã rút ra được một kết luận là ngôn ngữ của bà con, nhất là của những cụ già, không phải “quê mùa” như trước đây mọi người vẫn tưởng, mà trái lại, rất văn vẻ, có nhiều màu sắc, nhiều hình tượng... (Trích “Lời nói đầu” của “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”-GS Nguyễn Lân).
Như thế, không chỉ thuở ấu thơ GS Nguyễn Lân mới được gần gũi với nông dân, nông thôn. Ngược lại, GS còn được tiếp xúc với thiên nhiên, con người, văn hóa đặc sắc của nhiều vùng miền khác nhau trên bước đường học tập, công tác.
Không chỉ trong nước. GS Nguyễn Lân từng được cử đi học tại Khu học xá Trung ương-Trung Quốc (1951-1956). Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để mở rộng kiến văn, bồi đắp tri thức (ở một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa, xứ sở của những cuốn từ điển trứ danh, gốc gác của những từ và ngữ Hán Việt...). Trở về, GS Nguyễn Lân làm Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Tâm lý giáo dục học Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Đồng nghiệp là những tên tuổi lớn của giới trí thức Việt Nam. Ông cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Ngụy Như Kon Tum, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Khánh Toàn... là lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư” (**). Môi trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng chính là cơ hội vàng để tiếp xúc, tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa...các vùng miền thông qua những sinh viên góp mặt từ khắp nơi...
Trước khi biên soạn các cuốn từ điển Từ điển Thành ngữ tục ngữ Việt Nam (1989); Từ điển từ và ngữ Hán Việt (1989); Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2000, tái bản 2003), GS Nguyễn Lân đã từng tham gia với tư cách là tập thể tác giả biên soạn một số cuốn từ điển như:  Từ điển chính tả phổ thông (1963); Từ điển tiếng Việt (1967) Từ điển Pháp - Việt (1981)... là tác giả và đồng tác giả của hơn 30 cuốn sách, bao gồm nhiều lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ, sư phạm, văn hóa đông-tây, kim-cổ...
Cuối cùng, Giáo sư Nguyễn Lân (1906-2003) có quỹ thời gian vô cùng lớn để tích lũy kiến văn. Ông gặt hái tri thức, biên soạn 3 cuốn từ điển của riêng mình vào những năm cuối đời, thọ 96 tuổi.
          Như thế, gần trọn một thế kỷ: nông thôn, miền núi, miền Bắc, miền Trung, trong nước, ngoài nước, chế độ cũ (Pháp thuộc), chế độ mới...GS Nguyễn Lân đều từng sống, học tập, công tác, được rải nghiệm, thực hành rất sớm. Có thể nói, điều kiện trau dồi kiến thức, mở rộng kiến văn, trải nghiệm cuộc sống của GS Nguyễn Lân có đủ. Thậm chí là mơ ước của bao người.
Vậy trong thực tế, kiến văn của Nhà biên soạn từ điển ra sao ?
Trước đây, bạn đọc đã từng được biết đến những “sơ sót” (chữ của An Chi-HTC) của GS Nguyễn Lân qua các bài “Những sai sót khó ngờ trong “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”; Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của An Chi; bài “Hai cuốn từ điển rất có hại cho tiếng Việt” của Lê Mạnh Chiến. Phần lớn những sai sót đó liên quan đến chữ nghĩa, kiến thức sách vở. Gần đây, chúng tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) tiếp tục nêu ra những sai lầm nhiều lĩnh vực của GS Nguyễn Lân một cách có thệ thống qua 5 kỳ “Dĩ hư truyền hư-Những sai lầm mang tính hệ thống trong Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”; “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” mục chữ cái nào cũng có sai sót” .

Sau đây là một số sai lầm mà chúng tôi cho rằng liên quan trực tiếp đến kiến văn của Nhà biên soạn từ điển:

1. Bò có đá được không ?
-GSNguyễn Lân (GSNL): "Tức như bò đá (bò húc chứ bò không đá)
Kiến văn "bò húc chứ bò không đá" được GS Nguyễn Lân khẳng định trong “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (xuất bản 1989). Mười năm sau, trong "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (XB2000), một lần nữa GS tự tin khẳng định, chắc chắn, rõ ràng hơn: "Tức như bò đá ng (Thực ra, bò không thể đá được) ".
 Chưa thấy bò đá bao giờ, không có nghĩa bò không đá được. Tuy không ra được những cú song phi uy lực như ngựa, nhưng bò vẫn đá theo kiểu của bò. Đó là đá hất văng một chân ra phía sau.
2.Sao lại nói run như dẽ ?
Trong cả hai cuốn từ điển nói trên, GSNL đều khẳng định:
 - Run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này).
- Sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”).
Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ. Đây là thực tế nghĩa đen: chim dẽ giun có tập tính đầu giật, đuôi nảy, mình rung rung theo nhịp bước khi đi kiếm ăn.Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: Run như con chim dẽ giun
 3. Đom đóm đực sáng hay đom đóm cái sáng ?
-GSNL: "Lờ đờ như đom đóm đực (Người ta cho rằng đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái ?)"
Không đúng ! Đom đóm đực sáng và to hơn đom đóm cái, nhưng bay chậm.
5. Ếch vồ hoa dâm bụt làm gì ?
-GSNL: “Ếch vồ hoa dâm bụt (Ếch không ăn được hoa dân bụt)”
Ếch vồ hoa dâm bụt không phải để ăn mà bắt mồi. Hoa dâm bụt thường được trồng ở bờ ao. Khi hoa nở, ong bướm, côn trùng đến hút nhụy, ếch ta ngồi ngóng lên thèm thuồng, định thực hiện cú vồ ngoạn mục để đớp gọn con mồi. Ai dè lực bất tòng tâm, cú nhảy chỉ vồ trúng cái hoa dâm bụt mà thôi. Nghĩa bóng: chế giễu kẻ vụng về làm hỏng việc lớn.
6. Cơm rang khác gì cơm thổi ?
-GSNL: “Một bát cơm rang bằng sàng cơm thổi Đây là ý kiến người thích ăn cơm rang, vì nó có hành mỡ, đôi khi có thịt, có lạp xường”.
Đây không phải “ý kiến người thích ăn cơm rang” mà là sự thật khách quan được dân gian tổng kết: Hạt cơm khi rang bị quắt lại, còn rất ít so với trước khi rang, nhưng khi ăn lại rất dội (được nhiều).
7. Thóc lép khác gì thóc chắc ?
-GSNL: “Thóc lép Nói hạt thóc nhỏ hơn bình thường”.
Sai ! Thóc lép là thóc rất ít hoặc không có hạt gạo (nhân tinh bột) bên trong lớp vỏ trấu. “Nhỏ hơn bình thường” không phải thuộc tính của thóc lép.
8. Đồng điếu là gì ?
GSNL: “Đồng điếu. Đồng nguyên chất màu đỏ”.
Sai !“đồng điếu” là đồng hợp kim, không phải đồng nguyên chất.
9.Vịt xiêm là con gì ?
-GSNL: “Vịt xiêm Giống vịt to, người ta nói nhập từ Thái Lan”
 Sai ! Vịt xiêm là cách gọi tên con ngan của người miền Nam chứ không phải là “giống vịt to”.
10. Điếu cày kêu hay điếu bát kêu ?
-GSNL: “Điếu kêu tốn thuốc (Hút thuốc lào bằng điếu bát thường có tiếng giòn, càng giòn người ta càng thích).
Sai ! Điếu có tiếng kêu giòn là điếu cày, không phải "điếu bát".
11. Ống điếu là gì ?
-GSNL: “Ống điếu. Đồ dùng để nhét thuốc lá vào rồi đốt mà hút”.
Sai ! Vật GS mô tả là cái tẩu hút thuốc. Còn “ống điếu” lại chỉ vật dụng có thêm cái nõ dùng để hút thuốc lào.
12.Chuồng trại là gì ?
-GSNL: “Chuồng trại Chỗ nhốt các giống vật”
Không đúng ! “chuồng trại” không phải nơi“nhốt” mà là nơi có chuồng nuôi nhốt,có không gian rộng chăm sóc, quản lý vật nuôi.
13. Cái chĩnh trông thế nào ?
-GSNL: “Chĩnh Đồ gốm nhỏ hơn vại dài”.
Sai ! Chĩnh và chum mới có chung hình dáng: cổ và đáy hóp lại, thân giữa phình ra. Ngược lại, vại hình trụ, trên dưới bằng nhau. Bởi vậy, chĩnh nhỏ và thấp hơn chum, không phải “nhỏ hơn vạidài”.
14. Chim chiền chiện có màu lông gì ?
-GSNL: “Chiền chiện Loài chim nhỏ màu vàng hay hót”.
  Không đúng ! Chim chiền chiện hót hay chứ không chỉ "hay hót", có màu lông xám nâu chứ không phải "mầu vàng".
15. Cá nóc sống ở đâu ?
-GSNL: “Cá nóc. Cá nước ngọt thân tròn và ngắn”.
 Sai nghiêm trọng ! Cá nóc là cá nước mặn (cá biển), không phải cá nước ngọt. GS nhầm với cá cóc (tiếng địa phương gọi con nòng nọc) chăng ?
16. Cá chép khác cá giếc thế nào ?
-GSNL: “Cá chép. Cá nước ngọt, thân dày, vảy to, vây và đuôi rộng”.
“Cá giếc. Loài cá nước ngọt, giống cá chép, nhưng bé hơn nhiều, mắt đỏ”.
Mô tả cá chép, GS bỏ mất đặc điểm sinh  học rất quan trọng của cá chép là có râu hai bên mép. Và, cá giếc chỉ gần giống cá chép chứ không "giống cá chép". Ngoài mắt đỏ, điểm quan trọng khác cá chép của cá giếc là không có râu hai bên mép.
17. Uyên ương là vịt hay là ngỗng ?
-GSNL: “Uyên ương (Loài ngỗng trời, uyên là ngỗng đực, ương là ngỗng cái, tục truyền hai con bao giờ cũng đi với nhau)”
Không đúng ! Uyên ương thuộc loài vịt chứ không phải loài ngỗng. Thế nên mới có câu “Đả áp kinh uyên ương” (Đánh con vịt sợ động con uyên ương).
18. Móng đèo của con chó trông thế nào ?
-GSNL: “Tứ túc hoa mai (túc: chân; mai: cây mơ; hoa: hoa) nói loài chó có chấm lốm đốm trắng như hoa mai ở bốn chân.
Sai ! Thực ra "hoa mai" ở đây là chiếc móng đèo của con chó quý còn gọi "tứ túc huyền đề" (bốn chân có móng đèo, treo).
19. “Chó già, gà non”, để thiến hay ăn thịt ?
-GSNL: “Chó già, gà non” Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm”.
Sai ! Đây là kinh nghiệm thiến chó và thiến gà, không phải kinh nghiệm ẩm thực. Câu tục ngữ vốn đầy đủ là “Chó thiến già, gà thiến non”. Câu này GS mắc lỗi kiến văn tới hai lần. Bởi ai cũng biết cầy tơ, chó tơ mới đáng ăn. Chó già dai nhách, ăn làm sao ngon được ?
20. Rán và rang khác nhau thế nào ?
-GSNL: “Cháy cạnh. Nói thức ăn rán vàng đều: thịt gà cháy cạnh”.
“Cháy cạnh” là cách nấu thịt ban đầu rang lên (chứ không phải rán). Còn "rán" là dùng mỡ để nấu chín vàng món ăn nào đó. Khi đã“rán vàng đều” phải gọi là vàng ruộm (vàng như được nhuộm) sao gọi là “cháy cạnh” ? Soạn giả nhầm thịt gà rang "cháy cạnh" với món gà quay chăng ?
21. Đòng lúa khác gì bông lúa ?
-GSNL: “Bón đón đòng. Bón phân cho lúa khi sắp trổ bông”
Sai ! Đòng lúa khác bông lúa. Đã gọi là “bón đón đòng” có nghĩa phải bón khi lúa mới bắt đầu giai đoạn hình thành đòng chứ ? Sao lại bón vào lúc lúa “sắp trổ bông” ? Nếu thế phải gọi “bón đóng bông” mới đúng ? Nhưng thực tế, không có biện pháp kỹ thuật “bón đón bông” cho lúa.
22. Bón lót là gì ?
-GSNL: “Bón lót. Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa: Đã bón lót rồi nên cấy kịp thời”.
Không đúng ! Bón lót không phải khâu kỹ thuật chỉ áp dụng cho cây lúa. Từ đậu, lạc, ngô khoai...đến các loại cây công nghiệp mía, dứa, cà phê, rồi cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp...đều áp dụng biện pháp bón lót.
22. Bón thúc là gì ?
-GSNL: “Bón thúc. Bón phân để đẩy mạnh sự trưởng thành của lúa: Nhờ có bón thúc nên lúa được xanh tốt”.
Sai ! Bón thúc cũng là biện pháp kỹ thuật áp dụng cho tất cả các loại cây trồng thâm canh, không riêng gì cây lúa. Ví dụ: bón thúc cho ngô, mía, cây ăn quả các loại...
23. Chim én hay chim yến ?
-GSNL: “Bạch yến (yến: chim én) Chim én trắng: Bạch yến trong lồng làm cảnh”.
GS Nguyễn Lân lẫn lộn giữa hai con hoặc biến hai con làm một. Chim én (đuôi chẻ hình chữ V, bay chấp chới bắt côn trùng, gắn với hình tượng mùa xuân) khác chim yến nuôi trong lồng làm cảnh, nghe hót.
24.Cu gáy, chích chòe, chim cắt là con gì ?
- GSNL: “Cu gáy dt Chim cu hay gáy”.
+ “Chích chòe: Loài chim nhỏ hay kêu chiểm chiếp”
+ “Chim cắt: Loài chim bay rất nhanh”.
Những sự hình dung mơ hồ, méo mó về các loài chim vốn không hề xa lạ quanh ta.
 25.Cương hay cân, cưa hay xẻ ?
-GSNL: “Cầm cương nảy mực (Cầm cương ngựa và nảy mực lên mặt gỗ để cưa). Điều khiển và chỉ dẫn những người dưới quyền làm theo:Trong những năm Hồ Chủ tịch cầm cương nảy mực”.
Nhầm lẫn ! Cầm cân chứ không phải “cầm cương”. Người ta dùng chiếc cân để so sánh với công bằng, chính trực; nảy mực tàu được ví với cách làm thẳng thắn, khách quan, không thiên, không lệch. Hai vế của thành ngữ đều nói về sự thẳng thắn, công bằng, không thiên, không lệch, chứ không phải nói về sự dẫn đường chỉ lối. Cũng nên lưu ý soạn giả: người ta chỉ nảy mực lên mặt gỗ để xẻ (dọc) cho thẳng. Còn "cưa" (ngang) không ai nảy mực làm gì.
26. Rau muống là rau gì ?
GSNL: “Rau muống. Thứ rau phổ biến nhất ở nước ta, cùng họ với khoai lang trồng ở ao hoặc ở trên cạn”.
Sai ! Rau muống thuộc họ bìm bìm, tiếng Tàu gọi là “không tâm thái” (rau rỗng ruột). Sao có thể xếp chung với “khoai lang”, một loại cây trồng cạn có củ ?
27. Là lưng hay thắt lưng ?
GSNL: “Chung lưng đấu cật (Cật là chỗ thắt lưng)
Sai ! Cật là toàn bộ phía sau lưng chứ không phải "thắt lưng". Đại nam quấc âm tự vị giải nghĩa đúng: "Cật: lưng (...) sấp cật: sấp lưng".
28. Thông điếu là gì ? Thuốc phiện hay thuốc lào ?
-GSNL: “Thông điếu Hất điếu thuốc lào đã hút để đặt điếu thuốc khác vào nõ điếu. Chúng tôi thông điếu cho nhau (NgTuân)
Dùng mồm ghé ống điếu đẩy hơi đột ngột, đồng thời hất cho xái thuốc lào bắn ra khỏi nõ gọi là sì (xì) xái thuốc. Còn dùng que hoặc lông gà làm cho điếu hết tắc mới gọi là thông điếu. Nhưng “thông điếu” trong ví dụ “Chúng tôi thông điếu cho nhau” mà GS đưa ra chính là thông điếu thuốc phiện, không phải thuốc lào.
29.Chùa là gì ?
-GSNL: “Chùa. Nơi dựng lên để thờ Phật”.
Chưa đúng ! Chùa còn là nơi tu hành của người xuất gia, nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng...
30. Tượng Hộ Pháp đặt ở đâu ?
-GSNL: “To như hộ pháp (Hộ pháp là bức tượng rất to đặt ở trước bàn thờ Phật trong chùa)”.
Sai ! Tượng Hộ Pháp thường đặt hai bên gian tiền đường, ở giữa là ban thờ Phật. Cũng có khi tượng Hộ Pháp đặt ở ngay hai bên mái hiên Phật điện. Nhưng chẳng có tượng Hộ Pháp nào lại được“đặt ở trước bàn thờ Phật” (tức đứng quay lưng lại trước mặt bàn thờ Phật) như cách tưởng tượng của GS.
Trở lên là một số ví dụ (chúng tôi chỉ dừng ở số tròn 30) về sự lầm lẫn, ngộ nhận của GS Nguyễn Lân trong hai cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”“Từ điển từ và ngữ Việt Nam”.
Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sao không nói “một thúng khôn”, hay một “bì khôn” mà lại là “sàng khôn” ? Vì nói “sàng” cho vần với “đàng” ? Chưa hẳn như vậy ! Kiến văn là những trải nghiệm thực tế, chẳng trường lớp, sách vở nào dạy. Trong cuộc sống hàng ngày, hay cụ thể là “một ngày đàng”, ngàn vạn sự vật, hiện tượng, hoạt động diễn ra trong mắt ta... Bởi vậy, kiến văn phụ thuộc rất lớn vào tư duy, khả năng quan sát, suy xét của từng người. Cái ta thu về không phải một “thúng”, một “bì” hỗn độn thượng vàng hạ cám trên thế gian, mà là những điều đã được đầu óc ta “sàng lọc” (một cách tự nhiên, hoặc có ý thức). Khi gặp việc, những kiến văn trên đường đời (có thể từ thuở ấu thơ) trong trí nhớ cứ thế tí tách nảy mầm, xanh tươi hiện thực...
Đất nước Trung Hoa rộng lớn mà GS Nguyễn Lân từng có 5 năm du học, lưu truyền giai thoại vô cùng sinh động, sâu sắc về kiến văn (Giai thoại này nhiều người biết, nhưng xin chép lại để tiện so sánh) Đại khái: Tể tướng Vương An Thạch (1021-1086) là người tài danh, kiến văn sâu rộng. Một hôm Tô Thức (Tô Đông Pha1036-1101) vào dinh Tể tướng để luận bàn chính sự. Chợt thấy bức thư pháp thể hiện bài thơ của họ Vương treo ở sảnh đường. Đáng chú ý có hai câu:
Minh nguyệt sơn đầu khiếu (Trăng sáng hót đầu núi)
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm (Chó vàng nằm giữa hoa)
Tô Thức thấy thật vô lý:  trăng chỉ sáng, chứ đâu có hót được ? Con chó vàng làm sao có thể nằm ở giữa bông hoa ? Hình như có sự nhầm lẫn ở đây. Với tài thơ của mình, họ Tô bèn chữa lại hai chữ trong thơ Vương An Thạch mà vẫn đảm bảo niêm luật, âm vận, lại nghe “có lý hơn”:
Minh nguyệt sơn đầu chiếu (Trăng sáng soi đầu núi)
Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Chó vàng nằm dưới bóng hoa)
Lấy làm hài lòng, Tô Thức tự tin giãi bày với Vương An Thạch. Vương Tể tướng không nói, chỉ gật gù, vẻ cười khó hiểu rồi lảng sang chuyện khác. Sau, Tô Thức bị Vương An Thạch điều đi trấn thủ ở Nam phương. Tuần trăng sáng biên viễn, họ Tô đi ngắm cảnh núi rừng, nhân thể tìm hiểu thủy thổ địa phương. Chợt thấy một điều lạ. Cứ đêm đêm, mỗi khi ánh trăng khuya tràn ngập khắp núi rừng, giọng hót thánh thót của một loài chim lại vọng về từ đầu núi. Dân địa phương cho ông biết, đó là chim Minh Nguyệt, loài chim chỉ cất tiếng hót vào những đêm trăng. Trăng càng sáng giọng của nó càng vang lên thánh thót. Tiếp tục dạo bước dưới trăng, hoa rừng tỏa hương ngào ngạt. Dừng lại ngắm một loài hoa lớn, Tô Thức nhận thấy bông nào cũng có một con sâu màu vàng ươm nằm giữa nhụy hoa. Hỏi ra lại biết đó là sâu Hoàng Khuyển. Chúng sống bằng nhụy của loài hoa nở theo tuần trăng. Lúc này, họ Tô mới giật mình nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch. Hóa ra, Vương Tể tướng điều Tô Thức đến vùng này là để ông có được bài học nhớ đời về kiến văn.
Vậy kiến văn là gì ? Điều ta tận mắt trông thấy là kiến, tận tai nghe là văn. Kiến văn đơn giản là những điều ta thu nhận được khi nghe thấy. Ấy là sự hiểu biết, từng trải, chiêm nghiệm thực tế cuộc sống của mỗi người. Không ít người có được kiến thức, sự tài trí, uyên bác nhờ thu lượm từ thiên kinh, vạn quyển. Tuy nhiên, tài trí uyên bác đến đâu mà không có kiến văn - những sàng lọc trực tiếp qua mắt, qua tai của chính mình, tài trí ấy không thể hoàn hảo. Thậm chí dễ sinh lầm lẫn, ngộ nhận.
Đối với nghiên cứu ngôn ngữ, kiến văn càng trở nên muôn phần quan trọng. Bởi ngôn ngữ không chỉ là giao tiếp. Nó là thanh âm diễn tả, gọi tên muôn hình vạn trạng những gì mắt ta, tai ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy...Hơn thế. Ngôn ngữ còn diễn tả chính xác những gì mà mắt ta, tai ta...chưa thể, không thể nghe thấy, cảm thấy trong thế giới vô hình, hay ở phương trời nào xa lắc... Bởi vậy, soạn giả phải đọc thiên kinh, vạn quyển, kiến văn vô cùng sâu rộng mới hy vọng có chút thành công.
Trong câu chuyện trên, họ Tô đáng trách ở chỗ chủ quan về kiến văn. Nhưng phải nói khả năng kiến văn của ông không thể xem thường. Bởi cũng đi, cũng đến địa phương đó, nhưng với người khác có khi tai không nghe, mắt không thấy và còn lâu mới ngộ được sự tồn tại của hai sinh vật kỳ lạ chỉ xuất hiện vào những đêm trăng khuya.
Trở lại câu chuyện kiến văn của GS Nguyễn Lân. Ở trên, chúng ta đã biết, GS Nguyễn Lân có thừa điều kiện để trau dồi kiến thức, mở rộng kiến văn. Khác với câu chuyện chim minh nguyệtsâu chó vàng (loài đặc hữu chỉ riêng có ở một vùng nào đó). Những con bò, con ếch, đom đóm, cơm rang, cơm thổi, con chó, con gà, miếng ăn, miếng uống, chim chóc...đều là những sự vật, hiện tượng quen thuộc, xung quanh ta. Sinh ra, lớn lên ở quê mà không biết con bò thế nào, con đom đóm ra sao... thì sách vở nào dạy cho ta biết ? Điều này không thể chấp nhận đối với người cầm bút biên soạn ra loại sách làm Thầy thiên hạ.
Kiến văn không chỉ là nguyên nhân gây nên sự lầm lẫn, hiểu sai hàng loạt bản chất câu thành ngữ, tục ngữ mà còn gây nên sai sót trong giải nghĩa nhiều từ vựng của GS Nguyễn Lân. Nếu cẩn thận trong tra cứu sách vở, GS Nguyễn Lân hoàn toàn có thể bù lấp những thiếu hụt về kiến văn. Ví dụ các trường hợp đồng điếu (8), vịt xiêm (9), cá nóc (15) uyên ương (17), rau muống (26), v.v...Tuy nhiên, chúng ta không được thấy Nhà biên soạn từ điển làm vậy.
Ở đây, vấn đề không phải kiến văn hẹp mà phải nói khả năng kiến văn của GS Nguyễn Lân không tốt. Tức óc quan sát, tư duy ghi nhận sự vật hiện tượng trong cuộc sống mờ nhạt, nông cạn, lại thiếu đi đức tính cẩn thận của người nghiên cứu. Kiểu tư duy này không phù hợp với loại hình từ điển, yêu cầu phải chính xác, cụ thể, rõ ràng và đầy đủ.
                                                                  Hoàng Tuấn Công

Kỳ sau
Tư duy logic
Chú thích:
(*) và (**) Thông tin về GS Nguyễn Lân được trích từ nội dung giới thiệu về tác giả của hai cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”Từ điển bách khoa toàn thư mở.

(Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài GS NGUYỄN LÂN HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN ?  trên Tuấn Công Thư Phòng)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét