16 thg 4, 2025

“Có đi có lại” và “Có đi có lại mới toại lòng nhau”

 


            HOÀNG TUẤN CÔNG

Vua Tiếng Việt mùa 2 (28/10/2022) yêu cầu “Hoàn thiện cụm từ sau: “_ó đ_ _ó l_i”. Người chơi “bỏ qua” vì không đưa ra được câu trả lời, và đáp án của Vua là “Có đi có lại”.

Kết thúc phần thi, Cố vấn, TS Văn học Đỗ Thanh Nga giảng giải:

Có một câu mà chị không điền từ được, “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thì người ta nói đó là câu tục ngữ trọn vẹn như vậy, để người ta nói đến cái phong tục văn hoá của người Việt mình, khi mà đối xử tốt với ai đó sẽ nhận được đền đáp xứng đáng. Và thông thường, nó cũng là cái văn hoá ứng xử, khi chúng ta nhận được cái gì đó, ai đó đem đến cho mình cái gì đó tốt đẹp, thì mình cũng phải có ý thức để đền đáp lại họ. Câu đấy thì rất là đơn giản, nếu chị bình tĩnh một chút là có thể điền từ được”.

MC Xuân Bắc tiếp lời “Có đi có lại mới toại lòng nhau, chị đã không trả lời được câu này, và hiện bây giờ chị đang có 6 điểm, xin chúc mừng”.

Thực ra, “Có đi có lại” và “Có đi có lại mới toại lòng nhau” là hai câu khác nhau. Câu đầu là thành ngữ, câu sau là tục ngữ.

1-“Có đi có lại

Có đi có lại” chỉ mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi; đôi bên đều phải đáp ứng, quan tâm tới lợi ích của nhau, tương tự các câu“Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”; “Bánh ít trao đi, bánh dì trao lại”; “Bánh ú đi, bánh dì lại”; “Bánh đúc trao qua, bánh đa trao lại”; Quả mơ đi quả mận lại; Đầu đào báo lí-投桃報李 (Quả đào đi, quả mận lại); Lễ thượng vãng lai-禮尚往來 (Lễ vật có đi có lại).

Quan hệ “có đi có lại” mang tính chất đổi chác, sòng phẳng, và nó sẽ không thể hình thành cũng như duy trì nếu một trong hai bên không đáp ứng hoặc vi phạm nguyên tắc ấy.

Không phải bỗng dưng mà có tới 7 cuốn từ điển chúng tôi có trong tay dành một mục riêng cho “Có đi có lại”:

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Vietlex): “có đi có lại • đối xử tốt lại với người đã đối xử tốt với mình.

-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý): “có đi có lại • Trao đổi, đối xử bình đẳng, ngang bằng trên cơ sở hai bên cùng có lợi”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “có đi có lại • bt. Có qua lại với nhau, theo lẽ phải thế, có chịu ơn phải trả”.

-Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “có đi có lại: Có sự đền đáp lại khi đã hưởng của người trong quan hệ đối xử với nhau; Ăn ở đầy đặn, có trước có sau”.

Sau đây là một số ngữ liệu minh hoạ cho “Có đi có lại”:

-Trong bài viết “Có đi có lại!”, Báo Nhân Dân có đoạn:“Phát biểu ý kiến tại họp báo hôm đầu tuần ở Tehran, Tổng thống Pezeshkian nêu rõ: “Nếu Mỹ và một số nước châu Âu thực hiện các cam kết của họ, chúng tôi cũng sẽ tuân thủ thỏa thuận. Nếu họ không làm, chúng tôi cũng sẽ không làm.” (Báo Nhân Dân - 2024).

Theo đây, nếu A không “có đi” thì B cũng sẽ không “có lại”.

-“Ông Trump và những người ủng hộ ông đưa ra lập luận rất đơn giản về thuế quan có đi có lại: nếu các công ty Mỹ phải chịu thuế quan và các rào cản thương mại khác khi bán hàng hóa của họ sang một quốc gia khác, hàng hóa từ nước đó vào Mỹ cũng phải bị áp thuế quan tương xứng.” (Thuế quan “có đi có lại” của ông Trump đe dọa kinh tế toàn cầu - vneconomy.vn – 2025).

Như đã viết ở trên, câu “Có đi có lại” tương tự Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu,…Ngữ liệu sau đây sẽ chứng minh điều đó:

“Theo ông Chiêm, muốn các nhà tài trợ hỗ trợ các đội bóng thì địa phương cũng phải có chính sách tạo điều kiện, ưu đãi họ, bởi đã làm kinh doanh thì phải có lợi nhuận! Với phương châm “ông có chân giò, bà thò chai rượu”, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... đã tìm cách kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào các CLB bóng đá thay vì phải dùng ngân sách tỉnh để hỗ trợ đội bóng.” (Báo Nghệ An – 2017).

Cũng cần nói thêm, “Có đi có lại” có khi ám chỉ mối quan hệ nào đó chỉ đơn thuần vì lợi ích của đôi bên mà gắn bó, dựa dẫm vào nhau chứ không phải xuất phát từ tình cảm. Ví dụ: Chẳng qua họ đến với nhau là có đi có lại, chứ tình cảm gì đâu.

2-“Có đi có lại mới toại lòng nhau

Nếu “Có đi có lại” chỉ mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi (thiếu đi thiện chí, trách nhiệm của một trong hai bên thì sự hợp tác, mối quan hệ này không thể diễn ra), thì “Có đi có lại mới toại lòng nhau” lại đưa ra một lời khuyên, một kinh nghiệm trong ứng xử: Ai đó làm điều gì đó tốt đẹp cho mình thì mình cũng nên có sự đáp lễ tương xứng, chu đáo thì mối quan hệ đó mới tốt đẹp, bền chặt được. Theo đây, nếu đem câu “Có đi có lại mới toại lòng nhau” để thay vào ngữ cảnh của một số ngữ liệu chúng tôi trích dẫn ở mục 1, sẽ thấy không hợp lí.

Như vậy, thành ngữ “Có đi có lại”, đưa ra nhận xét, hoặc nêu lên một nguyên tắc ứng xử; trong khi tục ngữ “Có đi có lại mới toại lòng nhau” đưa ra kinh nghiệm, lời khuyên trong cách đối đãi, ứng xử với nhau sao cho mối quan hệ đôi bên được tốt đẹp, bền chặt.

Tục ngữ “Có đi có lại mới toại lòng nhau” không mang tính nguyên tắc, không đặt điều kiện ra trước, và không đòi hỏi phải đáp ứng tức thì như thành ngữ “Có đi có lại”. Điểm khác biệt cơ bản ở đây chính là cụm từ “mới toại lòng nhau (lời giảng: “…khi chúng ta nhận được cái gì đó, ai đó đem đến cho mình cái gì đó tốt đẹp, thì mình cũng phải có ý thức để đền đáp lại họ”, của vị cố vấn đã không thể hiện được ý này). Theo đây, mối quan hệ “mới toại lòng nhau” nẩy nở một cách tự nhiên và hai bên dựa trên tinh thần tự nguyện, sự biết điều trong ứng xử, đối đãi. Có thể bên này “có đi” nhưng bên kia không, hoặc ít khi “có lại” thì mối quan hệ đó vẫn được thiết lập. Nếu điều đó cứ liên tục diễn ra thì lâu dần quan hệ đôi bên có thể sẽ bị nhạt phai, hoặc một trong hai bên sẽ cảm thấy không hài lòng, chứ không đến mức chấm dứt ngay lập tức như mối quan hệ dựa trên nguyên tắc “Có đi có lại”.

Tóm lại, một câu là thành ngữ chỉ điều kiện tiên quyết để thiết lập, duy trì mối quan hệ, thường thiên về các vấn đề lợi ích trong hợp tác nói chung; một câu là tục ngữ nhấn mạnh đến cách “đối nhân xử thế”, thường thiên về phẩm chất văn hóa và tình cảm trong quan hệ giữa người với người. Vị cố vấn đã không hiểu chính xác những khác biệt này nên đã đồng nhất hai câu, làm mất đi vẻ đẹp phong phú và tinh tế của tiếng Việt.

                                                            Hoàng Tuấn Công  24/3/2025


Tham khảo: Thành ngữ có chức năng tương đương như từ. Bởi thế, ngoài “Có đi có lại mới toại lòng nhau” chúng ta còn thấy nhiều trường hợp thành ngữ nằm trong tục ngữ. Ví dụ: Đẹp như tiên, lo phiền cũng xấu; Đẹp như rối, không mối không xong; Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng; Cơm hàng cháo chợ ai lỡ mới ăn. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn; Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung; Chết sông chết suối, không ai chết đuối đọi đèn; Đừng tham da trắng tóc dài, đến khi nhỡ bữa chẳng mài mà ăn; Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy,…