HOÀNG TUẤN CÔNG
Nhân tình và tình nhân là hai từ Việt gốc Hán có hai nghĩa khác nhau. Nhân tình人情 = tình người; tình cảm giữa người với người; lòng dân, tình hình dân chúng; còn tình nhân 情人 = người tình; người yêu.
Tuy nhiên, thực tế sử dụng hai từ này trong tiếng Việt lại khá rắc rối. Nhiều người dùng đúng, nhưng cũng không ít người nhầm lẫn, đánh đồng, hoặc không phân biệt rõ ràng giữa hai từ “nhân tình” và “tình nhân”.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) ghi nhận cách dùng trong thực tế như sau:
- tình nhân = “người yêu. “Tình nhân lại gặp tình nhân, Hoa xưa ong cũ, mấy
phân chung tình!” (TKiều)”.
- nhân tình = “người có quan hệ yêu đương không chính đáng với người khác,
trong quan hệ với người ấy. có nhân tình ~ bỏ nhà theo nhân tình”.
- “tình nhân như nhân
tình. “…vợ ông phán mọc sừng đang bù khú với tình nhân ở phòng bên cạnh…” (Vũ Trọng
Phụng).
Cách dùng tùy tiện hai từ nhân
tình và tình nhân không chỉ tồn tại trong đời sống ngôn ngữ
đại chúng, mà còn in dấu ấn vào chữ nghĩa của cả những người cầm bút chuyên nghiệp.
Mở đầu bài thơ Ghen, Nguyễn Bính Viết:
“Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười,
Những lúc có tôi, và mắt chỉ,
Nhìn tôi những lúc tôi xa
xôi…”
Nếu hiểu nhân tình = “người có quan hệ yêu đương không chính đáng với người khác, trong quan hệ
với người ấy”, như Hoàng Phê giảng, thì “Cô nhân tình bé của tôi ơi”, trong thơ Nguyễn Bính hẳn là một phụ nữ ngoại tình, một kẻ đáng chê.
Trong khi vào nội dung bài thơ, thì “cô nhân tình” này là một cô người
yêu có vẻ đẹp và tất cả sự trong trắng, khiến kẻ đang yêu phải “ghen”
đến mức muốn giữ tất cả cho riêng mình, mà cái cách ghen cũng thật xứng với cô:
“…Tôi muốn những đêm đông giá lạnh,
Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô,
Bằng không tôi muốn cô đừng gặp,
Một trẻ trai nào trong giấc
mơ...”
Như vậy, nếu đây là văn bản đáng tin cậy, thì Nguyễn Bính đã dùng từ nhân tình với nghĩa không được chuẩn xác.
Với
Vũ Trọng Phụng thì khi viết “…vợ ông phán mọc sừng đang bù khú với tình nhân ở
phòng bên cạnh…”, ông đã dùng đúng
hai chữ tình nhân (người tình) theo nghĩa và cú pháp của một từ Việt gốc
Hán. Trong khi nhân tình mà từ điển của Hoàng Phê
đã giảng “người có quan hệ yêu
đương không chính đáng với người khác, trong quan hệ với người ấy”, thực chất
(hoặc có thể) là cách diễn dịch hai chữ nhân tình theo cú pháp tiếng Việt thành
người tình.
Trong tiếng Hán, nhân tình được Hán ngữ đại từ điển giảng tới 8
nghĩa, như: 1.tình cảm của con người (hỉ,
nộ, ai, cụ, ái, ố, dục); 2. Tình thường của con người; 3. Lòng người, tình
cảm, nguyện vọng của quần chúng; 4. Tình thân giữa người và người; 5. Dân tình;
phong tục dân gian; 6. Tình bạn bè với nhau, v.v…Không thấy nhân tình có nghĩa nào chỉ người tình, người yêu. Trong khi tình nhân 情人 được Hán ngữ đại từ điển giảng hai nghĩa là: người
yêu, bạn thân.
Đáng chú ý, con đường đưa hai chữ nhân
tình trở thành tình nhân-người tình đã được Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức - 1931) ghi nhận: “nhân tình 人情 • Tình của
người ta <> Nhân-tình phản-phúc.
Dùng sang tiếng Nam có nghĩa là người có tình-ái riêng với nhau hay là lòng
tư-túi nhận của đút lót <> Đem tiền
cho nhân-tình. Người kia bị kiện, nhưng đã có nhân-tình với quan.”.
Vậy, khi dùng đúng, nhân tình và tình
nhân có những nghĩa nào? Xin liệt kê một số nghĩa
chính sau đây:
Xin liệt kê một số nghĩa chính
sau đây:
1-NHÂN TÌNH:
-Tình người: Thành ngữ Hán Việt có câu Nhân tình thế thái (hoặc Thế
thái nhân tình) có nghĩa là tình người, thói đời. Cụ Tú
Xương khi nói về tình người bạc bẽo cũng đã viết: “Đ.mẹ nhân
tình đã biết rồi, Lạt như nước ốc bạc như vôi”; "Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo/ Nhân tình bạc thế lại bôi vôi". Hay “Trước
đèn xem truyện Tây minh, Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le” (Lục
Vân Tiên). Ở đây, từ nhân tình đã được dùng chính xác với
nghĩa là tình người, lòng người.
-Dân tình: Tình
hình sinh hoạt của dân chúng; lòng dân, nguyện vọng của dân chúng (nghĩa cổ).
Ví dụ “Chuyến đi sang Pháp này, Trương Vĩnh
Ký cũng thu thập, học hỏi được nhiều điều: “Vĩnh Ký trong 9 tháng giúp theo Sứ
sự, đều đặng hoàn toàn; nhơn đó mà lại được quan sát nhơn tình, phong tục, châu lưu thành quách sơn xuyên…” (Trương
Vĩnh Ký hành trạng – Đặng Thúc
Liêng).
-Người tình: Người có quan hệ bất chính, khi cả hai (hoặc một trong
hai) đang có vợ, có chồng. Ví dụ “Ông ấy bắt nhân tình với một cô đang
còn trẻ lắm”, hoặc “Ông ấy có nhân tình nhân ngãi với...”.
Lưu ý, nhân
tình với nghĩa người tình, người yêu
trong quan hệ luyến ái, yêu đương chân chính (như cách dùng của Nguyễn Bính
trong bài thơ Ghen) hầu như không được
dùng trong đời sống.
2-TÌNH NHÂN:
-Người tình (đồng nghĩa với nhân tình): người có quan hệ yêu
đương không chính đáng với người khác, trong quan hệ với người ấy. (Lưu ý, xét thực tế trong một số ngữ cảnh người tình vẫn được dùng với nghĩa giống như người yêu).
-Người yêu: người có quan hệ tình cảm thắm thiết, có ý muốn chung sống và gắn bó cuộc đời với một người nào đó (thường chỉ trai chưa vợ, gái chưa chồng).
Ngoài tình nhân, trong tiếng Việt còn có các từ (cũ) dành riêng cho người con gái gọi người yêu, như tình lang 情郎 (lang 郎 = chàng: Thương nhớ tình lang/Hẹn ngày sau trọn nghĩa đá vàng - Ca dao); người con trai gọi người yêu, như tình nương 情娘 (nương 娘 = nàng: Tay cầm cây viết liếc xem/Thấy ai đi đó tưởng tình nương vội mừng - Ca dao).
Như vậy, tình nhân (người yêu) không đồng nghĩa với nhân tình (tình người; bồ bịch). Thế nên, người ta gọi Ngày lễ tình nhân chứ không ai gọi Ngày lễ nhân tình.
Hoàng Tuấn Công
Nguyễ Bính đã dùng sai từ này!
Trả lờiXóa