HOÀNG TUẤN CÔNG
Bìa sách, ngoài dòng chữ nhái “Trung tâm từ điển học”, còn
có những thông tin rất hấp dẫn, như: “Cập nhật nhiều mục từ mới”, “Nhiều
hình ảnh minh hoạ”, sách “Bán nhiều nhất”...
Vậy, sách này “cập nhiều mục từ mới” như thế nào?
Xin thưa rằng hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là rất nhiều từ
cũ, từ dùng sai cách đây ngót một thế kỉ, đã được nhóm tác giả này “khai quật”,
sao chép lại để “dành cho học sinh-
sinh viên”. Sau đây là ví dụ về một số cái sai của Nhóm Kim Danh
- Ngọc Hằng (KDNH). Chúng tôi sẽ lấy chính cách giảng nghĩa của “Từ điển
tiếng Việt” (Vietlex) Hoàng Phê chủ biên, do Trung tâm Từ điển học (The Lexicography Center –
Vietlex) chính lý và bổ sung (cuốn từ điển này bị Nhóm KDNH làm nhái, chúng tôi sẽ nói rõ
ở phần sau), để chỉ ra những sai sót của KDNH (phần ví dụ của Vietlex, chúng
tôi xin lược bớt):
- KDNH: “ba ba
(dt) Rùa nhỏ ở nước ngọt, có mai dẹp phủ da, không vảy”.
Không đúng, ba ba có thể còn to hơn cả rùa. Vietlex: “ba ba d. động vật thuộc họ rùa, sống ở
nước ngọt, mai không có vảy mà được phủ bằng lớp da mềm, bơi nhanh, lặn được
lâu”.
- KDNH: “bánh lái
dt Bộ phận hình tròn để cầm lái tàu, xe”.
Đây là nghĩa cũ, hiện nay không còn được dùng. Vietlex: “bánh lái d. bộ phận xoay được dùng để đổi hướng
đi của phương tiện vận tải”.
- KDNH: “bệnh hoạn
dt Bệnh tật và hoạn nạn”.
Giảng thiếu nghĩa, dễ dẫn đến lầm lẫn. Vietlex: “bệnh hoạn • 病患 I d. [id] trạng thái bị đau ốm,
bệnh tật [nói khái quát]. Đn: bệnh tật, tật bệnh. • 病患 II t. 1 ở trạng thái có bệnh thường
kéo dài. 2 [tư tưởng, tình cảm] không được bình thường, không lành
mạnh”.
- KDNH: “bò sát
1 tt Bò sát bụng xuống đất; 2.Loài bò sát (rắn, thằn lằn)”.
“Bò sát” ở nghĩa 1 là cụm từ (ngữ
động từ - động ngữ), không phải đơn vị từ vựng. Vietlex: “bò sát d.
lớp động vật có xương sống, thở bằng phổi, chuyển dịch bằng cách bò sát
đất, gồm rùa, thằn lằn, rắn, cá sấu, v.v.”.
- KDNH: “bút ký dt. Lời ghi viết bằng tay”.
Vậy viết bằng bàn phím (máy tính), không được gọi là “bút kí” sao? Vietlex: “bút kí 筆記 d. thể kí ghi lại những điều tai
nghe mắt thấy, những nhận xét, cảm xúc của người viết trước các hiện tượng
trong cuộc sống”.
- KDNH: “cánh kiến dt
Cánh con kiến”.
“Cánh kiến” với nghĩa như vậy coi như chưa định nghĩa.
Vietlex: “cánh kiến d. 1 côn trùng cánh nửa cỡ nhỏ,
sống thành bầy trên cây, tiết ra một chất nhựa màu đỏ thẫm, dùng để gắn.
2 chất do con cánh kiến tiết ra. Đn: cánh kiến đỏ”.
- KDNH: “công nhân dt. Nói chung
những người lao động chân tay”.
Nếu
vậy thì “công nhân” khác gì nông dân? Vietlex:
“công nhân 工人 d. người lao
động chân tay làm việc ăn lương, trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường,
v.v.”.
- KDNH: “công quyền
Quyền của người dân trong một nước, quyền công dân”.
Giảng nghĩa phiến diện. Vietlex: “công quyền • 公權 I d. [cũ] các quyền của mọi công dân [nói
khái quát] • 公權 II t. thuộc về
bộ máy, cơ quan quyền lực nhà nước”.
- KDNH: “định tỉnh
dt Thăm hỏi sức khoẻ của cha (thần hôn định tỉnh).
Vậy, thăm hỏi sức khoẻ của mẹ không được gọi là “định tỉnh”
hay sao?
- KDNH: “đô thị
dt Thành phố nơi có tụ họp người buôn bán lớn”.
Đây là cách giảng nghĩa quá cũ (copy từ “Việt-Nam
tân từ-điển” của Thanh Nghị). Cũng không thể dùng từ đồng nghĩa
“thành phố” để định nghĩa cho “đô thị”. Vietlex:
“đô thị 都市 d. nơi dân cư
đông đúc, là trung tâm thương nghiệp và có thể cả công nghiệp. Đn: thành phố,
thành thị”.
- KDNH: “đội ngũ
dt Nói chung về hàng ngũ trong quân đội”.
Giảng nghĩa què cụt. Vietlex: “đội ngũ 隊伍 d. 1 khối đông người được tập hợp và tổ chức thành một lực
lượng có quy củ. Đn: hàng ngũ. 2 tập hợp một số đông người có
cùng chức năng hoặc nghề nghiệp”.
- KDNH: “eo éc
tt Tiếng gà kêu”.
Không có con gì kêu “eo éc”; nếu “eo óc” phải là tiếng gà
gáy, chứ không phải “gà kêu”.
- KDNH: “ga xép
(dt) Ga xe lửa nhỏ, các tàu không đỗ”.
Nếu đúng như vậy, thì người ta làm ra ga xép để làm gì? Vietlex: “ga xép d. ga xe lửa nhỏ, dành cho tàu
chậm hay tàu chợ, các tàu tốc hành không đỗ”.
- KDNH: “gái dt Người
thuộc về giống cái”.
Cách diễn đạt cũ, rất thô. Vietlex: “gái d. 1
người thuộc nữ giới [thường là còn ít tuổi; nói khái quát]; phân biệt với trai.
2 [kng] người phụ nữ [hàm ý coi khinh] : mang tiền cho gái ~ mê
gái ~ theo gái”.
- KDNH: “gấm vóc
dt. ngb. Hai thứ này dệt bằng lụa tơ tằm”.
Từ này thường được dùng theo nghĩa bóng, chứ không phải
nghĩa đen. Vietlex: “gấm vóc d. [vch] gấm và vóc, hai thứ hàng
dệt đẹp và quý; thường dùng để ví vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước”.
- KDNH: “gian dâm
đt. Đi lấy vợ người ta”.
Giảng như vậy, có nghĩa
là “cướp vợ” người ta, chứ đâu phải “gian dâm”? Vietlex: “gian dâm 奸淫 đg. có quan hệ tình dục bất
chính, lén lút với nhau”.
- KDNH: “gian phu dt. Người đàn ông có vợ còn đi lấy vợ
người khác”.
Đây cũng không phải là
nghĩa của “gian phu”. Vietlex: “gian
phu 奸夫 d. [cũ] người
đàn ông thông dâm với người đàn bà đã có chồng”.
- KDNH: “giao phối đt. Kết hôn”.
Đây là nghĩa mà một số từ điển biên soạn trước 1975 có
giảng (*). Tuy nhiên, hiện nay, “giao phối” được hiểu là hoạt động tính giao của
động vật đực, cái, chứ không dùng cho người, càng không có nghĩa là “kết hôn”.
Vietlex: “giao phối 交配 đg. như giao cấu [không nói về
người]”. Hán
điển (zidic.net): “giao phối: chỉ hoạt động tính giao giữa động vật đực và cái; sự kết hợp tế
bào sinh thực ở thực vật với nhau.” (nguyên văn: 交配 jiāopèi [mating] 雌雄动物性交; 植物的雌雄生殖细胞相结合).
Rất nhiều yếu tố Hán Việt, chỉ là yếu tố cấu tạo từ nhưng
lại được nhóm biên soạn thu thập và giải nghĩa như một từ, trong khi nó không
bao giờ được dùng độc lập. Ví dụ “am đt Hiểu biết”; “bộc dt Đầy
tớ”; “điệp Dò la”; “điệt dt Cháu đối với chú hay bác”, v.v. Chẳng
ai có thể hiểu được nội dung thông báo trong các phát ngôn: “Ông ấy là người am. Nó là bộc. Quân địch
đang điệp.” nếu chiểu theo cách
xử lí của hai tác giả Ngọc Hằng và Kỳ Duyên. Nhiều cách viết cũ, như: “cọng
đồng, cọng sự, cọng tác”, v.v. vẫn được thu thập. Nhìn chung, các tác giả không
có kiến thức về từ điển học.
Sách giới thiệu có “Nhiều hình ảnh minh hoạ”, nhưng
minh hoạ sai nhiều. Ví dụ:
- Mục “anh vũ
dt. Giống chim vẹt”, nhưng hình minh hoạ lại là con chim gì đó gần giống chim
sáo (mỏ không khoằm).
- Mục “diếp dt.
Loại rau dùng ăn sống, còn gọi là rau sà lách”, có hai cái sai: thứ nhất, rau
diếp không phải là tên gọi khác của xà lách; thứ hai, nói về rau diếp, “sà
lách”, nhưng hình minh hoạ lại là rau dấp (hoặc diếp cá), lá giống lá trầu
không, nở bông như bông kê.
- Mục “chim ưng”, minh hoạ và chú thích là
“chim ưng”, nhưng hình vẽ lại là loài đại bàng đầu trắng.
- Mục “vạc”, minh hoạ con vạc, nhưng thực chất
là cò, hoặc diệc vì cổ dài ngẳng, có túm lông dài trên đầu (trong khi vạc cổ to
và ngắn).
- Mục “nụ” vẽ và chú thích “nụ hoa”, nhưng
hình lại là một bông hoa đã nở bung hết cánh, thấy rõ cả nhị và nhuỵ.
- Mục “thằn lằn” minh hoạ “con thằn lằn”,
nhưng lại là con tắc kè hoa, bụng to, mình ngắn, v.v.
Vậy Ngọc Hằng - Kỳ Duyên là ai mà biên soạn từ điển cẩu thả
đến vậy?
Trên báo Nông Nghiệp Việt Nam (1/12/2015), bài “Nhiều
sai sót trong Từ điển tiếng Việt” (NXB Từ điển Bách khoa), chúng tôi đã
từng chỉ ra những cái sai nghiêm trọng của hai tác giả Kim Danh - Ngọc Hằng. Ví
dụ: “bói toán (đgt) Xem bói bằng phương pháp toán học”; “làm dâu (đgt)
Lấy chồng ở chung nhà với cha mẹ chồng”;
“tội danh (dt) Tội rất nghiêm trọng, cả về mặt pháp luật và đạo đức”,
v.v. Để kết thúc bài báo, chúng tôi có viết: “Đáng chú ý, “Từ điển tiếng
Việt” (phổ thông và dành cho học sinh) của Nhóm tác giả thường thay tên đổi
họ dưới các bút danh Kim Danh -
Ngọc Hằng; Kim Anh - Ngọc Hằng; Kỳ Duyên - Ngọc Hằng - Đức
Bốn... được Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành
rất nhiều và cũng rất nhiều sai sót. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một
bài viết khác”.
Khi chúng tôi chưa kịp “trở lại vấn đề”, thì nhóm tác giả
này và NXB Thanh Niên đã “trở lại” dưới bút danh Ngọc Hằng - Kỳ Duyên, với những cái sai mới, nghiêm trọng hơn.
Trước đây, Nhóm tác giả này thường trương mấy chữ “Ngôn ngữ
Việt Nam” lên đầu trang bìa, khiến người mua nhầm lẫn từ điển do “Viện ngôn ngữ
học” biên soạn. Đây là kiểu cố tình lập lờ đánh lận con đen, bởi đã là “Từ điển
tiếng Việt”, thì không phải “Ngôn ngữ Việt Nam” thì là gì? Sau nhiều vụ bê bối
trong biên soạn và xuất bản từ điển tiếng Việt, kiểu làm nhái thương hiệu này
bị phản đối, thì Nhóm biên soạn Ngọc Hằng
- Kỳ Duyên và NXB Thanh Niên lại
“lập lờ”, làm nhái một cái tên có uy tín khác, đó là “Hội ngôn ngữ học”, hoặc
“Trung tâm từ điển học” (vốn có tên chính thức là “Trung tâm Từ điển học –
Vietlex” do GS Hoàng Phê sáng lập). Cụ thể, “Từ điển tiếng Việt thông dụng dành
cho học sinh - sinh viên” phía trên cùng bìa 1, ghi “Ngọc Hằng - Kỳ Duyên,
Trung tâm từ điển học”. Một cuốn khác (cũng do NXB Thanh Niên ấn hành), ghi “Kỳ
Duyên - Đăng Khoa, Hội ngôn ngữ học”. Không rõ “Trung tâm từ điển học” của các
vị Ngọc Hằng - Kỳ Duyên - Đăng Khoa là “Trung tâm từ điển học” nào? “Hội ngôn
ngữ học” nào, ở đâu? Tên tuổi của các nhà “từ điển học”, mà sao giống như mượn
tên con cái làm bút danh vậy?
Đáng chú ý, 2 cuốn từ điển của NXB Thanh Niên có nội dung
khác nhau (một cuốn 1090 trang, một cuốn 505 trang), nhưng đều có chung: “Giấy
ĐKKHXB số: 293- 2015/CXB/888- 09/TN; Quyết định xuất bản số: 397/QĐ- TN/CN, in
xong và nộp lưu chiểu tháng 1 năm 2016”. Nhóm tác giả và NXB Thanh Niên thường
thay tên, đổi họ, xào xáo nội dung để xuất bản sách với nhiều phiên bản khác
nhau, nên có cuốn ngoài bìa 1 ghi tác giả là “Kỳ Duyên - Đăng Khoa, Hội ngôn
ngữ học”, nhưng bìa trong lại thành “Ngọc Hằng - Kỳ Duyên”(!)
Dù biên soạn rất cẩu thả, nhiều sai
sót nghiêm trọng như vậy, nhưng bìa từ điển vẫn ghi là “bán nhiều nhất”.
Đây có lẽ không phải là lời hư trương của NXB Thanh Niên. Bởi từ điển này khổ
nhỏ, nhằm vào nhóm độc giả đông đảo là “học sinh, sinh viên”, giá cả rất vừa
túi tiền (từ 30 ngàn đồng, đến 50 ngàn đồng/cuốn).
Trên đây chỉ là những sai sót mà chúng tôi lược trích thuộc
phần chữ cái từ A đến G. Phần còn lại từ H đến Y cũng nhiều sai sót nghiêm
trọng không kém, nhưng trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể nêu
hết. Điều đáng nói là Nhóm biên soạn “Kỳ Duyên - Ngọc Hằng - Đăng Khoa” và NXB
Thanh Niên còn xuất bản cả từ điển chính tả tiếng Việt rất nhiều sai sót. Chúng
tôi sẽ có bài viết riêng về cuốn từ điển chính tả này.
Hoàng Tuấn
Công/5/1/2017
(*). Ví dụ: "Hán Việt từ điển" (Đào Duy Anh); "Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính); "Từ điển Việt Nam phổ thông" (Đào Văn Tập); "Việt Nam tân từ điển" (Thanh Nghị).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét