18 thg 4, 2016

THANH HÓA-NỖI BUỒN TÂN TẠO

Tân tạo đình làng rất dị dạng, nhưng dưới cái nhìn của
Nhà báo vẫn là: "Đình làng cổ Đông Sơn 
nằm 
trong khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng vẫn còn
lưu giữ được nét hồn 
quê với “cây đa, bến nước, sân đình."
Trích chú thích và ảnh của Báo Dân trí
HOÀNG TUẤN PHỔ
Người xưa nói “Thanh cậy thế Nghệ cậy thần” hoặc “Thanh thế Nghệ thần”,… và có nhiều kiến giải khác nhau. Nhưng theo một số tài liệu ghi chép, câu tục ngữ dân gian ấy có đầy đủ là: “Thanh có thế, Nghệ có thần, Thái có nước, Hưng có ma”. Tôi cho là có sơ sở hơn. “Thế” ở đây là địa thế, thế đất. Bởi vậy, Phan Huy Chú viết trong Hoàng Việt địa dư chí:
“Vẻ non sông tốt tươi nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại nảy sinh nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi, nên sinh ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Đó là kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý báu, hết sức to lớn, liệu còn được bảo tồn nguyên vẹn hay đã và đang biến mất dần theo thời gian?
Khái niệm truyền thống vừa cụ thể vừa trừu tượng. Những giá trị vật chất dễ nhìn thấy, với những giá trị tinh thần cần được cảm nhận sâu sắc và đầy đủ. Nhận thức non kém, kiến văn nông cạn, tư duy thiển cận, quyền lực cá nhân, tín ngưỡng thần tiền,… là những kẻ thù truyền kiếp của văn hóa truyền thống, của di sản văn hóa vô giá.
Đầu năm 2008, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, bấy giờ đã chuyển công tác ra Hà Nội. Một hôm ông gọi điện thoại hỏi tôi về đặc khu kinh tế Nghi Sơn.
Ông cựu Bí thư Lê Huy Ngọ sinh ra và lớn lên ở vùng làng quê nghèo huyện Tĩnh Gia, thời xưa nổi tiếng đất ngọc, xứ ngọc, vì thế mang tên Ngọc Sơn, huyện Ngọc Sơn. Huyện Ngọc Sơn không chỉ có huyền tích đôi chim “ngọc cưu” ở núi Liên Xá, đêm đêm từ trong tổ đá bay ra đi kiếm ăn hoặc rong chơi khắp Thập bát mã sơn (18 hòn đảo) ngoài biển khơi. Ngọc Sơn - Tĩnh Gia còn cả một “bãi ngọc”, “vụng ngọc” trải dài từ Biện Sơn đến Cửa Bạng. Giống trai ở đây cho loại hạt ngọc quý. Người xưa kể rằng Biện Hải là nơi An Dương vương chém chết con gái Mỵ Châu  rồi cầm sừng tê ngưu đi xuống biển. Do đó, trên núi Biện Sơn có đền thờ An Dương vương, miếu Mỵ Châu và giếng nước Trọng Thủy. Giống trai vũng Biện, cửa Bạng nuốt được máu Mỵ Châu sinh ra ngọc quý, đem ngọc trai này rửa nước giếng Trọng Thủy càng lấp lánh sáng đẹp vô cùng. Thời Lê và Tây Sơn, triều đình bắt dân vùng Lạch Bạng, Biện Sơn cống nộp ngọc trai hàng năm. Ngọc trai bị khai thác nhiều thành cạn kiệt. Tri phủ Tĩnh Gia Nguyễn Đài, tước phong Thông Đức hầu, con rể vua Quang Trung, thương dân tình khốn khổ, cầu xin mãi mới được triều đình ân xá thuế ngọc. Sau, ông bị tân triều Nguyễn Gia Long giết, nhân dân Tĩnh Gia bí mật lập miếu thờ Thông Đức hầu tại cửa Bạng.
Ông Lê Huy Ngọ hàng ngày đi lang thang khắp các xã duyên hải Tĩnh Gia. Ông đi tìm thăm các di tích văn hóa - lịch sử, đứng hàng giờ trên bãi biển, ngồi bệt xuống nền cát, hai tay ôm ấp, mân mê từng gốc cây sa mộc đại thụ bị đốn ngã hàng loạt để giải tỏa…
Ông Lê Huy Ngọ qua máy điện thoại, bảo tôi: “Hiện nay, Tĩnh Gia đang hình thành một “hòn ngọc” của thời đại hiện đại hóa, công nghiệp hóa: Khu kinh tế Nghi Sơn, nguồn ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nhưng theo ông, xây dựng phát triển kinh tế phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử mà quá khứ để lại…”. Rồi ông Lê Huy Ngọ tỏ ý muốn tôi viết một bài về truyền thống văn hóa Tĩnh Gia.
Với khu kinh tế Nghi Sơn, tôi chỉ là kẻ “văn kỳ thanh” đành đem chuyện hỏi đương kim Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa bấy giờ. Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết việc quy hoạch khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh rất thận trọng, đã quán triệt vấn đề bảo tồn di tích văn hóa - lịch sử ngay từ đầu. Nhưng ông vẫn đồng ý tôi nên viết một bài như ý kiến ông Lê Huy Ngọ. Và sau đó, tôi viết bài “Xứ Ngọc Tĩnh Gia” đăng trên mục “Tìm hiểu” báo Thanh Hóa hàng tháng (8-2008). Trong phạm vi một bài báo, tôi không thể viết được gì nhiều, dù sao cũng góp một tiếng nói bé nhỏ vảo biển âm thanh Nghi Sơn đổi mới trong xu thế mới, đang ngày đêm ầm ầm rung chuyển cả đất trời.
Một tục ngữ dân gian rất hay: “Cắt lúa rụng thóc”. Trên cánh đồng mênh mông ấy, liệu có bao nhiêu hạt thóc - hạt gạo bị rơi rụng khi động cơ máy gặt băng băng như gió cuốn?
Danh sơn thắng tích Núi Nhồi ở ngay cửa ngõ thành phố Thanh Hóa, trong tầm kiểm soát, vẫn miệng ăn núi lở, núi vàng di sản vô giá không ngừng chảy máu. Còn đâu?
Thái khánh hà niên truyền cố sự,
Minh chung bán dạ  độ trường phong.
                                Trương Quan Lâm
Dịch:
Khánh gõ nghìn năm truyền chuyện cũ
Chuông kêu một tiếng vọng đêm trường.
Di tích lịch sử Đông Sơn - Hàm Rồng độc nhất vô nhị, riêng giá trị khảo cổ học, tiềm năng hết sức to lớn mới khai thác bước đầu, sao đã vội đào hồ Kim Quy để kinh doanh du lịch? Đất đào hồ ấy là đất châu đất ngọc đã đổ xuống sông Hàm Rồng hay trút tất cả vào túi tham không đáy? Họ không tôn tạo mà tân tạo. Du khách đến Hàm Rồng để ăn nhậu thịt dê hay để cưỡi ngỗng đùa chơi? Ai biết trên vách đá động Mắt Rồng thơ Lê Thánh tông, Lê Hiến tông viết gì? Ai tìm hiểu đền Thánh Cả đích xác thờ Chàng Ất đại vương hay Thượng tướng Trần Khát Chân? Tại sao không phục dựng ngôi nhà sàn tiêu biểu văn hóa kiến trúc Đông Sơn 2.500 trước còn để lại cây cột gỗ lim, đường kính gần 1m, cao tới 4m, lỗ đá dầm sàn cao từ chân cột lên 1,2m lại đưa vào khu di tích cái nhà sàn hiện đại và xây những kiến trúc tân thời bê tông sắt thép? Người nào dám đem hài cốt ông cha mình táng trộm và chỗ gọi là “Huyệt đạo Hàm Rồng”, công ty du lịch biết chăng? Thật buồn cười, từ xưa dân gian đã có câu ca hài hước:
Nhà bà cất mả Hàm Rồng
Có bốn cô gái lộn chồng cả năm?
Tại sao “có bốn” lại “cả năm”? Chính bà mẹ cũng “lộn chồng”, cộng lại thành “năm”!


Tân tạo trong khu du lịch thuộc làng cổ Đông Sơn
Chuyện “Huyệt đạo núi Nưa”, người ta bịa ra để câu khách, khiến thiên hạ cả tin cứ vác tai nghe ầm ầm, đến nỗi cả quan chức cấp cao cũng bị chôn vùi sự nghiệp vào cái “huyệt đạo” tưởng tượng nhảm nhí ấy! Mới đây lại nổi lên “Huyệt đạo quang” Ngã Ba Bông được một “nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam” học mót nói mò phát hiện!
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh được Nhà nước đầu tư mấy trăm tỷ đồng, nhà quản lý dự án từ 1995 đến 2015 đã thành công những gì, thất bại những gì? Nhà Thái miếu chín tòa, phục dựng năm tòa, giống một giàn đồng ca không có quản ca thành ra lỡ giọng, lỗi đàn, lạc phách. Chiếc cầu “Thượng gia hạ kiều” bắc qua sông Ngọc, nghe nói đã làm xong bằng gỗ lim, không hiểu sao lại đem xếp bỏ vào kho rồi bỏ đâu hay bỏ túi? Đáng buồn và nực cười, kiến trúc sư dám bỏ cầu thay cống, một cái cống đá lưng cong hình bán nguyệt, mô phỏng kiểu cầu cống  ngự hoa viên bên Tàu, chỉ có cái lỗ tròn tròn để tiêu nước! 


"Cống đá" Lam Kinh

Thậm chí, họ còn dám lấp phẳng san bằng cả hồ Long Trì trước đan đình và thềm rồng điện Kính Thiên, biến thành cái giếng đá to đùng, sâu hoáy để gọi là giếng Ngọc! Tòa đại diện hay chính điện Lam Kinh theo cách gọi của kiến trúc sư Hàn Tất Ngạn, vốn xưa là điện Kính Thiên, xây dựng gần xong mới chợt nghĩ đến chức năng tòa đại diện đồ sộ, thênh thang này sẽ bày biện những gì bên trong?
Lại phải tổ chức hội thảo. Dự án đồ thờ chính điện Lam Kinh của nhóm kiến trúc sư Hàn Tất Ngạn được một số chuyên gia tư vấn số 1 Việt Nam bảo trợ, đã bị phá sản vì nhiều ý kiến phê phán, phản đối. Nhưng cuối cùng rồi cũng kết thúc do quyết đoán của một nhà khoa học Trung ương và ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ tịch Hội thảo, đọc bản kết luận khoa học phản khoa học! Thế cũng xong!
Người ta nói: Thanh Hóa đang được mùa du lịch nhưng mất mùa di sản! Đúng hay sai?
Được mùa du lịch so với trước thì đúng rồi. Nhưng sự phát triển mang tính bền vững lâu dài cho du lịch Thanh Hóa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Kho tàng di sản đồ sộ đã và đang bị mất mát, thất thoát khá nhiều! Chúng ta cứ nói phát huy truyền thống, nhưng truyền thống không được bảo tồn, lấy gì để phát huy? Và đã hiện đại hóa di tích, di sản thì cần gì phải phát huy?
Hoàng Nghiêu sơn đối diện Ngàn Nưa, một kỳ quan của tạo hóa, vẻ đẹp không kém hùng vĩ, sông Hoàng Giang uốn khúc xuyên qua giữa những hang động thần tiên, như lạch suối Đào Nguyên thơ mộng. Ở đây cũng có động Từ Thức nhưng không phải là động Bích Đào (Nga Sơn) để chàng Từ treo ấn từ quan kết duyên với nàng tiên trẻ Giáng Hương, mà là nơi kết thúc trong tuyệt vọng cuộc tình đau khổ ấy. Nguyễn Dữ tác giả Truyền kỳ mạn lục kể chuyện duyên tiên Từ Thức - Giáng Hương, cuối cùng chàng Từ đội nón lá lang thang vào núi Hoàng Sơn ẩn dật trong động đá này.
Hoàng Nghiêu là cụm đá núi vôi, vân đá nhiều màu đẹp, lấp lánh hoa gấm khi ánh bình minh lên và sáng lóa hay tím biếc lúc nắng chiều hôm, thiên hình vạn trạng, tầng tầng lớp lớp nhấp nhô… Đỉnh cao nhất 276m, nhiều ngọn núi có tên và vô số không tên. Người địa phương kể vanh vách: Mũi Bạc, Hang Hầm, Động Cù, Thung Giếng, Thung Thuyền, Thung Táo, Động Đốt Than, núi Nghè, Thung Dài, Đá Bạc, Đá Am, Hang Hến, v.v… Mỗi địa danh gắn liền với một sự tích, hoặc chính nó là di tích.
Khoảng năm 1415, Tướng quân Nguyễn Chích, một nông dân làng Vạn Lộc, cách Nghiêu Sơn độ 5km, xây dựng căn cứ địa Hoàng Nghiêu, chống đánh quân Minh suốt mấy năm trời, làm chủ vùng Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia, mở rộng phạm vi hoạt động vào tận Bắc Nghệ An. Do am hiểu thực địa, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, Nguyễn Chích đã hiến kế cho Bình Định vương Lê Lợi chuyển hướng cuộc khởi nghĩa vào Nghệ An, lấy Nghệ An làm bàn đạp tiến đánh và giải phóng toàn thắng Thăng Long.
Tại Hoàng Nghiêu, Nguyễn Chích đắp thành dựa theo núi đá, lấy vách núi làm tường thành, đoạn nào thiếu đắp thêm, những chỗ thấp tôn cao hơn, mở hai cửa Bắc - Nam và thêm cửa phía Đông, một kiểu kiến trúc quân sự đơn giản mà kiên cố, nhiều lần giặc Minh đành chịu bó tay. Trong thành nhiều lớp văn hóa chồng chất. Một lớp văn hóa cổ mách bảo tập đoàn người Đông Sơn và tiền Đông Sơn đã cư trú nơi đây, họ ở trong hang động, hái lượm, cấy trồng trên những cánh đồng “thung” và xuống sông mò hến, bắt cá. Đặc biệt, sông Hoàng có loại hến vỏ vàng, ruột vàng, đặc sản lâu đời, tàn tích nguyên thủy còn lưu lại trong Hang Hến,…
Núi Hoàng Sơn, thành Hoàng Sơn đang bị xâm hại, tàn phá nghiêm trọng. Giải pháp gì để bảo về Hoàng Sơn, bảo tồn một di tích văn hóa - lịch sử lớn lao, giá trị nhiều mặt? Tại sao ngành văn hóa không quan tâm nghiên cứu, xếp hạng di tích theo Luật di sản?
Người Pháp đến Việt Nam, phát hiện hòn ngọc quý Sầm Sơn, một bãi tắm đẹp nhất Đông Dương. Họ xây dựng nhà cửa, dinh thự trên núi Trường Lệ, không đụng chạm tới di tích, di sản Sầm Sơn. Nhiều học giả Pháp tìm hiểu, nghiên cứu khá kỹ về Thanh Hóa trong khi chính người Thanh Hóa lại ít biết về quê hương mình. Họ ca ngợi “Thanh Hóa đẹp như tranh”, trên bức tranh đó, một trong những hình ảnh đẹp nhất Sầm Sơn.
Do trình độ nhận thức hạn chế, chúng ta đã phá bỏ một số di tích, di sản. Chùa Ải kiến trúc gỗ thế kỷ XVII, hai bức tranh chạm khắc gỗ tuyệt đẹp, tả cảnh đôi trâu đầm và hai con mèo đang vui đùa với nhau, phút chốc tan hoang trong tiếng mìn nổ giữa trời khuya. Chính tôi đã chứng kiến người địa phương chẻ tượng Phật để tìm ngọc yểm mà không thể ngăn cản. Đền Bà Triệu thờ công chúa con vua Hùng có công dạy dân nghề dệt vải lụa, bị phá trong chiến tranh, khoảng năm 1980, địa phương phục dựng lại đem thờ Tứ vị thánh nương! Núi Trường Lệ một thế giới thần tiên, có cửa biển Lệ Hải, mang tên Lệ Hải Bà vương, tôn hiệu “Vua Bà họ Triệu”, đền thờ đã bị hư hỏng từ lâu, không có điều kiện khôi phục.
Núi Trường Lệ có hai đền thờ sơn thần Độc Cước. Đền đệ nhất ở phía đông trên hòn Cổ Giải. Đền đệ nhị ở phía tây trên ngọn Đầu Voi. Đền Cổ Giải (Độc Cước hiện tại) thuộc địa phận Sầm Sơn. Đền Đầu Voi vốn xưa thuộc thôn Trường Lệ, xã Quảng Vinh thờ phụng. Năm 1961 Bác Hồ về thăm Sầm Sơn, đi suốt giải núi Trường Lệ. Bác tham gia kéo lưới với ngư dân xã Quảng Vinh, và buổi trưa nghỉ lại trong đền Độc Cước Đầu Voi, tên chữ Tượng Đầu Sơn. Khoảng năm 1970, Ty Văn hóa Thanh Hóa cho sửa sang lại đền này làm nơi lưu niệm Bác Hồ. Vì sự lầm lẫn đền Độc Cước đệ nhị biến thành đền Cô Tiên (Nguyên nhân sự lầm lẫn có nói rõ trong cuốn sách Thắng cảnh Sầm Sơn của Hoàng Tuấn Phổ - NXB Thanh Hóa, 1983). Điều đáng nói là du khách đến đền Cô Tiên chỉ thấy tín ngưỡng đạo Mẫu xóa mờ nơi lưu niệm Bác Hồ?
Đền Độc Cước phía Sầm Sơn, trên hòn Cổ Giải một kiến trúc gỗ giá trị sống mấy trăm năm tuổi, đã bị thay hoàn toàn ngôi đền mới! Tại sao vậy? Bởi vì, chỉ cần phục chế một vài chi tiết bị mọt, kinh phí ít ỏi, người ta mượn cớ xuống cấp để làm lại cả ngôi đền mới có “đồng ra đồng vào”, bất chấp mọi quy định tôn tạo, di tích cổ, kể cả Luật di sản!
Người ta còn xây dựng cả công trình mới “Thủy cung Sầm Sơn”, đắp một miếng thịt thừa lên khuôn mặt kiều diễm của cô gái Sầm Sơn!
Tôi không hiểu không gian văn hóa truyền thống Sầm Sơn ảnh hưởng không tốt cho không gian du lịch hiện đại Sầm Sơn những gì?
Thế mạnh ngành du lịch Thanh Hóa là thiên nhiên, là di tích, di sản. Sầm Sơn sẽ không khác gì Cửa Lò, Hải Tiến, Quảng Lợi, v.v… nếu không có danh sơn thắng tích, không có đền miếu, chùa chiền, không còn hội vật Lương Trung, nghệ thuật dệt nhiễu lụa Triều Dương, không còn làng chài cổ xưa với những mảng luồng, mủng câu, bến cá chiều chiều nhộn nhịp, đông vui…
Trước năm 1945, du khách nước ngoài đến Sầm Sơn rất thích thú loại hình ngư cụ cổ xưa, thô sơ, những chiếc mảng luồng cưỡi sóng vượt gió ra biển Đông hàng ngày mang về cho đất liền những mẻ cá tươi xanh, con đuối nấu dấm, con lanh làm gỏi, con hố kho tiêu, con nục nướng kẹp bánh tráng v.v…
Cây luồng, sản phẩm của núi rừng Ngọc Lặc, Lang Chánh là món quà đặc sản của núi rừng, là mối tình vùng cao miền Tây Thanh Hóa gửi cho ngư dân duyên hải, được kết chặt bằng những sợi dây mây của đồng bằng, dây song của trung du, thành sức mạnh vô địch trên biển Đông. Nếu văn hóa Phùng Nguyên là cội nguồn của văn minh sông Hồng thì văn hóa Đa Bút là nền tảng của văn minh sông Mã. Người thời đại đá mới sông Mã chiếm lĩnh Thanh Hóa từ núi rừng xuống bờ biển, và Gò Trũng là trung tâm đánh cá lớn. Truyền thống đánh cá biển bằng ngư cụ mảng luồng và chì lưới phổ biến từ thời Gò Trũng, cách nay nhiều nghìn năm. Làng chài ngư dân Sầm Sơn với công cụ đánh cá cổ truyền là bảo tàng sống sinh động, hấp dẫn không gì bằng ở ngay trên bến cá Sầm Sơn đối với du khách quốc tế.
Theo thống kê của Ro-bơ-canh (Ch.Robequain) trong sách “Le Thanh Hóa” (Xuất bản tại Paris), trước năm 1945, vùng Sầm Sơn (các làng Hải Thôn, Cá Lập, Lương Trung, làng Núi) có 130 mảng và gần 100 thuyền. Ngày nay, nghề cá biển cần phát triển ngư cụ hiện đại để vùng vẫy đại dương, nhưng không vì thế phải quét sạch mảng luồng. Vùng lộng biển Thanh Hóa rất nhiều giống cá thường xuyên di cư tới sinh sống tại bãi ngang, thích hợp mảng luồng, lưới rùng, mủng câu, phù hợp lao động có tuổi, những người không đủ sức khỏe cưỡi tàu to, sử dụng lưới lớn, vươn tận khơi xa, bám biển dài ngày.
Biển Đông là một mặt trận. Sầm Sơn cần phát triển nhiều tàu to công suất lớn. Đó là bộ đội chính quy. Cũng như quân đội nhân dân Việt Nam, không thể thiếu bộ đội địa phương, dân quân, du kích, cựu chiến binh,… Nhân dân Sầm Sơn đã ngàn đời bám biển giữ quê hương. Những chiến công đánh Pháp, đánh Mỹ của họ đã đi vào lịch sử. Những con người vai lưng khum khum như chiếc mảng luồng, quấn khăn đầu rìu, môi trầu tím lịm, quần nâu sẫm, tấm ngực trần nở nang như tạc, những phụ nữ cần cù cào ngao, em bé lúi húi đào hàu, ông già lặn ngụp mò rau câu, chàng trai khéo léo đi cà kheo… làm xấu đi hình ảnh Sầm Sơn thời văn minh hiện đại chăng? Du khách gần xa đến Sầm Sơn không mấy ai quên những đặc sản Sầm Sơn: Tôm he, cá mực, sò huyết, ngao, hàu,… còn tươi nguyên hương vị biển, không phải do đội quân thuyền buồm đem về mà từ bàn tay mặn mòi của các binh chủng địa phương lạc hậu, xấu xí ấy cung cấp.
FLC Sầm Sơn đã và đang trở thành niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa, bởi lần đầu tiên trong lịch sử Thanh Hóa có một dự án hạ tầng du lịch đẳng cấp 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế với quy mô bề thế như vậy. Dự án có sức lôi cuốn, hấp dẫn không chỉ nhân dân trong nước mà cả du khách nước ngoài, đưa Thanh Hóa trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Từ đây FLC hoàn toàn có thể tin tưởng và kỳ vọng đưa du lịch Thanh Hóa thành du lịch 4 mùa. Từ nay, du khách khắp nơi không chỉ đến với Thanh Hóa vào mùa hè đắm mình với làn nước biển trong xanh, và mùa đông được thỏa thích bơi lội trong bể bơi nước nóng, trải nghiệm đường golf 18 hố tiêu chuẩn quốc tế, với thiên nhiên qua những liệu pháp spa đặc biệt” (Thanh Hóa hàng tháng, số Xuân Bính Thân, trang 10, tháng 1 và 2/2016).
Thế là Sầm Sơn đã và đang hiện đại hóa, “Không gian ven biển phía Đông  đường Hồ Xuân Hương” thơ mộng đã và đang được thu dọn, không biết rồi sẽ ra sao? Bà chúa thơ nôm hẳn không quên bài thơ của mình “Khóc ông Tổng Cóc”, có câu:
Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời!
Bà là phụ nữ không dùng “hồ thỉ” thì ném đi, còn “văn chương” sao lại “chôn chặt”?
Vĩ đại thay, thiên tài Sếch-xpia: “Đồng tiền làm biến đổi ngược lại tất cả mọi đức tính của loài người và của tự nhiên, làm lẫn lộn và đổi trắng thay đen tất thảy mọi sự vật”!

H.T.P/25/3/201
Bài viết vốn là Tham luận " ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ THANH HÓA - TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" gửi Hội thảo “Giải pháp phát huy giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” do Trường Đại học Hồng Đức kết hợp với Sở VH,TT&DL Thanh Hóa tổ chức ngày 9/4/2016.
TCTP đặt lại tên bài. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét