2 thg 2, 2016

TẾT VỀ NHỚ CÁI AO QUÊ

Ao quê ở đất Tổ Hưng Yên của HTC

                                                           Ảnh: HTC
HOÀNG TUẤN CÔNG

(Tặng những ai từng lớn lên ở quê và cả những người không có được may mắn đó)

Cái tết ở phố phường đến sớm bởi những ồn ào, tấp nập bán mua, trăm thứ hàng hoá đủ màu khoe sắc. Trong khi ở quê, mùa xuân lại về chầm chậm, e ấp, lặng thầm trên những nụ đào vườn mới hé. Lòng ta bỗng bâng khoâng nhớ cái ao quê giờ này còn đang mơ màng trong mặt nước sương giăng khói phủ. 


Ngoài chợ tết,  ao quê chính là nơi hiển hiện rõ ràng hình bóng của cái tết đầm ấm đang về với thôn làng. Còn gì vui hơn khi công việc đồng áng tạm xong, nhà nhà chuẩn bị đánh cá, tát ao. Nhịp sống phẳng lặng của làng quê ngày thường bỗng nhiên sôi động hẳn lên. Cảnh tát ao ăn tết là ấn tượng thật khó phai mờ trong ký ức tuổi thơ. Lâu dần, nó như hiện thân của mùa xuân, của không khí chộn rộn không thể thiếu mỗi dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền. Tưởng như mỗi năm một lần, cái ao nhà cũng biết cùng ta ngóng chờ Tết đến.


Nhưng hãy khoan hít thở không khí tát ao ngày Tết. Nhìn lại cái ao ngày thường ta sẽ thấy nó thật xứng đáng được nhắc đến giữa bao bộn bề công việc ngày áp Tết. Xin được bắt đầu từ “tiếng lòng” của người thôn nữ xưa yêu thổ lộ:

Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đ

  Anh đồ nào đó trong câu ca chắc hẳn phải nở từng khúc ruột khi cái nghiệp bút nghiên của mình được cô nàng so với “ruộng cả ao liền”. Xưa kia, ruộng cả ao liền được xem là thứ tài sản phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp trong xã hội. Có được ao liền không dễ. Nhưng ở thôn quê, dù to hay nhỏ, chẳng mấy nhà lại thiếu cái ao. 

Đến nơi ở mới, việc đầu tiên là đào cái ao. Đất trên tơi xốp, đắp làm vườn, đất sét phía dưới đắp nền nhà. Chỉ vài ngày sau, nguồn nước sinh hoạt đầu tiên đã xuất hiện. Ao thường được làm trước nhà. Về phong thuỷ, còn gì đẹp hơn khi nhìn ra là vườn cây, tiếp nữa là ao cá, xa hơn là ruộng cấy lúa, trồng màu. Ao vừa là chỗ tiêu thuỷ, tụ thuỷ, lại cũng là nơi sinh thuỷ. Sau cơn mưa, sân vườn được tưới tắm hả hê, côn trùng, mùn bã hữu cơ tích tụ theo mưa trút xuống ao làm mồi cho cá, sạch đẹp cảnh quan. Ao nhanh chóng tiêu thuỷ nên sau mỗi trận mưa, vườn tược không hề úng đọng. 

Tiêu thuỷ cho vườn, nhà, nhưng ao lại có nhiệm vụ giữ nước. Quanh năm cả nhà trông vào bầu nước này để tắm táp, rửa tay chân, rau bèo, tưới cây, lấy nước uống cho gia súc. Ngày hè nóng nực, ao nhà long lanh bóng cây, in hình mái lá tạo vùng “tiểu tiểu khí hậu” khiến mắt ta, người ta, cả lòng ta như mát rượi. Khi khô hạn, cái ao chính là nơi chắt ra những giọt nước hiếm hoi trong lòng đất để duy trì sự sống cho thôn làng.

Nhìn qua cái ao có thể biết được chủ nhân là người làm ăn ra sao. “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền”. Nghề “canh trì” được xếp hạng nhất bởi nuôi cá không phạm vào lương thực. Có chăng chỉ là lúa “bổi”, thứ lúa lép kẹp, gà lợn dẫu đói cũng không màng mới đến phần cá. Thứ nhất cũng bởi nhìn vào chỗ nào của ao ta cũng thấy khả năng sinh lợi. Ngày trước cá thịt hiếm hoi, đến mức “Cứt cá còn hơn lá rau”. Cái ao chính là nơi sinh ra “của chìm của nổi”, muôn thứ thực phẩm. Tầng đáy bùn thu lươn, chạch, ốc sinh sôi tự nhiên. Trôi, mè, trắm, chép mỗi loại một tầng ăn nước, phụ thu là tôm tép, cá đồng… Khi cần, đặt vó là có ngay “đồng ra đồng vào”, lớn bùi, bé mềm bắt lên tiếp khách, cải thiện bữa ăn. 

Mặt ao thả bèo nuôi lợn hoặc kết bè rau muống, quanh năm khỏi lo nguồn rau xanh. Ven bờ cấy thêm dọc mùng, khoai nước. Ếch bà, ếch ông, chẫu chuộc tìm đến trú ngụ, khi cần huơ cái vợt cũng được bữa chuối bung. Không gian phía trên là giàn mướp, bầu bí, che mát cho ao. Đất bờ ao cộng hơi nước khiến bầu bí xanh tốt lạ lùng, quả buông đung đưa, lúc lỉu. Nếu cần thả thêm dăm ba con vịt cho vui mắt cũng có trứng ăn quanh năm. Làm thêm cái chuồng chim câu trụ giữa ao chống chuột. Chim sinh sôi nảy nở, bay liệng thật nên thơ, lại có phần thu nhập không nhỏ. 

Mép bờ ao cỏ nẩy tự nhiên, cắt thả cho trắm cỏ. Trên bờ trồng thêm luống rau, mùa nào thức ấy, chẳng khó nhọc bởi với tay là có nước chăm tưới. Đến thứ “rẻ như  bùn”, vét lên, phơi khô, đập nhỏ, cũng trở thành nguồn phân bón quý giá. Bùn ao đặc, nhuyễn, ngào với rơm rạ trát vách làm nhà, hoặc bốc lên vườn  gieo mạ đều tốt. Bùn ao còn là phụ gia trộn than cám nung gạch, nấu bánh chưng tết. Than nắm thêm bùn ao cháy đượm, thơm lừng quyện hơi nồi bánh chưng thoảng đưa trong gió là hương vị đặc trưng của thôn quê ngày áp Tết.

Ngắm lại cái ao ta chợt nhận ra rằng “ao liền” không hẳn là “ao liền bờ” như cách giải thích của các nhà làm từ điển. Ao liền là ao gắn với đất thổ cư, liền với khu nhà ở. Bởi chỉ ở vị trí này, cái ao mới thực sự quý giá, phát huy hết giá trị và sánh được với “ruộng cả”. Ao không liền nhà, gần nhà nếu có thả cá cũng khó bề bảo vệ. Mọi nguồn lợi phong phú khác cũng không thể khai thác.

Quanh năm cái ao không ngừng sinh lợi, tận tâm phục vụ con người. Tết đến, cái ao lại rút hết lòng mình hiến cho ta đĩa cá chép rán vàng ươm dâng cúng tổ tiên, đãi khách quý. Cá to cá nhỏ, cá rán, cá kho, thức ăn đủ đầy ba ngày tết. Ao còn đem lại cho ta niềm vui náo nức chuẩn bị đón xuân về.

Ấy là cảnh tát ao ăn Tết.

Xưa, tát một cái ao bằng gàu có khi xì xòm, ròng rã cả ngày đêm. Gặp phải cái ao rộng, cảm giác như đang tát nước biển đông. Nhưng cái háo hức của mùa xuân, của không khí chuẩn bị Tết khiến bàn tay nhà nông vừa buông cây mạ ngoài đồng vẫn cứ vung dây gàu không biết mỏi. Mực nước mênh mông lui dần, lui dần... Cọc ao, hàm ếch nhô ra. Thế giới có con thuồng luồng bí ẩn, vừa đáng sợ, vừa ấp dẫn tuổi ấu thơ hé lộ dần. Đến khi cá bắt đầu quẫy nước đục cũng là lúc trên bờ, dưới ao không khí sôi động hẳn lên. Nếu tát ao làng, chia cá, niềm vui còn nhân gấp bội phần. 

Nước cạn đến đâu, bắt cá đến đó. Cá nhỏ tận thu ăn trước. Con nào để nuôi vội vàng chạy thả ao khác. Cá to để giành ăn tết, đem biếu, đem bán. Khi đáy ao lộ rõ, tiếng cá quẫy mỗi lúc mạnh hơn, nhiều hơn. Lũ trẻ con bắt đầu nhăm nhăm bắt hôi. Ban đầu là hôi tôm tép, cá con, cua ốc, sau chúng chộp cả cá to rồi ù té chạy. Làm gắt, chúng tìm cách giấu xuống bùn chờ cơ hội. Chủ ao xót của xua đuổi, bùn đất vung lên. Nhưng bùn đất là thế giới của tuổi thơ. Đuổi chúng khác chi đá ném ao bèo. Thế là âm thanh của gàu tát nước, tiếng cười nói hả hê, tiếng hò reo, trầm trồ, xuýt xoa chốc chốc lại rộ lên khiến cả xóm làng đang yên ắng bỗng tưng bừng náo nhiệt. Trên bờ, dưới ao dậy lên không khí chuẩn bị đón Tết.

 Thu cá xong, đây là dịp để vét bùn, tu bổ. Ao được dùng để cấy cần, ăn hết giêng hai. Khi sấm động mưa rào, tiết trời ấm áp, ao chuôm đầy nước, người ta bắt đầu vụ thả cá mới. Ao lại bắt đầu một năm cùng người gắn bó sớm hôm, mưa nắng… Để rồi Tết năm sau…

Xưa kia ao là giếng khơi, là bến nước, là chốn nghỉ ngơi ngắm trăng hóng mát, thổ lộ tâm tình. Cầu ao là nơi cùng ta thức khuya dậy sớm. Ao là thế giới thần tiên cho tuổi thơ ta trèo cây, hái quả, câu cá, câu tôm, thả thuyền, tắm mát, xiết thia lia mảnh sành, mặc sức chơi đùa. Ao gắn bó với ta đến mức khi lớn lên, đi xa, hễ gặp điều gì phiền toái, buồn giận, ta nhớ ngay đến cái ao nhà thân thương như nhớ về sự chở che, bao dung của mẹ hiền : “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Ngoài ao nhà, quê ta còn có ao làng, ao đình, ao chùa cũng biết bao điều thân thương, cho ta không ít trò vui chơi mỗi dịp tết đến xuân về.

Ngày trước đào ao để làm nhà. Buồn thay, bây giờ không ít người làm ngược lại. Ao hồ đang bị lấp dần. Hãy giữ lại những gương mặt của quê hương, bởi cái ao quê khiến ta thêm yêu, thêm nhớ xóm làng.

                                   H.T.C
                                                                     


1 nhận xét: