6 thg 10, 2015

“Đom” hay “đóm”?

Bệnh lòi đom có thể chữa khỏi bằng các vị thuốc Nam

                                               Ảnh: ST trên Internet

HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong bài "Tục ngữ về ốm đau, chữa bệnh"(“Tạp Chí Nghiên cứu văn hóa”-Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) của Hoàng Kim Ngọc có ghi nhận câu tục ngữ "Đóm cháy ăn ra, tim la ăn vào". (Hoàng Kim Ngọc nhấn mạnh-HTC).  “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) đưa ra hai dị bản và giải thích rõ ràng: “Đóm ăn ra; tim la ăn vào: Đóm là thứ hay cháy theo hướng từ trong ra: tim la là chứng hay ăn theo hướng từ ngoài vào. Như: Đóm cháy ăn ra, tim la ăn vào.


Các cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nhóm Vũ Dung, GS Nguyễn Lân, Nguyễn Trần Trụ, Nguyễn Cừ…chúng tôi thường dẫn và tham khảo không thấy ghi nhận câu tục ngữ này.

Theo chúng tôi, không khó để nhận ra người sưu tầm (hoặc chính soạn giả từ điển) do không  hiểu, đã chép nhầm (hay sửa) từ “đom” (dom) thành “đóm”. Riêng Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã cố lý giải “đóm là thứ hay cháy theo hướng từ trong ra ngoài” cho hợp với từ chép nhầm, khiến vấn đề đã sai càng thêm sai. Khi đóm cháy, ngọn lửa lan dần từ ngoài vào phía trong (tay người cầm đóm) đâu có cháy ngược từ phía trong cháy ra ngoài? Sai sót này xuất phát từ chỗ soạn giả không hiểu quy luật cấu trúc của tục ngữ: bệnh phải so sánh với bệnh, không bao giờ dân gian đem bệnh so sánh với đóm cháy.

 Đom (hay dom do biến âm Đ-D, như đa-da, đĩa-dĩa…) là cách gọi tắt bệnh lòi đomlòi dom cũng là tên gọi khác của bệnh trĩ:

-“Đại Nam Quấc âm tự vị” (Huình-Tịnh Paulus Của): “Đom: Cái bản trường đờn bà. Lòi đom: tại rặn nhiều nhiều quá cái bản trường trằn xuống cùng bày ra.”

-“Việt nam tự điển” (Hội khai trí tiến đức): “Dom: Tức là tĩ, phần cuối ruột già ở hậu môn: Lòi dom.”

-“Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học-Hoàng Phê chủ biên): “Dom: phần cuối cùng của ruột già, ở sát hậu môn. Lòi dom.”

Sở dĩ “Dom ăn ra” vì bệnh này phát triển theo chiều hướng “ăn ra”, tức ngày càng lòi (lồi) ra ngoài hậu môn. Còn bệnh “tim la” (hay tiêm la hoặc xiêm labệnh lậu, giang mai) lại xâm nhập (chủ yếu qua đường tình dục, đường máu…) rồi âm thầm ăn sâu vào bên trong, giai đoạn đầu không nhìn thấy được. [Có thuyết cho rằng bệnh do lính thời Gia Long viễn chinh sang Xiêm La (Thái Lan) rồi lây bệnh mang về, vì vậy mới có tên là bệnh tiêm la. Tuy nhiên, trong thực tế, bệnh này có thể đã xuất hiện trước đó, nhưng chưa phổ biến và chưa được gọi tên]

Như vậy, nội dung câu tục ngữ dân gian tổng kết kinh nghiệm “khám lâm sàng” về hai chứng bệnh lòi đom và tim la, không liên quan gì đến đèn đóm, cháy ra hay cháy vào của ngọn lửa.

Câu Đóm cháy ăn ra; tim la ăn vào” (thêm chữ “cháy”) xuất hiện trong bài viết của Hoàng Kim Ngọc cũng như được Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương dẫn thêm và cho rằng đồng nghĩa với “Đóm ăn ra; tim là ăn vào”, chẳng qua chỉ là một dị bản ngụy tạo, mục đích cố chứng minh cho cái vô lý, khó hiểu của “Đóm ăn ra, tim la ăn vào” mà thôi.


                                                                                     Hoàng Tuấn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét