3 thg 10, 2013

Thăm nhà Trạng nguyên Trịnh Huệ

 xem biển đá “Trạng Nguyên từ”
Hoàng Tuấn Công
Núi Voi ở xã Bất Quần
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, trên con đường 1A từ thị xã Thanh Hoá về quê Quảng Xương, cha tôi chỉ tay về phía tây, một dải um tùm làng mạc: “Kia là làng Voi, nhà ông Trạng nguyên Trịnh Huệ ở đó. Ông mất từ lâu rồi nhưng nhà còn tấm biển Trạng Nguyên Từ”. 

Dáng núi hình đầu voi sừng sững vượt qua rặng dừa xanh ngát, uy nghi in bóng trời chiều khiến đầu óc trẻ thơ tôi mường tượng Ông Trạng là một con người vô cùng đáng kính.


Gần 30 năm sau, (năm 2005) nhân đi sưu tầm tư liệu cho Hội thảo khoa học về núi Voi, tôi mới có dịp đến thăm ngôi nhà xưa của vị Trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam – Ngôi nhà của Trạng nguyên Trịnh Huệ. Người xưa uyên bác, lẫy lừng đèn sách đã khuất núi cách nay gần 300 xuân rồi. Vậy mà khi chạm chân tới đầu ngõ, lòng thành kính và ngưỡng mộ vẫn khiến tôi trở nên ngại ngùng, bối rối như thể sắp làm phiền Ông Trạng đang trầm ngâm nghiền ngẫm kinh sách trước hiên nhà.



Tấm biển đá Trạng Nguyên Từ dựng ở bờ rào
                         Ảnh: Tuấn Công


Ông Trịnh Xuân Bảo đang gỡ những viên gạch cốm
 ra khỏi tấm biển
            Ảnh: Tuấn Công
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “ở xã Bất Quần huyện Quảng Xương, đá núi nổi vọt giữa đồng bằng, hình như đầu voi. Trước kia Trạng nguyên Trịnh Huệ dựng nhà học ở dưới núi, nay là văn chỉ của huyện”. Người xưa, cảnh cũ không còn. Tôi bắt đầu quan sát và để mắt tìm tấm biển bằng đá khắc 3 chữ “Trạng nguyên từ”
Núi Voi cách nhà của Trạng nguyên Trịnh Huệ chỉ chừng vài trăm mét về phía Tây Nam. Nhà thờ Trịnh Huệ xưa hướng về phía mặt Bắc của núi, đã bị phá cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ, nay là nơi xây dựng bếp nấu của gia đình, gần ngõ đi vào. Tôi sốt ruột đưa mắt tìm kiếm tấm biển đá. Không có ở cổng ra vào. Hiên nhà cũng không. Tôi muốn hỏi, tuy nhiên lại kịp nhủ lòng cần giữ phép tắc và từ tốn, vì tôi đang tiếp xúc với hậu duệ của Ông Trạng. 
Ông Trịnh Xuân Bảo dẫn tôi vào ngôi nhà chính, hướng đông nam, toạ lạc ở khu vực phía trước khoảng sân của nhà thờ Trạng nguyên trước đây. Bàn thờ Trịnh Huệ hiện được chuyển vào thờ cùng gia tiên ở gian giữa, bài trí khá đơn giản. Các di vật còn lại của nhà thờ trước đây chỉ thấy hai chén gỗ đựng trong đài gỗ, có nắp đậy. Ngoài ra còn ống đựng đũa bằng gỗ, bát hương sứ hình giống như bát loa gắn trên đế gỗ, rồi ống gỗ đựng gia phả (gia phả hiện không còn)
Tôi lễ phép xin được thắp nén hương cho Ông Trạng trên chiếc bàn thờ treo cao. Trong câu chuyện với người thừa kế mảnh đất nhà họ Trịnh, tôi lại tiếp tục nhấp nhổm đưa mắt tìm kiếm biển đá đã nghe cha tôi kể gần 30 năm trước. Trong nhà, ở vị trí trang trọng nhất cho đến góc nhà đều tiệt nhiên không thấy. Vậy tấm biển còn có thể để ở đâu, hay cất giữ ở buồng trong? Hay biển đá đã bị đánh cắp, đem bán, hoặc bị đem nung vôi cùng với bia Văn chỉ huyện Quảng Xương? Có thể mình đã đến muộn mất rồi! 
Câu chuyện về người xưa khoa bảng cũng đến hồi thân mật. Thì ra, những cột, những kèo đen bóng màu thời gian của ngôi nhà mà tôi và ông Bảo đang ngồi chính là một phần kết cấu từ nhà thờ Trịnh Huệ. Những phiến đá xanh lát thềm trải dài, nhẵn thín bước chân, hẳn xưa làm bậc tam cấp của nhà thờ. 
Không thể kiên nhẫn hơn, tôi đánh bạo hỏi: “Ông ơi, cháu nghe nói có tấm biển bằng đá Trạng Nguyên Từ...?”. 
Ông Trịnh Xuân Bảo mỉm cười đầy thú vị, không nói mà vẫy tôi đứng dậy theo ông. Dáng gầy gầy, bước chân ông Bảo thoăn thoắt đi về phía ngõ. Ông có chỗ cất giấu tấm biển ư? Chắc là hầm bí mật? Ông đi chậm lại và vòng vào chỗ đầu sân giáp vườn đằng trước. “Đây !” ông Bảo chỉ tay. 
Quá bất ngờ!
Ngay lập tức tôi bị hút vào tấm biển bằng đá khắc nổi 3 chữ: Trạng Nguyên Từ 狀元. Nét chữ tài hoa, mỹ lệ, thật xứng với nội dung. Khi kịp nhìn quanh, hoá ra “nó” ở ngay đây, ngay bên cạnh đống gạch cũ và chiếc chuồng gà mà khi nãy tôi phải đi qua mới vào được nhà. 
Tôi rụt rè thăm dò: “Ông ơi, biển đá để chỗ này mà không sợ mất ạ ? ” 
Ông Bảo cười “Không ! Ai lấy đi mà mất”. 
Tôi bỗng nhớ đến cái cách “sưu tầm” của một số người săn lùng cổ vật, lòng không yên: “Nhưng nhỡ họ lấy trộm đem bán?” 
Ông Bảo vẫn tự tin: “Cái này chỉ thờ được ở nhà mình, có ai mua làm gì!” 
Kể ra ông Bảo nói cũng có lý. Nhưng tôi bỗng mường tượng có kẻ rắp tâm ăn cắp tấm biển, bán chẳng ai mua, điên tiết đập vỡ rồi trôi sông?
 Trở lại với tấm biển bằng đá, kích thước 1,1 m x 49 cm, cỡ chữ 27cm x 27 cm. Phía sau có 4 chữ rất mờ, khắc theo lối chữ lệ. Theo tôi đó là 4 chữ: Tứ Bính Thìn khoa (Đỗ khoa Bính Thìn-1736-chính là năm Trịnh Huệ đỗ Trạng nguyên)
Như cách mô tả của Phạm Đình Hổ trong “Vũ Trung Tuỳ bút” thì bức đại tự được viết theo lối chữ Nam – lối chữ đã được phôi thai từ thời Lý, phân biệt với lối chữ Bắc của người Trung Quốc. Đến thời Lê, nhà nước chuyên đào tạo người viết lối chữ Nam gọi là Hoa văn tự học để soạn thảo văn bản giấy tờ, tránh bị dân gian làm giả. Kiểu chữ này hiện bắt gặp nhiều nhất trong những sắc phong thời Lê Trung hưng, tuy nhiên lại khá hiếm trong các giấy tờ, văn bản dân sự, hoặc trên chất liệu khác. Xét những mặc tích trên trán bia đá ở đền thờ Quận công Hoàng Bùi Hoàn (Quảng Trạch - Quảng Xương-Thanh Hoá, người sống cùng thời Trịnh Huệ) thấy chữ cùng phong cách lối chữ này. Hẳn nhà thờ và tấm biển “Trạng Nguyên Từ” được làm sau khi ông mất không lâu nên đã in dấu ấn đậm nét kiểu chữ của một người được đào tạo bài bản về thư pháp, chuyên thảo những văn bản của nhà nước thời Lê Trung hưng.
Đến đây, xin được nói thêm đôi dòng về Trạng nguyên Trịnh Huệ. Ông thuộc dòng dõi nhà chúa. Gia cảnh vốn nghèo, nhưng thân phụ ông không muốn dựa dẫm vào nhà chúa, nên đem cả gia quyến chuyển đến cư trú ở Cồn Thần – xã Lưu Vệ (nay thuộc thị trấn Lưu Vệ), sau dời đến làng Ngọc Am, xã Bất Quần (nay là xã Quảng Thịnh). Tại đây, Trịnh Huệ dựng nhà dạy học dưới chân núi Voi lấy tên là “Thảo lư học quán”. Bấy giờ sự học của Trịnh Huệ đã có tiếng.
Năm Vĩnh Hựu thứ 1 triều Lê ý tông (1735) Trịnh Huệ thi Hương ở Thanh Hoá đỗ cử nhân. Được tiến cử vào làm việc ở Phủ Tôn Nhân. Năm sau (1736) thi Hội đỗ nhất danh, vào Đình thí ở Thăng Long ông đỗ trạng nguyên. Bấy giờ có lời dị nghị, nghi ngờ nhà chúa có tình riêng với người trong họ. Nguyên do: theo thể thức, thi Đình tổ chức ở điện Kính Thiên, đích thân vua ngự ra đề, khi làm bài xong, nộp quyển cho quan chấm thi. Nhưng kỳ Đình thí khoa này, bề tôi được yêu là nội giám quan Hoàng Công Phụ vốn chơi thân với Trịnh Tuệ xin chúa Trịnh Giang cho thi Đình trong phủ chúa. Trịnh Tuệ là người thực học, nhưng sự việc rất khó giải thích. Sách Đại Việt sử ký toàn thư –Bản kỷ tục biên chép: Trịnh Huệ “vốn có tiếng tăm. Nhưng người thời ấy bàn ra tán vào việc đó, rốt cuộc Huệ cũng không thanh minh được”. Xét thực tế, khi nắm giữ trọng trách, Trịnh Huệ đã tỏ rõ bản lĩnh, làm được một số việc đáng kể. Ví như khi Trịnh Huệ làm Thượng thư bộ Lại đã xin chúa điều những trọng thần chức tước cao, uy tín lớn đi trấn thủ ở những địa phương nhiều giặc, cướp. Một số lệnh từ phủ liêu được ban ra để sửa những mối tệ về chính trị. Ông từng làm Thừa chính xứ Sơn Nam rồi giữ chức Quốc tử giám tế tửu cho đến lúc hưu quan. Trịnh Huệ giữ chức Quốc tử giám tế tửu nghĩa là được giao trọng trách việc đào tạo nhân tài, phát triển khoa cử của đất nước. Nếu không phải người có thực tài và đủ uy tín hẳn không thể nắm giữ. Thực tế, hai con trai của Trịnh Tuệ đều đỗ Hương cống, Trịnh Huy đỗ khoa Kỷ Mão (1759), Trịnh Quân đỗ năm Nhâm Ngọ (1762). Đương thời, Trịnh Tuệ có viết bài “Tam giáo nhất nguyên thuyết” khẳng định lại quan điểm Tam giáo đồng nguyên. Chủ trương “Tam giáo đồng nguyên” không có gì mới. Tuy nhiên trong hoàn cảnh lúc bấy giờ đạo Phật có xu hướng phát triển mạnh, đạo Nho ít nhiều bị lu mờ. Có ý kiến cho rằng các nhà Nho chịu ảnh hưởng quá nhiều tư tưởng của đạo Phật. Bởi vậy, bài “Tam giáo nhất nguyên thuyết” của Trịnh Huệ ít nhiều đã gây được chú ý bấy giờ cũng như về sau này. Khi hưu quan, Trịnh Huệ về lại núi Voi ở Bất Quần dạy học. Học trò theo rất đông, nhiều người đỗ đạt làm quan.
Lần này trở lại, tấm biển “Trạng Nguyên từ” vẫn nằm đó, bên cạnh hàng gạch cốm xếp làm tường rào. Để tường rào chắc chắn, một hàng gạch dựng đứng thêm cùng tấm biển đá làm chỗ dựa cho hàng rào. Ba viên gạch cốm đè lên phía trái tấm biển. Tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh. Ông Bảo vui vẻ dỡ mấy viên gạch ra. Một chú gà trống nhanh trí nhảy xô lại tìm giun đất ngay dưới chân tấm biển, vị trí viên gạch vừa được gỡ ra…
Tấm biển đá Trạng Nguyên Từ
Như bao lần trước, tôi ra về, lòng lại ngân lên câu Kiều của cụ Nguyễn Du, và mạn phép cụ xin được “lẩy” rằng: Của tin còn một chút này /Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan
Cụ Nguyễn Du tài thật! Cụ nói chuyện của Kiều sao lại vận vào nhiều chuyện khác đúng mà hay đến thế?
                                                           H.T.C
                                                              Cận Tết Tân Mão 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét