Bắc Kỳ - Những tù nhân bản xứ bị đóng gông đang bắt chấy rận cho nhau - Bưu ảnh Dieulefils HN số 3148 |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Trong Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2010) có một số câu Nguyễn Đức Dương thu thập, nhưng xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”. Cách làm này thể hiện sự thận trọng, và cũng có cái hay là lưu ý cho độc giả và các nhà nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ. Sau đây chúng tôi xin đưa ra cách giải thích về những câu “chưa rõ nghĩa” này (phần gạch đầu dòng sau số mục, đặt trong ngoặc kép là nguyên văn của Từ điển tục ngữ Việt):
5-“Bắt chấy mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể Chưa rõ nghĩa”.
Quả
tình, đây là một câu khó. Rất nhiều từ điển đã giải thích không đúng về nghĩa
đen, dẫn đến đưa ra nghĩa bóng thiếu chính xác:
-Từ điển Vũ Dung: “Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt
chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển.
Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu
nhau.”
-Từ điển tiếng Việt (Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era): “Quan
hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, theo cách nhìn xưa nay, thường là ít gần gũi, ít
có tình cảm với nhau nên không có sự chăm sóc, tâm tình và có phần đố kỵ, ví
như việc nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng là hiếm hoi như trông thấy bồ nông dưới
biển.”
-Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam (Nguyễn Cừ): “Mẹ chồng nàng dâu có bao giờ
yêu nhau, nói chuyện nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng khác nào nói chuyện ngược đời
là nhìn thấy chim bồ nông xuống biển mò ăn”.
Thực tế, bồ nông là loài chim biển,
nên không có chuyện “Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như
hiện tượng bồ nông dưới biển”.
Sau đây là cách giải thích nghĩa đen
của chúng tôi:
Con chấy (đặc biệt là chấy
mén) rất nhỏ. Bởi vậy, khi bắt chấy, dẫu mồm thủ thỉ đủ thứ chuyện
trên đời với nhau, nhưng mặt, mắt, đôi tay vẫn luôn phải thật chăm chú, cắm
cúi, tỉ mẩn, rẽ từng “chân tơ kẽ tóc” mới bắt được chấy. Ấy vậy mà cô con dâu
nào đó, “Bắt chấy cho mẹ chồng” mà mắt lại “thấy bồ
nông” tận ở “dưới bể” thì còn bắt cái nỗi gì?!
Tư thế của người bắt chấy. Ảnh: ST |
Như vậy, chúng ta có thể hình dung câu chuyện thế này:
Người bắt chấy thường ngồi ở phía sau. Người được bắt chấy không
thể nhìn thấy mặt người bắt chấy. Thế là nàng dâu mới có cơ hội lừa mẹ chồng
(hay lơ đễnh?): tay thì rẽ tóc, nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn
thấy cả những thứ chẳng liên quan gì đến công việc của mình. Có thể nàng dâu
không chủ ý như vậy, nhưng vì việc bắt chấy không xuất phát từ tình cảm thân mật,
gần gũi nên cái kiểu “tâm bất tại” nó cứ tự nhiên diễn ra.
Có một số có dị bản mang tính địa
phương, chưa được các nhà biên soạn từ điển ghi nhận như: Bắt chí (chấy) cho
mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động, hoặc Bắt chí cho mụ gia, chộ ba ba ngoài
bể (Hà Tĩnh); rồi Con dâu bắt chí mẹ chồng/Ngó ra
ngoài đồng thấy ổ le le (Bình Định); Đi cấy đồng Loi thấy đoi đồng Chùa (Thanh Hoá).
Con ba ba dưới bể, hay đa đa trên động,
le le ngoài đồng có hiếm thấy không? Dĩ nhiên là không! Ngược lại rất
sẵn, vì đó là môi trường sinh sống của chúng. Bởi vậy, khi xuất hiện trong câu
tục ngữ, bồ nông, le le, hay đa đa…
chỉ đóng vai trò là hình ảnh, sự vật bất kỳ ở một nơi rất xa nào đó, không liên
quan chuyện bắt chấy, mà cô con dâu lại nhìn thấy. Điều đó chứng tỏ cô con dâu
không tập trung vào việc bắt chấy cho mẹ chồng.
Nếu "Đi cấy đồng Loi" mà thấy được "đoi đồng Chùa", thì chứng tỏ người đi cấy vừa làm vừa ngóng trời ngóng đất. Ảnh: ST |
Riêng dị bản “Đi cấy đồng Loi thấy đoi đồng Chùa”, ở Thahh Hoá còn mang tính hài hước hơn: "đi cấy" ở xứ đồng Loi, nhưng lại “ngóng trời ngóng đất”, nhìn thấy cả “đoi” (mông, khu, của người đi cấy) mãi tận đồng xứ đồng Chùa.
Sở dĩ “bắt chấy” và “đi cấy” được dân gian sử dụng
làm chất liệu để chế giễu chuyện lơ đãng, “làm trời làm đất” là bởi hai công việc này đều
buộc người ta phải chăm chú, cắm cắm cúi cúi mới làm được.
6-“Bòn
nơi khố rách đãi nơi quần hồng Chưa
rõ nghĩa”.
Câu
này có một dị bản là Bòn nơi khố bện đãi nơi quần hồng. “Khố bện”
hay “khố rách” chỉ kẻ nghèo khổ; “quần hồng” hay hồng quần 紅裙 chỉ con gái đẹp, nghĩa rộng là kẻ giàu sang. Bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng,
ám chỉ kẻ bòn rút, bóc lột người nghèo khổ để cung phụng gái đẹp, chốn giàu
sang.
7-“Buôn
thuỷ buôn vã [?] chẳng đã [?] hà tiện. Chưa
rõ nghĩa”.
Theo
ký hiệu đánh dấu [?], thì có lẽ soạn giả đã không hiểu “buôn vã” và “chẳng đã” là
gì, nên xếp câu này vào diện “chưa rõ
nghĩa”.
Vậy
“vã” trong “buôn vã” là gì? Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex) giảng: “vã • t. 1
[id] [đi lại] trên bộ và không có phương tiện [thường là đường dài, vất vả]. đi
vã hàng chục cây số”.
Buôn vã hay Buôn vai gánh vã, có nghĩa là buôn bán bằng đôi vai gánh gồng nặng
nhọc chứ không có phương tiện xe cộ nào khác. Ngược lại, “buôn thuỷ” hay buôn thuyền
là buôn bán lớn, có phương tiện chuyên chở bằng thuyền bè. “Đã” trong “chẳng đã” có nghĩa là bằng.
“Buôn thuỷ buôn vã chẳng đã hà tiện”
tức buôn bán dù to (buôn thuỷ) hay nhỏ
(buôn vã) cũng không thể nào bằng hà
tiện, dành dụm, ăn tiêu chắt bóp.
“Buôn thuỷ buôn vã chẳng đã hà tiện”, chính là dị bản của “Buôn tàu chẳng giàu bằng hà tiện”, mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là “Buôn bằng cách dùng cả tàu bè (để vận chuyển) cũng chẳng tích cóp được nhiều của cải bằng ăn tiêu tằn tiện. Hay dùng với ẩn ý: nh. Buôn tàu buôn bè chẳng bằng ăn dè hà tiện”.
Thế nhưng chỉ vì mấy chữ “lạ” (“buôn vã” và “chẳng đã”), Nguyễn Đức Dương đã không thể “giải mã” một dị bản hoàn toàn đồng nghĩa với bản mà chính mình từng giải thích.
(còn tiếp)
HTC (trích bản thảo "Viết lúc nông nhàn" sắp xuất bản)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét