25 thg 5, 2019

“HÙNG HỔ” LÀ GÌ?


Hùng hổ tương đấu
Ảnh: St

        HOÀNG TUẤN CÔNG 


 Một số nhà biên soạn từ điển xếp “hùng hổ” vào diện “từ láy”:

-Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học-Hoàng Văn Hành chủ biên): “HÙNG HỔ tt. Tỏ ra hung hăng, dữ tợn, đầy vẻ đe doạ. Quân địch hùng hổ tiến vào làng. Điệu bộ hùng hổ. “Lý trưởng hùng hổ chĩa bàn tay vào mặt chị Dậu” (Ngô Tất Tố)”.

-Từ điển từ láy dành cho học sinh (Th.S Bùi Thanh Tùng-Ngô Thu Phương-Nguyễn Huy Hoàng): “HÙNG HỔ tt. Tỏ ra hung hăng, dữ tợn, đầy vẻ đe doạ. “Lý trưởng hùng hổ chĩa bàn tay vào mặt chị Dậu” (Tắt đèn, Ngô Tất Tố)”.
-Từ điển tiếng Việt thông dụng [có chú thông tin về từ láy] (Vietlex): “hùng hổ [láy] t. có biểu hiện tỏ ra dữ tợn, như muốn hành động ngay • dáng điệu hùng hổ • hùng hổ gây sự với người đi đường”.
Có lẽ các nhà biên soạn từ điển cho rằng, một trong hai yếu tố (hoặc cả hai yếu tố) “hùng” và “hổ” đều không có nghĩa. Tuy nhiên, “hùng hổ” 熊虎 là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “hùngcon gấu, “hổ con cọp, nghĩa bóng chỉ hung tợn, dũng mãnh:
-Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên-1993) giảng: “hùng hổ: Gấu và hổ; Chỉ đồ án gấu và hổ. Thời cổ đại thêu gấu hổ trên cờ xí làm hiệu, vì thế về sau mượn “hùng hổ” để chỉ cờ hiệu; Tỉ dụ hung tợn, dũng mãnh; Mượn để ví với tướng sĩ dũng mãnh.” [熊虎 xióng hǔ. 熊與虎; 指熊與虎的圖案,古代旗幟上的徽識.因以借指旗幟; 凶猛, 勇猛; 勇猛的將士-hùng hổ: hùng dữ hổ; Chỉ hùng dữ hổ đích đồ án, cổ đại kỳ xí thượng đích huy thức. Nhân dĩ tá chỉ kì xí; Tỉ dụ hung mãnh, dũng mãnh; Tá dụ dũng mãnh đích tướng sĩ].
-Hán điển (zidic.net): “hùng hổ:  熊虎: gấu và hổ; hình dung dũng mãnh; tỉ dụ tướng sĩ dũng mãnh thiện chiến; Thời cổ đại, người ta thường lấy hình con gấu và con hổ để thêu trên cờ xí. Sau gấu hổ được dùng để chỉ cờ xí” (熊虎: 熊和虎; 形容勇猛; 勇猛善戰的將士; 古代旗幟常以熊,虎為圖案,後亦引申指旗幟-hùng hổ: Hùng dữ hổ; Hình dung dũng mãnh; Tỉ dụ dũng mãnh thiện chiến đích tướng sĩ; Cổ đại kì xí dĩ hùng hổ vi đồ án, hậu diệc dẫn khôn chỉ kì xí)”.
-Từ nguyên (Thương vụ ấn thư quán-1939): “tướng hùng hổ: ví với tướng dũng mãnh vậy” [熊虎將 猛將也-hùng hổ tướng: dụ mãnh tướng dã].
Cờ thêu hình con hổ
Ảnh: St

Văn bia Hoàng Bùi Hoàn (Hoàng Bùi Tướng công bi ký) có từ “hùng hổ” 熊虎 (“gấu hổ”), được hiểu theo nghĩa Mượn để ví với tướng sĩ dũng mãnh”, Hán ngữ đại từ điển Hán điển, Từ nguyên đã giảng:
“Tướng công lại biết sáng suốt, xử sự cẩn thận, hầu hạ cửu trùng, giản dị mà long trọng. Nắm binh phiên cốt giản dị, rõ ràng, luyện ba quân mạnh như gấu hổ.” [相公又能廉明, 處事謹慎, 持躬九重, 簡其隆知三接膺其異.眷典兵番而務明簡屬獵林熊虎於三軍 - tướng công hựu năng kiêm minh, xử sự cẩn thận, trì cung cửu trùng, giản kì long tri tam tiếp ưng kì dị. Quyến điển binh phiên nhi vụ minh, giản duyệt thuộc liệp lâm hùng hổ ư tam quân” (bản dịch “Địa chí huyện Quảng Xương”-NXB Khoa học xã hội, 2010).
Tuy nhiên, “hùng (con gấu) trong “hùng hổ” 熊虎 (“gấu” và “hổ”) gốc Hán, khi Việt hoá (hoặc xuất phát từ sự nhầm lẫn?), lại biến thành “hùng” với tự hình (mạnh mẽ). Theo đây, “hùng hổ” 雄虎 được hiểu là “con cọp mạnh”, với nghĩa bóng là mạnh mẽ, dữ tợn:
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh): “hùng hổ 雄虎 Con cọp mạnh – Ngb. Mạnh mẽ, dữ tợn”.
-Hán-Việt từ-điển (Nguyễn Văn Khôn): “hùng hổ 雄虎 Con cọp mạnh; cọp đực. Mạnh mẽ dữ tợn”.
-Từ điển Hán Việt (Nguyễn Quốc Hùng): hùng hổ 雄虎 Con cọp mạnh mẽ. Chỉ dáng điệu dữ dội”.
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “hùng hổ • dt. (động): Cọp đực, cọp mạnh  • trt. Cách mạnh-dạn: Hùng-hổ bước tới”.
-Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): hùng-hổ • dt. Con cọp mạnh. Ngb. bt. Mạnh-mẽ dữ-tợn <> Bọn lính hùng-hổ xông vào nhà”.
-Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “hùng-hổ • Con hổ mạnh. • ngb. Mạnh mẽ, hăng hái, dữ tợn”.
-Từ điển tiếng Việt [bản chú chữ Hán cho những từ Hán Việt] (Vietlex): “hùng hổ雄虎 t. hung hăng, dữ tợn, như muốn ra tay ngay: dáng điệu hùng hổ”.
Trong tiếng Hán, con hổ dữ gọi là “mãnh hổ” 猛虎, như “Mãnh hổ thiêm dực猛虎添翼 (Hổ dữ thêm cánh); “Mãnh hổ thâm sơn猛虎深山 (Hổ dữ trong núi sâu). Còn “hùng hổ” với tự hình 雄虎, chỉ có nghĩa là con hổ đực (cũng như hùng sư 雄獅 = sư tử đực).
 Cấu tạo đẳng lập của “hùng hổ” (熊虎) cũng giống như “hổ báo” (), từ chỉ những kẻ ỷ mạnh hay gây gổ, hoặc thái độ hung hăng, nóng nảy, mạnh tợnViệt Nam tự điển (Lê Văn Đức) đã thu thập và giải thích: “hổ báo • dt. Cọp và beo: Dữ như hổ báo”. Ví dụ: “Bài học lớn cho thanh niên ‘hổ báo’ rút dao sau va chạm giao thông” (tienphong.vn-7/2017); “Tài xế ô tô ‘hổ báo’ bị hai thanh niên hạ knock out ở Hà Nội” (ngoisao.net-4/2019)…
Cái khác ở từ “hổ báo” , là cả hai yếu tố gốc Hán “hổ” + “báo” đều đã Việt hoá, lại không tình cờ “láy âm” như “hùng hổ”; trong khi với “hùng hổ” 熊虎 (gấu và hổ) thì “hùng” (gấu) chưa được Việt hoá, nên khi ghép với “hổ”, trở thành khó hiểu, lại thêm hiện tượng “láy âm” một cách ngẫu nhiên “hùng hổ” khiến người ta cứ ngỡ đây là “từ láy”.
Tuy nhiên, đó là xét “hùng hổ” 熊虎 với nghĩa là “gấu và hổ”, còn “hùng hổ” 雄虎 với nghĩa là “con cọp mạnh” lại khác. Cả hai yếu tố “hùng (mạnh mẽ) và “hổ (con cọp) đã được Việt hoá, và hoàn toàn thoả mãn nguyên tắc “đồng đại”:
-Từ điển Vietlex: “hùng t. có khí thế mạnh mẽ: người hùng ~ binh hùng tướng mạnh (tng)”.
-Việt Nam tự điển: (Lê Văn Đức): “hùng • tt. Thuộc giống đực (thú), trống (cầm): Thư hùng. • (B) Giỏi, khoẻ-mạnh, nổi bật: Người hùng, anh-hùng, gian-hùng, tranh hùng, xưng hùng”.

-Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): hùng • (khd). Giống đực <> Thư hùng. Ngr. Khoẻ, giỏi hơn người <> Người hùng; anh ấy hùng lắm • (đ). Con gấu”….
Như vậy, dù “hùng hổ” (熊虎) được hiểu là “gấu” và “hổ”, hay “hùng hổ” (雄虎) là con “cọp đực”, “cọp mạnh”, thì hiện tượng “láy âm” ở đây chỉ là ngẫu nhiên.
Cũng cần nói thêm. Việc các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt thu thập “hùng-hổ • Con hổ mạnh. • ngb. Mạnh mẽ, hăng hái, dữ tợn” theo nghĩa “Hán Việt Việt tạo” là điều bình thường. Tuy nhiên với từ điển Hán-Việt đối chiếu, nếu bỏ qua từ gốc Hán “hùng hổ” 熊虎 (“gấu” và “hổ”-mạnh mẽ như gấu hổ), và chỉ thu thập duy nhất “hùng hổ 雄虎 (mạnh mẽ, dữ tợn như hổ, tương đồng với “mãnh hổ” 猛虎) thì đây lại là một thiếu sót của người biên soạn.

                                                     HTC/5/2019



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét