HOÀNG TUẤN CÔNG
Gần
đây, việc biên soạn, xuất bản từ điển tiếng Việt có rất nhiều sai
sót. Sách “Từ điển tiếng Việt”, (Kim Danh-Ngọc Hằng-NXB Từ điển
Bách khoa) là một ví dụ.
Sách
biên soạn theo kiểu xào xáo, sao chép từ các cuốn từ điển khác (phần lớn những
cái đúng là sao chép "Từ điển tiếng Việt" (TĐTV)
do Hoàng Phê chủ biên. Y sao cái
đúng đã đành, với những cái sai, Kim Danh-Ngọc Hằng cũng cặm cụi chép lấy.
Nhiều từ có 2-3... nghĩa nhưng các soạn giả chỉ giảng một nghĩa, (có khi không
phải nghĩa phổ thông), gây khó khăn cho bạn đọc và rất dễ dùng sai khi tra cứu.
Dưới
đây, chúng tôi xin đưa ra một số dẫn chứng:
-"Bói toán (đgt) Xem bói bằng phương pháp toán học."
Sai hoàn toàn. Xưa kia kẻ hành nghề bói toán thường bị mù
(tục ngữ "Chưa học đui đã đòi bói
gia sự"). Nhiều Thầy bói, một chữ bẻ đôi không biết, thì vận dụng "phương pháp toán học" thế
nào? Quan trọng hơn, chữ "toán" trong "bói toán" không thể
hiểu nghĩa như vậy.
"Toán" 算 có một nghĩa là phép tính
(như toán học 算學), nhưng "toán" 算 trong "bói toán"
lại có nghĩa là đoán định, lường trước
sự việc gì (như: toán mệnh 算命 = đoán vận mệnh)...Còn "bói"
vốn là chữ "bốc" 卜nghĩa
là dự đoán (như "định bốc" 定卜 = đoán định); "Bói toán" chỉ việc
đoán định vận mệnh, số mệnh nói chung, đúng như TĐTV giải nghĩa: "bói toán (đg) bói vận số [nói khái
quát] thuật bói toán, hành nghề bói toán."
-Làm dâu (đgt) Lấy chồng ở chung nhà với cha mẹ chồng."
Không đúng. Vậy, con gái lấy chồng, nhưng không ở chung với
cha mẹ chồng, thì coi như không có trách nhiệm gì với gia đình bên chồng, không
thể "làm dâu", không được "làm dâu" (bằng cách quan tâm
đi lại, thăm hỏi, chăm sóc...bố mẹ, gia đình họ hàng bên chồng) hay sao? Khi
nói "làm dâu xứ Hàn", "làm dâu nước Pháp", "làm dâu
Việt Nam", có nghĩa phải sang hẳn nước ấy sống mới được gọi là "làm
dâu" chăng?
"Làm dâu"
có nhiều nghĩa, như: 1.Phục vụ, chiều theo những đòi hỏi khắt khe của người
khác (thành ngữ "Làm dâu trăm
họ";) 2.Con dâu [nói chung], chỉ người con gái lấy người con trai của gia đình, dòng họ, làng, xã, huyện, tỉnh,
đất nước, trường, lớp, cơ quan, đơn vị...nào đó (Bài hát "Về
làm dâu Sông Mã" Tục ngữ "Làm
rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ rang cơm nguội")...3.Thực hiện trách
nhiệm, bổn phận đối với gia đình bên chồng...
-"Tinh sương
(trt) Lúc sương mới xuống, rất sớm. Từ tinh
sương hắn đã dậy rồi."
Giải nghĩa như vậy là "hắn"
thức dậy lúc hoàng hôn, chứ đâu phải "tinh
sương"? Vì sương đêm bắt đầu xuống khi tắt nắng, và chấm dứt khi ánh
bình minh ngày hôm sau ló rạng. Bởi vậy, "tinh
sương" nghĩa là khi những giọt sương sớm chưa tan, hãy còn long lanh trên
lá cây, ngọn cỏ; lúc muôn loài, vạn vật dường như còn chưa tỉnh giấc bắt đầu
một ngày mới. Thế nên bài hát "Em đi làm tín dụng" của
Nguyễn Văn Tý mới có lời: "Ơ...Sương
đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường..." là vậy.
-"Tội danh (dt) Tội rất nghiêm trọng,
cả về mặt pháp luật và đạo đức."
Giảng bừa. "Tội
danh" 罪名 đơn giản có nghĩa là tên của tội, tức
hành vi phạm pháp được quy định trong
bộ luật hình sự hiện hành. Bởi vậy, "cướp
của", "giết người" cho đến "buôn lậu", hay "đánh
bạc", "kinh doanh trái
phép" đều là..."tội danh" cả. Trong đó những tội như
"đánh bạc", "kinh doanh trái phép" có thể nói là không vi
phạm đạo đức. Thậm chí, hiện nay, có tội "đánh bạc" đang được thảo
luận, xem xét, loại bỏ khỏi tội danh hình sự.
-"Tùy bút
(dt) Tùy theo hứng, gặp cái gì thì ghi cái ấy. Lối văn tùy bút."
Như vậy gọi là "tạp ký" (ghi chép lăng nhăng, bạ
cái gì ghi cái ấy) thì đúng hơn. TĐTV:
"Tùy bút d. thể ký ghi lại tương đối tự do những cảm nghĩ của người viết,
kết hợp với việc phản ánh thực tế khách quan."
-"Tiểu thuyết
(dt) Truyện do trí tưởng tượng đặt ra mà viết."
Vậy thể loại truyện
ngắn, truyện dài...không phải viết ra "do
trí tưởng tượng" hay sao?
-Bỏm bẻm
(dt) Nhai thong thả, đều đặn trong khoảng thời gian lâu. Bà cụ nhai trầu bỏm bẻm.
Vậy,
có thể viết "Thiếu nữ xinh đẹp đang
bỏm bẻm nhai kẹo cao su" được không? "Bỏm bẻm" là kiểu nhai của người bị móm răng, môi, miệng
không có sự khớp lại chắc chắn, đầy đặn của hai hàm răng phía trong. (Thành ngữ
"Bỏm bẻm râu dê"-Con dê nhai thức ăn tựa như người bị móm, chòm râu
của nó cũng rung rung như một cụ già).
-Giản
dị (dt) Sơ sài, không rườm rà. Tính
giản dị.
Trong "sơ sài" có hàm ý chê bai thiếu đầy đủ chu
đáo so với yêu cầu thực tế; trong khi sự đơn giản, không cầu kỳ trong phong
cách ăn mặc, nói năng hoặc lối sống "giản dị" lại toát lên vẻ đẹp tự
nhiên và có giá trị riêng.
-"Cheo
(dt) Giống sóc nhỏ rất nhát và nhảy rất tài".
Cheo không thuộc bộ gậm nhấm. Theo "Từ điển Bách khoa nông nghiệp" (1991) đây là thú nhỏ họ
Cheo (Tragulidae), hình dạng giống hươu, Không có sừng, ăn chồi, cỏ lá non, quả
rụng vào lúc sẩm tối.
-"Thờn bơn (dt) Cá nước ngọt sống
ở tầng đáy, thân dẹp như lá cây, miệng và mắt lệch về phía trên."
Sai, "thờn
bơn" là cá nước mặn (cá biển).
-"Thuồng luồng (dt) Loài vật dữ
dưới nước, hình rắn, hay hại người."
Đây
là quái vật theo truyền thuyết chứ không có thật, từ điển không thể giải nghĩa chung chung như vậy.
-"Ao
(dt) Chỗ đất trũng có chứa nước để thả rau, nuôi cá."
"Ao" (trước hết) phải là khoảng đất được đào sâu xuống để chứa nước, thả cá...Còn
"chỗ đất trũng" có thể là
một cái ao được hình thành tự nhiên (rất ít), nhưng cũng có thể là chỉ là một
cái vũng nước mà thôi.
-"Tồn kho (dt) Hàng hóa đang còn
trong kho, chưa dùng đến. Hàng tồn kho."
Chính
xác là hàng tiêu thụ không hết theo kế hoạch, chứ không phải "chưa dùng đến.
-"Cấy
dưỡng (đgt) Cấy ép, không đúng thời vụ."
Chỉ
có "cấy cưỡng", không có "cấy
dưỡng"
-"Phụ âm (dt) Âm, chữ thêm vào mẫu
âm để đọc thành tiếng. A, b, c... là phụ âm."
A là
nguyên âm chứ không phải "phụ âm."
-"Bón lót
(đgt) Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa."
"Bón lót" được áp dụng cho tất
cả các loại cây trồng, trên mọi chân đất thâm canh, chứ không phải chỉ mình cây
lúa nước.
-"Gánh (đgt) Vận chuyển bằng quang."
Vậy,
cũng vận chuyển bằng quang, nhưng do hai người khiêng thì có gọi là gánh được
không?
Nhiều
từ có 2-3... nghĩa nhưng các soạn giả chỉ giảng có một nghĩa, (có khi là nghĩa
không phổ thông), gây khó khăn và dễ dùng sai khi tra cứu. Ví dụ:
-"Cá kình (dt) Thứ cá ở sông ở
biển, mình lốm đốm hoa, thịt ăn ngon."
Cá kình còn được hiểu là cá voi, cá lớn, cá dữ ở
biển.
-"Cún (dt) chó con."
Còn
được dùng để gọi trẻ con với ý âu yếm, như "Cún
con của bà"
-"Gạo cội (dt) Gạo còn nguyên hạt sau khi
xay giã."
Còn chỉ người có
thâm niên, tài giỏi trong nghề [thường nói về diễn viên và vận động viên thể
thao [một diễn viên gạo cội, cán bộ gạo
cội của phong trào]
-"Hậu cung (dt) Cung ở phía sau cung vua,
nơi phi tần ở"
Còn
có nghĩa gian nhà phía sau nối vào khoảng giữa của ngôi đình, đền miếu, hoặc
nhà ở có thêm chức năng thờ cúng.
-Tiên sư (dt) Từ dùng làm tiếng chửi. Tiên sư nhà nó".
Còn có nghĩa người lập ra một trường phái hoặc bày ra và
dạy lại một nghề, trong quan hệ với những người theo trường phái hoặc nghề đó ở
các đời sau.
Những từ bị giảng sai, thiếu chính xác, thiếu nghĩa trong
từ điển của Kim Danh-Ngọc Hằng nhiều không kể hết. Có thể lấy ví dụ thêm các
mục từ như: Bưng bít; Chay; Chấy; Đạp mái; Mắm tôm; Mỏng manh; Nhà bếp; Nhồi sọ; Phụ
canh; Thiết kế, Thoi thóp;Thông điệp;Trầu không; Trống đồng; Viễn cảnh; Vuốt
đuôi -Chùa;-Nhái;Ngóe...
Đáng chú ý, "Từ
điển tiếng Việt" (phổ thông và dành cho học sinh) của Nhóm tác giả có
bút danh Kim Danh-Ngọc Hằng; Kim Anh-Ngọc
Hằng; Kỳ Duyên-Ngọc Hằng-Đức Bốn...được nhà xuất bản Thanh Niên, Đồng Nai
phát hành rất nhiều. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.
Hoàng Tuấn Công
(*) Từ điển tiếng Việt-Kim Danh-Ngọc
Hằng-NXB Từ điển Bách khoa-2013-884 trang, khổ 8x13)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét