Bản chụp đoạn văn được cho là của học sinh lớp 7 Ảnh: Vietnamnet |
Hoàng Tuấn Công
Mấy ngày vừa qua, mạng xã hội chia sẻ và tranh luận sôi nổi về bài
"Mở đoạn bài văn 0 điểm gây tranh
cãi". Hàng chục Báo mạng đăng bản chụp "mở đoạn bài văn" kèm "lời bình" của phóng viên
và nhận xét của độc giả.
Theo Vietnamnet: "Chị Lê Huệ (Hà Nội) vừa chia sẻ bài văn kiểm tra giữa kỳ của con (học
sinh lớp 7) bị 0 điểm với phân vân: Vì mở đoạn không đúng văn mẫu, không đúng
yêu cầu? Chia sẻ của chị lập tức có tranh luận trái chiều...
Đề bài: Viết một đoạn văn cảm nhận về mùa
yêu thích.
Mở đầu học sinh
viết: "Một buổi sáng
thức giấc, bạn chợt thấy những con gió se lạnh len lỏi qua từng góc phố, từng
hàng cây, mơn man trên da mặt, xua đi cái nóng oi ả của mùa hè. Đó là bước
chuyển mình dịu dàng, tinh tế của mùa thu - mùa tôi yêu thích nhất..."
Đoạn văn mở đầu
được cô giáo nốt bên lề 0 điểm, không kèm lời phê đã khiến chị Lê Huệ phân vân:
Lúc nào mẹ cũng dạy con cách học văn là phải khác các bạn! Cách hành văn, cảm
văn thì lại càng cần phải khác hơn. Không biết có phải chính các yêu cầu của mẹ
mà bài văn kiểm tra giữa kỳ của con chưa được cô đánh giá cao và còn bị 0 điểm
cho phần mở đoạn vì mở đoạn không đúng với yêu cầu?"
Báo Dân Trí cho
biết, nhiều bạn đọc phản ứng quyết liệt vì: “Mở đầu đoạn văn rất
hay, sáng tạo. Cần xem lại luận điểm của giáo viên vì lý do gì mà lại chấm 0
điểm”...
Tuy nhiên, nhiều người nghi
ngờ "học sinh viết mà chép từ sách
văn mẫu."
Nên "Cô giáo cho điểm 0 mà
không phê là sao chép từ bài văn mẫu là tốt lắm rồi”.
Hoặc "chắc cô thấy viết hay quá, lại tưởng học trò chép lại trong một
cuốn sách hướng dẫn nào đó nên không cho điểm."
Theo
chúng tôi, có thể đoạn văn chỉ là một văn bản ngụy tạo. Xét một số mâu thuẫn
sau đây:
-Giọng
văn quá già dặn so với học sinh lớp 7 (Ví dụ các từ, ngữ gợi tả: "gió se lạnh len lỏi", "giao thoa", "điểm
tô", "chuyển mình dịu dàng"...) Viết câu dài và cách đặt câu
mở đầu bằng "Là một trong..."
hay "Và đẹp hơn cả..." nhưng
không bị rối. Cách xâu chuỗi, so sánh, dùng cảm nhận tổng thể bốn mùa để nêu
bật vẻ đẹp của mùa thu, khó có thể là tư duy độc lập của học trò lớp 7. Nghĩa là từ ý
tứ, cảm xúc cho đến hành văn đã vượt ra ngoài "văn nhà trường" khá xa.
-Chữ
trong đoạn văn không những quá xấu mà còn bị dị dạng và sai về quy tắc, quy
chuẩn, rất khó chấp nhận ở một học sinh lớp 7 học giỏi văn, lại ở ngay Hà Nội.
Ví
dụ cách đánh các dấu:
+Chữ
"giấc" trong "thức giấc" thì dấu mũ (^) của
chữ Â bị đánh lên đầu chữ C.
+Các
dấu sắc (') dấu huyền (`) thường đánh trật hẳn ra ngoài, không gắn kết gì với
chữ viết.
+Các
dấu phẩy (,) dấu nặng (.) thì lại đánh vào khoảng giữa của hai chữ.
+Toàn
bộ chữ L viết tựa như chữ C, nếu không nằm trong cả đoạn văn, thì chữ "làm" người ta sẽ đọc thành
chữ "cam" hoặc "càm"; từ "len lỏi" sẽ đọc thành "cen cỏi".
+Chữ
cái R trong "sinh ra" thì
viết tựa như dấu mũ (^) của chữ Ô. Rất nhiều chữ nếu đứng riêng một mình, người
ta sẽ không biết đó là chữ gì.
+Chữ "DA" trong "da
mặt" viết sai chính tả thành "GIA". Dù sau đó đã được
"trò" này xóa đi viết lại, nhưng một học sinh giỏi văn (chắc chắn
phải đọc, và tập làm văn khá nhiều) sao có thể sai chính tả ngay một từ thường
rất ít khi sai trong tiếng Việt như vậy?
+Cách
trình bày của học sinh này cũng tùy tiện, ví như không gạch chân "Bài
làm" theo qui chuẩn, nội dung bài viết không cách một dòng mà viết sát
ngay dưới hai chữ "Bài làm"...
Chữ viết sai quy chuẩn trong "bài văn". |
Tóm
lại, nếu căn cứ vào nét chữ thì đây là chữ của một học trò học dốt, tính cách cẩu thả, không được dạy dỗ,
uốn nắn đến nơi đến chốn của thầy cô và gia đình.
-Có
người sẽ lý giải rằng, không phải ai giỏi văn chữ cũng đẹp, vì còn phụ thuộc
vào "hoa tay". Đúng thế. Tuy nhiên, viết chữ xấu khác với viết chữ
sai. Hơn nữa, chi tiết: "chị Lê Huệ
phân vân: Lúc nào mẹ cũng dạy con cách học văn là phải khác các bạn! Cách hành
văn, cảm văn thì lại càng cần phải khác hơn" cho ta biết: đây là người
mẹ rất quan tâm đến chuyện học hành của con cái, có quan điểm dạy, học văn rất
tốt. Như vậy, chắc hẳn ngoài những điều con được học ở trường, "chị Lê Huệ"
còn trực tiếp giáo dục, kèm cặp thêm cho con mình rất chu đáo. Bởi vậy, rất khó
tưởng tượng người mẹ tuyệt vời ấy lại để đứa con mới học đến lớp 7 mà chữ không
ra chữ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu huyền, dấu ô không biết đặt ở đâu cho đúng. Một
học sinh thông minh, giỏi văn lại có chữ viết như vậy sao?
-Cô,
cậu học sinh kia chắc hẳn đã phải luyện "tập làm văn" rất nhiều, chịu
ảnh hưởng quan điểm dạy, học văn tiến bộ của thầy cô và mẹ "Lê Huệ"
ít nhất là từ lớp 5-6, thì lên lớp 7 mới có thể "thu hoạch" được bài
viết khá như vậy. Bài kiểm tra giữa kỳ chỉ là một trong rất nhiều tập, bài kiểm
tra trong năm học. Nếu quan tâm đến chuyện học hành của con, hẳn "chị Lê
Huệ" phải biết cách dạy văn, "gu" chấm điểm của cô giáo dạy con
mình thế nào. Và dĩ nhiên, không bao giờ chị Huệ bất ngờ, hay phải băn khoăn vì sao con mình bị điểm 0.
-Người ta chẳng thấy mặt
mũi, thực sự cái "đề" "Viết một đoạn văn cảm
nhận về mùa yêu thích" ở đâu, nguyên văn có phải vậy không? Một đề bài kiểm tra văn giữa kỳ
sao lại có thể ra theo kiểu "nói trống không" như vậy được? Theo
chúng tôi (ít nhất) đề phải có nội dung rõ ràng, mạch lạc như sau: "Em hãy
(hoặc "hãy) viết đoạn văn cảm nhận về một mùa trong năm mà em yêu thích".
- Các báo (hay "chị Lê
Huệ"?) gọi là "Mở
đoạn bài văn", nghe khá ngô nghê. Vì nếu đúng
yêu cầu của đề "Viết một đoạn văn cảm nhận về mùa yêu thích"
thì học sinh kia đã hoàn thành yêu cầu, với nội dung khá đầy đủ, súc tích rồi.
Đây đâu phải là một "bài văn", mà cần phải "mở bài, thân bài, kết luận"? Có lẽ nên gọi là "câu mở đầu đoạn văn" thì chính xác hơn chăng?
-Như vậy, chắc hẳn học sinh kia đã
chép bài trong văn mẫu? Tuy nhiên, nếu quả tình có một "chị Lê Huệ"
thật (cái tên này cũng rất đáng ngờ), chị phải biết lực học của con mình đến
đâu; bài văn có phải là kết quả sự dạy dỗ, định hướng tư duy của chị hay không.
Và dĩ nhiên chị đã chẳng lên tiếng vẻ oan ức như vậy.
-Cách chấm, chữa bài cũng đáng ngờ. Ví
dụ:
+Dấu nhân (x) đánh vào giữa hai câu
rất vô nghĩa (không biết ý cô là chỗ đó nên chấm hay nên phẩy?).
+Dấu đỏ ngoài lề (phần cuối văn bản)
không biết là số 2 hay chữ V. Nếu là điểm 2, sao không thấy gạch chân?
+Nếu căn cứ vào dấu dấu x cô đánh ngay sau câu đầu, thì cô giáo chấm riêng cho "câu mở đầu đoạn văn" là 0 điểm, còn tổng thể cả đoạn công lại, thì chưa biết thế nào.
Cách viết số 0 thường thấy khi giáo viên chấm điểm |
-Số 0 cạnh lề, được cho là điểm của
bài viết, nhưng "điểm" sao mà viết quá nhỏ (nhỏ hơn chữ trong bài văn)? Mặt khác, kiểu NGOẶC liền nét tạo
thành gạch dưới số 0, thường được dùng
với ký hiệu viết tắt của chữ "không", chứ không phải cho điểm 0
(mà gạch dưới thường gạch thẳng và tách bạch với số 0-xem ảnh minh họa trong bài). Như vậy, xem cách cho điểm 0 và điểm 2 thì có thể suy đoán, đây khả năng không phải chữ của cô giáo.
Giả sử đoạn văn kia có thật, thì ký hiệu số 0 đó khả năng chỉ là viết tắt thay chữ
"không" (ví dụ: không sao chép, không đưa đoạn này vào đây-một kiểu
lời phê ngắn gọn), chứ không phải cô cho điểm 0.
Xem văn bản thì thấy, "Viết một đoạn văn cảm nhận về mùa yêu thích", là câu thứ 3 (trong số nhiều câu của bài kiểm tra). Nếu đoạn sau cô cho 2 điểm, thì phải xem tổng cả đoạn cộng lại là bao nhiêu điểm. Không nên mập mờ, khiến bạn đọc hiểu nhầm cô giáo cho 0 điểm cho "mở đoạn bài văn" hay "mở đầu đoạn văn" chính là toàn bộ phần được chụp đưa lên.
-Lời "chị Lê Huệ": "Lúc nào mẹ cũng dạy con cách
học văn là phải khác các bạn! Cách hành văn, cảm văn thì lại càng
cần phải khác hơn"
nghe qua rất hay, rất tiến bộ. Tuy nhiên, ngẫm kỹ ta thấy đó là một quan điểm cực
đoan: con cứ học văn, làm văn khác với tất cả các bạn trong lớp, nghĩa là làm
ngược lại những gì cô giáo dạy các bạn khác là được. Thế là cả lớp chỉ mình con
chị Huệ là "học văn" và "hành văn, cảm văn" sáng tạo (do chị Huệ đã thay thế hoàn toàn vai trò của cô giáo trong việc dạy văn cho con). Và dĩ nhiên, tội "mặc đồng phục" ấy không ai khác ngoài cô
giáo dạy văn, phương pháp dạy văn?
-Cuối cùng, một giáo viên dạy văn dù
dốt nát, tâm hồn chai sạn đến đâu, cũng khó có thể hạ bút cho điểm 0 đối với một đoạn văn gợi tả, ai đọc
cũng tâm đắc như vậy mà không có lý do gì rõ ràng.
v.v...
Nói tóm lại, theo chúng tôi, "Mở
đoạn bài văn 0 điểm gây tranh cãi" có nhiều điểm rất đáng ngờ, rất
giống một văn
bản ngụy tạo "chơi vui", hoặc cố tình mập mờ của ai đó, đưa ra đúng dịp 20/11, nhằm tạo
lời ra tiếng vào đối với các thầy cô giáo (Giống như câu chuyện "Bài văn viết thư khiến giáo viên vàphụ huynh ngã ngửa" mà chúng tôi đã từng lật tẩy năm 2014).
Mong rằng, người đầu tiên đưa vấn đề "Mở
đoạn bài văn 0 điểm gây tranh cãi" lên báo tìm hiểu thêm để cung cấp thông tin, giải
tỏa băn khoăn, thắc mắc cho bạn đọc, minh oan cho các thầy cô dạy văn.
Hoàng Tuấn Công/19/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét