18 thg 1, 2019

CON LỢN VÀ CHỮ “GIA”

Lợn độc
Tranh Kim Hoàng
HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong Hán tự, chữ “gia” , thuộc chữ Hội ý. Hình chữ trong Giáp cốt văn Kim văn thấy rõ một nếp nhà có mái và cột (sau này phát triển thành bộ “miên” ), bên trong có con lợn đang nằm (sau thành bộ “thỉ” ). Sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán” (Lý Lạc Nghị - Jim Waters, NXB Thế giới - 1997) giải thích: “Ngày xưa vương công quý tộc sau khi chết, đều có xây miếu để thường xuyên thờ cúng; thường dân không có miếu, thường bày con lợn dưới hiên nhà để cúng bái, đó là gia (nhà). Sau đó, nghĩa được mở rộng là trú sở (nhà ở) v.v”.

Theo cách giải thích của "Tìm về cội nguồn chữ Hán", thì bộ "thỉ"
trong chữ "gia" là con lợn đang bị trói làm vật hiến tế, đặt dưới hiên nhà.
Ảnh: HTC

Theo một hướng giải mã khác, sách “Hán tự đồ giải tự điển” (Cố Kiến Bình – Trung Quốc xuất bản tập đoàn - Đông Phương xuất bản Trung tâm, 2012), lại cho rằng, “miên” bên trên + “thỉ” phía dưới = gia , biểu ý: một trú sở có chăn nuôi lợn thì được gọi là nhà (nguyên văn: - Dĩ thất nội dưỡng trư biểu thị gia).
Chữ "gia" trong "Giáp cốt văn" và "Kim văn"

Cùng quan điểm này, nhưng “Hán điển” (zidic.net) giải thích cụ thể hơn. Theo đó, thời cổ đại sản xuất lạc hậu, đa phần nuôi lợn cùng chỗ với nhà ở. Lâu dần, một mái ấm có chăn nuôi lợn trở thành dấu hiệu để nhận biết đó là nhà(古代生力低下,人們多在室子養豬,所以房子里有豬,就成了人家的標志 - Cổ đại sinh sản lực đê hạ, nhân môn đa tại thất tử dưỡng trư, sở dĩ phòng tử lý hữu trư, tựu thành liễu nhân gia đích tiêu chí).
Chữ "thỉ" 豕 trong Giáp cốt văn

“Nhà” ( - gia) mà “Hán điển” nói đến ở đây, được hiểu theo nghĩa thứ 4, mà “Hán ngữ đại từ điển” đã giảng là “an gia lạc hộ安家落戶 (nhà của dân định cư; trú sở lâu dài của một gia đình) bao gồm toàn bộ phần kiến trúc nhà cửa, sân vườn, có cổng đóng mở; phân biệt với túp lều, nhà tạm của dân du cư.
Quả thật, chỉ dân định cư mới có chuồng trại chăn nuôi ổn định, gắn với nhà ở kiên cố. Nếu như miền núi, lợn nuôi dưới gầm sàn, chái nhà, thì miền xuôi, chuồng lợn cũng gắn liền với nhà ở, theo kiểu nhà trên (nhà chính) để ở và thờ cúng, nhà dưới (nhà ngang) chủ yếu làm bếp nấu và chuồng lợn liền kề, tiện sớm hôm chăm sóc, chống thú dữ, chồn cáo. Theo Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, cách gọi nhà trên, nhà dưới, chính là dấu vết Mường (nhà sàn) trong ngôi nhà Việt (nhà đất). Theo đó, tuy tiến bộ hơn thời “thượng miên, hạ thỉ” 上宀下豕 (trên là nhà ở, dưới là lợn), nhưng thực chất lợn gà vẫn ở chung với người.
Với trâu bò, dê, ngựa, không phải nhà nào cũng nuôi. Nhưng hầu như không gia đình làm nông nào lại thiếu vắng con lợn trong chuồng. Ở miền núi, lợn thường được nuôi theo kiểu thả rông, nửa hoang dã. Gầm sàn là chuồng ngủ đêm, hoặc nơi ăn uống của chúng. Ngày một vài lần, lợn được cho ăn rau cám để nhớ bữa, còn lại tự dũi đất kiếm ăn. Vì thả rông, nên có khi lợn nái giao phối với lợn rừng, đến kì sinh con, thì đẻ luôn trong rừng. Người Thái quan niệm, khi đó lợn nhà đã thành lợn rừng, “hồn chúng đã biến hoá”. Bởi vậy, nếu tìm được mẹ con lợn về nhà, người ta phải cho lợn mẹ ăn một nắm xôi, một quả trứng gà luộc, để nó bớt hung dữ, hồn vía chúng lại trở về với người. Con lợn thân thuộc với người Thái đến mức, trong thiên tình ca “Xống chụ xôn xao” (Tiễn dặn người yêu), nó trở thành nỗi luyến nhớ của cô gái đi lấy chồng: “Ở lại nhé nái lợn đen ở gầm sàn/Nái lợn khoang ở dưới sân của ta ơi!/Chiều chiều ta không được xách dậu cám xuống chăm/Không được xách dậu cám xuống cho ăn!” (Người Thái ở Tây Bắc-Cầm Trọng-NXB Khoa học xã hội, 1978).
Nuôi lợn dưới gầm sàn

Với người Mường, con lợn cũng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế. Lợn gà, thóc lúa là biểu tượng cho sự sung túc (“Dưới sân nhiều lợn nhiều gà, trên nhà nhiều bông nhiều niếng” - Đìn khường nhếu cùi nhếu kha, t’rênh nhá nhếu hôông nhếu viềng). Chăn nuôi lợn gà có thể khiến đời sống được no ấm, khỏi vất vả nắng mưa (“Dưới sân chuồng lợn chuồng gà, trên nhà không mưa không nắng” - Đìn khường cò đước cùi đước kha, t’rênh nhá đa mưa, kìn rằng) [Tục ngữ Mường- Cao Sơn Hải, NXB Văn hoá thông tin, 2002].
  Với miền xuôi, “Giàu lợn nái, lãi gà con”, “Mười hũ vàng chôn không bằng cái trôn con heo nái”, “Bán cám thì ngon canh, nuôi lợn thì lành áo”, “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác…”… Nhà dù nghèo đến mấy cũng gắng nuôi con lợn làm “ống tiết kiệm”. Lợn không chỉ “biến rau thành thịt”, mà còn sản xuất phân bón cho đủ loại cây trồng. Câu đố “Trong trắng ngoài xanh, gieo đậu trồng hành, thả lợn vào trong”, không đơn thuần chỉ là thách đố về trí tuệ, mà còn gợi lên hình ảnh thú vị về mối quan hệ giữa chăn nuôi và trồng trọt, sự kết hợp hài hoà sản phẩm gạo thịt ngày thường để tạo nên chiếc bánh chưng huyền thoại ngày Tết.
Bài đăng trên báo Người Lao Động số Tết Kỷ Hợi

Truyện “Lục súc tranh công” (Sáu con vật nuôi trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn tranh công) cho thấy mỗi con một vai trò. Con nào cũng quan trọng. Riêng lợn không chỉ có vai trò đối với kinh tế, mà còn giữ vị trí quan trọng trong lễ tục. Khi Gà chê bai: “…Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì/Giả ngây dại, biết gì việc chủ (…) No đú mỡ, nhảy quàng, nhảy quáng/Ðói xép hông, cắn máng, cắn chuồng…”, Lợn mới bình tĩnh kể ra công trạng: “Vua ngự lễ Nam-giao đại-đột/Phải có heo mới gọi tam-sanh (…) Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi/Thảy thảy cũng lấy heo làm trước…”.
Lễ “Tam sinh” 三牲 có hai loại: “Đại tam sinh” 大三牲, gồm bò, dê, lợn (,, - ngưu, dương, thỉ); và “Tiểu tam sinh” 小三牲 gồm lợn, cá, gà (,, - trư, ngư, kê). Theo đó, dù “đại” hay “tiểu”, cũng “phải có heo mới gọi tam-sanh”!
Đứng cuối cùng trong 12 con giáp, nhưng lợn lại cho thịt ngon, dễ chế biến, và có thể chế biến thành nhiều món nhất, so với tất cả các con vật còn lại. Từ tết nhất, giỗ chạp, khao vọng, phạt vạ, giảng hoà… đến việc “quan, hôn, tang, tế”… nói chung, đều lấy lợn làm đầu…Đến mức, con lợn cũng đói no, vui buồn theo những hạnh phúc, khổ đau của chuyện lứa đôi: "Yêu nhau chẳng lấy được nhau/Con lợn bỏ đói, buồng cau để già/Bao giờ sum họp một nhà/Con lợn lại béo cau già lại non" (CD)...
Lợn đàn
Tranh dân gian Đông Hồ

Trở lại chuyện con lợn và chữ “gia” . Nếu trong cách giải thích của sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán”, con lợn hiện lên với vai trò là vật hiến tế đang bị trói chặt; thì dưới góc độ nghiên cứu tập quán ăn ở, chăn nuôi sản xuất của người xưa,Hán tự đồ giải tự điển” và “Hán điển lại nhìn thấy con lợn đang nằm kềnh, ăn no ngủ kĩ dưới gầm sàn. Nhưng, dù dưới góc độ nào, thì phép cấu tạo của chữ “gia” cũng cho chúng ta thấy, con lợn chiếm một vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp từ ngàn xưa. Có lẽ chính bởi vậy mà chú Ỉ lam lũ, lấm láp ngày thường đã bước vào tranh dân gian Việt Nam với các dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Làng Sình… thật tự nhiên, sinh động, với những “nét tươi trong” mang ý nghĩa phồn thực, thể hiện ước vọng về sự sung túc, no đủ của muôn nhà mỗi dịp Xuân về.

                                  HTC/Xuân Kỷ Hợi 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét