8 thg 12, 2018

GIỮ NHƯ ÔNG THẦY GIỮ ẤN


Trảm tà đoạn ôn ấn -một trong rất nhiều loại pháp ấn
của thầy phù thuỷ.
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào) giải thích: “Giữ như ông thầy giữ ấn (thầy: thầy phù thuỷ; ấn: ấn quyết, thuật của phù thuỷ, dùng tay làm phép trừ ma quỷ). Giữ bí mật, không truyền dạy cho ai”. 

-“Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân): -"Giữ như ông thầy giữ ấn (Thầy là thầy cúng; ấn là thuật của phù thủy dùng tay làm phép) Như ý câu trên: Anh đừng hòng mượn nó bộ sách ấy, vì nó giữ như ông thầy giữ ấn”.

Câu trên” của GS. Nguyễn Lân là câu “giữ như giữ mả tổ • ng. Chê người khư khư giữ cái gì không cho ai đụng đến <> Quyển sách ấy hắn giữ như giữ mả tổ, mượn làm sao được”.

Theo chúng tôi, các nhà biên soạn từ điển đã hiểu lầm về chữ “ấn”, nên giảng nghĩa bóng thiếu chính xác.
 “Ấn” , ở đây không phải ấn quyết, “dùng tay làm phép”, mà là “ấn” với nghĩa ấn triện, con dấu. Ông thầy phù thủy làm phù chú, sắc lệnh, viết, vẽ loằng ngoằng lên giấy để trừ tà ma, xong phải có “ấn” đóng lên mới “thiêng”. Bởi vậy, chiếc ấn đối với thầy phù thủy (cũng như đối với vua, quan) luôn là “bảo ấn” 寶印 (ấn báu), tượng trưng cho uy quyền, sức mạnh, bảo bối hành nghề, có thể sai khiến được âm binh, âm tướng, nên lúc nào Thầy cũng phải giữ khư khư bên mình, chẳng ai được đụng đến. Mất bảo ấn xem như mất quyền uy, pháp thuật do đấng bề trên ban cho.
Thái Thượng Lão Quân ấn (ấn của Đạo giáo)
Ảnh: ST

Trong thực tế, Thầy phù thuỷ có dùng “ấn”, hoặc “ấn quyết” 印訣, bắt ma trừ tà, mà “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) giảng là “ấn • Biểu-hiện riêng trong bàn tay thầy phù-thuỷ, thầy pháp đối với âm-binh, âm-tướng, ma quỷ: Bắt ấn, cao tay ấn, nẹt khăn ấn”; hay “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “ấn quyết 印訣 d thuật [phù thuỷ] dùng tay làm phép bắt quyết, gọi là để trừ ma quỷ Đn: tay ấn”.

Tuy nhiên, “ấn” với nghĩa “dùng tay làm phép”, thì thầy “bắt quyết”, trừ tà ma xong, là thả tay ra, chứ đâu có “giữ khư khư” được mãi? Hơn nữa, khi thầy “thủ ấn”, động tác, cách để tay của thầy thế nào, mọi người đều nhìn thấy cả, làm sao mà “giữ” bí mật được? Mặt khác, “ấn quyết” chỉ là một “thủ thuật” nhỏ trong rất nhiều phép thuật bắt ma, trừ tà của Thầy. Bởi vậy, không phải học lỏm được thuật “ấn quyết”, là coi như đã nắm được “bí quyết”; hoặc Thầy phù thuỷ lỡ để lộ “ấn quyết”, xem như đã bị “đánh cắp” bí quyết nghề nghiệp, nên phải “giữ bí mật, không truyền dạy cho ai” cách “ấn quyết”.

Thành ngữ “Giữ như ông thầy giữ ấn”, có một số dị bản đồng nghĩa như “Giữ như ông từ giữ tráp” (“tráp” đựng sắc phong, thần tích, hoặc ấn báu của đền chùa,  nên ông Từ phải giữ cẩn thận); “Khư khư như ông từ giữ oản” (“oản” dâng cúng thần phật, ông Từ phải giữ cẩn thận, tuyệt đối không cho ai đụng đến, sợ bị uế tạp, hao hụt, khiến “Trăm tội đổ đầu nhà oản”); “Giữ như giữ mả tổ” (“mả tổ” liên quan tới sự thịnh suy của cả dòng họ, nên phải bảo vệ giữ gìn, không cho người, hay vật xâm phạm làm “động mồ, động mả”).

Tất cả những thứ như “ấn”, “tráp”, “oản”, “mả tổ”…đều là những vật cụ thể, hữu hình, có thể cầm nắm, di chuyển, bị người khác xâm phạm, hoặc bị mất mát. Bởi vậy, “giữ” ở đây được hiểu là giữ gìn, bảo vệ, không cho ai mượn mõ, hoặc đụng chạm đến. Chính hai ví dụ: “Anh đừng hòng mượn nó bộ sách ấy, vì nó giữ như ông thầy giữ ấn”, hay “Quyển sách ấy hắn giữ như giữ mả tổ, mượn làm sao được”, của GS. Nguyễn Lân đã nói lên rằng, “giữ ấn” ở đây là giữ gìn một vật dụng cụ thể, quyết không cho ai đụng đến, chứ không phải “ấn” là “ấn thuật”, “ấn quyết”, bí quyết hành nghề, “không truyền dạy cho ai”, theo cách giảng, cách hiểu của Nhóm Vũ Dung và chính GS. Nguyễn Lân.

                                                           Hoàng Tuấn Công/12/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét