3 thg 11, 2018

ANH LÙN XEM HỘI


Anh lùn xem hội
Tranh minh hoạ của Tàu

      HOÀNG TUẤN CÔNG

-“Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) giải thích: anh lùn xem hội • ng. Câu hài hước nói đến sự thiệt thòi của người ở địa vị thấp kém <> Trong hội nghị quốc tế đó, tôi chỉ là một anh lùn xem hội!”.
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “Anh lùn xem hội thng. Thiếu cả phương tiện mà phải đương đầu với việc khó khăn, quá sức”.


Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Anh lùn xem hội Anh lùn mà xem hội (ắt sẽ phải chịu thua thiệt đủ đường). Hay dùng để than phiền về tình cảnh mà những người lùn hay phải hứng chịu khi sống ở đời”.
-“Về cội nguồn thi ca Việt Nam” (Lê Gia): “Anh lùn xem hát: Xem hát thường đông người, anh lùn bị anh  cao che chắn, khó nhìn, khó xem. Nghĩa bóng: ngườu hèn kém phải chịu thua thiệt”.
Như vậy, qua 4 nguồn tài liệu, cách giải thích thành ngữ “Anh lùn xem hội” (dị bản “Anh lùn xem hát”) khá thống nhất.
Tuy nhiên, “Anh lùn xem hội” vốn không có nghĩa như các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển giải thích. Đây là một thành ngữ gốc Hán “Uỷ tử khán hý” 矮子看戲 (Chú lùn xem kịch), dị bản “Uỷ nhân khán hí/trường” 矮人看戲/ (Người lùn xem kịch). Thành ngữ gốc Hán này được hiểu như sau:
-“Hán điển” giải thích: “Chú lùn xem kịch: ví như tuỳ tiếng khen chê của người khác, mà phụ hoạ theo, không hề có chút ý kiến riêng của mình. Nghĩa là chỉ biết phụ hoạ theo người khác, không có chủ kiến của chính mình; cũng ví với người kiến thức, hiểu  biết hạn chế.” (nguyên văn: 矮子看戲, 隨聲附和; 毫無己見. 只知道附和,自己没有主. 也比喻见识不广 - uỷ tử khán hý, tỉ dụ tuỳ thanh phụ hoạ, hào vô kỉ kiến. Tỉ dụ chỉ tri đạo phụ hoạ biệt nhân, tự kỉ một hữu chủ kiến. Dã tỉ dụ khiến thức bất quảng).
-“Hán ngữ đại từ điển” giải thích: “Chú lùn xem kịch: ví người không có sở kiến của riêng mình, mà chỉ tuỳ theo người khác mà phụ hoạ. “Chu Tử ngữ loại” viết: ‘Giống như chú lùn xem kịch, thấy người đằng trước cười, anh ta cũng cười’. Dị bản “Người lùn xem hội”. Đời nhà Thanh, Triệu Dực [Luận thi] có thơ rằng: Chú lùn xem kịch đâu nhìn thấy/Hay dở dựa theo để phẩm bình.” (nguyên văn: 矮子看戲 ǎi zǐ kàn xì. 己無所見而隨聲附和. [朱子語類] 卷二七: “ 矮子看戲一般, 見前面人笑, 他也笑.” 亦作矮人看戲”. 趙翼 [論詩] : “矮人看戲何曾見,都是隨人短長-Dụ kỉ vô sở kiến nhi tuỳ thanh phụ hoạ. [Chu tử Ngữ loại] quyển nhị thất: chính như uỷ tử khán hí nhất ban, kiến tiền diện nhân tiếu, tha dã tiếu”. Diệc tác ‘Uỷ nhân khán hý’. Thanh Triệu Dực [Luận thi] thi: “Uỷ nhân khán hí hà tằng kiến/Đô thị tuỳ nhân thuyết đoản trường”).
          Như vậy, tuy không có khả năng nhìn thấy tận mắt trò diễn trên sân khấu, nhưng anh lùn lại luôn tỏ vẻ như mình cũng đang xem và hiểu được trò diễn như tất cả mọi người; người ta bình phẩm, khen chê thế nào, anh lùn cũng ồ lên bình phẩm, khen chê thế ấy. Nghĩa bóng thành ngữ ám chỉ những kẻ trình độ, kiến văn hạn chế, nhưng luôn cố chứng tỏ rằng mình cũng hiểu biết như ai, bằng cách phụ hoạ, nói theo người khác.
          Thành ngữ, tục ngữ có khi đa nghĩa. Ngoài nghĩa gốc, chuyện nảy sinh nghĩa mới là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, thành ngữ gốc Hán “Anh lùn xem hội” vốn có nội dung châm biếm kẻ “lùn kiến thức”, không có khả năng phản biện, hay đưa ra chính kiến, mà chỉ biết nói theo người khác. Do các nhà nghiên cứu và biên soạn không truy được nguồn gốc, nên đã dừng ở mức giải thích thành ngữ theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”: sự thiệt thòi mà những người ở địa vị thấp kém phải chịu, vô tình tầm thường hoá cách ví von, so sánh rất thâm thuý của dân gian. Bởi vậy, theo chúng tôi, trường hợp chấp nhận nghĩa mới, thì khi giải thích, phải dẫn được cả nghĩa chính, nghĩa vốn có của câu thành ngữ gốc Hán.
Trong số hàng chục cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, duy chỉ “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nhóm Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào (tuy không dẫn được bản gốc Hán “Uỷ tử khán hí”), nhưng cách giảng sau đây cơ bản là đúng: anh lùn xem hội Ngđ: Anh lùn đi xem hội đứng sau không nhìn được, đành thấy người ta khen chê gì thì mình theo nấy. Ngb: Theo đuôi mà phụ hoạ”.
                                                     HTC/11/2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét