4 thg 9, 2016

"LÀNG QUÊ BÀ TRIỆU", kỳ 4 "DI TÍCH KHẢO CỔ"

Thanh kiếm được phát hiện ở
khu vực núi Nưa
Ảnh:ST
      HOÀNG TUẤN PHỔ

Năm 1962, Khảo cổ học nước ta ghi nhận một phát hiện quan trọng: trên ngọn đồi thôn Định Kim, tục gọi làng Sỏi (nay thuộc xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) xuất lộ di tích một nơi cư trú cổ, rất lớn. Đó là địa điểm khảo cổ học Núi Sỏi. Gọi là núi theo ngôn ngữ dân gian, đúng ra Núi Sỏi hiện thấy thuộc dạng đồi, gò. Núi Sỏi hiện tại chỉ cao 19m so với mặt biển, rộng 250m, dài tới 1.000m, cách đây 2.000 năm chắc cao hơn và dài rộng hơn. Núi Sỏi cách núi Nưa khoảng 1km đường chim bay về phía tây. Di chỉ là tầng văn hóa khảo cổ thời đại đồng thau phủ kín khắp bề mặt gò đồi, từ đỉnh xuống chân, và còn lan cả ra chung quanh, diện tích gần một triệu mét vuông. (Qua nghiên cứu bước đầu là 910.000m2). 

Đây là địa điểm khảo cổ học di chỉ miền núi Nưa loại hình cư trú “lớn chưa từng thấy trên đất Thanh và cũng hiếm thấy trên miền Bắc” nước ta. Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan: vào những thế kỷ đầu Công nguyên, địa điểm cư trú (và có thể cả khu mộ địa nữa) Núi Sỏi là đất huyện Cư Phong của quận Cửu Chân đời Hán và huyện Di Phong của quận Cửu Chân đời Ngô… Quanh vùng này cho đến nay, chưa tìm thấy một di chỉ khảo cổ nào tương tự di chỉ Núi Sỏi về mặt tính chất văn hóa và niên đại… Như vậy, rất có thể những cư dân đông đúc của di tích Núi Sỏi, sau khi đã theo các vua Hùng dựng nước trước Công nguyên, tránh được sự tàn sát của Mã Viện đầu Công nguyên, đến giữa thế kỷ III sau Công nguyên là những người đầu tiên đi theo và làm nòng cốt cho khởi nghĩa của Bà Triệu ở núi Nưa(1)

Bộ di vật khảo cổ bước đầu tìm thấy ở Núi Sỏi có vũ khí: giáo, lao, mũi tên, đoản kiếm, dao găm,…một ít dụng cụ lao động, nhạc khí như trống đồng,… Các di vật này chủ yếu bằng đồng thau mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối, trong khoảng thời gian vài ba thế kỷ sau Công nguyên. Đó là giai đoạn bắt đầu chuyển tiếp sang sơ kỳ thời đại đồ sắt, thể hiện ở lớp trên cùng của tầng văn hóa khảo cổ.(2)
Cũng năm 1962, công nhân mỏ Crômmít Cổ Định ở chân núi Nưa cách Núi Sỏi khoảng 2 – 3km đường chim bay đào được một thanh đoản kiếm bằng đồng thau, cán kiếm là tượng tròn, đúc một phụ nữ với đầy đủ trang phục quý tộc: khăn, áo, yếm, váy, thắt lưng, đệm váy… Sau đó ít lâu người ta lại tìm thấy hai thanh đoản kiếm khác, có hình dáng tương tự, nhưng các chi tiết không đẹp bằng, cũng trên địa bàn núi Nưa vè phía bắc (nay thuộc huyện Triệu Sơn mới). Thanh đoản kiếm núi Nưa (Cổ Định) dài 0,5m, mặt phẳng, cán kiếm tượng người phụ nữ chống nạnh, gấu váy xòe ra ôm lấy đuôi kiếm, không chứng tỏ là loại vũ khí chiến đấu mà giống như thanh kiếm lệnh dùng để truyền lệnh chiến đấu và có sức mạnh quyền lực tựa quyền trượng hay vương trượng của bậc quyền chức cao cả. Những thanh đoản kiếm ấy có mối quan hệ với những lưỡi dao găm Núi Sỏi về mặt tạo dáng, khiến nhà nghiên cứu không thể không nghĩ tới chủ nhân của chúng là thủ lĩnh miền núi Nưa, cư trú tại trung tâm chạ Kẻ Sỏi rộng lớn, hùng mạnh,…

Đốc kiếm

          Thanh đoản kiếm núi Nưa với số lượng 3 chiếc, trong đó có một chuôi kiếm đúc đẹp nhất, chưa tìm thấy ở bất cứ đâu tiêu bản thứ hai; xét về mặt loại hình khảo cổ, chúng từ những lưỡi dao găm của văn hóa Đông Sơn phát triển lên, hoàn toàn không thể nghĩ là vật du nhập từ bên ngoài. Một trong những vẻ đặc sắc của thanh kiếm là tượng người phụ nữ đúc tròn toàn thân. Lối ăn mặc là lượt, đủ bộ lệ của tượng người phụ nữ chưa thấy ở những pho tượng đồng thau nào thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại tương đồng. Trong khi tượng cán thanh kiếm núi Nưa trang phục kiểu quý tộc, tương tự phụ nữ ở các di chỉ khác: Đào Thịnh (Yên Bái), Bảo Vệ (Hà Tây), Tràng Kênh (Hải Phòng)…và ngay ở Đông Sơn (Thanh Hóa) niên đại những thế kỷ cuối trước Công nguyên và đầu Công nguyên, tất cả đều chỉ một lối phục trang mặc váy, cởi trần, như là họ thuộc lớp bình dân. Nếu ta quan sát thêm một số hình phụ nữ khắc họa trên các trống đồng, rìu đồng của văn hóa Đông Sơn, cũng thấy như vậy. Bộ trang phục váy, áo, khăn, cùng những chiếc vòng tai rất lớn và cả hai chuỗi vòng tay ken kín từ cổ tay lên tới tận khuỷu tay khiến giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: Đây chính là hình ảnh truyền thống của những nữ thủ lĩnh bản địa khoảng trước, sau Công nguyên, nếu không phải là hình ảnh của chính ngay Bà Triệu.(3)
Người Việt Cửu Chân (Thanh Hóa) thời Hùng vương – An Dương vương tìm thấy Núi Sỏi, một nơi cư trú lý tưởng không kém làng chạ Đông Sơn bên sông Mã, nhưng vị trí, địa hình nhiều điểm khác Đông Sơn. Cách núi Nưa chỉ độ 2km, Núi Sỏi thuộc sơn hệ núi Nưa, như một hòn núi sót bé nhỏ, bị ngăn cách bởi sông Hầm Hầm (sau là sông đào nhà Lê hay Lãng Giang), hóa thành “xa lạ”. Thuở ấy, chắc Núi Sỏi nối liền núi Nưa bởi một thung lũng rộng, dài mọc đây sim, mua, lau, sậy, cỏ tranh,…và chằng chịt khe, hón, hồ, mau,…mùa mưa, thung lũng hứng nước lũ ngàn Nưa để tiêu dần ra sông Hoàng, con sông vốn là dòng cũ Lương Giang (sông Chu), cũng là nhánh lớn của sông Mã, chảy vòng vèo qua sông Yên, đổ xuống cửa lạch Ghép. Sông đào nhà Lê hiện thấy, có các tên sông Hầm Hầm, sông Lãng Giang, sông Nhơm, tiền thân là khe Hầm Hầm, ngày càng mở rộng do cây cối trên núi Nưa bị chặt phá, nước lũ đổ xuống ầm ầm suốt mùa mưa. Nhà Lê đào khe thành kênh, mở thêm một đường nước tiêu thủy xuống Cầu Quan rồi cùng sông Hoàng đổ ra sông Yên để quy về biển lớn. Theo truyền ngôn, đất đào sông đắp lên bờ thành gò, đống, dân nghèo không đất rủ nhau đến san gò bạt đống, cư trú dọc dài ven bờ, lập lên các làng: Ngẳn, Cầu Nhân, Lai Thôn, Đống Bằng, Đống Cao,…
          Núi Sỏi ở khoảng giữa sông Hoàng và sông Nhơm, nhưng gần với sông Hoàng hơn. Nó giống con rùa khổng lồ bò lên từ sông Hoàng giúp người dân an cư lạc nghiệp. Dựng làng trên đồi, gò bên sông, nhìn ra sông là truyền thống cư trú của người Lạc Việt. Không chỉ có núi và sông, hai tay phải chạ Kẻ Sỏi, khu đồng Lai “Tam thiên mẫu”(4), nhìn không thấy bờ, nối liền ba xã huyện Nông Cống: Tân Phúc, Tân Khang, Trung Chính ngày nay. Kề bên cánh đồng mênh mông này là dãy núi đá vôi Hoàng Sơn điệp trùng, tác dụng như con đê thiên tạo cao ngất trời, ngăn nước sông Hoàng tràn lên trong mùa mưa lũ. Mùa mưa, nước trên núi đá vôi rào rạt đổ xuống đồng “Tam thiên mẫu”, giúp người thau chua rửa phèn để cấy lúa, năm/hai mùa tươi tốt. So với các điểm cư trú thời đại đồng thau ven sông Mã, không nơi nào thuận lợi hơn cho nghề trồng lúa nước mở mang rộng lớn như cư dân Núi Sỏi cổ đại. Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên làng chạ Kẻ Sỏi thời đại đồng thau, một cộng đồng cư dân trù phú hiếm thấy. Bấy giờ người chạ Kẻ Sỏi còn được thừa hưởng nguồn lợi trời cho là Ngàn Nưa vô số đồi núi đỉnh cao ngọn thấp giăng bày trùng trùng điệp điệp, chỗ nào cũng chất đầy củ quả, rau cỏ, với những khe, vực, hồ, mau…ngang dọc bàn cờ, đông đặc tôm cá, và đàn đàn lũ lũ chim thú đua nhau bay lượn, chạy nhảy… Ngay ở trước mặt họ, chỉ cần quờ tay là tóm bắt được, biết bao thủy sản sông Hoàng, muông thú Hoàng Sơn (trăn, rắn, lợn lòi, khỉ, cày, sáo, chồn, hùm beo…) những đối tượng săn bắn hàng ngày của cư dân cổ đại.
Tuy nhiên, đối với cư dân lúa nước, tài nguyên thiết yếu vẫn là đồng “Tam thiên mẫu”, một khúc sông lớn từ thời tiền sử đã đổi dòng do nạn đại hồng thủy, tạo nên cả một “giang đảo” phù sa nổi nênh giữa biển “lúa trời”, “lúa ma” hoang dại. Môi trường sống thuận lợi, càng thuận lợi, dân số càng phát triển mạnh, đông lên nhanh chóng, người Núi Sỏi không thể chỉ sống bằng kinh tế hái lượm, dù cho phương thức săn bắn, hái lượm vẫn tiếp tục tồn tại. Họ phải biến đồng hoang lúa trời, lúa ma thành bờ xôi ruộng mật. Chắc hẳn họ đã biết cày trâu với lưỡi cày đồng hay sắt, những chỗ sâu trũng, lầy lội, không loại trừ biện pháp dùng trâu quần nát đất, khiến cây cỏ bị thối lũn, ruộng thêm màu mỡ…
          (Gần 2.000 năm sau, cư dân Núi Sỏi thời hiện đại, còn phổ biến tập quán đốt đồng sau vụ gặt. Thu hoạch vụ mùa xong, đồng tháo cạn nước, nông dân dùng dao phát “chém” rạ ngọt xớt, đem cây nạng đổ dồn thành đống. Qua ít hôm, rạ khô se nhanh chóng trong thời tiết hanh heo giá lạnh, chỉ cần mồi lửa châm vào, khói bốc lên trùm kín khu đồng. Đó là kinh nghiệm đốt rẫy làm nương của thời kỳ kinh tế nương rẫy đem áp dụng vào kinh tế lúa nước. Lửa đốt đồng, đốt luôn cả sâu, keo làm vệ sinh cho ruộng được sạch sẽ bệnh tật. Than rạ trả lại chất màu cho đất mà cây lúa đã lấy trong vụ vừa qua. Mùa hè, nông dân gánh hai đầu hai cái gầu sòng lội xuống ao xúc bùn hoa đổ lên bờ, tải thành lớp mỏng để phơi chóng khô. Bùn khô nỏ, nứt ra từng mảng, họ lật lên đập vỡ, tán nhỏ, tưới nước tiểu, gánh xuống đồng, vãi tung khắp ruộng. Đó là cách bón đạm, lân, kali, ,…hữu cơ hiệu quả, làm cho lúa cứng cây, lá xanh tốt, bông sây, hạt chắc. Trước năm 1945, đồng các làng: Sỏi, Ngẳn, Cầu, Lai,…năng suất có thể đạt tới 25 thúng thóc một mẫu Trung bộ (khoảng 650kg thóc) trong khi nơi khác chỉ độ 15 – 20 thúng. (Đây là năng suất một vụ, nếu ruộng chỉ cấy một vụ mùa thì năng suất cao hơn  nhiều).
Theo truyền thuyết, nhà họ Triệu nhiều đời là hào trưởng miền núi Nưa (Có thuyết nói Triệu Quốc Đạt, anh Triệu Thị Trinh làm huyện lệnh). Dĩ nhiên, gia đình họ Triệu phải bao quát cả đất đai, đồng ruộng trong vùng cho đến núi sông, hồ chằm thuộc phạm vi nhất định, với hàng ngàn đinh tráng, hàng vạn nhân khẩu. Đất rộng, người đông, của cải lắm, tài vật nhiều khiến tiếng tăm họ Triệu vượt khỏi miền núi Nưa đến các nơi xa xôi khác. Nắm trong tay một lực lượng người, của hùng hậu, lại ở chốn núi hiểm, rừng sâu, sông dài, vực thẳm,…tiến có thể “công”, lui có thế “thủ”, là cơ sở quan trọng, điều kiện tiên quyết để  một cô gái 20 tuổi ngang nhiên đối địch với chính quyền đô hộ của phương Bắc. Những tiếng trống đồng tụ nghĩa thiêng liêng, âm vang, hùng tráng do chính tay người phụ nữ mang sứ mệnh thần thánh, có sức cảm thông với đất trời, mà vai trò nam giới của chế độ phụ quyền chưa thể hoàn toàn thay thế, đã dội vào Ngàn Nưa hùng vĩ, theo gió bay đi, lan xa, lan xa tận hang thâm cùng cốc, lay động lòng dân, thúc giục hào kiệt… Đúng như câu nói truyền tụng bao đời: “Na Sơn nhất phiến, nhất hô thiên hạ biến!
Ngày nay, miền núi Nưa làng xóm đông đúc, hiền hòa, quây quần dưới bóng Ngàn Nưa hùng vĩ. Trước năm 1945, hùm cọp vẫn đêm đêm mò vào tận làng bắt bò, lợn. Những chúa tể rừng xanh ấy đôi khi ngồi bên bờ khe dưới ánh trăng khuya, ngắm bóng mình lung linh dưới dòng nước chảy, mặc dù bờ khe bên kia, con người đang kéo vó hoặc rình bắt cá sộp ăn đêm… Những mẩu chuyện hùm beo, rắn rết,…người già miền núi Nưa kể sáng đêm không hết.
Những thế kỷ đầu Công nguyên, miền núi Nưa, ngoài chạ Kẻ Na của họ Trịnh (theo gia phả), hầu như chỉ tồn tại một làng Kẻ Sỏi (theo khảo cổ). Trong thế giới tự nhiên có bạn, có thù, càng lắm bạn càng nhiều thù, con người phải chụm lại nơi thuận lợi nhất, để nương tựa lẫn nhau, cùng nhau tồn tại và phát triển. Hơn thế, địa thế ấy còn rất thích hợp để anh hùng luyện chí, tuấn kiệt mài đao, bốn phương tụ nghĩa. Di vật khảo cổ Núi Sỏi nhiều nhất vũ khí, những dao găm, kiếm ngắn, mũi tên, mũi lao, giáo mác,…không giống loại vũ khí đã tìm thấy ở các di chỉ núi Trịnh, Thiệu Dương, Đông Sơn,… Hẳn là Núi Sỏi thời ấy có riêng xưởng đúc binh khí để đúc ra hàng loạt vũ khí, đáp ứng nhu cầu chiến đấu của quân sĩ.
Có lẽ sau khi Bà Triệu thất bại ở Bồ Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) giặc Ngô truy sát tận quê quán và làng chạ Núi Sỏi đã bị chúng “làm cỏ”. Truyền thuyết “Ngô thì phá tán” kể rằng miền núi Nưa, từ chạ Kẻ Sỏi đến chạ Kẻ Nưa bị quân Ngô san phẳng làng mạc, tất cả chìm trong máu lửa, chỉ còn lại mười tám người đàn ông chạy vào núi Nưa. (Cố nhiên, con số “mười tám” chỉ là tượng trưng). Giặc Ngô đuổi theo ráo riết. Nhờ con rùa từ dưới mau, hồ bò lên xóa sạch dấu vết, chúng sục tìm quanh quẩn một hồi, không biết đi lối nào, đành phải lui quân. Người Núi sỏi vẫn còn, nhưng làng quê Bà Triệu không thể phục hồi do chính sách trả thù tàn bạo, diệt tận gốc rễ của quân xâm lược. Một làng Sỏi khác, tên chữ Định Kim, nay thuộc xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, cũng ở trùm lên Núi Sỏi, ra đời đến hơn ngàn năm sau, khoảng cuối đời Trần, đầu đời Lê, hoặc cũng có thể sớm hơn…
*
*     *
Giáo sư Trần Quốc Vượng, đồng tác giả “Lịch sử Việt Nam” tập I – NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp – Hà Nội, 1983, cho rằng: “Bà Triệu hay Nàng Trinh (Triệu Ttrinh nương, Triệu Thị Trinh) của truyền thuyết dân gian, người miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân. Quân Yên, trái núi đó vẫn giữ tên gọi ấy cho đến tận ngày nay, đứng sững bên bờ sông Mã gần ngã ba Bông, thuộc địa phận hợp tác xã Định Công của tỉnh Thanh Hóa. Dưới chân núi đó, khảo cổ học đã tìm thấy – trên cánh đồng Nếp Bắt – một làng cổ thời Đông Sơn muộn, một khu mộ táng cổ Đông Hán – Lục triều ở cồn Bạng, cồn Chùa, với rất nhiều trống đồng cổ loại I muộn. Khu lăng, khu mộ ấy chính là đất quê hương Bà Triệu, cũng là quê hương tiến sĩ Khương Công Phụ thế kỷ VIII ngày sau”. Để chứng minh thêm, tác giả kể truyền thuyết “Đá biết nói”, đại ý: Bà Triệu cùng chúng bạn vây bắt con voi trắng một ngà rất dữ tợn để trừ hại cho dân, lùa nó xuống đầm lầy và dũng cảm nhảy lên cưỡi đầu voi buộc nó phải khuất phục. Nghĩa quân Bà Triệu, những ngày đầu tụ nghĩa đã đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao: “Có bà Triệu tướng, vâng lệnh trời ra, trị voi một ngà, dựng cờ mở nước, lệnh truyền sau trước, theo gót Bà vương”. Nhờ đó cả vùng đồn ầm lên rằng núi Quân Yên biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là “Thiên tướng giáng trần” giúp dân cứu nước. Vì vậy, hàng ngũ nghĩa quân thêm lớn, thanh thế thêm to. Họ kéo nhau xuống Phú Điền dựng căn cứ… (tr.344).
Vè tư liệu khảo cổ học, tác giả đưa ra quá sơ sài, chưa đủ để làm căn cứ rằng đất Quân Yên là quê hương Bà Triệu. Về truyền thuyết “Đá biết nói” càng chững tỏ Bà Triệu không ở Quân Yên, vì chính quyền đô hộ lẽ nào để yên cho Bà Triệu cùng nghĩa quân xuất hiện ngay trước mũi chúng.
Xin ghi lại đây để bạn đọc tham khảo.

HTP (trích từ "Những làng cổ tiêu biểu xứ Thanh"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Dân trí-2000)
Chú thích:
(1+2+3) -Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1972.
(4)-Đồng này đã chia xẻ thành nhiều khu, nhưng quan sát kỹ vẫn có thể hình dung diện tích mênh mông thuở xa xưa của nó.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét