4 thg 9, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 5)

               HOÀNG TUẤN PHỔ 
Đứng ở cuối làng nhìn ra cánh đồng Cồn Hỏng
Ảnh: TC


Năm 1944, Nhật đảo chính Pháp, nó tịch thu cả đại lý muối, nên ông ngoại tôi về nhà với hai bàn tay trắng. Ở nhà, tài sản ông mua sắm được chỉ có hai cái tủ gỗ đứng, đóng kiểu Tây, bên trong có cánh cửa rỗng tuếch, trên nóc bày mấy pho tượng bằng sứ: Trưng Trắc, Trưng Nhị đứng trên bành voi, tay cầm kiếm trỏ thẳng về phía trước, trông cũng đẹp; Quan Vân Trường râu dài đến rốn, ngồi giữa, Quan Bình, Trương Bào đứng hầu hai bên với thanh long đao và cây bát xà mâu. Năm lớp đệ nhất trường Hoài Văn, trưa, tối, tôi cuốc bộ về ở nhà ngoại.


            Mẹ tôi tìm về ông bà ngoại (bà ngoại đã mất năm 1947) để tìm lối thoát nghèo đói, chưa thật đúng địa chỉ. Bà ngoại tôi đẻ một loạt năm gái, khiến ông ngoại tôi thất vọng, vẫn khao khát đứa con trai. Vụ đói năm 1945 đem đến cho ông ngoại tôi một người vợ hai. Bà dì tôi quê Phát Diệm, cảnh nhà túng đói, đành tìm đường vào Thanh xin ăn. May mắn khăn gói gió đưa, lạc tới nhà ông ngoại, được giữ lại làm vợ. Tôi gọi là bà dì Việt (bà sinh đứa con đầu lòng đặt tên Việt). Bà dì Việt siêng năng chịu khó, ít nói, hay làm dấu thánh giá trên đầu, trên cả hai vai. Nhưng bà dì quê đất chiếu cói, không biết làm ruộng, việc gì cũng cần học, hai dì tôi đều phải dạy bảo, kèm cặp. Khi bà dì chửa đẻ, nhiều thứ cần chi tiêu, nhà đông miệng ăn thêm, kinh tế bắt đầu sút kém dần, mẹ tôi chỉ xin tạm được mấy ống gạo.

            Mẹ tôi nghĩ đến nhà bà dì cả, tôi thường gọi là bác. Nhà bác T. cũng đang vướng vào đấu tranh giảm tô, giảm tức. Nhưng ông chỉ làm quản lý ấp cho cụ Thượng Dinh, mỗi năm được trả công mươi tạ thóc. Chủ ấp Thượng Dinh đã về Huế từ Cách mạng Tháng Tám, giao việc quản lý ấp làng Tiền cho bác tôi. Bây giờ chính quyền xã Quảng Bình bắt trả ruộng, trả ấp, bác tôi bàn giao hết, kể cả kho thóc tô thu của tá điền. Bác về ở thôn Quần Lực với vợ và ba con, một trai, hai gái, chị đầu đã lấy chồng trên làng Phương Khê huyện Nông Cống, nhà giàu có.

            Hai ông bà bác T. đối với gia đình tôi rất tốt, thương yêu tôi như con đẻ. Mẹ tôi vay được ở nhà bác hai gánh thóc, gánh về ban đêm, vì sợ người làng trông thấy, và một đấu thóc giống cho vụ chiêm năm sau. Nhà không còn bò cày, nếu không đổi công được, phải cuốc. Lao động nhà tôi chỉ có hai người: Mẹ tôi và anh Nậu, con nuôi.

            Nhà anh Nậu quê đâu ở tận ngoài Bắc, bố mất sớm, mẹ con ở đỗ làng Quần Lực. Từ nhỏ, mẹ đã cho anh Nậu đi ở nhà ông cố Thúy, có nhà kiểu Tây, ruộng nương nhiều lắm. Anh Nậu tính thích nghịch ngợm, trời mưa hay nắng đi chăn trâu đều mặc  áo tơi kè nằm ngủ trên lưng trâu, để trâu ăn lúa nhà người ta, nên thường bị đánh đòn. Đã nhiều lần nhân lúc đồng điền vắng vẻ, anh Nậu hễ gặp đàn vịt đang ăn, thế nào cũng từ trên lưng trâu nhảy xuống tóm cổ một vài con, vặt lấy vài ba nắm lông, rồi thả ra. 

         Lông vịt này, anh Nậu đem về giấu phơi ở túp lều của mẹ, góp dồn bán cho ông hàng lông vịt hay qua làng cất tiếng rao to: "Ai lông vịt, tóc rối đổi chuông hô ô ông"! Bọn trẻ rất thích loại chuông đất nung bé bằng cổ tay, lắc kêu leng keng. Nghe tiếng chuông reo, bọn trẻ cũng reo hò "lông vịt tóc rối đổi chuông không" chạy theo ào ào. Tóc rối chúng gom, do mẹ chúng mỗi khi chải đầu, vò vò lại giắt trên rui nhà. Lông vịt thì hiếm lắm, năm thì ba họ, nhà có giỗ tết mới thịt đến con vịt. Anh Nậu bán lông vịt cho ông hàng đổi chuông, lấy chuông chơi hoặc có tiền đánh đáo. Anh rất thích chơi trò đáo lỗ. Được tiền thì mua kẹo kéo. 

          Ông hàng kẹo kéo, đâu từ Bắc kỳ vào, đeo bàn kẹo dạo hết làng này sang làng khác, vừa đi vừa hát: "Có tiền thì để làm gì, không mua kẹo kéo Bắc kỳ mà xơi?". Tiếng rao nghe ngọt lịm như cái kẹo kéo, cả trẻ em người lớn đều nuốt nước dãi. Mỗi đồng tiền ông bán cho một gang kẹo kéo. Ồ, một gang tay người lớn thì dài lắm, không chán miệng cũng đã thèm. Nhưng thực ra, ông lấy tiền xong, chỉ bấu ra một mẩu kẹo nhỏ, đặt lên cái thước đo trên bàn kẹo, tay xoa xoa ít bột, kéo một cái, nó giãn ra còn hơn dây chun, dài đúng một gang thật!

            Mỗi lần vặt lông vịt, anh Nậu bị một trận đòn bò lê bò càng, nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Nhà giàu lắm việc. Đêm đêm anh còn phải thức khuya dậy sớm, băm bèo thái rau cho lợn. Thấy con ốm yếu như con mèo hen, mẹ anh Nậu không cho ở nhà cố Thúy nữa, xin về làm con nuôi bố mẹ tôi. Cảnh nhà hiếm hoi, mẹ tôi chỉ đẻ được mình tôi. Bố tôi lấy thêm lần lượt hai người vợ nữa, nhưng đều không có con. Sau ba năm, họ xin về lấy chồng khác. Đó là theo luật lệ thời phong kiến quy định. Chẳng qua do cái số tôi không có anh, không có em, mẹ tôi bằng lòng nhận "cu Nậu" làm con nuôi cho "đáng đầu đáng số". Khi khôn lớn, anh Nậu được bố mẹ tôi lấy cho hai đời vợ đều không thành! Nhưng chính vì gia đình tôi nuôi con nuôi, con mày, mà bị quy cho cái tội "thành phần bóc lột"!

            Năm 1947, tôi học xong lớp nhất tiểu học trường xã, xin học lớp đệ nhất Trung học tư thục Huỳnh Thúc Kháng do thầy Lưu Ngọc Lan làm Hiệu trưởng, nhưng học được một tháng thì xin nghỉ, vì sức khỏe không đủ để ngày ngày đi bộ. 

            Bố tôi thích nuôi vịt. Ông nuôi 50 con vịt gốc (vịt đẻ) gửi nhờ ở trại Bái Quang, cách nhà khoảng hơn hai cây số. Đến mùa vịt đẻ, bố tôi giao cho tôi trông nom đàn vịt. Sáng sớm, tôi đuổi đàn vịt ra đồng Bèo cho chúng nhặt thóc rơi rụng, mò dam, ốc đủ no. Mặt trời xuống vàng vàng đỉnh núi Nưa, chúng biết chừng rủ nhau ăn dần về phía Cồn Hỏng gần bờ đường. Tai sao đặt tên Cồn Hỏng? Ở đây có một cái cồn đầm, người xưa nhân một gò đất nhỏ, đào rất sâu ở giữa hình ngoắt ngoéo chữ chi, để nhử cá vào trú ẩn sau gặt vụ mùa, bà con nông dân đánh nơm, đánh nhủi, thả lưới quần thảo khắp mọi ruộng. Chỉ cấy được vụ chiêm, nhưng chân đất chua lòm. Vụ mùa, mưa nước đầy dễ mất trắng, ít ai dám cấy gặt. Cấy mùa xong, nhà có ruộng đào khăm quanh đầm, cá tìm đường vào cửa đầm, nhảy xuống khăm sâu, nằm chịu chết! Thế là chủ ruộng mất ăn lúa, chủ đầm cũng mất ăn cá, nên gọi Cồn Hỏng.

            Tôi ra cánh đồng Cồn Hỏng, cất tiếng gọi "coóc cocóc" để vịt nhe quen tiếng mình, mấy buổi đầu, tôi ném xuống ruộng sát ven đường ít ống bơ thóc. Vịt mò được thóc ăn quen, quen luôn cả tiếng người kêu. Chớ nghĩ thóc ném xuống ruộng chúng không mò được. Sở trường của vịt là mò. Mỏ con nào cũng to bẹp, bên trong có "dăm kèm" để đãi bùn lấy thóc, nhanh nhẹn, tài tình hơn bội  phần so với tay thợ đãi cát tìm vàng! Chẳng thế mà thóc rụng ở đồng Bèo, bị trộn lẫn vào bùn đất, chúng vẫn mò hết hết tinh không còn một hạt!

            Trại Bái Quang mới vỡ khoảng năm 1920, với bốn nóc nhà: ông Nhu, mụ Vang, ông Tâm Xiềng và ông Hẩy.

             Nhà ông Nhu có ruộng, có bò đến ở sớm nhất, vì ruộng đất nhà ông toàn ở đồng Đám, đồng Sòng giáp Lộc Long, Lộc Xá, tiện canh tác. Gia đình ông nền nếp, làm ăn tằn tiện, nhà gỗ xoan lợp kè vững chắc, vườn trồng chè, rào dậu kín mít, trồng nhiều cây sắn vỏ sơn thuyền nan. Nhà ông với nhà tôi có họ hàng xa, thỉnh thoảng bố tôi ra trại thăm vịt, thường bữa trưa ăn cơm uống rượu tại nhà ông, tôi cũng được theo bố đến dùng bữa. Cơm nhà ông chẳng mấy khi không có món dấm tép, hoặc tép rang hành, gia vị lá chanh, đôi khi nấu om cá mè kéo dưới ao lên, chấm rau muống luộc. Tôi thích nhất món này. Còn bố tôi chỉ vui với chén rượu nhắm rau thơm các loại: tía tô, kinh giới, rau dấp cá, húng quế, mùi tàu, tỏi, hành...vườn nhà ông nhu có sẵn.

            Cách gia đình khác đều nghèo túng, cày thuê cuốc mướn, tất cả bốn nóc nhà tranh tre, gặp bão to, dễ "gãy chân què tay", bốc gọn mái tranh ra cùn xám xịt ném tung lên trời.

            Mụ Vang goá chồng, hai đứa con trứng gà, trứng vịt ra ngõ chơi nghịch suốt ngày, mùa hè cởi truồng, mùa đông chỉ một manh áo vải, ngắn cũn cỡn, vá chằng vá đụp, mặc ban ngày, ban đêm phải cởi ra, sợ rách! Chúng nằm ổ rạ, đắp chiếu rách, ôm nhau ngủ suốt đêm. Mụ Vang đói nghèo nhất xóm, nhưng lắm mồm nhất trại. Chỉ cần mất một con gà nhép, mụ đóng ghế ngồi chửi ngày, chửi đêm, giọng cứ vang vang, nghe mãi phát nhức đầu, người ta đặt cho biệt danh mụ Vang, rồi thành tên thật của đứa con đầu.

            Nhà ông Tâm Xiềng ở sát rìa đồng, hướng đông, nhìn ra cánh đồng Bái Đốt, thấy xa tít có cồn Vườn Nới, nghe truyền có mả tổ họ Lê Hữu lắm đinh, nhiều điền nhất làng. Người ta nói nhà ông Tâm Xiềng ở hướng ấy không tốt. Nhưng ông quan tâm gì cái hướng nhà ấy. Ông thấy ở hướng tiện nhìn ra cánh đồng Bái Đốt để đánh câu. Ông sống bằng nghề câu cặm. Cần câu dài không đến một mét, đầu to vót nhọn, đầu ngọn vót nhỏ, mỏng, cật tre dễ uốn cong, buộc dây bằng dây nhợ (sợi gai xe săn), lưỡi câu đúc, mua cả hộp bán ở ngoài hàng xén chợ Nguyễn. Chiều muộn, ông xách giỏ tre đi bắt nhái, lấy chân xua xua bờ ruộng, nhái lớn, nhái nhỏ nhảy lên rào rào. Vì tầm này nhái ra khỏi hang, nấp trong bờ cỏ, tìm mồi ăn là lũ kiến đen, đàn muỗi mắt...Ông chỉ bắt nhái cỡ ngón tay.

            Ông Tâm Xiềng rất khéo mắc mồi câu, lại nhanh tay thoăn thoắt. Lưỡi câu chỉ quắc vào da lưng con nhái để chúng sống bơi bơi trên mặt nước khiến loài cá chuối bị lôi cuốn, dễ mắc lừa. Ông có đến non một trăm cần câu cặm, cắm la liệt khắp đồng. Chập choạng tối ông cắm câu trên các bờ thửa hoặc bờ mốc, mô án, rìa bái. Xong, ông trở về nghỉ lưng trên chiếc chõng tre rồi ngủ luôn một giấc. 

          Giấc ngủ ông rất có chừng, thường choàng thức dậy vừa lúc nửa đêm. Ông xăm xăm ra đồng thăm câu với cái mủng câu khảm sơn bằng vỏ sắn trộn lẫn cứt bò, đựng sẵn ít nước để trống cá. Ông lần lượt đi thăm câu, chân bước nhanh mà nhẹ nhàng, êm ái, sợ cá nghe tiếng động. Ông đánh cá chuối (cá quả). Có con mới cắn câu đang quẫy mạnh, tiếng nước xao động. Có con mắc mồi lâu, quẫy chán, vừa đau vừa mệt, im lặng chịu chết. Ông khéo léo gỡ nhẹ lưỡi câu ra khỏi hàm cá, hết sức tránh bị tổn thương nặng, cá chóng chết. Có con, ngạnh câu đóng sâu vào tận mép, đành cầm cả cần về nhà, cắt đứt dây, chịu mất lưỡi. Rất nhiều cần câu không được gì, chỉ còn trơ cái lưỡi, mồi nhái đã bị cá mương, cá ngạo rỉa ăn hoặc lôi đi mất. Phải thay mồi khác. 

         Ông đem cá về, thả vào vại, nằm ngả lưng tiếp, đến gà gáy báo sáng lại ra thăm câu. Hết một lượt, trời vừa gần sáng. Có cắm câu nữa cũng vô ích. Cá đã no mồi, trở ra giữa ruộng, giữa đồng. Chúng bắt đầu một ngày mới nhàn hạ thơ thẩn dạo chơi khắp chốn. Ông Tâm Xiềng bỏ hết cá vào mủng câu quẩy lên vai đem chợ Nguyễn bán lấy tiền mua gạo, mắm muối...

            Chợ Nguyễn gần ở trong xã, trên bờ sông Lý, họp phiên ngày lẻ. Gặp phiên chẵn, ông Tâm Xiềng phải xuống tận chợ Hội, xa 7km. Chợ Nguyễn nhiều cá biển, bán được giá, chợ Hội lắm cá đồng, cá sông, giá rẻ mấy cũng phải bán, ông sợ đem về, cá dễ chết, có ăn cá trừ cơm thay khoai được đâu!

            Nhà ông Hẩy ở phía Nam xóm trại, từ nhỏ, ông không biết dạ ai bao giờ. Đáng lẽ có thể hả, hoặc hở, hay hử theo tiếng địa phương, thì ông nói hẩy. Thực ra ông nói hơi ngọng, cũng có lúc líu lưỡi, đang nói phải ngừng lại mấy giây rồi mới tiếp tục...Nhà ông không có ruộng, vợ chuyên làm thuê, chồng quanh năm kiếm cá. Nghề cá của ông là đi man. 

           Tối tối ông xách đèn đi man, tay trái cầm quai đèn, tay phải cầm nơm, để bắt loại cá vừa, không to, không nhỏ. Ông quét quét ngọn đèn quang có tán bôi vôi trên mặt ruộng. Cá đi ăn đêm chợt thấy ánh sáng giật mình, chúi đầu xuống bùn, hoặc chạy dài. Cá chúi nổi bọt tăm, cá chạy có vệt sóng nước. Đôi mắt ông là mắt nhà nghề tinh tường đặc biệt, nhận ra tất cả, cầm nơm úp cái "xụp", ấn mạnh xuống bùn rồi thò tay mò, thế nào cũng tóm cổ được một chú cá, không chuối thì giếc, không giếc thì rô, "lớn bùi, bé mềm", bỏ tuốt vào cái giỏ sề đeo bên lưng. Hai con trai ông Hẩy cũng "sát cá" như bố, đều theo các nghề đặt lừ, đánh cá giếc, đặt bơ lơ bẫy cá rô, đặt trúm đơm tép, đặt ống nhử lươn, đào khăm lừa cá chuối...Chúng cởi trần chang nắng suốt ngày ngoài đồng, người đen như cột nhà cháy, đầu tóc bù xù vàng hoe tựa lông bò vàng, trong cái giỏ tre đeo lủng lẳng bên hông đủ thứ: Ốc, dam, tôm, cà cuống, cá mại, cá sắt, cá rô, lượn, chạch,...

            Nhà ông Hẩy đào hai cái Hầm trống cá trong bếp, có vừa đủ nước cho chúng sống, Cá chuối, cá hẻn nhốt riêng một hầm. Một hầm nhốt lươn chạch. Cá rô dữ, vây nhọn bỏ vào một nồi. Cá gáy, cá diếc yếu cho nên cho riêng một chậu...Chờ hôm động trời không có cá biển, bà Hẩy mang ra chợ bán cho được giá.

            Gia đình ông Hẩy mang tiếng ăn hoang nên nghèo. Thực ra nhà ông không hề hoang phí. Bữa ăn toàn dùng loại cá rẻ tiền: Cua, ốc, tôm tép, cá mại, cá sắt, diếc đèn, rô dăm,...còn cá lớn dành bán chợ để mua khoai, gạo. Nhà những năm miệng ăn, đến bữa rào rào chẳng khác nào tằm ăn rỗi. Riêng ông Hẫy mỗi bữa độ một bát cơm, nhưng lại uống cả chai ba rượu. Ông chê rượu chợ lạt, tự cất lấy rượu ngon để uống cho vừa miệng. Đến bữa một mình ông riêng một mâm, cái mâm gỗ cóc gậm, chuột khoét quanh rìa nham nhở, đặt chính giữa giường, còn vợ con ngồi dưới bếp lấy sàng kê làm mâm, ghế ngồi là gốc tre, gốc gỗ, hoặc đánh bệt ngay dưới đất. Ai cũng cần cơm khoai, rau no cái bụng, quan trọng gì chỗ ngồi!

            Ông Hẩy ngồi xổm trên cái giường tre cũ kỹ, cha mẹ thuê thợ đóng bằng tre ngâm từ ngày mới cưới vợ. Trên mâm chỉ có một cái bát đàn nhỏ, lòng cạn,  miệng loe để đựng rượu và đầy chờm lá đu đủ đực. Nhà ông không có sân, chỉ có mảnh vườn con con trồng toàn đu đủ đực. Cây đu đủ đực hoa có cuống thả dài đeo lủng lẳng dăm ba quả nhỏ tí, ăn không ngon. Ông bảo lá đu đủ đực chát đắng hơn lá đu đủ cái, dùng nhắm rượu đưa cay thứ rượu ngon cháy cổ mới "phải mùi". Chẳng mấy khi ông đụng đến cá thịt. Thế mà nước da ông vẫn đỏ lựng, gân săn, thịt chắc. Ông và ông Tâm Xiềng cùng làm nghề đánh cá. Ông hơn hẳn nước da. Ông Tâm Xiềng mặt vàng bủng, da phinh phính vẻ ốm yếu như người mắc bệnh sốt rét kinh niên. Bàn chân ông lại bị chín dạn, đi cà nhót cà nhắc. Người ta bảo nguyên do ông làm nghề đánh câu cặm, đêm đêm dầu dãi sương gió nên nhiễm chứng phong hàn...

            Tôi biết rõ ông Tâm Xiêng vì thời gian chăn vịt ở bên cạnh, cách nhau một bờ rào không thành rào. Với ông Hẩy lại bởi nhà tôi cùng nhà ông làm bạn thông gia. Anh Nậu nhà tôi lấy chị Vượng, con ông Hẩy. Hồi chưa cưới, mỗi năm phải ba lần tết lễ: Tháng 5, tháng 9, tháng chạp. Trên đường từ nhà, qua Cống Đồn, Cồn Hỏng có ruộng nhà tôi gần trại Bái Quang, thì nhà ông Hẩy ở cuối xóm. 

           Bố tôi dẫn đầu, quần trắng, áo lương vắt vai, anh Nậu mặc bộ quần áo mới, đầu đội cái mủng đựng thủ lợn sống, mẹ tôi bưng rá, bên trong có trầu cau và chai bố rượu. Còn tôi bước chậm theo sau. Ai thấy cũng biết gia đình tôi đi tết vợ cho anh Nậu.

            Đến nơi, ông bà Hẩy vội vàng ra đón. Cái thủ lợn được đưa xuống bếp. Trầu cau, chai rượu đặt lên giữa giường. Mâm cơm dọn ra nhanh chóng. Chỉ có món thịt thủ luộc, còn cá thì đầy mâm. Chuối, gáy, hẻn, rô, giếc... chọn những con to nhất, bày ra đủ giống. Có lẽ nhà ông Hẩy hết mỡ lợn nên chỉ có hai món kho lạt và om mẻ. Hai ông khề khà nâng bát rượu. Ông Hẩy nói, đã uống rượu, phải uống vào bát mới ngon. Ông ngồi xổm, quần dài kéo lên quá đầu gối. Bố tôi áo cánh, quần chùng ngồi xếp bằng nghiêm chỉnh. Ông Hẩy luôn đưa cả bàn tay to xù xì lên trên mâm: "Mời ông bà cầm đũa đưa cay" rồi cố gắng cắn một miếng nhỏ lá đu đủ đực. Bố tôi ậm ờ không hài lòng vì thấy thiếu món rau thơm. Mẹ tôi và anh Nậu chỉ ngồi chống đũa vào bát để hầu chuyện chiếu lệ. Bà Hẩy không được phép  ngồi tiếp khách. Chỗ của bà là ở dưới bếp cùng con cái.

            Mẹ tôi thấy tôi không biết xoay trở thế nào với bát cá đầy có ngọn, do ông Hẩy xếp tầng tầng lớp lớp. Mẹ tôi thương con, gắp đỡ sang bát bà và anh Nậu  mỗi người mấy miếng to. Bát cá vừa vơi vơi, lại đầy có ngọn như cũ! Tôi xuýt phát khóc! Mẹ tôi nói "Để mẹ xin vô phép hai ông cho con ăn cơm trước!". Ông Hẩy liền quát to: "Xới cơm!" Bà Hẩy đang chờ chực dưới bếp "Dạ!" thật to, mấy đứa con cũng dạ theo.

            Lần đầu tiên trong đời trẻ con, tôi được ăn cá nhiều hơn cơm. Mẹ tôi nhắc: "Khéo không hóc!"

            Rượu đã ngà ngà say, ông Hẩy không chú ý đến ai, và cũng như mọi lần, ông cứ ê ê, a a nửa như ngâm, nửa như hát không biết nhàm chán mỗi một câu:

Người ăn người ở người đi
Ta ăn ta ở cùng...thì hôm mai

            Bố tôi tủm tỉm cười: "Cùng dì hôm mai chứ!" Ông Hẩy gật gật gù gù: "Ờ ờ, thì ở cùng dì, nhưng mà cái con mẹ hĩm nhà tôi hắn hay ngứa ghẻ hờn ghen lắm!"

            Mọi người bật cười to. Ông Hẩy không cười, lại tiếp tục ê ê a a: "Người ăn người ở người đi, Ta ăn ta ở cùng thì..."

            
(còn tiếp)

                                                                HTP/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét