6 thg 9, 2013

VỀ ĐẠO TU TIÊN Ở THANH HOÁ Nhân đọc "Khảo sát văn hoá làng xứ Thanh"(1)


                                                                                                               Hoàng Tuấn Công

Phía trước động Hồ Công
Viết về đạo tu tiên ở Thanh Hoá, sách "Khảo sát văn hoá làng xứ Thanh" cho rằng: "Thanh Hoá hiện nay còn một số dấu vết đạo tu tiên khá rõ nét trong các làng quê. Các dấu vết còn lại, chứng tỏ đạo tu tiên đã một thời hoạt động rất tích cực ở xứ Thanh và có những tác động rõ rệt
tới văn hoá làng. Để chứng minh, tác giả cuốn sách căn cứ vào các địa danh "Quán" làm cứ liệu quan trọng: "Trước hết ở khắp các làng Thanh Hoá còn nhiều địa danh mang
tên quán: Quán Chua, Quán Trổ, Quán Giắt, Quán Cháo, Quán Nam... Cũng có người
giải thích, quán này là quán hàng tụ điểm thị dân sơ khai... Thế nhưng có những quán không hề dính đến quán hàng. Ví dụ Quán Học ở Rẻ Rỵ, Hội Quán ở thị xã Thanh Hoá. Chúng tôi nghĩ rằng các địa danh mang tên "quán" này đầu tiên là các "quán xá" một tụ điểm hoạt động của đạo tu tiên. Đó là "Đạo Quán" của các đạo sĩ "lang thang" trong các làng xứ Thanh... Họ lập Đạo quán sơ sài để tu hành và dần dần sau này biến thành tụ điểm trao đổi  hàng hoá, để đến khi đạo tu tiên nhạt hẳn thì các nơi này chỉ còn là quán hàng thực sự...".

Trước hết, nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn giữa "quán xá" với "đạo quán". "Quán xá" nguyên nghĩa là nhà trọ, quán trọ, quán hàng sao có thể coi là "một tụ điểm hoạt động của đạo tu tiên" và đồng nhất "quán xá" với "đạo quán" được? Hơn nữa, các địa danh mang tên "quán" mà tác giả coi là dấu vết "khá rõ nét" của đạo tu tiên từng "hoạt động rất tích cự ở xứ Thanh"  lại không phải nét đặc trưng, không riêng gì Thanh Hoá mới có. Ngược lại, địa danh "quán" phổ biến ở khắp các vùng từ Bắc chí Nam. Xin đơn cử: Ở Bắc Ninh có "chợ Đông Dư trên đê tục gọi Quán Gỏi. Quán Kiêu Kỵ: Quán xá đông đúc bán nhiều thịt trâu" (2)Nam Định có chợ Quán. Ninh Bình có chợ Quán Xá, Quán Lý Nhân. Vào Nghệ Tĩnh lại có Quán Hành, Quán Triều, Quán Hạ, Quán Trại Voi, Quán Bánh...Đi vào Nam, vùng đất Khánh Hoà cũng có tới hàng chục địa danh "Quán" như: Quán Phú Yên, Quán Chử Châu, Quán Lộc Dã, Quán Phúc Hải, Quán Vạn Dã, Quán Hà Thanh, Quán Cót...Ở Thanh Hoá riêng vùng ven đường quốc lộ 1A (tương ứng đường thiên lý xưa kia) cũng có hàng loạt địa danh Quán: Quán Am (thường gọi lầm Quán Nam), Quán Lưu Vệ, Quán Mít … Nếu chịu khó lục tìm các sách địa chí cổ ghi tên đất, tên làng của các địa phương sẽ thấy chữ Quán (Hán Tự) gắn với những địa danh kể trên đều mang ý nghĩa là quán chợ, quán hàng, quán trọ, quán dịch (nhà trạm) … Tôi đồng ý, “có những quán không hề dính dáng đến quán hàng. Ví dụ Quán Học ở Kẻ Rỵ, Hội Quán ở thị xã Thanh Hoá” mà soạn giả đã nêu. Nhưng rất tiếc “quán” này cũng chẳng dính dáng gì đến “đạo quán” của các “đạo sĩ lang thang trong các làng xứ Thanh “như” “KSLVHXT” đã lẫn suy diễn. Chữ “Quán” trong “Quán Học” ở Kẻ Rỵ  có nghĩa: chỗ dạy học trò, của nhà sử học Lê Văn Hưu (theo truyền thuyết địa phương). Còn chữ “quán” trong “Hội Quán”ở thị xã Thanh Hoá thường được gọi là “Chùa Hội Quán” vốn của bà con Hoa Kiều lập nên vào khoảng đầu thế kỷ này làm nơi hội họp đồng hương và thờ cúng theo tín ngưỡng riêng của họ, không hề liên quan gì đến người Việt. Hơn nữa, các địa danh “Quán” kể trên lại chỉ thấy ở các ngã ba, ngã tư, các trục đường giao thông, đường thiên lý, đường cái quan, nơi nhiều người hội tụ đông đúc, ồn ào đâu phải địa điểm phù hợp với nguyên lý “thanh tĩnh”, “vô vi” của các nhà tu hành đạo Lão.

Cứ liệu thứ hai mà “KSVHLXT” đưa ra là hình ảnh các ông Tu Nưa, Trịnh Phật Giác, ông tiên núi Nhồi. Nhưng đây cũng chỉ là những nhân vật trong truyền thuyết và chuyện kể dân gian, hình ảnh Tiên, Phật, Bụt nhiều khi được đồng nghĩa là một. Đó là những ông cụ “râu tóc bạc phơ tay chống gậy trúc” hay du ngoạn danh lam thắng cảnh, hiện lên giúp đỡ người nghèo, trừng phạt kẻ ác, được truyền tụng trong dân gian vô cùng phong phú. Do đó, nên hiểu cho đúng về những người đến các động Hồ Công, am tiên núi Nưa, chùa Tiên núi Nhồi… để cầu cúng nói chung không phải tín đồ của đạo tu tiên. Họ đâu có phân biệt thần tiên, thánh, trời, Phật mà bất kể am, động, chùa miếu đền nào nghe đồn linh thiêng thì đều đến cầu cúng (có tội phải vái thập phương…, hữu sự tất hữu cầu) mà thôi. Ngay chuyện người tiều phu núi Na hay Động Hồ Công với nhân vật Trịnh Phật Giác (có sách chép là Phí Trường Phòng) cũng chỉ mang dáng dấp “một hiền giả lánh đời thoát tục” sống thanh bần giản dị như một tiều phu ẩn sĩ chứ không có hoạt động truyền bá, giáo lý gì chứng tỏ họ lập đạo quán thu thập tín đồ rộng rãi. Chuyện ông Tu Nưa “chơi cho đời một vố” gồm “cả vua Hồ Hán Thương, vua Minh Mệnh” mà soạn giả nêu trong “KSVHLXT” chứng tỏ đây là nhân vật huyền thoại. Bởi ông Tu Nưa phải là người sống 3-4 trăm năm tuổi mới có thể gặp cả vua Hồ Hán Thương, vua Minh Mệnh hai triều đại cách xa nhau đến vậy.

Thực tế khi Đạo Giáo truyền sang nước ta, hoạt động và ảnh hưởng của nó hoàn toàn không giống nơi nó sinh ra mà tách chia làm hai phái: Phái tu tiên luyện thuốc “trường sinh bất tử” (Đan đỉnh phái) và Phái phù thuỷ (Pháp lục phái). Những cơ sở tu hành và truyền đạo của Đạo giáo ngay ở thời thịnh hành nhất như Lý - Trần vốn cũng đã không lấy gì làm sâu rộng, mạnh mẽ. Đến đời Lê, phái tu tiên càng thu hẹp phạm vi hoạt động hơn. Và Đạo Giáo chủ yếu chỉ tác động một phần tới đời sống của nhân dân ta bởi phái phù thuỷ thông qua các hình thức tín ngưỡng như sấm truyền, bùa phép, cầu cúng tróc quỉ trừ tà… ngày một trở nên thịnh hành khi triều chính suy đồi, xã hội loạn ly… Bởi vậy, trong khi đạo phù thuỷ in dấu ấn khá đậm tròn dân gian thì dấu vết đạo tu tiên lại quá mờ nhạt; các cứ liệu khoa học về tên tuổi và sự nghiệp của đạo sĩ thuộc môn phái này cũng rất hiếm hoi. Người ta chỉ có thể rút ra đượcc chút ít cốt lõi của các truyền thuyết, truyện kể dân gian, vài dòng trong sách xưa cho biết có một số ẩn sĩ đạo sĩ tu tiên có tính chất cá nhân, riêng lẻ, tu cho chính bản thân họ.

Do đó khẳng định “đạo tu tiên đã một thời hoạt động rất tích cực ở xứ Thanh và có những tác động rõ rệt đến văn hoá làng … làm phong phú thêm văn hoá làng xứ Thanh trên nhiều phương diện” như các soạn giả “KSVHLXT” nêu ra là không có cơ sở khoa học mà chỉ xuất phát từ sự suy diễn lầm lạc qua chữ “quán” không được hiểu đúng nghĩa.

                                                                                                9-1994

                   
1.     “ Khảo sát văn hoá làng xứ Thanh”, NXB Khoa học xã hội – 1993 – Hoàng Anh Nhân chủ biên – Lê Huy Trâm biên soạn.
2.     Xem “Đại Nam nhất thống chí” mục “Chợ Quán”.

3.     Chùa Hội Quán  nay là NXB Thanh Hoá, còn một số bức tượng thờ Quan Công, Trương Phi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét