Hoàng Tuấn Phổ
Trên tạp chí Văn hóa dân gian số 1-2004, GS-TS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn
hóa dân gian tên tuổi, đặt vấn đề nghiên cứu “Tiểu vùng văn hóa Xứ Thanh”. Ông viết:
“Không rõ có phải Xứ Thanh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất của
những “quân vương”, nên con người Xứ Thanh luôn có tâm lý “hướng thượng”, muốn
thành “đầu lĩnh”, cứ có đến hai người Thanh Hóa là họ ít khi “chịu” nhau, do vậy,
ở người Xứ Thanh tính cố kết địa phương có phần giảm thiểu hơn người Xứ Nghệ?”
Xưa nay, có nhiều ý kiến khái
quát văn hóa Xứ Thanh. Trong đó nhân vật trung tâm là con người Việt Xứ Thanh rất
đúng với cách nhìn khách quan, nghiêm túc. Dĩ nhiên chưa thật đầy đủ, nhất là ở
những thời kỳ cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh. Tuy vậy, cũng có ý kiến trái ngược, mặc dù hiếm hoi, lạc điệu,
nhưng đã nêu lên trước công luận, thành vấn đề mang tính khái quát cao. Chúng
ta không thể không lưu tâm soi gương kim cổ nhìn lại mình, nhìn lại Con Người
Việt Nam
ở Thanh Hóa và Văn hóa Xứ Thanh.
Nhà sử học Phan Huy Chú viết:
“Thanh Hoa… các triều trước vẫn gọi
là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tươi tốt
chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra
nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì
người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng
đầu cả nước” (Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, NXB Sử học, 1960).
Nhận xét về người Thanh Hóa và
văn hóa Xứ Thanh, sách Đại Nam nhất thống
chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cho rằng:
“Sĩ tử thích văn học, nông dân
chăm cày cấy, thợ thì có hộ đẽo đá sở trường hơn cả, ít người buôn bán… Các huyện
Tống Sơn, Nga Sơn, Ngọc Sơn (Tĩnh Gia) phong tục có phần tằn tiện vì ruộng đất
xấu. Các phủ, huyện thượng du… là dân thiểu số, phong tục khác người Kinh… Duy
các huyện Quảng Địa, Thạch Thành và Cẩm Thủy có biết ít nhiều văn tự” (Bản dịch
tập II, NXB Khoa học Xã hội - 1970).
Năm 1889, vua Thành Thái giao
nhóm sử gia Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán “trùng tu” Đại Nam nhất thống chí”, bổ sung ý kiến
nhận xét con người Thanh Hóa: “Kẻ sĩ ưa chuộng văn học, đời nào cũng có anh
tài; (con người) phóng khoáng, lỗi lạc, có nhiều tiết khí (tiết nghĩa, khí
phách) cũng là nhờ được thanh tú của non sông. Sách Nhất thống chí của nhà Thanh (Trung Quốc) có nói: “Người ở Ái Châu (Thanh Hóa) cao điệu mà thích điều nghĩa tức là thế…”.
Bản dịch sách này của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, xuất bản tại miền Nam trước 1974,
được giới thiệu trân trọng Tỉnh Thanh Hóa
trong “Lời nói đầu”:
“Thanh Hóa, một địa điểm tối cổ nước ta, lầ nơi nhà khảo cổ đã phát hiện
những cố vật thuộc Văn hóa Đông Sơn, nhiều thắng cảnh danh lam đã làm nguồn thi
cảm cho biết bao tao nhân mặc khách, lại là cổ họng hai phần Nam - Bắc, đã từng
chứng kiến những chiến công hiển hách của biết bao minh quân, danh tướng cùng
những nghĩa cử oanh liệt của biết bao tiết phụ, anh hùng. Bởi vậy, không những
Thanh Hóa có quan hệ với lịch sử, chính trị, văn hóa riêng của nước Nam ta, mà
hơn nữa lại có liên quan tới lịch sử văn minh của cả miền Đông Nam Á nữa”.
Trở lại cái nhìn người của GS văn
hóa Ngô Đức Thịnh. Chúng ta không rõ người viết hướng mũi nhọn ngòi bút của
mình vào Thanh Hóa thời phong kiến hay Thanh Hóa thời cách mạng ? Hình như tác
giả khái quát tất cả! Tác giả nấp dưới hình thức phát vấn (thực chất là để khẳng
định): “Cứ có hai người Thanh Hóa trở lên…”.
Những ngôn từ “quân vương”, “hướng thượng”, “đầu lĩnh”, “chịu”… đặt
trong ngoặc kép đều chứa đựng những cái cười mỉa mai, châm biếm! Sự thực, Thanh
Hóa hoàn toàn không phải là vùng đất của
những “quân vương” như lời tác giả.
Chỉ có thể nói “Thanh Hóa là quê hương của
nhiều vua chúa hay nhiều vua chúa quê quán ở Thanh Hóa”. Những “quân vương”
mà GS-TS Thịnh cố ý để trong “nháy nháy” ấy là “quân vương” của cả nước, cả nước
suy tôn họ, niềm tự hào chung vì họ là những anh hùng dân tộc: Bà Triệu, Dương
Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi,… những minh quân, minh
chúa: Lê Thánh tông, Nguyễn Hoàng,… Từ vua chí dân quê quán ở Thanh Hóa, đều là
người Việt Nam, có tốt, xấu, hay, dở ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của
mình. Ví như Lê Quý Ly (vốn quê quán Diễn Châu-Nghệ An) bỏ họ Lê trở lại họ Hồ
- Hồ Quý Ly - luôn có tư tưởng “hướng thượng”, làm “đầu lĩnh”, rồi làm “quân
vương”; trước không “chịu” để giặc Minh xâm lược, sau lại quy hàng nhà Minh. Lẽ
nào người Xứ Nghệ của ông Ngô Đức Thịnh cũng có “tâm lý” ấy?
Nhà nghiên cứu văn hóa viết: “Người Xứ Thanh tính cố kết địa phương có phần
giảm thiểu hơn người Xứ Nghệ?” Chúng ta dám chắc ông Thịnh chỉ nói theo cảm
tính, phi khoa học, dựa vào hiện tượng để đánh giá bản chất. Không có “tính cố kết” mà Triệu Thị Trinh cô gái
20 tuổi hô một tiếng vạn người theo đánh cho quân Ngô mất vía? Không có “tính cố kết” sao Lê Lợi áo vải cày ruộng
đất Lam Sơn tập hợp nhân dân Xứ Thanh dựng cờ khởi nghĩa được cả nước hưởng ứng,
rất nhiều danh tướng quê quán Xứ Thanh? Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, Xứ
Thanh vẫn là Xứ Thanh thống nhất lãnh thổ, đoàn kết dân tộc, phát huy truyền thống
văn minh sông Mã, xây dựng nền văn hóa địa phương giàu sắc thái Xứ Thanh…
Nhớ lại cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước, những đội nữ dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng, Hoa Lộc, Thanh Thủy, đội
lão dân quân Hoằng Trường, đội dân quân 94 bến phà Ghép, v.v… nếu đúng như lời
ông Thịnh nói: “cứ có đến hai người Thanh
Hóa trở lên là họ ít khi “chịu” nhau”, chắc chắn đã không thể có những nữ
chỉ huy Nguyễn Thị Hằng, chiến sĩ vác đạn Ngô Thị Tuyển, đã không thể hạ gục những
“con ma”, “thần sấm” Hoa Kỳ, khiến năm châu kính phục?
Tính “cố kết địa phương”, quan niệm cho đúng là tinh thần đoàn kết vững chắc (chú ý chữ “cố”) của nhân dân,
của địa phương vì lợi ích chung nhân dân, dân tộc. Nhưng "cố kết" theo cách ông Thịnh suy nghĩ rất dễ bị nghiêng lệch
thành tính cục bộ địa phương, bè cánh, thành kiểu "nhóm lợi ích" tai hại. Bởi lẽ thông thường, đoàn kết không loại trừ đấu
tranh, nếu đấu tranh để đoàn kết tốt hơn, càng bền chặt hơn. Lẽ nào như thế là
không “chịu nhau”?
Trở lại mệnh đề “Không rõ có phải Xứ Thanh là vùng đất “địa
linh nhân kiệt”, vùng đất của những “quân vương”… Cũng như từ “quân vương”, cụm từ “địa linh nhân kiệt”, tác giả đều cố ý đặt
trong “nháy nháy”. Tôi không tranh luận
về Thanh Hóa có phải là vùng đất “địa
linh nhân kiệt” không? Nhưng tôi dám chắc cụm từ “địa linh nhân kiệt” hoàn toàn không phải do người Thanh Hóa “vỗ ngực
xưng danh”. Cũng không phải nhà sử học quê quán Xứ Nghệ Phan Huy Chú quá đề cao
khi viết “Dư địa chí” về Thanh Hóa trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”. Trước Phan Huy Chú đến gần 200
năm, Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (quê Xứ Bắc) đã dùng các cụm
từ “Địa linh nhân kiệt”, “Địa linh dân quảng” để nói về một vùng đất “sáng” của
huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong thần tích, ngọc phả vị thần thượng đẳng “Linh
Quang” của xã Yên Lãng và làng Nam Cai.
Nguyễn Thượng Hiền quê làng Liên
Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sinh năm 1868, mất năm 1925, là nhà thơ yêu nước, đồng
thời là chí sĩ cách mạng, trong thời gian sống ở Thanh Hóa, sáng tác nhiều thơ
văn. Bài Hát nói Thanh Hoa cảnh vật, ông viết:
Nhân
kiệt địa linh thiên cổ tại,
Cảnh
thanh vật sắc tứ thời tân.
Nghĩa là: Đất thiêng sinh hào kiệt nghìn xưa ở chốn này, cảnh đẹp vật quý bốn mùa
luôn đổi mới.
Sự thật lịch sử vẫn là lịch sử
không ai có thể đổi khác. Hồi kháng chiến chống Pháp, nhiều văn nghệ sĩ ngoài Bắc,
trong Nghệ học tập, công tác ở Thanh Hóa, nhiều đồng bào khu Ba, Hải Phòng, Hà
Nội tản cư vào Thanh Hóa đều ghi nhận tấm lòng thơm thảo của bà con Xứ Thanh.
Thành phố Thanh Hóa không ít gia đình quê gốc các tỉnh miền ngoài tản cư từ thời
ấy ở lại sinh cơ lập nghiệp, con cái họ trưởng thành, đủ tài đức được bầu cử
vào các cấp lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ và chính quyền.
Hoàn toàn đúng như ý kiến của
nhóm sử gia Cao Xuân Dục viết về Thanh Hóa: “Phóng khoáng lỗi lạc có nhiều khí
tiết”, theo cách nói của Sử gia nhà Thanh, Trung Quốc là “cao điệu mà thích điều
nghĩa”.
Thiên hạ cứ tưởng người Thanh Hóa
đất vua chúa thì đặc phong kiến, bảo hoàng hơn cả vua. Sự thật lại khác hẳn.
Chúng ta có thể đưa ra nhiều dẫn chứng từ “tiểu tiết” đến “đại sự”. Ví dụ,
trong khi người Bắc kiêng tên húy chúa Trịnh Tráng, gọi bánh tráng là
“bánh đa”, người Thanh Hóa vẫn giữ cái tên “bánh tráng”, hoặc chữ “Thì” tên húy vua Tự Đức, cả dòng họ Ngô Thì lừng danh đất Bắc cũng phải đổi
thành “Ngô Thời” (Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời
Nhiệm tức Nhậm…) mà dân Xứ Thanh của vua
Nguyễn ai muốn nói “thì” hay “thời” đều được cả. Nói chung ở đây khá phổ biến từ
“thì”. Ví dụ: món ăn: Bụi thì (bữa ăn phụ), thành ngữ: “Ăn xổi ở thì”, “Gái có lứa mạ có thì”, tục ngữ “Người ăn, người bỏ, người
đi, ta ăn, ta ở cùng thì hôm mai”,
v.v…
Thế kỷ XVI, nhân dân Thanh Hóa
gây dựng nên vương quyền vua Lê chúa Trịnh, đến thế kỷ XVIII, cũng chính nhân
dân Thanh Hóa lại hạ bệ cùng lúc cả hai thần tượng ấy bằng kiệt tác trào phúng Truyện
Trạng Quỳnh. Cống Quỳnh một nhà nho thi đỗ nhưng không làm quan, lĩnh sứ
mạng viên tướng tiên phong “công phá” thành trì phong kiến, “đánh thẳng” vào
hoàng cung, nơi vua chúa ăn chơi “mầm đá”, hưởng lạc “ngọa sơn”!
Tính “phong kiến” của Thanh Hóa
còn bị phê phán: Chỉ ở Thanh Hóa mới có chuyện ngược đời đàn ông ở nhà bế con
hoặc đình đám, chè rượu, phó mặc đàn bà việc ruộng đồng cấy hái quanh năm vất vả.
Sự thực, không phải chỉ riêng Thanh Hóa. Sách Đại Nam
nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), về tỉnh Hà Nội, mục “Phong tục”,
viết khá rõ: “Những tháng làm ruộng, đàn ông hay uống chè uống rượu ở quán
hàng, việc cày cấy đều về tay phụ nữ”. Như vậy, người Hà Nội cũng “phong kiến”
đấy chứ?
Việc nhà cửa, ruộng đồng đều giỏi
giang là ưu điểm của phụ nữ Thanh Hóa trong đức tính chung cần cù, tần tảo của
phụ nữ Việt Nam .
Truyền thống ấy được phát huy mạnh mẽ trong phong trào “ba đảm” thời kháng chiến
chống đế quốc xâm lược, Thanh Hóa là hậu phương cũng là chiến trường. Tiếng
gươm đao, súng đạn và khói lửa cuốn đi hầu hết đàn ông Xứ Thanh vào các cuộc khởi
nghĩa, nội chiến, Nam tiến liên miên từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, góp phần quan
trọng tạo nên những đức tính hiếm có của phụ nữ. Phụ nữ sẵn sàng gánh vác mọi
việc để chồng con chuyên tâm việc làng việc nước, cho nên sĩ tử chăm học, đời nào cũng có văn tài, cho nên đàn ông nhiều “tiết nghĩa, khí phách” sẵn sàng hy sinh
vì đại nghĩa.
Sách Địa chí xưa nói: Thanh Hóa chất đất xấu, kỹ thuật làm ruộng kém nên
ít thóc. Chất đất xấu là đúng rồi vì Xứ Thanh lắm đồi nhiều núi, 6 huyện miền
biển độ chua phèn rất cao. Tuy nhiên cũng có nơi lúa tốt nổi tiếng, như huyện
Nông Cống, thời phong kiến triều đình đặt tới Tứ ty Tinh Mễ để thu thóc và một làng, làng Tinh Mễ Sở chuyên sản
xuất gạo ngon tiến vua. Sau năm 1945, thời cách mạng và kháng chiến, anh hùng
lao động Nguyễn Công Thiệp dẫn đầu phong trào tăng gia sản xuất, dùng phân bón
cải tạo đất chua phèn, biến đồng cỏ năn thành đồng lúa 2 vụ. Năm 1957 ông Thiệp
được tặng thưởng Huân chương Lao động. Qua năm sau, ông đi dự Đại hội Anh hùng
chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc, rồi được bầu đại biểu Quốc hội khóa 3, khóa 4.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Thọ Xuân từ một huyện “đất xấu dân nghèo” trở nên
điển hình sản xuất nông nghiệp với các lá cờ đầu: Thắng Lợi - Xuân Thành, Hạnh
Phúc, Đông Phương Hồng. Hợp tác xã Thắng Lợi - Xuân Thành một ngõ hai anh hùng
nông nghiệp: Trịnh Xuân Bái, Lê Ngọc Đồng. Hợp tác xã Định Công, huyện Yên Định,
được nhiều địa phương trên miền Bắc đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất.
Huyện miền biển Quảng Xương, quê hương anh hùng lao động nông nghiệp Nguyễn
Công Thiệp cũng có hai lá cờ đầu miền Bắc: Đội thủy lợi hợp tác xã Bình Hòa và
điển hình chăn nuôi xã Quảng Hải.
Đến nay những dịp kỷ niệm chiến
thắng Điện Biên Phủ, mọi người đều không quên công lao đóng góp to lớn của
Thanh Hóa về lương thực do chính người Xứ Thanh kìn kìn chuyển ra tiền tuyến
trong mùa chiến dịch, nô nức như mùa xuân trẩy hội.
Đọc lại các trang địa chí cổ, đời
nào cũng thấy ghi chép: Nhà nông chăm cày cấy, sĩ tử chăm học hành, người làm
ruộng nhiều, người đi học không ít. Liệu chúng ta có phóng đại quá chăng, khi
nói “Đất Thanh đất học”? Cố nhiên người Việt Nam đều hiếu học. Nhưng ở đây chúng
ta đang “luận” về người Việt Xứ Thanh. Các nhà sử học Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục,…
đều có ý kiến nhận xét giống nhau: Kẻ sĩ ưa chuộng văn học, đời nào cũng có văn
tài. Dĩ nhiên, các tác giả phải căn cứ lịch sử. Những sử liệu rất đáng tin cậy:
Cựu Đường thư (Trung Quốc), Văn hiến thông khảo (Trung Quốc), An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Kiến
văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Viện Sử
thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống
chí, v.v… đều chép: Khương Công Phụ người quận Cửu Chân (hay Ái Châu -
Thanh Hóa) làm quan ở nhà Đường, đậu Tiến
sĩ, bổ làm Hiệu thư lang, vì có bài chế
sách hơn người, vua Đường cho làm Hữu thập di, Hàn lâm học sĩ, kiêm chức
kinh Triệu Hộ tào tham quân, sau thăng đến Đồng Trung thư Môn hạ Bình chương sự
(dưới Tể tướng). Em Công Phụ là Công Phục cũng đỗ tiến sĩ thời Đường Đức tông
(1780-1805) làm tới Thị lang Bộ Lễ. Như vậy, người Xứ Thanh dự hàng khoa bảng đỗ
đại Khoa rất sớm, từ thế kỷ VIII (tất nhiên phải thi ở Trung Quốc, vì nước ta đầu
đời Trần (thế kỷ VIII) mới định khoa thi tam giáp).
Nhà sử học Lê Văn Hưu người thôn
Phủ Lý, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) được vinh danh “Ông tổ Sử học Việt Nam ”.
Huyện Đông Sơn cũng là quê hương của hai sử gia tên tuổi: Lê Tắc, Lê Hy.
Về văn học, thi phẩm sớm nhất còn
truyền là bài “Tiễn Lý Giác” của Ngô Chân Lưu cùng quê Ái Châu với vua Lê Đại
Hành.
Lê Thánh tông, cháu nội Lê Thái tổ,
vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam ,
cũng là nhà văn hóa lớn Việt Nam
có tầm vóc thế giới.(1)
Giữa thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng từ
biệt đất tổ Gia Miêu Ngoại trang (Hà Trung, Thanh Hóa) vâng lệnh vua Lê Trung
hưng trấn thủ xứ Thuận Hóa, mở đầu sự nghiệp Nam tiến, vô cùng gian khổ, nhưng
hết sức vinh quang, mở rộng cõi bờ đến tận vịnh Hà Tiên giáp Thái Lan, để bản đồ
tổ quôc Việt Nam có thêm nửa phần đất nước…
Phải chăng những bậc vĩ nhân, những
đấng anh hùng quê quán Xứ Thanh, mang danh người Việt Xứ Thanh đều có “tâm lý hướng thượng”, ai cũng muốn “thành đầu lĩnh”, cho nên họ được sử
sách ca ngợi, hậu thế nêu gương ???
Từ thuở Hùng Vương dựng nước, Xứ
Thanh đã bắt đầu được định hình, cộng đồng Lạc Việt chưa chia ra người Mường,
người Kinh, cùng uống nước sông Mã, cày ruộng đồng sác (Lạc điền) cùng xây nên
những núi Rồng, núi Voi đỉnh cao văn minh Đông Sơn rực rỡ. Do những điều kiện lịch
sử, hoàn cảnh địa lý, cộng đồng Lạc Việt như cây cả phân cành nhưng vẫn chung cội
nguồn dân tộc. Xứ Thanh trong khoảng thời gian 20 thế kỷ từ sau Công nguyên,
đèo cao suối sâu không hề ngăn trở bước chân du cư đồng bào trong ra, ngoài
vào. Người Thái, người Dao, H’Mông, Khơ Mú… dẫu xa xôi vạn dặm lặn ngòi ngoi nước
tìm đến Xứ Thanh đều thấy ở đây miền đất sống. Họ gia nhập gia đình Lạc Việt
ngày càng đông vui. Tình đoàn kết thống nhất của đại gia đình Xứ Thanh không ngừng
củng cố.
Thời Hùng Vương - An Dương vương,
Cửu Chân là một bộ khổng lồ trong 15 bộ, theo truyền thuyết. Triệu Đà cướp chiếm
Âu Lạc (Tây Âu + Lạc Việt) chia nước ta làm 2 quận, Cửu Chân là một. Kẻ thù xâm
lược không thể chia đôi dòng sông Mã trải qua ngàn năm Bắc thuộc. Thời phong kiến
tự trị, Xứ Thanh đã có lúc bị chia đôi. Đó là năm Nhâm Thìn (1532), Mạc Đăng
Doanh (con Mạc Đăng Dung) sai viên quan hoạn Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất cai
quản cả xứ Thanh Hoa. Sau nghe lời gièm của Tây An bá Lê Phi Thừa, chia Thanh
Hoa ra làm hai: Bảy huyện: Thụy Nguyên, Yên Định, Vĩnh Phúc, Đông Sơn, Thạch
Thành, Cẩm Thủy, Quảng Bình giao cho Lê Phi Thừa cai quản, còn các huyện Tống
Sơn, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia thuộc quyền
Dương Chấp Nhất. Nhưng khi vua Lê Trung tông lên làm vua ở Ai Lao, Phi Thừa đem
bảy huyện dâng nhà Lê Trung hưng. Năm Quý Mão (1543), Triệu tổ Nguyễn Kim đem
quân về bình định Thanh Hoa, Dương Chấp Nhất quy hàng, Thanh Hoa lại hợp nhất.
Sự ổn định về lãnh thổ hành
chính, tất yếu tổ chức chính trị chung một guồng máy, trạng thái tâm lý xã hội,
tính cách con người dễ hòa hợp trong một cộng đồng… là điều kiện để văn hóa đơm
hoa, kinh tế kết trái, mùa xuân quê hương sinh sôi giữa mùa xuân đất nước. Đó
là sắc thái Xứ Thanh, sắc thái của một vùng quê Việt Nam không thể lẫn với vùng
quê khác, dệt nên Tinh hoa văn hóa Xứ Thanh với truyền thống núi Đọ, Đông Sơn,
Hàm Rồng… đoàn kết bền vững, đa dạng thống nhất, mạch nguồn không ngừng tuôn chảy
cuồn cuộn như dòng sông Mã vạn cổ hùng thiêng.(2)
Hoàng
Tuấn Phổ
Chú thích
(1)Ở
đây chưa có điều kiện đề cập đến những tác giả rất quan trọng thời kỳ Trung, Cận
đại như Lê Quát, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Hiến tông, Trịnh Sâm, Nhữ Bá Sĩ,… Đặc biệt
thời kỳ Hiện đại và Đương đại, Xứ Thanh cũng có những đóng góp xuất sắc trên mặt
trận văn hóa văn nghệ, trong đó nổi lên những gương mặt tiêu biểu: Trần Mai
Ninh, Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Hữu Loan, Nguyễn Thế Phương, Mã Giang Lân, Vương Anh,
Mai Ngọc Thanh, Đặng Ái, Từ Nguyên Tĩnh, Huy Trụ, Viên Lan Anh, Nguyễn Minh
Khiêm,...
(2)Trích
Tổng luận “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh”-sách chưa in. Đầu đề do Hoàng Tuấn
Công đặt.
Giáo sư ngu như bò
Trả lờiXóaThông cảm GSTS mà ít đọc lịch sử. Nhưng lại hay nói!
Trả lờiXóa