29 thg 6, 2019

“LON” LÀ CÁI CHI MÀ KIÊNG ĐẾN VẬY?

Đồ hoạ sưu tầm

HOÀNG TUẤN CÔNG
Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola có sử dụng cụm từ "mở lon Việt Nam", vì cho rằng việc sử dụng cụm từ này trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Nhiều bạn đọc nhắn tin và gọi điện hỏi: Trong tiếng Việt “LON” có thể hiểu là những gì mà phải kiêng kỵ đến vậy? Có phải “LON” trong “bia LON” là từ vay mượn, du nhập theo loại đồ uống vốn không có ở Việt Nam?

Trước tiên xin nói về nguồn gốc của từ “LON”.
Thực ra, trước khi người Việt biết đến “LON bia”, “LON sữa”; rồi phân biệt “bia LON”, “bia HỘP” với bia CHAI, bia BOM; “sữa LON”, “sữa HỘP” với “sữa CÂN”, “sữa TÚI”… thì đã có từ “LON” chỉ một số loại vật dụng:
-Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến Đức - 1931): “LON • Thứ chậu lòng nông và thành đứng <> LON cho lợn ăn. LON dã cua. Văn-liệu: Cái LON xách nước, cái lược chải đầu (câu hát)”.
 Cái LON xách nước, cái lược chải đầu” chính là câu ca trong bài đồng dao cổ:
"Ông giẳng  ông giăng
xuống chơi với tôi
có nồi cơm nếp
có nệp bánh chưng
có lưng hũ rượu
có khiếu đánh đu
thằng cu vỗ chài
bắt trai bỏ giỏ
mẹ đỏ ẵm con
cái LON xách nước
cái lược chải đầu…”
LON sành thời Mạc (TK 16-17) do ngư dân làng chài Vung Viêng
vớt được dưới đáy vịnh Hạ Long năm 2009
Ảnh và chú thích của Báo Quảng Ninh

Như vậy, rất khó có khả năng những vật dụng cổ truyền của người Việt như “lon giã cua”, “lon muối cà”, lại phải đợi đến lúc người Tây đem bia LON sang (công nghệ này có muộn hơn bia chai khá lâu) rồi mới mượn đó mà đặt tên. Theo đây, tên gọi những sản phẩm mới du nhập như LON bia/bia LON; LON sữa/sữa LON…là gọi theo hình dáng của loại đồ đựng bản địa bằng sành, có thành đứng thì đúng hơn:
-Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “lon • d. 1 [id] cối nhỏ, thường bằng sành: lon sành ~ lon giã cua. 2 [id] vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành: lon nước gạo ~ nén một lon cà”.
-Đại Nam quấc âm tự vị (Huinh Tịnh Paulus Của) không ghi nhận LON, nhưng có thu thập “LƠN”: “LƠN: đồ  đựng nước bằng đất. Cái lơn: đồ dùng, mà chứa nước, bằng sành, miệng lớn mà nhỏ trôn”.
Nếu gọi là “vay mượn” thì trong tiếng Việt, “LON” với nghĩa là HÀM, được các nhà biên soạn từ điển xác định là từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp:
-Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “LON • [Fr: galon] d. [kng] phù hiệu quân hàm [của quân đội một số nước]: đeo lon đại uý”.
-Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến Đức): “LON • Bởi tiếng Pháp galon nói trạnh ra. Khoanh tròn đeo ở tay áo quan binh <> Quan binh đeo lon.”. 

"LON" gắn với hình ảnh những "LON Cocacola"

Trở lại với vấn đề “mở LON Việt Nam” là trái thuần phong mỹ tục của bà Cục trưởng.
Khi Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi “Vậy mở lon Việt Nam trái thuần phong mỹ tục thế nào?", thì bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) “đặt lại câu hỏi thay cho câu trả lời” (trích):
"Vậy "mở lon Việt Nam" có thể được hiểu là "mở lon Coca - Cola tại Việt Nam" hay không hay nó sẽ được hiểu theo rất nhiều nghĩa khác?”
Và “Theo bà Hương, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca - Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa”.
"Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề " - người đứng đầu cơ quan ra văn bản gây tranh cãi này nói.
Bà Hương nói thêm từ lon ở Việt Nam có rất nhiều nghĩa nếu như không gắn với các từ chỉ đồ uống khác như "Coca - Cola", "bia"... (hết trích).
Có lẽ, cũng nên đặt lại câu hỏi thay cho câu trả lời” bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở như sau:
Giả sử trong phóng sự mô tả không khí quán nhậu, người viết thuật lại những tiếng ồn ào: “Cho thêm chục lon Hà Nội”, “Cho thêm năm lon Thanh Hoa”, hay “Cho thêm ba lon Heineken”. Chủ quán hỏi lại: “LON to hay LON nhỏ”; “LON dài hay LON ngắn”, thì “LON” ở đây được hiểu là “LON bia”, hay “LON” theo cách nghĩ của bà Cục trưởng?
Có thể bà  Cục trưởng sẽ lý giải “LON” trong “LON Hà Nội” được hiểu theo ngữ cảnh gắn với cuộc nhậu trong quán bia. Tuy nhiên, “LON Việt Nam” trên biển quảng cáo chẳng gắn với hình ảnh những “LON Cocacola” là gì?
Và nếu cứ lo ngại “người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó”, thì khi viết “LON đại tướng”; rồi “ĐEO LON đại tá”, thì bà Ninh Thị Thu Hương nghĩ sao?
HTC/2019


2 nhận xét:

  1. Tôi không đồng ý việc quảng cáo "mở lon Việt Nam" Không phải sợ ý tứ như bà cục trưởng sợ người ta thêm dấu mà từ này nghe chưa quen. Lon là danh từ, Việt Nam là tính từ, chẳng nhẽ Việt Nam! Chỉ nằm trọn trong cái lon .... Cocacola của nước ngoài đến đây kinh doanh. Nhỏ bé và ngờ nghệch đến thế sao? Cũng không nén trách bà cục trưởng vì còn khối kẻ chưa biết định nghĩa " người tài là thế nào"

    Trả lờiXóa
  2. Tham khảo thêm về chủ đề: bia

    Trả lờiXóa