28 thg 2, 2020

BÌNH LUẬN “CHẠY TỘI”?

Cuốn từ điển đạo văn 

HOÀNG TUẤN CÔNG

Thực ra không cần thiết phải viết riêng một bài chỉ để trả lời một bình luận. Tuy nhiên, xét thấy đây là cách nhìn nhận thiếu trung thực, ý đồ nguỵ biện nguy hiểm, có thể dọn đường hoặc gợi ý cho những kẻ đạo văn hợp lý hoá hành vi của mình, không chỉ trong trường hợp này mà còn nhiều trường hợp khác. Hy vọng kẻ nào lăm le trộm cắp bài trong Thư phòng sẽ đọc được những dòng này mà chùn tay.
                       TCTP

Trong phần bình luận bài “Cộng tác viên báo Người Lao Động lật tẩy nhóm đạo văn đểlàm từ điển” trên báo NLĐ, đáng chú ý có hai ý kiến sau đây:
1.Trí Dũng Đặng (14:45 28/02/2020):
Thành ngữ, tục ngữ, ca dao ... là của chung của người Việt Nam, hiểu và giải thích các tục ngữ, thành ngữ, ca dao ... này cũng tương đối giống nhau, có khác chăng là ngữ cảnh vùng miền làm người đọc, người nghe nói chệch đi, hiểu khác đi một ít. Nhưng nhìn chung về ý tứ thì không hề khác nhau. Từ đó không thể nói vấn đề này của riêng ai được”.


2.Nguyễn Trần Tâm (18:00 28/02/2020):
Nếu đọc cuốn “Tổng tập văn học dân gian người Việt” do GS. TS Nguyễn Xuân Kính, Phan Lan Hương... (do TTKHXH &NV Quốc gia giữ bản quyền, Nxb khxh, 2002), gồm 19 tập, trong đó Tập 1&2 “Tục ngữ”, và tập 15&16 “Ca dao” thì mình thấy cách giải thích cũng giống như Tác giả HTC và nhóm tác giả bị tố đạo văn trên! Thậm chí trong cuốn “Ca dao, tục ngữ, dân ca VN” của tác giả Vũ Ngọc Phan (người được tặng thưởng giải thưởng HCM), nxb khxh 1978 cũng giải thích gần giống như vậy! Cứ nên kiểm định thật kĩ, nếu tự mình nghiên cứu, viết ra thì chẳng sợ gì vì “ca dao, tục ngữ, thành ngữ VN” là một giá trị truyền thống, là tài sản chung của nhân dân VN nên việc giải thích na ná nhau cũng chưa thể nói là đạo văn đâu”.
Bình luận trên báo NLĐ 

Với bình luận của Trí Dũng Đặng có thể do độc giả không đọc được toàn bộ nội dung bài bài khảo cứu của Hoàng Tuấn Công (bài gốc trên báo NLĐ), nên nghĩ rằng, phần giải thích của HTC cũng ngắn gọn giống phần sao chép của Nhóm biên soạn từ điển (Điều này tôi cũng có tính đến, nhưng do ban đầu bài viết trong kế hoạch đăng báo giấy, nên không cho phép diễn giải dài dòng, độc giả dễ hiểu nhầm, là các giải thích của HTC không có gì mới).
Tuy  nhiên, với bình luận của Nguyễn Trần Tâm, thì tôi thấy lạ, và cho rằng cần thiết phải trao đổi lại cụ thể, để tránh sự hiểu lầm của bạn đọc:
1-Tôi không lạ gì “Tổng tập văn học dân gian người Việt” do GS. TS Nguyễn Xuân Kính, Phan Lan Hương...Tập 1&2 “Tục ngữ” [chính xác là “Kho tàng tục ngữ người Việt”, tập 1+2], mà Nguyễn Trần Tâm dẫn ra.
Trong hai tập sách nói trên, chủ yếu Nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thuý Loan, Phan Lan Hương sưu tầm tập hợp các dị bản tục ngữ từ nhiều nguồn thư tịch. Một số câu Nhóm tác giả trích dẫn cách giải thích từ “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân), hoặc “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung), hay Từ điển thành ngữ, tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt Chương)...
Hầu như tất cả cách giải thích của những cuốn từ điển mà Nhóm Nguyễn Xuân Kính dùng để trích dẫn, tôi đều có trong tay và thường được dẫn ra để phản biện (nếu có liên quan đến câu tục ngữ đang bàn), đồng thời dùng nhiều luận cứ để bác nó đi. Ví dụ một số bài như "Gái giết chồng đàn ông ai giết vợ"; "Chớ đánh rắn trong hang..."...
Bởi vậy, nói rằng cách giải thích của Hoàng Tuấn Công giống với cách giải thích của Nhóm GS.TS Vũ Xuân Kính là hoàn toàn sai.
2-Với sách Ca dao, tục ngữ, dân ca VN” (chính xác là “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam”-HTC) của Vũ Ngọc Phan, mà Nguyễn Trần Tâm nói, thì cuốn này chủ yếu sưu tầm tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam theo chủ đề. Đầu mỗi chủ đề chỉ có mấy trang giới thiệu mang tính chất tổng luận, dẫn dắt là chính chứ không giải thích cụ thể từng câu.
Đáng chú ý có những câu (dù chỉ ở mức độ dẫn dắt), nhưng Vũ Ngọc Phan giải thích sai hoàn toàn.
Ví dụ: “Người ta nghiệm ra rằng lúa ở ven bờ bao giờ cũng tốt hơn những cây lúa ở giữa ruộng. Có câu “Cơm quanh rá, mạ quanh bờ”.
Vũ Ngọc Phan đã không chú ý chi tiết dân gian nói “mạ quanh bờ”, chứ không nói lúa quanh bờ. Theo đây, giải thích “lúa ở ven bờ bao giờ cũng tốt…” là hoàn toàn lạc đề (Tôi cũng đã có bài bàn về câu “Cơm quanh rá, mạ quanh bờ” này trên báo NLĐ).
Hay ở một đoạn khác, Vũ Ngọc Phan dẫn dắt: “Thường, mạ vừa nhổ xong, người ta đem cấy ngay, đối với những ruộng cao đất cát, dễ mất nước, thì người ta cấy mạ úa, cây lúa lại chóng xanh:Mạ úa cấy lúa chóng xanh/Gái dòng mắn đẻ, sao anh hững hờ?”.
Cách giải thích phi khoa học này chứng tỏ Vũ Ngọc Phan không am tường về kĩ thuật canh tác lúa nước của người Việt, càng không hiểu lối nói của dân gian. (Tôi sẽ có bài viết bàn về câu “Mạ úa cấy lúa chóng xanh” này vào một dịp khác).
Nói thế để biết, khi bàn về nghĩa của các câu thành ngữ tục ngữ, người ta có thể trông cậy gì vào cuốn sách này.
Trở lại với câu chuyện.
Độc giả Nguyễn Trần Tâm cho rằng, xem “Tục ngữ”, và tập 15&16 “Ca dao” thì mình thấy cách giải thích cũng giống như Tác giả HTC và nhóm tác giả bị tố đạo văn trên! Thậm chí trong cuốn “Ca dao, tục ngữ, dân ca VN” của tác giả Vũ Ngọc Phan (người được tặng thưởng giải thưởng HCM), nxb khxh 1978 cũng giải thích gần giống như vậy!”.
Vậy độc giả Nguyễn Trần Tâm có thể dẫn chứng cụ thể được mục nào trong số 20 mục đã nêu trên báo Người Lao Động mà cách giải thích của Hoàng Tuấn Công “cũng giống” hoặc “gần giống” với Nhóm Nguyễn Xuân Kính, hoặc Vũ Ngọc Phan không? Đặc biệt là những câu như “Áo cứ tràng, làng cứ xã”; “Quạ ăn dưa bắtcò dãi nắng”; “Đói giỗ cha no ba ngày Tết”; “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”;Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”; “Mấy ai biết lúa von, mấy ai biết con hư”; “Mạ già ruộng ngấu”; “Sợ như bò thấy nhà táng”; “Cậy thần phải nể cây đa”; “Sượng mẹ bở con”…
          Có thể nói, mỗi bài viết vừa kể trên đây là một kết quả nghiên cứu, phát hiện của Hoàng Tuấn Công. Hoàn toàn không có chuyện lặp lại của người khác. Với những trường hợp, ví dụ: có 5 cách giải thích khác nhau, mà trong đó tôi đồng quan điểm với cách thứ 5, thì sẽ tìm cách bác đi 4 cách giải thích kia, rồi đi đến kết luận, cách giải thích thứ 5 mới là đúng. Dĩ nhiên, để bác bỏ được 4 cách kia một cách thuyết phục, thì vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Bởi vậy, không đơn thuần Nhóm biên soạn từ điển sao chép câu chữ, hành văn, mà là đánh cắp kết quả nghiên cứu của Hoàng Tuấn Công (đặc biệt là cách hiểu nghĩa đen) mà trước đó chưa ai giải thích.
          Cuối cùng cũng cần phải nói thêm. Giả sử có chuyện “giải thích na ná nhau”, thì điều này hoàn toàn khác với việc Nhóm biên soạn Dương Thị Dung copy nguyên xi câu chữ, hành văn của người khác để đưa vào từ điển, mà không một dòng chú thích. Chẳng lẽ việc sao chép đến từng dấu chấm, dấu phẩy, ngoặc đơn, ngoặc kép này “cũng chưa thể nói là đạo văn đâu”, như bình luận lạ lùng, thiếu trung thực của độc giả Nguyễn Trần Tâm? Không lẽ đây  chính là lý lẽ của Nhóm tác giả từ điển đạo văn hãy còn giấu mặt?

                                                   HTC/2/2020


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét