29 thg 7, 2016

"TRAI KHÔNG VỢ", CÓ "DÙNG VÀO VIỆC GÌ" ĐƯỢC KHÔNG?

Nài voi Tây Nguyên
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

Tục ngữ Việt Nam có câu đưa ra nhận xét, so sánh khá thú vị: "Voi không nài như trai không vợ".

"Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TPHCM-2013) giải thích: "Voi mà thiếu mất nài (thường cũng chẳng thể dùng vào việc gì) như là các chàng trai không có vợ vậy".

18 thg 7, 2016

Sai sót nghiêm trọng trong "Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam" do NXB Đồng Nai ấn hành.

                                  HOÀNG TUẤN CÔNG

Sách "Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam (dùng cho học sinh, sinh viên)" của hai tác giả Thanh Long-Tường Ngọc (NXB Đồng Nai-2014). Có thể nói toàn bộ 575 trang, khổ 10x18, không lỗi này thì lỗi khác, rất hiếm những trang không sai sót. Sau đây, chúng tôi xin liệt kê sơ lược một số lỗi:

          1.GIẢI THÍCH SAI (phần gạch đầu dòng trong ngoặc kép là nguyên văn từ điển; phần xuống dòng tiếp theo là ý kiến trao đổi của chúng tôi):

          -"Biết ngứa đâu mà gãi. Không biết việc sẽ tới ra sao để ngừa trước cho khỏi hư việc, lời nói để tránh trách nhiệm của người không biết phòng xa"
          Thực ra, ý tục ngữ là: Không biết ý muốn, nhu cầu cụ thể của người khác thế nào, nên rất khó đáp ứng, khó chiều lòng.

16 thg 7, 2016

"ĐỨNG" trong "LÚA ĐỨNG CÁI" nghĩa là gì?


Lá lúa thắt eo, đây chính là thời kỳ đứng cái

Ảnh: ST
        HOÀNG TUẤN CÔNG


Để có biện pháp chăm sóc phù hợp, căn cứ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, người ta chia ra nhiều thời kỳ khác nhau. Ví dụ: thời kỳ mạ, bén rễ hồi xanh; đẻ nhánh; đứng cái; làm đòng; trổ bông... Trong đó, "đứng cái" là thời kỳ đặc biệt, đánh dấu bước phát triển quan trọng của cây lúa. Vậy "đứng", trong "lúa đứng cái" là gì? "Đứng" ở đây có phải là "đứng thẳng", trái với nằm ngang, ngả nghiêng không?

1-"Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên) giải nghĩa: "đứng cái • t. Nói cây lúa bắt đầu đứng thẳng trước khi có đòng đòng".

1 thg 7, 2016

Báo "Kinh doanh & PHÁP LUẬT cuối tuần" CÓ PHẢI "HÀNG NHÁI"?

Đây là báo "Pháp Luật" hay báo "Kinh doanh"?
Măng séc số báo hai "Nhà báo" bỏ lại UBND xã Quàng Hoà
Ảnh: HTC
            HOÀNG TUẤN CÔNG

Tầm 15 giờ chiều thứ Năm tuần trước (ngày 23/6/2016) có hai người đàn ông: một người trẻ chừng 2đ-30 tuổi, (tạm gọi là Người Trẻ); một người già chừng 50 tuổi, (Người Già) đã tự ý vào nhà tôi (ở quê) chụp ảnh gì đó. Ông Cụ thân sinh tôi ngồi viết trong nhà (nên không hề biết có hai người này đến, họ cũng không vào chào hỏi, hay xin phép gì); bà Cụ nhà tôi và cô em gái có trông thấy nhưng ngỡ khách của ông Cụ. Khi bà Cụ hỏi hai người lạ này là chụp ảnh để làm gì, thì được trả lời: "Nghe nói nhà ông bà có ngôi nhà cổ, nên chúng cháu vào tham quan" (nhà tôi đều mới xây dựng cả, không có "nhà cổ" nào cả). Sau đó, hai người này đi ra.

          Hai người lạ mặt tiếp tục vào Uỷ ban nhân dân xã Quảng Hoà (cách nhà tôi chỉ độ 50m). Theo phản ánh của ông Lê Văn Đông-Chủ tịch UBND xã Quảng Hoà-Quảng Xương-Thanh Hoá, hai người lạ giới thiệu là "Phóng viên của báo Pháp Luật", rồi chất vấn chính quyền xã về vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương. Người Trẻ cổ đeo chiếc máy ảnh, tay cầm tờ báo Pháp Luật vung vẩy, ăn nói tỏ vẻ khá ngạo mạn, vênh vang. Người Già có đưa "thẻ Nhà báo" cho Chủ tịch xã xem, về sau, ông Chủ tịch xã chỉ nhớ họ tên có chữ "Quảng".

          Hai "Nhà báo" căn vặn xã về vấn đề môi trường chăn nuôi, đòi xã báo cáo số liệu về quy mô các trang trại. Xã cứ theo thực tế trả lời: ở thôn quê hầu như nhà nào cũng chăn nuôi quy mô nông hộ, khoảng chục con trở lên là thường có hệ thống xử lý chất thải bằng Biogas. Cả xã chỉ có hai trang trại quy mô mấy trăm con, nhưng đã được quy hoạch riêng ngoài đồng. Xã có đề nghị hai "Nhà báo" cho biết nguồn thông tin, hay đơn thư phản ánh, khiếu nại, cụ thể ô nhiễm môi trường ở địa điểm nào, nhưng hai người này không đưa ra được bằng cứ.

          Vì chính quyền xã nắm được nguyên tắc làm việc, lại thấy không có gì sai sót, nên dù phải "làm việc" rất lâu, nhưng cuối cùng, xã QH vẫn để hai "Nhà báo" "tay trắng" đứng dậy ra về. Đáng chú ý, hai người này đi trên hai chiếc xe ô tô loại 4 chỗ, trong đó, mọi người chỉ nhớ được một xe biến số: 37A-03780. Phía kính trước của hai xe ô tô đều có gắn hai tấm biển nhỏ, có chữ "Báo Pháp Luật". Điều kỳ lạ là họ đều không tự lái, mà có tới hai lái xe riêng.

          Đoạn đầu câu chuyện là như vậy. Tuy nhiên, sau đó, UBND xã mới phát hiện các "Nhà báo" (không rõ vô tình hay cố ý) có bỏ lại tờ "báo Pháp Luật" mà Người Trẻ cầm vung vẩy trong tay khi nói chuyện.  Xem kỹ tờ báo mới biết, hoá ra ở đây có sự mạo danh.

Nhìn vào đây, không ai có thể nhận ra đây là báo "Kinh doanh và Pháp luật"
Ảnh chụp tờ báo hai "Nhà báo" bỏ lại.

          Tờ báo này chính tên là "Kinh doanh & Pháp luật"-Cơ quan ngôn luận của Trung ương hội maketting Việt Nam, trụ sở chính tầng 7, số 83 đường Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội; Tổng biên tập Lưu Vinh, Phó tổng biên tập TS Hoàng Xuân Lâm, hoàn toàn không phải "báo Pháp Luật".  

Một trong 6 trang có ghi "Kinh doanh và Pháp luật" chữ to bằng nhau, nhưng được hiểu
là tên chuyên trang, chứ không phải tên báo.

          Điều đáng nói là khi xem qua tờ "Kinh doanh & PHÁP LUẬT cuối tuần" (số 25 [76], ngày 17/6/2016) chúng tôi thấy hình thức trình bày của báo này có "vấn đề". Nói theo cách đơn giản, dễ hiểu là "vi phạm nhãn mác hàng hoá" hoặc là một loại "sản phẩm nhái".

Chuyên trang Văn hoá-xã hội

          Báo tên là "Kinh doanh & Pháp luật", Cơ quan ngôn luận của Trung ương hội maketting Việt Nam, nghĩa là cơ quan chủ quản hoàn toàn không dính dáng gì đến chuyên ngành Pháp luật. Thế nhưng, cách trình bày báo đầu báo (măng séc) cuối tuần lại cố tình thu hai chữ "Kinh doanh" lại bé tí, trong khi hai chữ "PHÁP LUẬT" to đùng. Bởi vậy, mới nhìn qua, người ta cứ tưởng đây là "báo Pháp Luật Việt Nam"-Cơ quan của Bộ Tư pháp.

          Cách trình bày ở trang trong cũng tương tự như vậy. Độc giả chỉ thấy đầu trang có các chữ "Pháp Luật cuối tuần", chứ không thể nhìn thấy hai chữ "kinh doanh" bé tí ti. Báo này có 24 trang, trong đó có 6 đầu trang có ghi năm chữ "Kinh doanh và pháp luật" cỡ chữ to bằng nhau. Tuy nhiên, đây không phải tên báo, mà là tên chuyên trang, giống như các chuyên trang "Tiêu điểm", "Nhịp cầu công lý", "Văn hoá-xã hội" khác. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, báo "Kinh doanh và Pháp luật" số thường, được trình bày với bốn chữ "Kinh doanh & Pháp luật" cỡ chữ bằng nhau. Nhìn vào tên báo, rất khó có thể nhầm lần với báo "Pháp luật Việt Nam" (Cơ quan của Bộ tư pháp).

Một số báo "Kinh doanh & Pháp luật cuối tuần" khác
Ảnh: St


          Chúng tôi tự hỏi: vậy, báo "Kinh doanh & Pháp luật cuối tuần" gắn với chuyên ngành pháp luật là chính, hay kinh doanh là chính? Nếu kinh doanh là chính, tại sao lại "ẩn" hai chữ "kinh doanh" đi, và trương hai chữ "pháp luật" ra, gây hiểu lầm cho bạn đọc, cho nhân dân, thậm chí cả chính quyền cơ sở? Nếu "kinh doanh" và "pháp luật" đều quan trọng, sao không trình bày cho hài hoà, dễ nhận biết như các số "Kinh doanh và Pháp luật" số hàng ngày? Nếu muốn bạn đọc phân biệt số thường với số "cuối tuần", đâu có thiếu gì cách: ví dụ trình bày khác về kiểu chữ, màu sắc, hoặc viết chữ "Kinh doanh" to hơn chữ "Pháp luật" (đúng theo chức năng)v.v...

Báo "Kinh doanh & Pháp luật" số thường ngày?
Ảnh: St

          Sự việc hai "Nhà báo" tự xưng là "phóng viên" của báo "Pháp luật", tự động sục sạo vào nhà dân, không xin phép chủ nhà, sau đó vào chính quyền xã đòi làm việc với lý do mơ hồ,...chưa xảy ra điều gì nghiêm  trọng; chúng tôi cũng không biết đây là hai người đóng giả "Nhà báo", hay hai Nhà báo "xịn" của báo "Kinh doanh & Pháp luật" đóng giả "Nhà báo" của báo "Pháp luật Việt Nam". Tuy nhiên, qua sự việc này, sau khi tìm hiểu thêm mới thấy lĩnh vực báo chí lộn xộn hơn  chúng tôi tưởng nhiều. Đó là có quá nhiều "báo", ("tin nhanh", "tin tức", "xa lộ tin tức"...) ăn theo cái tên "Pháp luật". Trong đó, nhiều "tờ" chúng tôi cũng không thể biết thuộc về cơ quan chủ quản nào, lý do nào để chúng có mặt trên "thị trường báo chí". Xin tạm liệt kê sơ sơ một số báo có gắn với hai chữ "Pháp luật" (gồm cả báo giấy và báo điện tử):


-"Đời sống & Pháp luật" (Cơ quan của Hội luật gia Việt Nam)
-"Tin nhanh Pháp luật đời sống" (Tin tức pháp luật đời sống & xã hội).
-"Báo vệ Pháp Luật" (Viện kiểm sát Nhân dân tối cao).
-"Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh" (Sở tư pháp TP HCM)
-"Pháp luật & Xã hội" (Báo điện tử Sở Tư pháp Hà Nội).
-"Pháp luật & thời đại" (do xem qua ảnh chụp trên mạng, chúng tôi không rõ cơ quan chủ quản).
-"Xa lộ Pháp luật" (qua ảnh chụp trên mạng nên không rõ cơ quan chủ quản).
-v.v....
Rất giống báo "Kinh doanh & Pháp luật"

          Với không ít độc giả, dường như chỉ duy nhất có một tờ báo, gọi là "báo Pháp Luật", hoặc mọi tờ báo có hai chữ "Pháp luật" đều như nhau, giống nhau. Sau khi xem tờ báo "Kinh doanh & PHÁP LUẬT cuối tuần" mà hai phóng viên của báo "Pháp luật" bỏ lại, chúng tôi tự hỏi, ai đã cấp phép cho báo "Kinh doanh & Pháp luật cuối tuần" trình bày măng séc theo kiểu "Lập lờ đánh lận con đen" như vậy? Mục đích "nhái" theo tờ báo "Pháp luật Việt Nam" để làm gì, hù doạ nhân dân chăng? Hai "Nhà báo" đi trên hai xe ô tô, có hai lái xe riêng, hai xe đều trương tấm biển "Báo Pháp Luật", cổ đeo máy ảnh, tay cầm "báo Pháp Luật", mạo danh báo "Pháp luật", phải chăng cố tình "Hư trương thanh thế", "Hồ giả hổ uy"? Nguyên nhân do đâu mà hai "Nhà báo" này dám mạo danh báo "Pháp Luật Việt Nam"? Phải chăng chính cơ quan quản lý báo chí, báo "Kinh doanh & PHÁP LUẬT cuối tuần" đã trình bày lập lờ, tạo điều kiện cho họ dễ dàng lừa nhân dân, bạn đọc? Đây là kết quả của "thượng bất chính, hạ tắc loạn"?

                                                                        HTC/1/7/2016