Danh thắng Ngũ Hành sơn Ảnh: Du lịch Đà Nẵng |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Xứ Quảng xưa là vùng đất
rộng dài suốt dải phía Nam Trung bộ, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Khánh Hòa,
Bình Thuận... Người Thanh Hóa đầu tiên đến Quảng Nam theo sử chép, là Hoàng đế
Đại Việt Lê Đại Hành.
Thời bấy giờ, nếu đế chế phương Bắc
xưng là “Thiên triều” cai quản “vạn quốc” thì vương triều Chăm – pa cũng tự
phong “vị thần tối cao” của thiên hạ. Nước ta bị xem là miếng mồi ngon đặt giữa
hai con sói, một lớn, một bé đều thèm ăn, khát uống, lúc nào cũng sẵn sàng nhe
nanh, múa vuốt. Nhà nước Đại Việt không muốn gây chiến tranh. Sau khi “phá
Tống”, buộc phải “bình Chiêm” vì vua Chiêm Ba Mỹ Thuế (Paramesvaravarman I) bắt giam hai sứ giả hòa bình Từ Mục và Ngô
Tử Canh. Hoàng đế Lê Đại Hành tự làm tướng tiến quân vào tận kinh đô In-đra-pu-ra,
chém tại trận kẻ cầm đầu vương triều Chăm – pa, ở Đồng Dương, Quảng Nam.
Văn hóa Xứ Thanh, đóng góp xây dựng
miền đất phía Nam bắt đầu in dấu ấn rõ nét nhất sau sự kiện năm 1558, Nguyễn Hoàng (con
trai Nguyễn Kim) được vua Lê Trung hưng sai đi trấn thủ Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng
người Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, mang theo hơn 1.000 binh sĩ, 500 gia nhân, tôi tớ,
chưa kể nhân dân, đều là người Thanh Hóa. Đây là đợt di dân, cuộc Nam tiến đầu
tiên, và lớn nhất trong lịch sử, được sách vở ghi chép, đánh giá cao. Cuộc di dân
Nam tiến lớn thứ hai, năm 1600 cũng do Nguyễn Hoàng, nhân chuyến ra Bắc chúc
mừng vua Lê Trung hưng trở lại Thăng Long, được nhân dân Thanh Hóa đi theo khá
đông.
Sau khi kinh lý xong phủ Quảng Nam,
Nguyễn Hoàng kiện toàn phủ Quảng Ngãi, phủ Bình Định, rồi lập lên phủ Phú Yên.
Danh thắng Ngũ Hành sơn Ảnh: Du lịch Đà Nẵng |
Họ Lương ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nhiều người làm quan với nhà Lê.
Lương Văn Chánh là võ quan trẻ tuổi, sớm thăng tiến đến chức Đô chỉ huy sứ. Ông
theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, rất được tin dùng. Trọng nhậm Tuy Viễn Lương
Văn Chánh vượt cõi, đánh đuổi bọn trộm cướp, giặc dã, giữ yên miền biên giới,
nhân đó ông đem quân vào Phú Yên đóng lại và chiêu mộ lưu dân người Việt từ Bắc
vào, đưa đi khai hoang, lập thành trại ấp, đặt hương chức cai quản, sai tuần
đinh phòng gian, trừ nghịch. Khi tình hình Phú Yên tương đối ổn định, năm 1597,
Nguyễn Hoàng ban lệnh sáp nhập vùng đất mới này vào địa đồ Thuận - Quảng, thăng
chức Phù Nghĩa hầu cho Lương Văn Chánh, quyền coi huyện Tuy Hòa, trấn An Biên.
Ban đầu dựng làng, Lương Văn Chánh dựa
theo lối kiến trúc Xứ Thanh mang tính phòng thủ như làng cổ Trung Lập (Thọ
Xuân), làng cổ Đông Sơn (thành phố Thanh Hóa)... chung quanh có hào, lũy, giữa
là đường xương cá tỏa ra các ngõ xóm, nhà cửa ở gần nhau, nương tựa vào nhau,
tiện giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn. Mỗi nhà lại có bờ rào gai, cổng ngõ
để phòng gian tự bảo vệ mình. Quá trình xây dựng, phát triển ngày càng thêm
nhiều luồng di dân mới bổ sung, đất đai mở mang, đồng ruộng khai phá không
ngừng.
Chúa Nguyễn Hoàng năm 1611 chính thức
đặt thêm phủ Phú Yên bên cạnh phủ Quảng Ngãi, gồm hai huyện Tuy Hòa, Đồng Xuân,
sai Chủ sự Văn – Phong làm Lưu thủ, phủ Phú Yên, thay Lương Văn Chánh tuổi già.
Phía bắc phủ Phú Yên là phủ Quảng
Ngãi. Năm 1601, Nguyễn Hoàng cử Huỳnh Công Thiệu, tước Vũ Sơn hầu làm Chánh Đề
Lĩnh cai quản phủ Quảng Ngãi Bởi tuy đã là đơn vị hành chính từ lâu, nơi đây
vẫn thường bị quân giặc quấy phá, phải dùng võ quan biết văn trị để phụ trách
quân dân sự vụ.
Huỳnh Công Thiệu, người làng Cam Giá,
huyện Tống Sơn (Hà Trung, Thanh Hóa) là tướng tâm phúc của Chúa Nguyễn Hoàng,
do công lao được phong đến tước hầu. Phía Nam Quảng Ngãi, còn nhiều đất hoang,
rừng rậm, nơi trú ngụ của loài ác thú, kẻ gian phi. Bởi vậy, phải khai hoang phá rậm để
chúng không còn chỗ ẩn nấp, vừa thêm nguồn lợi cho nước, vừa giúp dân an cư lạc
nghiệp. Công Thiệu chiêu mộ kẻ nghèo đói lang thang, phiêu bạt, không kể người
Chăm hay người thiểu số, cùng người Việt phá rừng rậm làm ruộng, khai hoang lập
ấp, khơi ngòi lấy nước tưới, đắp đập chắn lũ, chẳng bao lâu cả một vùng hoang
rậm thành xóm làng trù mật (1).
Địa bàn Huỳnh Công Thiệu tổ chức khai
khẩn, lập thôn ấp, nay là các xã Phổ Ninh, Phổ Minh, thị trấn Đức Phổ và các
vùng phụ cận phía đông, phía tây xã Hòa Phố, cho tới đèo Bình Đê giáp ranh tỉnh
Bình Định. Ông tổ chức lưu dân và binh lính làm các công trình thủy lợi, xây
dựng hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tài liệu địa phương còn
lưu giữ được khá cụ thể. Công Thiệu cho đắp đập, xẻ khe ngòi tạo nên hệ thống
dẫn nước từ sông Trà Câu như đào kênh Bàu Sếu ở ấp Trường Sanh, Phổ Minh, đắp
đập Quán, đập Dịu thôn Tân Tự, Phổ Minh, đập Đồng Nghệ thôn Nho Lâm, Phổ Hòa,
đập Vực Tre, ấp An Ninh, Phổ Minh. Các công trình thủy lợi nhỏ này không chỉ
đáp ứng tốt nhu cầu cho đồng ruộng mới khẩn hoang trên diện rộng, mà còn góp
phần vào phát triển nông nghiệp ở vùng đất phía Nam huyện Mộ Hoa, phủ Tư Nghĩa
(Quảng Ngãi) lúc bấy giờ.
Tổng số ruộng đất do Huỳnh Công Thiệu
tổ chức khai khẩn tới 2.000 mẫu. Tiếp tục sự nghiệp của cha, con trai Huỳnh
Công Bằng và cháu nội Huỳnh Đăng Khôi và Huỳnh Đăng Lễ cũng mộ dân khai khẩn
thêm đất đai các vùng phụ cận từ xứ Lộ Bôi cho đến Bình Đê... lập nên nhiều tụ
điểm dân cư đông đúc.
Khoảng năm 1610, Huỳnh Công Thiệu đem
quân đánh đuổi giặc Man cướp phá bờ cõi, bị hy sinh tại trận. Nhân dân địa
phương lập đền thờ ông ở xã Lộ Bôi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đời vua
Thành Thái thứ 2 (1890) ban sắc phong để tưởng nhớ công lao Huỳnh Công Thiệu,
tôn hiệu Dực bảo trung hưng linh phù chi thần, cho dân xã thờ phụng như cũ.
Người Thanh Hóa di cư vào miền đất Nam
Trung bộ theo con đường lưu vong dưới thời Lê Trung hưng ngày càng đông. Nhiều
gia đình phát triển thành dòng họ lớn, nhưng rất ít dòng họ có gia phả hoặc giữ
được gia phả. Đa số chỉ ghi nhớ theo truyền ngôn. Như các họ Phạm, họ Nguyễn,
họ Đỗ... ở làng Phương Cựu, xã Phương Hải, huyện Ninh Khánh (nay là Ninh Hải) tỉnh
Ninh Thuận, các cụ cao tuổi được truyền lại, tổ tiên xưa vốn người Thanh Hóa
(2).
Ở làng Phương Cựu (tỉnh Ninh Thuận),
riêng họ Lê Duy hiện còn giữ được nhiều giấy tờ xưa và bản gia phả ghi chép cụ
thể nguồn gốc gia đình, dòng họ mình.
Thủy tổ họ Lê Duy làng Phương Cựu là
hai anh em ruột Lê Duy Đằng, Lê Duy Đăng ở xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn (nay thuộc
thành phố Thanh Hóa). Đời vua Lê Chiêu Thống, hai anh em sợ quân Tây Sơn giết
hại, cùng 28 bạn làm nghề chài lưới dùng thuyền buồm chạy một mạch đến cuối tỉnh
Khánh Hòa, tạt vào một nơi gọi là Mò Ô (nay là ấp Thanh Xương, bán đảo Cam
Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Trú ở Thanh Xương ít lâu, ông Đằng qua đời, ông em theo
lời dặn của anh, táng thi hài vào chỗ vốn là đầm lầy, rồi tiếp tục cắm sào bỏ
neo tại đây. Ông định ở lại lâu dài nên dựng từ đường trên đất liền, đặt linh
vị ông bà, tổ tiên để lo phần hương khói. Một thời gian, nhận thấy đất Thanh
Xương chỉ lợi nghề nông, không tiện nghề biển, ông Đăng đem gia đình vợ con,
các cháu cùng 8 người bạn chài: Lê Công Hầu, Lê Công Ích, Lê Sĩ Cảnh, Lê Hiển
Đạt, Trương Quang Tuyến, Trần Anh Tuấn (còn hai anh em họ Nguyễn bị khuyết tên)
dùng thuyền buồm nhỏ, nhổ neo đi tiếp vào phía trong dừng lại cửa Nại (ấp Duy
Khương, đồi Dư Khánh, nay thuộc tỉnh Ninh Thuận) rồi di chuyển đến bên kia sông
làm nghề chắn đăng bắt cá (sau này thuộc thôn Tri Thủy, tỉnh Ninh Thuận).
Một số nhà nghiên cứu văn hóa sông
nước Nam Trung bộ cho rằng: Tập quán dân chài Nam Trung bộ ở ven bờ sông lạch,
cửa biển, bãi ngang bắt nguồn từ truyền thống cư trú lâu đời của ngư dân Thanh
Hóa và Bắc Trung bộ nói chung. Bởi thế làng mạc cửa sông, ven biển Nam Trung bộ
nhiều nơi dân cư tập trung khá đông đúc, mặc dù đất đai không thiếu.
Phía Bắc Bình Định, Phú Yên là Quảng
Nam, Lê Thánh tông năm 1471, sau khi dẹp yên giặc Chiêm, bắt đầu cuộc kinh dinh
lớn. Nhà vua để lại đây hàng vạn binh sĩ và gần 300 tướng văn, tướng võ, trong
số đó rất đông người Thanh Hóa, những hạt nhân gieo mầm sống. Họ chia nhau ở 3
phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn, lúc ấy thuộc thừa tuyên Quảng Nam (nay là
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Riêng ở Quảng Nam, phần đông người họ Lê gốc
Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã được ghi chép và lưu truyền trong các “Gia phả
Lê tộc huynh đệ” (3) nói rõ công lao khai sơn phá thạch, lập nên thôn xã ở khắp
nơi. Dưới đây chỉ kể một số trường hợp tiêu biểu:
- Hoàng thân Lê Tấn Triều có công Nam
chinh 1471 được phong Triệu quốc công, Lê Thánh tông sai ở lại Thăng Hoa trấn
thủ châu Ngũ Hành. Ông tổ chức khai hoang, vỡ hóa, lập làng, tổng số ruộng đất
hơn 6.000 mẫu. Ông còn đem thợ đá An Hoạch (làng Nhồi Thượng) Thanh Hóa vào
khai thác đá quý Ngũ Hành sơn sản xuất đồ đá phục vụ quốc dụng và dân dụng,
truyền đến nay thành một làng nghề nổi tiếng.
- Hoàng thân Lê Tấn Trung (em Lê Tấn
Triều) là công thần Trung hưng phế Lê Nghi Dân đưa Lê Thánh tông lên ngôi, lập
công Nam chinh, được phong tước Triệu quận công. Vua cử ông ở lại châu Lễ
Dương. Ông tập hợp dân vỡ hoang lập ấp, đời sau suy tôn làm tiên hiền nhiều
làng.
- Lê Viết Bang chức Thiêm sự chỉ
huy, sau cuộc Nam chinh 1471, Lê Thánh tông sai ở lại trấn thủ đất Chiêm Động.
Nơi đây chủ yếu chỉ có thổ dân tính tình ngang ngạnh hay gây gổ đánh nhau. Giặc
cướp ngoài biên rình cơ hội kéo vào cướp phá. Lê Viết Bang đem quân trấn áp bọn
nghịch tặc, nơi nào giữ yên liền mộ dân đến ở vỡ hóa, khai hoang, không phải
nộp thuế. Nhờ vậy, chính dân cư xóm ấp mới lập cũng giúp ông trị an rất đắc
lực. (Nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)...
Nhìn chung Xứ Quảng (Nam Trung bộ),
chúng ta có thể nhận ra những nét khái quát của người Xứ Thanh trên đường Nam
tiến mở đất mở nước . Họ gắn bó với đất đai,
sẵn sàng đem mồ hôi, nước mắt, cả máu xương bảo vệ từng tấc đất, xây dựng quê
hương mới, một quê hương mãi mãi của họ và con cháu muôn đời. Đất dẫu không tốt,
cò vẫn đậu. Đến đây là ở lại đây. Họ chiến thắng mọi kẻ thù. Không có họ, nhiều
vùng đất chỉ là đất chết. Họ mở đất mở cõi, đem mầm sống xanh tươi trải dài mãi
về phía Nam Tổ quốc.
Truyền thống hiếu học và yêu nước Xứ Thanh cũng in dấu ấn
trên quê hương Xứ Quảng. Quy ước vùng quê Phú Yên từ Huỳnh Công Thiệu (thế kỷ
XVI) lưu truyền mãi về sau, các thôn ấp đều trích công điền một phần thích đáng
làm “học điền” để khuyến khích con em đi học nâng cao dân trí. Gia đình Lê Viết
Bang (thế kỷ XV) phát triển thành dòng họ Lê Viết nổi tiếng hiếu học ở huyện
Điện Bàn, Quảng Nam, đến thời hiện đại đã có hơn 30 giáo sư, tiến sĩ, đóng góp
đáng kể cho văn hóa nước nhà...
Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Tú
Ngọc cho rằng đa số những lời hát dân ca Trung bộ, thiên nhiên sông nước thực
sự là những lời ca bắt nguồn từ thực tế lao động trên sông với những điệu hò
lao động: Hò rời bến, hò xuôi nhịp đôi một, hò đường trường, hò cặp bến trong
Hò sông Mã Thanh Hóa (4). Chúng ta cũng thấy dấu ấn dân ca nổi tiếng Xứ Thanh,
điệu hò lao động sông nước trong Hò mái nhì dân ca Bình Trị Thiên, Hò giựt chì
dân ca Liên Khu 5...
GS Trần Quốc Vượng phát hiện một nét
tâm tình người con xa xứ thể hiện ở những địa danh văn hóa “Cồn, Bàu” đặc trưng
của cảnh quan địa lý vùng Trung bộ: Bàu Khê, Bàu Trò, Cồn Vàng ở Thừa Thiên,
Bàu Dũ, Bàu Trám, Cồn Hậu Xá ở Quảng Nam, Cồn Cam Ranh ở Khánh Hòa... (5) . Xin
nói thêm, riêng địa danh văn hóa cồn, bàu ở Thanh Hóa làng quê nào cũng có,
chứng tỏ cái gốc của chúng không thể nơi nào khác ngoài Xứ Thanh.
GS Lê Văn Hảo còn đề cập múa Lên đồng
ở điện Hòn Chén, múa Bát dật cung đình Huế (6). Nhưng thôi, bài viết này đã quá
dài mặc dù tác giả phải lướt qua, lượt bớt nhiều, rất nhiều điều thú vị về dấu
ấn văn hóa Xứ Thanh của người Thanh Hóa trải dài trên con đường vạn dặm mở đất
mở cõi phương Nam đến tận vịnh biển An Giang...
H.T.P
(1)
Tài liệu Bào tàng tỉnh Quảng Ngãi cung cấp.
(2),
(3) Phạm Ngô Minh – Lê Duy Anh: Nhân vật họ Lê trong lịch sử - NXB Đà Nẵng,
2001 (Theo thông tin từ bạn đọc, thì tài liệu ghi chép về Lê Tấn Triều của sách này không chính xác. Vì chưa có điều kiện khảo cứu, nên chúng tôi tạm xếp ba nhân vật Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung, Lê Viết Bang vào diện tồn nghi).
(4)
NS Tú Ngọc: Dân ca người Việt – NXB Âm nhạc – Hà Nội, 1994.
(5)
Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm – NXB Văn học Hà Nội,
2005.
(6)
Lê Văn Hảo: Huế giữa chúng ta, NXB Thuận Hóa – Huế, 1981...
1- Nhưng NGHIÊN CỨU NHƯ THẾ NÀY là QUÝ VÔ CÙNG để HẬU DUỆ biết NƯỚC MÌNH từ ĐÂU.
Trả lờiXóa2- Nhưng KHÔNG BIẾT là, SỰ CÔNG BỐ NHỮNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NÀY là LỢI hay HẠI đây.
3- Bao năm nay, kể từ khi vào Cấp 3(1958), học về Tự Lực Văn Đoàn, tiếp cận “Điêu Tàn” của Chế Lan Viên, mình đã THẮC MẮC về GIÁ TRỊ của ĐIỀU TÀN.
- Về Nghệ thơ thì không bàn, HAY hay DỞ MÌNH KHÔNG QUAN TÂM.
- Nhưng VỀ “TÌNH”, Điêu Tàn THƯƠNG TIẾC AI và THEO ĐÓ là CĂN GHÉT- LÊN ÁN AI GÂY NÊN CẢNH ĐIÊU TÀN NÀY.
Một chàng trai 17 tuổi, có chút năng khiếu thơ, CHÚT TÂY HỌC, kiến thức CHƯA HẾT PHỔ THÔNG(Chưa đậu Tú Tài) ĐÃ TƯỞNG MÌNH “KINH BÁC” lắm, từ bỏ HỌ PHAN(Phan Ngọc Ngoan), ĐỔI DANH THÀNH CHẾ(Chế Lan Viên) cho ĐẶC HẬU DUỆ “Vua Chàm”(Chế Mân- Chế Củ- Chế Bồng Nga) và THƯƠNG SÓT TIÊN TỔ “VANG BÓNG MỘT THỜI” đã TRỞ NÊN ĐIÊU TÀN dưới VÓ NGỰA XÂM LĂNG của ĐẠI VIỆT(Khởi đầu là Các Chúa Nguyễn, mở rộng là Lê Trịnh).
4- HAY THẬT! Một BẢN ÁN cho ĐẠI VIỆT do CHÍNH ĐẠI VIỆT TỰ KẾT ÁN MÌNH mà ĐƯỢC TREO GIỮA TRỜI NAM.
5- Sự DIỆT VONG của TỘC CHÀM là DO NHIỀU NGUYÊN NHÂN, nhưng KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NGUYÊN NHÂN từ ĐẠI VIỆT.
6- Với vị trí ÔNG THẦY DẠY TRÒ CĂMPUCHIA, tôi đã TỪNG NGHE học viên CĂM nói rằng: CÂY Th’Nôt MỌC Ở ĐÂU thì ĐÁT CHIÊM THÀNH ở ĐÓ.
7- Tuy CĂMPUCHIA là Chân Lạp, Chàm Chiêm Thành, gắn với Lào nhiều hơn, NHƯNG CẢ CHIÊM THÀNH và CHÂN LẠP(Nhất là phần Lục Chân Lạp, phần Đất liền, khác vùng đảo Đông Nam Á) ĐỀU CÙNG SỐ PHẬN bị “ĐIÊU TÀN” “Từ thưở mang GƯƠM ĐI MỞ NƯỚC / Trời Nam thương nhớ Đất Thăng Long(Thơ Huỳnh Văn Nghệ)