Cây đa làng Đoài Ảnh: HTC |
Cuối năm
1947 tôi đi chăn vịt ở trại Bái Quang không ghé qua nhà ông Hẩy lần nào, phần
vì trái đường, phần khác là chủ yếu: Anh Nậu không lấy chị Vượng nữa. Có lẽ do
cái duyên cái số, lắm khi ông trời dở hơi trái tính không xe dây nữa chăng?
Thời gian chăn
đàn vịt gốc cho ông bố, tôi ở nhờ nhà chú Côi, liền kề nhà ông Tâm Xiềng, phía
sau vườn là cánh đồng Cồn Hỏng, có con đường đất nhỏ qua Cồn Hỏng về làng Đoài,
có nhà tôi ở cạnh bóng đa đầu làng.
Chú Côi cha
mẹ mất sớm, làm con nuôi ông nội tôi, lấy vợ tên Uyển người làng Chào cùng xã,
ở tạm căn nhà luồng làm cho chú Thuyết tôi. Hai vợ chồng chưa kịp chuyển về
trại Bái Quang thì chú Côi tôi mất thì bệnh thương hàn. Cả nhà thương tiếc chú,
con người siêng năng, khỏe mạnh, hiền lành, ít nói. Thím Uyển ở với ông bà nội
tôi độ một năm thì lấy anh Tấn, em ông Sấn Miện, mới ra ở trại Bái Cốc, đi qua
đồng Phần Tiền thì đến nơi. Người chị ruột chú Côi là Ngoét, lấy chồng ở trại
Bái Sắn, bên kia xứ Đồng Bèo, bỏ lại ba gian nhà trồng hoác, một chiếc giường
tre cũ kỹ, ọp ẹp, bà ông núc bếp vỡ đầu gẫy chân. Bố tôi mượn người nối thêm
cái chái thấp lè tè đằng tây, quây quỳnh nứa cho vịt ở đêm.
Tháng mười
âm, thời tiết chưa rét, ban ngày nắng ấm, ban đêm, trời về sáng hơi lạnh, Mẹ
tôi đánh hai cái tranh mang ra trải giường và một chiếc chiếu chẻ để nằm, một
chiếu đàn (sợi to, cói xấu, dệt cả cây) để đắp. Sang tháng một (11) trời bắt
đầu rét, tôi nằm ổ rạ, trải chiếu đàn cho được bền, đắp chiếu chẻ ấm hơn. Tối
tối, tôi rủ anh Xiềng sang nằm ngủ cho có bạn. Ngày hai bữa, anh Nậu mang cho
tôi hai bát cơm nắm chắc, đựng trong lá chuối hột, mấy lát củ cải nấu với cá
nục chạch. Đang mùa dưa cải cũng là mùa cá nục. Vùng mấy làng duyên hải Bùi,
Đai, Bào...đồng đất cát trồng dưa cải nhiều, phiên chợ nào cũng gánh lên bán ở chợ
Nguyễn xã tôi. Mẹ tôi mua về, thân cải thái muối dưa, củ nấu với cá nục.
Tháng chín
(âm) trời hết bão, thuyền gỗ giương buồm ra khơi xa, thường gặp những tía cá
nục đông tới hàng nghìn, hàng vạn con, nhưng vì lưới hẹp, cũ rách vá, mỗi mẻ
lái không đánh được nhiều. Phải đi xa dài ngày, ngư dân mang theo nồi trách đất
nung (đáy cạn, hông phình, miệng loe) để kho cá ngay ngoài biển...Tôi thích món
củ cải kho cá nục chạch. Có mấy loài cá nục. Các nục bạc má màu da trắng bạc,
mình to bè, ăn ngon béo, hơi hiếm, kho không chắc. Cá nục ván nhỏ hơn cá bạc
má, cũng kém giá trị hơn. Cá nục lầm dễ nhầm với cá nục chạch, không tròn mình,
nhỏ con như cá nục chạch. Đặc điểm nó tròn chắc tựa con chạch, kho với củ cải,
có nước, vẫn săn chắc, để lâu, ngày này qua ngày khác vẫn không gẫy nát. Miếng
củ cải kho mềm nhừ, ngọt vị ngọt mặn của cá, mà cá không bị kém ngon. Cải củ
(cây) muối dưa chấm với nước kho cá nục củ cải cũng rất ngon. Tôi có thể ăn như
thế suốt mùa đông không biết chán.
Tháng chín,
tháng mười, những cánh đồng cạn bao bọc quanh xứ đồng Bèo cấy được lúa mùa đã
gặt xong, người ta tranh thủ cắt rạ, nếu để chậm bị nơm, nhủi, đào khăm, tát
vũng phá nát.
Mùa gặt hái,
đàn vịt gốc của tôi không lo thiếu thức ăn. Chúng bơi luồn trong ruộng rạ, len
lỏi qua các gốc rạ mò nhặt thóc rơi rụng, với vô khối ốc quắn. Nửa buổi, non
trưa, đàn vịt lên bờ đầm Cồn Hỏng nghỉ ngơi, chải chuốt bộ lông kém mượt mà do
đang thời kỳ sinh đẻ. Quá trưa, cả đàn lại tiếp tục công việc đãi bùn đen tìm
thóc vàng của chúng.
Đề phòng kẻ
gian bắt trộm, thính thoảng tôi trèo lên cây sắn bờ vườn phía sau nhà chú Côi
trông chừng về Cồn Hỏng. Mặt trời vàng vàng đỉnh Ngàn Nưa, tôi ra gọi đàn vịt
về nhà. Chúng đã quen tiếng tôi, hễ nghe gọi "coóc coóc" là "cạc
cạc" lạch bạch rủ nhau vào bờ. Con nào con nấy no vác diều, đôi chân trở
nên ngắn ngủn vì cái bụng xệ xuống do quả trứng trong đó chỉ còn mấy giờ nữa là đòi ra "góp mặt với
đời"...
Nghề chăn
vịt gốc thú nhất đối với tôi là sáng dậy thật sớm, mở quỳnh thả chúng đi ăn rồi
vào chuồng nhặt trứng. Chao ôi! Trứng bày la liệt sáng rực lên một màu trắng
lóa trên lớp rơm cũ nhàu nát lót chuồng. Nhưng vào chuồng vịt đẻ, bước chân
phải hết sức cẩn thận, thật nhẹ nhàng, êm ái. Tôi đã mấy lần dẫm lên trứng mà
không biết, vì một số con vịt rất khôn, đẻ xong là dùng mỏ cào rơm phủ lại kín
mít. Nếu trứng vỡ dập vỏ còn ăn được, vỡ nát thì vứt. Năm mươi ba con vịt, mỗi
đêm thu được hơn bốn chục quả trứng, bởi thế nào cũng có một số con đẻ cách
nhật, nhác đẻ, hay bị nồn, người ta cho rằng béo quá, tích ruột không đẻ được.
Thỉnh thoảng có đêm chỉ thu được không đầy bốn mươi quả, chắc chắn do lũ quạ
đen.
Tôi biết
hàng ngày thường có mấy con quạ đen, chiều đến cất tiếng kêu "quạ,
quạ!" xúm nhau lại đè lên lưng vịt mẹ để mổ vào đít. Thế là vịt bị
"động thai" rồi "sảo" (đẻ non). Khi vịt ì ạch bò lên bờ
ruộng để về chuồng, quả trứng non mới có lớp vỏ mỏng rơi ra, lũ quạ nấp trên
cồn đầm lao đến dùng mỏ cắp lấy bay đi tìm nơi vắng vẻ mới ăn. Nòi quạ tinh
quái là thế! Vì làm thằng bù nhìn trên tay phơ phất ngọn cờ rách, đàn quạ cũng
không sợ, chẳng còn cách gì khác, tôi đành cứ chiều muộn vác cái sào chăn vịt
ra đứng gần bờ đầm Cồn Hỏng canh chừng lũ quạ. Khoảng vài tuần như thế, lũ quạ
thấy chẳng xơ múi gì, rủ nhau kiếm ăn nơi khác.
Chẳng bao
lâu Tết đến, đàn vịt nhà tôi "hết đồng" ăn, nghĩa là đồng lúa không
còn hạt thóc rơi, con ốc đá, phải xúc thóc bồ đổ cho chúng ăn, mỗi ngày đến một
đấu (khoảng 8kg). Mẹ tôi xót quá nói: "Tháng hai, tháng ba coi chừng không
đủ gạo ăn mất!" Bố tôi hỏi: "Răng tiền bán trứng không góp lại đong
lúa?". Mẹ tôi đáp: "Tiền trầu, chè, con cá, bó rau, nay thày mi đòi
tiền đi họp, mai lại đi hành, nay thì tiền sắm Tết nữa, lấy mô ra?". Bố
tôi muốn bán đàn vịt, nhưng sau gần ba tháng đẻ, con nào cũng thay lông xơ xác,
gầy như cái bọ trốp, ai mua?
Tết Nguyên
đán sắp đến nơi, mẹ tôi sai anh Nậu ra trại Bái Quang thay tôi trông đàn vịt,
ngày nào bận, gửi ông Tâm Xiềng. Mẹ tôi thấy tôi mười hai, mười ba tuổi đầu mà
người nhỏ troắt, nhỏ troéo như đứa lên chín, lên mười, da đen nhẻm, mốc thếch
đại vương vì bùn đất, thì thương con lắm, rầy la bố tôi hết lời. Bố tôi gắt
lại: "Không thể nâng như nâng trấng (trứng) hấng (hứng) như hấng hoa mãi,
phải để cho hấn quen mùi bùn đất, dày dạn sương gió cho cứng cáp con người mới
được!". Mẹ tôi cáu tiết: "Thứ
bộ dạng thày mi thì được cái đổng đềnh chi, quanh năm suốt tháng lang bạc (bạt)
cầy (kỳ) hồ, rồi xơ xác như xác mướp lúc mô không biết!" Bố tôi nổi hung: "Hừ,
tao làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã, kiêm Hội trưởng Phật giáo xã mà mi dám
biểu tau lang bạc cầy hồ? Đồ lăng loàn! Ông thì thì..." Bố tôi giơ nắm đấm
lên. Mẹ tôi tính ương thách: "Đó,
cứ đánh đi!" Thế là đánh nhau thật! ( Đây cũng là những cảnh thường thấy trong xóm làng tôi thời ấy).
Bát đũa đựng
trong sọt kêu loảng xoảng. Mấy cái nồi đất bị ném ra sân vỡ bồm bộp! Bố tôi túm
lấy tóc mẹ tôi, chỗ yếu nhất của người phụ nữ. Mẹ tôi phải dùng kế sách la làng
"Ố làng!" Bố tôi sợ hàng xóm nghe biết chê cười, liền buông tay. Mẹ
tôi đầu tóc xổ tung, vội tìm nhặt cái khăn, nước mắt cháy ràn rụa. Tôi túm lấy
mẹ kéo vào buồng, miệng an ủi: "Thôi thôi mẹ!" Tôi vốn nhút nhát, sợ
nhất cảnh đánh nhau, không bao giờ dám xông tới can ngăn. Nhưng rồi sóng gió,
sấm sét cũng tan. Rồi chuyện làm ăn trong gia đình lại đâu hoàn đó.
Ra Giêng, ăn
Tết xong, mẹ tôi quyết định tôi ở nhà, "kệ xác mấy con vịt", để nghỉ
ngơi cho khỏe, chỉ việc giở sách ôn bài, chờ hết hè tìm thầy học tiếp. Mẹ tôi
mượn ở bên ngoại được mấy quyển sách, toàn tiểu thuyết. Chiều của Nguyễn Xuân
Huy, Nỗi
lòng của Nguyễn Khắc Nhẫn, Nắng thu vàng của Vũ Trọng Can, Người
nghìn mặt của Phạm Cao Củng. Đã hơn 70 năm trôi qua, bây giờ tuổi già
lấp ló miệng lỗ mới hồi tưởng lại, có thể trí nhớ không thật chính xác, nhưng
vẫn đoan chắc một điều rằng tất cả đều không hay. Tôi không thích!
Mẹ tôi mang
sách đi trả, lại ôm một bọc về, mở ra toàn tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, quyển
nào cũng bọc giấy bóng kính cẩn thận. Tôi thích nhất tiểu thuyết Hồn
bướm mơ tiên của Khái Hưng. Năm học lớp nhất (tương đương lớp bốn tiểu
học phổ thông nay), thầy giáo Ngô Sĩ Ngạn quê Đông Hương, TP Thanh Hóa, bảo ban
chúng tôi đến nơi, đến chốn. Tôi học đều cả 3 môn, nhưng không thấy hào hứng
nhất môn nào, văn hay toán, hoặc sử. Thi tốt nghiệp xong thì vứt sách vào đâu
đó không nhớ. Có lẽ sau khi đọc xong Hồn bướm mơ tiên, tôi mới cảm thấy
văn là một thứ rất kỳ lạ, đầy mơ tưởng...
Đó là cơ sở
ban đầu khiến tôi say sưa môn văn khi học lớp đệ nhất trường Trung học Tư thục
Hoài Văn, thầy giáo là Nhà văn Trần Thanh Địch. Hết niên khóa, môn Việt văn,
thầy Trần Thanh Địch phê "Khá", Toán-Lý-Hóa thầy Lê Đức Tứ nhận xét:
"Thông minh nhưng lười", môn Pháp văn, Anh văn học với thầy Lê Văn Diệm
cũng vậy. Năm Đệ nhị trường Trung học tư thục Na Sơn, tôi đọc nhiều sách, thế
mà bị thầy Nguyễn Trác phệt cho chữ "kém"! May môn lý, hóa, thầy Phan
Thế Roanh phê "trung bình", thầy Phan Trừng Thanh, con trai còn rất
trẻ của thầy Roanh, cháu nội Nhà thơ chữ Hán Phan Mạnh Danh (Tác giả Bút
hoa thi thảo) dạy Toán rất dễ hiểu, cho chữ "khá". Ngoài ra, cũng cần nói tới cái món ngoại ngữ tôi vốn không ham
thích. Từ năm cắp sách đi học đồng ấu, tôi đã bắt đầu học tiếng Tây, sau ba năm
chẳng được mấy hột chữ. Cách mạng tháng Tám thành công, tôi học tiếp lớp Nhì, lớp
Nhất bậc Tiểu học, bỏ môn tiếng Pháp, nhẹ nhõm cả người. Lên bậc Trung học,
khôi phục Pháp văn, lại thêm Anh văn, thêm một gánh nặng đối với tôi. Một buổi
nói chuyện với học sinh về ngoại văn, ông Hiệu trưởng Trần Thanh Mại khuyến
khích học sinh chuyên sâu Pháp văn để đủ trình độ thưởng thức văn chương Pháp,
còn Anh ngữ rất cần thiết cho ngoại giao, buôn bán...Tôi nghĩ ông hiệu trưởng
nói đúng, vì tôi được học mấy trích đoạn của văn sĩ Pháp nổi tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét