Của GS NGUYỄN LÂN
MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG SAI SÓT
(Tiếp theo, mục chữ cái B)
B
Ba mươi sáu chước
(dịch từ chữ Hán: tam thập lục kế) Ý nói trốn đi là hợp.
Ba mươi sáu chước
đúng là dịch từ “tam thập lục kế”.
Tuy nhiên nó đâu có nghĩa “trốn đi là
hợp” nếu không bao gồm cả vế thứ hai “chước chuồn là hơn” ? (Giống như câu
nguyên văn chữ Hán phiên âm: Tam thập lục
kế, tẩu vi thượng sách)
Cuốn Từ điển không thể tin cậy của GS Nguyễn Lân |
Bạch hổ. Con cọp trắng vẽ trong các tranh
tôn giáo.
Giải
thích như vậy là phiến diện. Bởi cọp trắng không chỉ xuất hiện trong tranh thờ
mà nó còn là con vật có thật, sống hoang dã. Theo Bách khoa toàn thư mở “Hổ trắng hay Bạch
hổ là hổ với một gen lặn tạo ra những màu sắc nhạt. Một đặc tính di
truyền làm cho các sọc của hổ rất nhạt; trắng”.
Bạch yến (yến: chim én) Chim én trắng: Bạch yến trong lồng làm cảnh.
Cần
phân biệt giữa chim én (đuôi chẻ hình
chữ V, bay chấp chới bắt côn trùng, gắn với hình tượng mùa xuân) và chim yến nuôi trong lồng. Chim yến nuôi trong
lồng nghe hót, làm cảnh có nhiều sắc lông như: bạch yến, hoàng yến, hồng yến...Trong khi chim én ngoài bầu trời
gắn với hình tượng mùa xuân, đuôi chẻ chữ V, có mầu lông thuần nhất: lưng cánh
mầu sẫm biếc, bụng màu trắng bạc. Vì không thuần trắng nên người ta không gọi
là bạch yến mà gọi là ngân yến (én bạc), ý chỉ cái mầu trắng
như ánh bạc ở bụng con én. Cách giải thích của GS Nguyễn Lân là lẫn lộn giữa
hai con hoặc biến hai con làm một.
Bát dật
(bát: tám; dật: yên vui) Lối múa xưa, có tám hàng, mỗi hàng tám
người: Múa bát dật trong cung
điện.
Đội múa có tới 64 người tham gia quả là vui thật. Mà có yên thì mới vui, mới bày đặt ra chuyện múa may...Nghe thật có lý ! Thế nhưng “dật” (佾) ở đây không phải là
“yên vui” mà có nghĩa là hàng. Không biết chữ "dật" với nghĩa "yên vui" có tự dạng như thế
nào và soạn giả căn cứ vào sách nào ? Hán
Việt tự điển của Thiều Chửu cho biết:
"Dật 佾 : Hàng dật. Trong lễ định vua Thiên tử được bắt sáu mươi
tư người múa bài hát, mỗi hàng tám người gọi là múa bát dật". Chính soạn giả đã thừa nhận“bát dật” là “Lối múa xưa, có tám hàng,
mỗi hàng tám người” đấy thôi.
Bay lả bay la. Nói chim bay nơi này nơi khác sát mặt đất: con quạ bay lả bay la tìm mồi.
Chưa
chính xác.“Bay sát mặt đất” là kiểu bay là là. Đó là kiểu bay dang thẳng hai
cánh (chứ không vẫy) để hạ dần độ cao và chọn vị trí đỗ của con cò (và nhiều
giống chim cánh rộng khác). Nếu chưa chọn được nơi đỗ ưng ý, con cò tiếp tục
vẫy rất nhanh đôi cánh để tăng độ cao, sau đó lại tiếp tục động tác bay là là.
Và cuối cùng, nó liệng lại (vòng lại một quãng ngắn) để triệt tiêu quán tính
bay rồi mới nhẹ nhàng đỗ xuống mà không bị trượt dài trên mặt ruộng. Còn “bay lả bay la” là kiểu bay trên bầu
trời cao rộng, cánh của chim dài mà vẫy khoan thai, mềm mại như “lả”, như “la”
vậy. Cần lưu ý, chỉ khi bay cao, nhờ vào gió và các luồng khí bốc lên từ mặt
đất, con chim, con cò mới cỏ thể vẫy cánh khoan thai, thậm chí chỉ cần dang hai
cánh mà liệng, bay. Còn khi bay sát mặt đất, hai lợi thế kia không còn, nếu "bay nơi này nơi khác" bắt
buộc nó phải vẫy cánh liên tục, nếu không muốn rơi lăn quay xuống đất. Cuối
cùng ví dụ “con quạ bay lả, bay la” nên
thay bằng hình ảnh quen thuộc, chính xác hơn “Con cò bay lả bay la” trong ca dao.
Bắc thần
(bắc: phương bắc; thần: tinh thần) Ngôi
sao sáng nhất trong chùm sao tiểu hùng tinh, giúp người ta xác định hướng chính
bắc.
Sai
nghiêm trọng. Chữ thần (辰) ở đây chỉ chung mặt
trời, trăng, sao. Ví dụ “Vi chính dĩ đức,
thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng
tinh củng chi:為政以德,譬如北辰,居其所而眾星拱.Nghĩalà: Dùng đạo đức để giải quyết việc nước thì
cũng ví như ngôi sao Bắc cực, ở yên một chỗ mà các ngôi sao khác đều chầu về (Luận
ngữ - Vi chính). Chữ thần (辰) này khi đọc là thìn lại có nghĩa là rồng - chi thứ năm trong thập nhị chi. Còn chữ thần trong tinh thần có tự dạng là (神),
không liên quan gì đến bắc thần (北辰).
Ở đây chữ thần (辰) phải có nghĩa là trăng sao
thì “bắc thần” mới nghĩa là "ngôi sao sáng nhất" thuộc
chùm tiểu hùng tinh ở phía Bắc như chính GS Nguyễn Lân đã giảng chứ ? Nếu "thần" là “tinh thần” thì "bắc
thần" lại nghĩa là "tinh thần phương Bắc" hay phương nào đó
rồi !
Bần nông
(bần: nghèo; nông: làm ruộng)
Nông
đây là người làm ruộng (danh từ) chứ
không phải “làm ruộng” động từ.
Bất chắc. Không chắc nhưng có thể cũng sẽ diễn ra: Phòng khi bất chắc dụng binh
(Tú-mỡ)
Người
Việt chỉ nói không chắc chứ không
dùng kết hợp từ: bất (không) + chắc (chắc chắn) = không chắc. Hơn nữa, soạn giả
đã lẫn lộn giữa bất chắc (từ do tự GS Nguyễn Lân nghĩ ra) có nghĩa không chắc và bất trắc với nghĩa không lường được trong câu thơ của Tú
Mỡ. Sai sót này xuất phát từ lỗi phát âm
không phân biệt “ch” và “tr” dẫn
đến lỗi chính tả, và cuối cùng là lỗi từ vựng của chính người làm từ điển.
Béo mầm. Béo và khoẻ.
Chưa
chính xác. Từ này không hàm ý béo khỏe. Béo mầm = Béo mềm và mũm mĩm những thịt
mới đúng.
Béo ngấy. Thức ăn có nhiều mỡ quá.
Béo ngậy. Như béo ngấy.
“Béo ngậy”
không thể đồng nghĩa với “béo ngấy”.
Béo ngậy = Béo có vị ngọt, bùi, dậy mùi thơm ngon quyện lẫn nhau. Còn “béo ngấy” = béo khiến người ta không muốn ăn nữa vì quá
nhiều mỡ.
Bón đón đòng.
Bón
phân cho lúa khi sắp trổ bông: Kịp
thời bón đón đòng nên năng suất cao.
Đã
gọi là “bón đón đòng” có nghĩa phải bón khi lúa mới bắt đầu giai đoạn hình
thành đòng chứ ? Sao lại bón vào lúc lúa sắp trổ bông ? Khi lúa sắp trổ bông
người ta gọi là có đòng già hoặc đòng trổ. Lúc này quá trình hình thành đòng đã xong. Đòng to hay
đòng nhỏ, bao nhiêu vỏ hạt cũng đã định hình; lúa chỉ đợi trổ bông, phơi màu
thụ phấn và vào chắc nữa là ổn. Vậy, bón đón đòng được tiến hành khi nào ? PGS
TS Nguyễn Văn Bộ-Trường đại học Cần Thơ cho biết: “Để có bông lúa nhiều hạt và
hạt to, cần phải bón phân đón đòng đúng lúc và đủ lượng. Thông thường, nông dân
dựa vào thời gian tính từ khi sạ (khoảng 40 - 45 ngày) để bón đón đòng. Bón đón
đòng dựa vào thời gian không chính xác vì thời điểm tượng đòng thay đổi theo
chu kỳ sinh trưởng của giống, thời tiết và kỹ thuật canh tác. Bón sớm cây lúa
tiếp tục nhảy chồi, chồi sẽ cạnh tranh dinh dưỡng ảnh hưởng đến bông; bón trễ khi
hạt trên bông đã hình thành, dù bón phân cũng không thể nào tăng thêm số hạt
được. Thường sau khi sạ 36 - 38 ngày phải thăm ruộng thường xuyên, nhổ cây lúa
xé ra quan sát đỉnh sinh trưởng, khi thấy có tim đèn (hay còn gọi là bông gòn)
nhô lên chừng 1mm là bón đón đòng được”. (Quản
lý tốt giai đoạn làm đòng, lúa có năng suất cao-Báo Kiên Giang). Thời gian từ có tim đèn (hay tượng đòng) này đến lúc trổ cũng phải
mất đến 25 ngày, đủ để cây lúa hấp thu dinh dưỡng nuôi đòng và nuôi hạt sau
này. Nếu
thực tế có chuyện bón phân vào lúc lúa sắp trổ bông thì phải gọi là bón “tiễn
đòng” mới đúng chứ không còn đón rước gì nữa. Tuy nhiên, không ai còn đem phân
bón cho lúa thời kỳ này.
Bón lót.
Bón
phân vào ruộng trước khi cấy lúa: Đã
bón lót rồi nên cấy kịp thời.
Bón
lót không phải là khâu kỹ thuật chỉ áp dụng cho cây lúa nước. Trong thâm canh
cây trồng, từ đậu, lạc, ngô khoai...đến các loại cây công nghiệp mía, dứa, cà
phê, rồi cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp đều áp dụng biện pháp kỹ thuật bón
lón. Nói về khâu “bón lót” nói chung
phải giải nghĩa là: bón phân trước khi cấy, trồng hoặc gieo hạt, nhằm cung cấp
dinh dưỡng kịp thời cho cây ngay sau khi bén rễ, hồi xanh, ra lá mới.
Bón phân.
Bỏ
phân vào ruộng: Bón phân bằng
u-rê.
Người
ta thực hiện bón phân với mọi loại đất trồng. Không chỉ ruộng mới bón phân và
cần phải bón phân. Bởi vậy “bón phân” phải
được giảng là: bỏ phân vào đất để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Bón thúc.
Bón
phân để đẩy mạnh sự trưởng thành của lúa: Nhờ có bón thúc nên lúa được xanh tốt.
Bón
thúc cũng là biện pháp kỹ thuật áp dụng cho tất cả các loại cây trồng thâm
canh, không riêng gì cây lúa. Ví dụ: bón thúc cho ngô, mía, cây ăn quả các
loại. Bón thúc được thực hiện vào những giai đoạn cây trồng cần nhiều dinh
dưỡng để sinh trưởng, phát triển như: giai đoạn phát triển thân, lá, đẻ nhánh,
phân cành, giai đoạn hình thành hoa, giai đoạn nuôi quả.
Nhìn
chung các từ bón lót, bón phân, bón thúc
mà GS Nguyễn Lân giải thích chỉ phù hợp với các chuyên đề về kỹ thuật trồng lúa
nước chứ không phải là “Từ điển từ và ngữ
Việt Nam” nói chung.
Bong bong.
Tả
tiếng kêu nhỏ và thanh: Sóng dồn
mặt nước vỗ bong bong (HXHương)
Câu
thơ của Hồ Xuân Hương mà GS trích dẫn ở trong bài “Kẽm Trống”.Thơ Hồ Xuân Hương thường có nhiều dị bản. Tuy nhiên trong trường hợp này GS Nguyễn Lân đã trích dẫn sai. Chính xác là: “Gió đập cành cây khua lắc cắc, Sóng
dồn mặt nước vỗ long bong”. Như thế vỗ "long
bong" đã bị GS trích dẫn thành vỗ “bong bong”). Chúng ta thấy ở câu trên là khua “lắc cắc”
chứ đâu phải khua “cắc cắc” ? Phải là từ “long bong” mới tinh tế và phù hợp với âm thanh rất
khó tả của nước dội vào Kẽm Trống. Nó khác hẳn với tiếng kêu "bong bong" khô cứng phát ra
từ chiếc trống bỏi (muỗi).
Bồ đề (bồ:
tên cây; đề: nêu lên) (Chữ Phạn bodhi có
nghĩa là giác ngộ, đồng thời chỉ cây bồ đề
mà Thích Ca ngồi dưới gốc trước khi giác ngộ) đạo Phật.
Đây
chỉ là từ phiên âm (từ chữ Phạn bodhi như
chính soạn giả đã thừa nhận). Do đó “bồ"
và "đề” khi tách ra tuy có chữ
mà không có nghĩa. Việc giải nghĩa tách riêng từng từ trong hai từ này là việc
làm...vô nghĩa.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét