27 thg 9, 2013

"TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM"


của GS Nguyễn Lân 
 MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG CÓ SAI SÓT

(Kỳ I Mục chữ cái A-Ă-Â)

HOÀNG TUẤN CÔNG

Cuốn Từ điển có nhiều sai lầm
của GS Nguyễn Lân
Từ điển từ và ngữ Việt Nam - tác giả GS Nguyễn Lân. Xuất bản lần đầu năm 2000, tái bản lần 1 năm 2006, 2.119 trang; tập hợp 51.700 từ và ngữ - Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Lời Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (dịp tái bản lần thứ nhất) cho ta biết: “Sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, Tác giả và Nhà xuất bản đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh công trình này, đồng thời tác giả cũng đã kịp thời sửa chữa, bổ sung những chỗ còn sai sót (*) của lần xuất bản đầu tiên trước khi qua đời 7/8/2003”“… công trình này của GS Nguyễn Lân dù có cố gắng đến đâu vẫn không thể tránh khỏi sai sót, khiếm khuyết …và rất mong nhận được sự ủng hộ và chỉ giáo của quý bạn đọc gần xa”. Trong “Đôi lời tâm
sự thay lời tựa” GS Nguyễn Lân viết: “Trong năm năm qua, mặc dầu tôi đã để toàn tâm toàn ý vào việc biên soạn bộ từ điển này gồm 51.700 từ và ngữ, nhưng vì tuổi cao, có thể có những sai sót, dám mong các độc giả sách này vui lòng chỉ bảo cho”.Với tinh thần xây dựng, chúng tôi xin đáp lời ngỏ ý của GS Nguyễn Lân và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh về cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam (tái bản lần thứ nhất đã được sửa chữa bổ sung của tác giả).
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin được lược bàn những sai sót theo mục chữ cái (từ A đến Y) của từ điển:

A
A hành ác nghiệp (A: dựa theo; hành: làm; ác: ác; nghiệp: kiếp trước) Nói người độc ác hành hạ người khác:Người mẹ chồng a hành ác nghiệp.
Không đúng ! Thứ nhất: nghiệp không phải là kiếp trước. Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn) giải nghĩa “ác nghiệp: nghiệp dữ. Những sự tạo tác dữ mà mình đã gây ra từ những đời trước hoặc trong đời nầy (….) Ác nghiệp là nhơn duyên, còn cảnh khổ đời này và cành khổ đời sau là quả báo”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa chữ “nghiệp”: “Cái nhân, như: nghiệp chướng 業障 - nhân ác làm chướng ngại”. Như thế, “nghiệp” đây không phải là “kiếp trước” mà là cái nhân. Có “ác nghiệp” (nhân ác) và “thiện nghiệp” (nhân lành). Có thể hiểu là hành vi, việc làm của người ta nó giống như hạt giống, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mặt khác, “a” ở đây không phải “dựa theo” mà nghĩa là hùa theo.“A hành” là hùa theo người khác. A hành ác nghiệp là hùa theo người khác để làm điều ác chứ không phải “nói người độc ác hành hạ người khác” như cách giải thích của GS.        
  Á nguyên (Á: sau một bậc; nguyên: bắt đầu) Như á khôi.
“Nguyên” ở đây là đứng đầu chứ không phải là “bắt đầu”. Mục từ “á nguyên” được tác giả chú “như á khôi”. Mà chữ “khôi” ở ngay trang trước đã được chính soạn giả chú nghĩa là “đứng đầu” đấy thôi.
Ái nam, ái nữ. Có cả hai bộ phận sinh dục ngoài của nam và nữ.
Nếu theo cách mô tả của GS Nguyễn Lân có lẽ đây là một ca sinh đôi có “cả hai bộ phận sinh dục ngoài” của một người nam và một người nữ nhưng chung một cơ thể chăng ? Theo Việt Nam từ điển của Hội khia trí Tiến Đức Ái nam. Tiếng gọi  đàn ông hay đàn bà không đủ bộ phận sinh dục. Có khi gọi ái nam, ái nữ, cũng là người bán nam, bán nữ. Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê giải nghĩa: Ái nam, ái nữ. Có bộ phận sinh dục ngoài không giống của nam, cũng không giống của nữ”. Như vậy cách “hình dung” về bộ phận sinh dục người ái nam, ái nữ của soạn giả không đúng và nghe thật đáng sợ !
Anh hùng nhất khoảnh (khoảnh: thời gian ngắn) Nói người tự cho mình là hơn cả mọi người trong một thời gian: Ở bến xe có tên lưu manh tự mình cho là anh hùng nhất khoảnh.
Chữ “khoảnh” trong câu thành ngữ gốc Hán này tự dạng là (頃), có nhiều nghĩa: khoảng ruộng 100 mẫu; thoáng chốc, khoảnh khắc... Ở đây, khoảnh (nghĩa đen = khoảng rộng100 mẫu) được hiểu là một vùng, một địa phận, khu vực (chỉ không gian) chứ không phải khoảnh khắc (chỉ thời gian) như GS lầm tưởng. Thành ngữ nói kẻ chỉ (dám) xưng hùng, xưng bá, làm mưa làm gió trong một khu vực nhất định. Cái “bến xe” mà tên lưu manh tự xưng anh hùng trong câu dẫn chứng của GS chính là“nhất khoảnh” (chỉ không gian) đấy thôi.
  Áo cứ chàng, làng cứ xã. Chê người có tính ỷ lại không biết tự mình lo việc cho mình: Chị ta dạo này thì áo cứ chàng, làng cứ xã, chẳng muốn làm ăn gì.
Chính xác hình thức của câu này phải là “Áo cứ tràng, làng cứ xã”. “Tràng” đây là cái cổ áo, bộ phận quạn trọng nhất của cái áo. Cũng như “xã” (xã trưởng, lý trưởng) là bộ phận chủ chốt, quan trọng nhất của làng (xin xem bài “Chàng hay tràng, vạt áo hay cổ áo” trong cuốn sách này). Đây là một trong những sai sót được soạn giả bê nguyên xi từ cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam.
  Áo rách vẫn giữ lấy tràng (Tràng cái vạt trước của áo dài).
Chính xác “tràng” trong câu tục ngữ này là cái cổ áo chứ không phải vạt trước của áo dài (xin tham khảo bài “Chàng hay tràng, vạt áo hay cổ áo” trong Blog này).

Ă
Ăn lông ở lỗ (ở lỗ tức là cởi truồng) Nói cuộc sống của người nguyên thuỷ.
Thực ra “lỗ” đây có nghĩa là hang hốc, hang động. Ý nói chuyện ăn và ở, chứ không nói chuyện ăn và mặc: ăn thì ăn sống nuốt tươi (còn cả lông của thịt thú rừng) ở thì chưa có nhà cửa mà ở lỗ (hang động).
Ăn ít ngon nhiều. Nói một món ăn chỉ cần ăn ít cũng đã thấy ngon: món tôm này ăn ít ngon nhiều.
Sai sót này cũng thuộc dạng được “copy” từ cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam sang mà chúng tôi đã nói đến trong bài “Những sai lầm mang tính hệ thống của Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”.
Ăn xó mó niêu. Sống chui rúc, khó khăn: Sức dài vai rộng mà chịu ăn xó, mó niêu thế này ư ?
Thực ra câu này ý nói con người hèn kém, không đi đây đi đó để mở mày mở mặt với thiên hạ. Nói hoàn cảnh "sống chui rúc khó khăn" là không đúng.
  Ăn trắng mặc trơn. Nói cuộc sống đầy đủ và nhàn hạ: Thanh niên không nên chỉ lo ăn trắng, mặc trơn.
  Nếu nói "cuộc sống đầy đủ và nhàn hạ" thì các cụ về hưu cũng xứng đáng sống một cuộc sống như vậy lắm chứ ? Chính xác phải là nói lối sống chỉ biết hưởng thụ, tiêu xài mà không chịu lao động để tự làm ra của cải vật chất.

Â
Âm phủ (âm: chết; phủ: dinh thự) Chỗ người chết ở theo mê tín.
Sai ! Ở đây "âm"thế giới của người chết chứ không phải “chết”, “phủ”  là cõi chứ không phải “dinh thự”.
Âm sắc (âm: tiếng; sắc: màu) Tính chất khác nhau giữa hai âm cùng độ cao và độ to hơn: Âm sắc của hai nhạc cụ khác nhau.
Thực ra “sắc” đây nghĩa là sắc thái, tính chất chứ không phải là “màu”, cho dù hai nghĩa đều xuất phát từ chữ sắc có cùng tự dạng là ().
Âm thanh (âm: tiếng; thanh: giọng) tiếng phát ra từ một vật rung động.
Theo Thiểu Chửu “Tiếng  phát lộ ra có điệu trong đục cao thấp gọi là âm. Tiếng phát ra thành văn cũng gọi là âm”. Theo “Quấc âm tự vị” Âm = “Tiếng, cung, giọng”. Thế nên âm còn được hiểu là giọng. Còn thanh có nghĩa là tiếng chứ không phải là “giọng”.
Âm thoa (âm: tiếng; thoa: trâm cài đầu) Dụng cụ bằng kim loại, hình chữ U dùng để lấy âm tiêu chuẩn.
Thực ra chữ thoa () đây không phải cái trâm cài đầu mà có nghĩa là dạng, dang ra, rẽ ra, chính là từ mô tả cái “dụng cụ kim loại, hình chữ U” soạn giả nói. Còn chữ thoa với nghĩa trâm cài đầu có tự dạng là ()
Âm vị (âm: tiếng; vị: nói) Đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có tác dụng phân biệt ý nghĩa của từ.
Thực ra "vị" đây có nghĩa là đơn vị, tự dạng là () chứ không phải tự dạng vị () là nói (bảo). Chính soạn giả đã giảng “âm vị”đơn vị ngữ âm nhỏ nhất...” cơ mà ?
Ẩm thực (ẩm: uống; thực: ăn) Ăn uống: Phải giữ vệ sinh trong việc ẩm thực.
Ẩm thực có nghĩa là ăn uống. Nhưng người Việt chúng ta chỉ dùng những khi nói về văn hóa ăn uống (tức văn hóa ẩm thực) chứ không chỉ ăn uống thường ngày. Ví dụ thường nói: Ăn uống điều độ, chứ không nói Ẩm thực điều độ.
Ân trạch (ân: ơn; trạch: ân huệ) Ơn huệ thấm nhuần (Ân trạch của Hồ Chủ tịch đối với nhân dân).
Thực ra “trạch” () đây là thấm ướt chứ không phải là "ân huệ". Thế nên Thiều Chửu mới giải thích “Ân trạch: làm sự lợi ích (ân đức thấm tới mọi người)” và Giáo sư mới giảng thành "Ơn huệ thấm nhuần" chứ ?
Ẩn dụ (ẩn: giấu kín: dụ: rõ ràng)

Không đúng ! Chữ “dụ” (喻) đây không phải “rõ ràng” mà có nghĩa là so sánh, ví dụ. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa thứ 2 của “dụ” (喻) là “ví dụ”. 

(còn tiếp)

(Lược trích từ "Phê bình từ điển" - HOÀNG TUẤN CÔNG, bản thảo được nhận tài trợ sáng tác của Nhà nước năm 2013-chưa in)
Chú thích:

(*) Người góp ý xác đáng về một số sai sót trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân phải kể đến Nhà khảo cứu An Chi. Được biết GS Nguyễn Lân không phục và phản hồi: «Sau khi đọc bài «Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân» do ông Huệ Thiên viết, tôi rất ngạc nhiên trước những nhận xét sai lệch của ông ấy (...) Ông Huệ Thiên nêu lên đến 34 từ (thực ra là 33 – HT) để phê bình tôi, nhưng đại loại từ nào ông ấy cũng mắc sai lầm cả.» ( Theo khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét