Trúc hoá long Sưu tầm và trưng bày tại TCTP |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Con rồng trông như thế nào? Hơn 3000 năm trước, thời nhà Thương đã thấy xuất hiện chữ long 龍. Thuyết văn giải tự khi giảng về chữ long cho ta biết tập tính kì dị của con rồng: “Lân trùng chi trưởng, năng u, năng minh, năng tế, năng trưởng, xuân phân nhi đăng thiên, thu phân nhi tiềm uyên”, nghĩa là: Rồng thuộc loài lớn nhất trong các loài trùng có vảy, vừa có thể ẩn mình chốn thâm u vắng vẻ, vừa có thể vẫy vùng nơi biển rộng trời cao, có thể to, có thể nhỏ, có thể thu ngắn, có thể giãn dài, Xuân phân thời bay lên trời, Thu phân thời ẩn dưới vực sâu.
Rồng là con vật duy nhất trong 12 con giáp
không tồn tại trong thực tế. Tuy nhiên, rồng lại mang 9 đặc điểm của 9 con vật
khác nhau. Sách Nhĩ nhã dực miêu tả rồng, “giác
tự lộc, đầu tự đà, nhãn tự thố, hạng tự xà, phúc tự thận, lân tự lí, trảo tự
ưng, chưởng tự hổ, nhĩ tự ngưu…”, nghĩa là: Rồng có sừng giống hươu, đầu như lạc đà, mắt thỏ, cổ rắn, bụng giao
long, vảy cá chép, móng chim ưng, tay hổ, tai trâu.
Có rất nhiều giả thuyết về nguồn
gốc của con rồng, nhưng tựu trung có hai thuyết phổ biến hơn cả. Giả thuyết thứ nhất, cho rằng con rồng vốn
là con rắn. Bởi cho dù rồng mang đặc điểm của 9 con vật khác nhau, nhưng cơ bản
nó vẫn mang dáng dấp của một con rắn lớn. Giả
thuyết thứ hai, con rồng là con cá sấu “tiến hoá”. Lí do, cá sấu có hình
dáng tương tự như rồng, từ bàn chân, móng, da, bụng, cho đến cái đầu thô to, miệng
rộng, vây lưng nổi lên lởm chởm, vừa ở nước vừa ở cạn, có thể quẫy sóng đạp nước,
thường xuất hiện cùng lúc với phong ba bão táp,…
MUÔN VẠN GIỐNG RỒNG
Tuy là con vật mang màu sắc huyền thoại, nhưng
rồng cũng có rất nhiều giống, và tên rồng được lấy để đặt tên cho nhiều sự vật
khác.
Giao 蛟 hay giao
long 蛟龍 là giống rồng sống ở
vực sâu. Với người Trung Hoa, thì giao long có khả năng “hưng phong tác lãng” (nổi
gió, dậy sóng), dâng nước gây nên đại hồng thuỷ. Trong khi với người Việt, giao long là con thuồng luồng – một loài thuỷ quái có hình dạng của con rắn khổng lồ
chuyên ăn thịt người. Nó phân bố khá rộng, từ ao chuôm cho đến sông hồ, vực,
thác,… Người ta thường đem thuồng luồng ra doạ trẻ con hay tắm ao, tắm sông. Tương
truyền, suối Thập ở châu Phù Yên (tỉnh Hưng Hoá cũ, nay là Phú Thọ) chảy gấp
như tên bắn, có nhiều thuồng luồng, nên ngạn ngữ có câu Tuyền năng Thập, phương lập cơ đồ, nghĩa là Lội qua suối Thập mới lập cơ đồ.
Thanh long 青龍, hay thương
long là giống rồng xanh trú ngụ ở
phía Đông, một trong tứ linh, đem đến sự may mắn. Với người Trung Hoa, trong tứ linh thì con rồng xanh đứng cuối: lân, phượng, qui, long; trong khi với người
Việt, con rồng lại đứng đầu theo theo thứ tự: long, li, quy, phượng. Thanh long được đặt tên cho một loại kiếm báu (Tôn Quyền có 6 thanh kiếm: Bạch
Xà, Tử Điện, Tị Tà, Lưu Tinh, Thanh Long,
và Huyền Giao). Thanh long đao, hay Thanh long yển nguyệt đao là tên một loại
võ khí có hình như trăng lưỡi liềm, khắc hình con rồng. Con tuấn mã, chiến thuyền hay sao Thái Tuế
cũng gọi là thanh long.
Xích long 赤龍 là giống rồng đỏ, trú ở phương Nam. Trong
truyền thuyết, các vị thần tiên thường cưỡi rồng đỏ. Xích long cũng dùng để phiếm chỉ hoàng đế, hoặc tỉ dụ vầng thái
dương.
Bạch long 白龍 là giống rồng trắng, trú ở phương Tây,
thường được dùng để ví với dòng nước cuộn chảy dâng trào dữ dội, cũng là tên vị
thần sông trong truyền thuyết Trung Hoa.
Hắc long 黑龍 là
giống rồng đen trú ở phía Bắc, được ví với mây hoặc luồng khói đen.
Thổ long 土龍 là con rồng đất. Người xưa lấy đất đắp
thành hình con rồng để cầu mưa nên gọi là thổ
long. Thổ long, hay địa long 地龍 cũng là tên gọi con giun đất, một vị thuốc
Đông y.
Hoả long 火龍 là giống rồng toàn thân bao bọc bởi lửa
và có thể phun ra lửa. Người Trung Quốc lấy tên hoả long đặt cho cây thanh
long, do quả của cây này có màu đỏ,
những cái “tai” mọc ra từ quả giống như con rồng lửa trong truyền thuyết, toàn
thân cháy rực, phần cuối cũng có những cái vây xoè ra như đuôi rồng, nên gọi là
hoả long quả. Còn người Việt lại gọi
cây này với cái tên trái ngược là thanh
long, do thân cây uốn khúc ngoằn ngoèo, dương vây lên như con rồng xanh vậy.
Ngoài ra còn có cầu long 虯龍 là
giống rồng có sừng, phi long 飛龍 là tên một giống chim trong truyền thuyết,
đầu phượng đuôi rồng. Con tuấn mã cũng gọi là phi long, chiến thuyền là thuỷ long 水龍,v.v…
Có vô vàn giống rồng, không sao kể hết,…
VUA - RỒNG
Rồng tượng trưng cho quyền uy,
sự cao quý, nên những gì thuộc về vua, từ khi lên ngôi cho đến lúc chết, thường
bắt đầu bằng chữ long-rồng 龍.
Long thể 龍體 (mình rồng) chỉ thân thể vua (đồng nghĩa thánh thể, ngọc thể). Long
bào 龍袍 là áo vua có thêu hình rồng. Long sàng 龍床 là giường nằm của vua (đồng nghĩa ngự sàng). Long xa 龍車, long liễn 龍輦, long ngự 龍御, hay long giá 龍駕, là xe vua đi (đồng nghĩa thánh giá, xa giá). Long phi 龍飛 chỉ vua lên ngôi. Long hành
hổ bộ 龍行虎步 chỉ phong thái, tướng mạo phi phàm của bậc đế vương. Long ngự 龍馭, Long ngự tân thiên 龍馭賓天, hay Long ngự thượng tân 龍馭上賓 chỉ vua thăng hà.
CÁ HOÁ RỒNG
Rồng là biểu tượng của vương
quyền, uy danh, sức mạnh, sự cao quý, nên “hoá rồng” luôn là nỗi khao khát của
muôn loài. Tương truyền, ở thượng lưu sông Hoàng Hà, Trung Quốc, có một mỏm đá
như hình cái cửa. Khi vua Vũ trị thuỷ đã đục phá mỏm đá này cho rộng thêm ra,
nên gọi là Vũ Môn, hay Long Môn. Vũ Môn có vách đá sừng sững, sông Hoàng Hà đổ
đến đây thì tuôn trào như thác. Hàng năm vào tiết tháng ba, cá chép tập trung đến
nơi này thi vượt Vũ Môn, con nào vượt qua được thì hoá rồng.
Cá chép muốn hóa rồng thì phải
vượt Vũ Môn. Con người muốn có được thành công thì cũng phải vượt qua được những
gian khổ, thử thách. Về sau, Vũ Môn, hay Long Môn, thường được chỉ chốn trường
thi, ví người học trò đi thi được đỗ đạt vinh hiển; cũng dùng để ví người thành
đạt hoặc thoả chí, toại nguyện.
Truyền
thuyết cá chép hoá rồng không chỉ có ở Trung Quốc. Sách Đại Nam nhất thống chí (phần về tỉnh Hưng Hoá - Phú Thọ
ngày nay) chép: “Núi ở huyện Mông, phủ Gia Hưng, trông ra
sông Cái. Tương truyền trên núi có cây ngải tiên, cứ đến mùa xuân nở hoa, gặp
mưa, hoa trôi xuống sông, bầy cá nuốt hoa ấy, bèn vượt qua Long Môn mà hóa
thành rồng”.
Ở châu
Đà Bắc, đoạn sông Đà chảy qua núi Long Môn, phủ Gia Hưng có cửa đá chắn ngang sông,
chia thành ba dòng nước xiết, tiếng vọng đến trăm dặm. Sách Đường thư tứ khảo chép: Cá anh vũ thường
vượt sông Gia Hưng hoá rồng bay đi.
Ở dẫy
núi Giăng Màn, thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng có suối Vũ Môn. Mỗi năm cứ
đến ngày mồng tám tháng tư thì mây mù dày đặc. Tương truyền đấy là chỗ cá hoá rồng,
nên đến ngày ấy, các thuyền đánh cá kiêng không đặt chài lưới ở mạn hạ lưu.
RỒNG HOÁ CÁ
Không
chỉ có chuyện Cá hoá rồng, mà còn có Rồng hoá cá.
Vào
thời Xuân Thu, vua Ngô chán cuộc sống trong cung nên muốn mặc quần áo thường
dân để có thể đi chơi, uống rượu cùng dân thường. Quan đại phu Ngũ Tử Tư lo ngại,
và cho rằng việc vua của một nước giấu thân phận để xuống với dân chúng là rất
mạo hiểm. Ông kể cho vua nghe câu chuyện Bạch
long ngư phục (rồng trắng hoá cá) như sau:
Ngày
xưa, Ngọc Hoàng có một con rồng trắng rất đẹp, tên là Bạch Long. Một ngày nọ, Bạch
Long cảm thấy chán chường cuộc sống đơn điệu trên thượng giới, nó liền xuống trần
gian, biến thành con cá rồi chọn một vực sâu giá lạnh, nước xanh trong vắt để
bơi lội và cảm thấy vô cùng thú vị. Bỗng có một ngư phủ tên là Dự Thả bơi thuyền
tới. Chỗ vực sâu này chính là nơi anh ta đánh cá hàng ngày.
Nhìn
thấy con cá to lớn, vảy đẹp tựa rồng, Dự Thả vô cùng mừng rỡ, lập tức bắn ngay
một mũi tên. Con rồng trắng đang thích thú vẫy vùng thì bỗng cảm thấy đau nhói.
Hóa ra mũi tên của người đánh cá đã xuyên vào mắt nó. Bạch Long đau đớn bỏ chạy.
Nó tức giận đến gặp Ngọc Hoàng để khiếu nại, đòi phải trừng phạt Dự Thả.
-Ngọc
Hoàng liền hỏi Bạch Long: Ngươi xuất hiện
trước mặt anh ta với bộ dạng ra sao?
-Bạch
Long đáp: Con biến thành cá và bơi đùa dưới
vực sâu, đang vui thích thì….
- Ngọc
Hoàng ngắt lời: Ngư ông kia lấy mũi tên bắn
cá thì có tội gì? Đó là nghề của họ. Ngươi đã tự hạ thấp mình, từ rồng biến
thành cá. Ngươi không thể đổ lỗi cho người khác. Vấn đề nằm ở chính ngươi!.
Kể
xong, Ngũ Tử Tư nói với vua Ngô: “Rồng trắng
là thú cưng của Ngọc Hoàng, còn Dự Thả chỉ là một gã thường dân làm nghề đánh
cá. Nếu rồng không biến thành cá, Dự Thả đâu dám bắn rồng? Nay hoàng thượng là
vua của một nước mà lại từ bỏ địa vị của mình để ngồi uống rượu với chúng dân
trong bộ quần áo quê mùa, chẳng phải là sẵn sàng tự chuốc lấy thảm họa như rồng
trắng khoác lốt cá kia sao?”.
Vua
Ngô bèn từ bỏ ý định. Về sau, thành ngữ Bạch
long ngư phục, chỉ nỗi lo sợ bất trắc khi quý nhân xuất hành trong bộ dạng
của kẻ tầm thường, hoặc ám chỉ người nào tự hạ thấp địa vị của mình.
Đại
để, chuyện rồng không chỉ có vậy.
Hoàng Tuấn Công, Tết Giáp Thìn - 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét