Mèo trong tranh Đông Hồ Ảnh: ST |
Người Trung Quốc coi Mão là năm con Thỏ, trong khi với người Việt Nam,
Mão lại là năm con Mèo. Có nhiều cách giải thích về sự khác biệt này. Ví như
Nhà sử học người Pháp Philippe Papin cho rằng, do Mão (thỏ) trong tiếng Hán gần âm với mèo trong tiếng Việt, nên con thỏ mới biến thành con mèo. Ý kiến
khác lại cho rằng, với những cư dân trồng trọt thì mèo có tài bắt chuột mới là
con vật có vị trí quan trọng. Đây chính là lý do người Việt thay thỏ bằng mèo.
Quả tình, với người Việt Nam, con thỏ mờ nhạt trong đời sống kinh tế văn hoá bao nhiêu, thì ngược lại, con mèo lại gần gũi và chiếm một vị trí quan trọng bấy nhiêu. Chỉ tính riêng lời ăn tiếng nói dân gian, thì con mèo xuất hiện trong thành ngữ tục ngữ chiếm vị trí áp đảo so với con thỏ.
Với
con thỏ, người ta chỉ thấy nó xuất hiện trong một vài câu thành ngữ, điển tích
hiếm hoi, như Nhát như thỏ đế, Thỏ lặn ác
tà…Trong khi thành ngữ tục ngữ có sự xuất hiện của con mèo khá phong phú,
đa dạng:
-Chuột
khôn đã có mèo hay: Họ hàng nhà chuột cực kỳ tinh quái. Chúng đa nghi,
dè chừng các loại bẫy bả, thoắt ẩn thoắt hiện, lẩn trốn, ẩn nấp vào chính những
thứ đồ đạc mà con người cần giữ gìn. Tuy nhiên, chuột tinh quái bao nhiêu cũng
không thoát khỏi móng vuốt của mèo. Câu này có nghĩa: dù ghê gớm đến mấy thì
cũng có đối thủ cao tay hơn trừng trị lại; tương tự các câu Vỏ quýt dày có móng tay nhọn; Bệnh quỷ có
thuốc tiên; Quả xanh có nanh sắc; Thịt nạc dao phay, xương xẩu rìu búa…
-Rình như
mèo rình chuột: Giống chuột ma quái có khả năng xuất quỷ nhập
thần, thoắt ẩn thoắt hiện. Bởi thế, mèo hoá giải bằng cách dùng độc chiêu rình
mồi, ngồi bất động hàng giờ liền chờ đợi sự sơ hở của kẻ thù mới ra đòn quyết định.
Câu này ám chỉ sự quan sát, theo dõi đối phương một cách kín đáo và kiên nhẫn,
không chịu buông tha.
-Mỡ để miệng
mèo: Mèo là vật nuôi được ăn theo người. Ngày trước điều kiện
kinh tế khó khăn, mèo ít khi được ăn thịt cá. Vốn là thú ăn thịt nên mèo luôn
thèm thịt, đặc biệt là thịt mỡ [Có câu
Mèo nào chẳng ăn vụng thịt mỡ; Mèo nào chẳng ham thịt mỡ; Như mèo thấy mỡ; Thấy
gái đẹp như mèo thấy mỡ]. Thế nên, với khả năng vồ mồi nhanh như chớp, mỡ
mà đem ra để trước miệng mèo, thì quả là hớ hênh (thành ngữ gốc Hán Nhục huyền hổ khẩu, nghĩa là Thịt treo trước miệng hổ). Câu này được hiểu:
Để một vật quý trong tình trạng hớ hênh, khiến kẻ đang thèm muốn có thể dễ dàng
chiếm đoạt; Hành động, việc làm hớ hênh, dại dột, có thể dẫn đến thiệt hại, mất
mát.
-Chó treo
mèo đậy: Theo nghĩa đen, con chó to khoẻ, đánh mùi rất
tốt, nên dù đậy kín nó vẫn có thể ủi đổ nồi, bật vung lên để ăn vụng. Tuy nhiên
chó không leo trèo được, nên cách đề phòng tốt nhất là treo cao. Ngược lại, mèo
nhỏ yếu, không thể húc lật tung nắp nồi, nên chỉ cần đậy lại cẩn thận là chắc
chắn, bằng không treo cao thì mèo vẫn có thể leo trèo tới. Nghĩa bóng: Tuỳ từng
đối tượng (mối đe doạ) mà có biện pháp đề phòng hữu hiệu bằng cách khoét vào điểm
yếu, hạn chế điểm mạnh của đối tượng. Đây là nghệ thuật phòng gian.
-Mèo già hoá cáo: Con mèo khi về già, mắt mờ, chân chậm, không còn đủ sự
tinh nhanh để rình bắt chuột. Tuy nhiên, do bản năng săn mồi, ăn thịt sống, mèo
sinh ra tật xấu rình bắt gà nhà, đặc biệt là gà con. Khi bị chủ đuổi đánh, mèo
già thường bỏ nhà đi hoang, thỉnh thoảng lại mò về rình bắt gà hoặc ăn vụng, bộ
dạng xơ xác, lấm lét. Mèo già hoá cáo mà dân gian ám chỉ ở đây là con mèo mang bản chất của một con
cáo (sống hoang dã, bắt gà, gian manh, quỷ quyệt). Câu này ám chỉ: Kẻ khôn
ngoan, tinh ranh, lâu ngày biến chất trở thành kẻ gian
manh, xảo quyệt.
-Ăn như mèo: Nam
thực như hổ, nữ thực như miêu. Tương truyền, hổ thọ giáo võ công của “thầy
mèo”, nên hầu như mọi tập tính đều giống mèo. Thế nhưng riêng nết ăn, mèo và hổ
lại đối lập nhau hoàn toàn. Mèo ăn uống nhỏ nhẻ, từ tốn bao nhiêu thì hổ ngốn
ngấu, ăn tươi nuốt sống con mồi nhanh bấy nhiêu. Câu này ám chỉ nết ăn nhỏ nhẻ,
ăn chậm, ăn ít.
-Có ăn nhạt mới thương đến mèo: Mèo
là thú ăn thịt. Tuy đã được con người thuần dưỡng hàng ngàn năm trước, nhưng nó
vẫn giữ lại nhiều tập tính hoang dã, ví như kiếm ăn bằng cách săn mồi trong tự
nhiên. Bởi thế, người ta cho rằng, mèo không ăn được đồ có muối mặn. Và trong
các bữa ăn hàng ngày, mèo chỉ được ăn cơm nhạt, thức ăn cũng nhạt. Câu này ý
nói: Có ở vào hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn mới hiểu nỗi khổ của người cùng
cảnh.
-Mèo
nhỏ bắt chuột con: Mèo là con vật tinh khôn, thận trọng, biết địch
biết ta. Có người trưng ra dị bản Mèo nhỏ
bắt chuột cống và cho rằng, câu này ca ngợi “tuổi nhỏ tài cao”. Tuy nhiên,
về nghĩa đen, ngay cả những con mèo trưởng thành, nó cũng không bắt chuột cống.
Với những con mèo con mới lớn, chúng lựa chọn loại chuột nhắt vừa sức để tập dượt
săn bắt. Bởi thế, câu Mèo nhỏ bắt chuột
con ví trường hợp biết tự lượng sức mình, biết chọn công việc phù hợp với sức
lực, khả năng của mình để đạt được kết quả.
-Giấu
như mèo giấu cứt: Mèo có một
tập tính rất đặc biệt, đó là mỗi khi ỉa, nó tìm chỗ đất cát tơi xốp để đào một
cái hố, ỉa xong là cào đất lấp kín lại. Có người cho rằng, đó là do bản tính
mèo sạch sẽ. Nhưng kỳ thực, mèo săn mồi theo kiểu bí mật rình bắt, nên chôn lấp
phân là một cách ngăn đối phương nghi ngờ hoặc đánh hơi thấy sự hiện diện của
nó. Câu này ám chỉ sự che đậy giấu giếm quanh co, không đàng hoàng.
-Mèo mù vớ
được cá rán: Mèo rất
thích ăn cá. Đêm xuống, nó thường ra ngoài đồng, ngồi rình hàng giờ để bắt cá.
Để bắt được cá dưới nước, mèo cũng phải kiên nhẫn chờ đợi và lặn lội không hề dễ
dàng. Ấy vậy mà mèo mù (hạng không có khả năng săn bắt) lại vớ ngay được món cá
rán khoái khẩu sẵn có. Câu này ám chỉ tình huống gặp may mắn, bất ngờ đạt được cái
ngoài khả năng, hàm ý mỉa mai châm biếm.
-Chó
tro mèo mù: “Chó tro” là chó chỉ quen nằm bếp cho ấm, chứ không biết thức
đêm trông nhà; “mèo mù” là mèo không bắt chuột (không rình chuột, tựa như mù).
Câu này ám chỉ hạng người vô dụng, chỉ biết ăn hại.
-Mèo đến
nhà thì khó, chó đến nhà thì sang: Câu này có nhiều cách giải thích. Điều thú vị là người Trung
Quốc cũng có câu y hệt Miêu lai cùng, cẩu
lai phú (Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu). Theo đây, dân gian quan niệm,
mèo vô chủ (lưu lãng miêu) tự nhiên đến nhà, là điềm gia chủ sắp đến vận bần
cùng; ngược lại, chó vô chủ (lưu lãng cẩu) tự dưng đến nhà, là điềm gia chủ sẽ
được giàu có. Nguyên do thời xưa, chỉ có nhà giàu, nền nhà mới lát gạch; còn
nhà nghèo nền đất thô sơ, chuột bọ đào hang hốc trú ngụ rất nhiều. Đó chính là
lý do khiến mèo để mắt tới nhà nghèo. Trong khi nhà giàu, bữa ăn thường có thịt,
mà chó thì cực thính mũi, nên nó tìm đến nhà sung túc. Theo đây, chó hoang, chó
vô chủ tự dưng tìm đến nhà ai, tựa như một sự tiên đoán về vận tài phú của gia
chủ. Với người Trung Quốc, chó sủa “wàng”, giống âm của chữ “vượng” 旺, đồng nghĩa cát tường, tài phú. Trong khi con mèo kêu
“miāo” (喵), giống như âm chữ “miè” 滅 (diệt); “méi” 沒 (một), đều mang nghĩa là “tiêu tan”, “mất mát”…Dân
gian Việt Nam cũng có một hướng giải thích tương tự: tiếng chó sủa “gâu gâu”,
“giâu giâu”, gần giống như “giầu, giầu”; tiếng mèo kêu “ngheo ngheo” gần giống
như “nghèo nghèo”, nên có chuyện kiêng kị.
-Sắc
nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo: Thực tế, mèo không bắt chuột cống, vì giống
chuột này hôi hám, bẩn thỉu, không phải là món khoái khẩu của mèo. Hơn nữa,
trong thế giới tự nhiên, khi các con thú ăn thịt đang còn sự lựa chọn, thì
không bao giờ chúng săn bắt, tấn công những đối tượng “xương xẩu”, có thể gây
nên “ẩu đả”, thậm chí mất mạng. Bởi thế, khi thấy chuột cống thì mèo “làm ngơ”.
Nhưng không vì thế mà chuột cống không sợ mèo, và có thể dễ dàng “cắn được cổ
mèo”. Chữ dễ
ở đây không phải dễ dàng (ngược lại với
khó) mà có nghĩa là liệu có thể, khó có
thể, chưa chắc, đâu dễ.
Câu tục
ngữ được hiểu: Dù cố gắng bằng mấy, nhưng kẻ yếu cũng khó lòng đảo ngược tình
thế, địch nổi sức mạnh áp đảo của kẻ ở thế thượng phong; Kẻ xấu dù có tìm mọi
cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa đã được số đông thừa nhận!
Tục ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa Tái giảo
hoạt đích hồ ly dã đấu bất quá thông minh đích liệp nhân (Con cáo ranh ma đến
mấy cũng không thắng nổi người thợ săn khôn ngoan); hay Thiên
niên đích dã trư lão hổ đích thực (Lợn rừng ngàn năm vẫn là thức ăn của hổ)…
Ngoài những
câu trên, chúng ta còn có thể liệt kê hàng loạt các câu khác, như: Mèo đàng chó điếm, Mèo khen mèo dài đuôi;
Làm như mèo mửa; Mèo lành ai nỡ cắt tai; Chuột gặm chân mèo; Chưa biết mèo nào
cắn mỉu mèo nào,…
Có thể
nói, dân gian đã khéo léo dùng ngôn từ để khắc hoạ tập tính của con mèo một các
rất sinh động. Từ nghĩa đen, chúng ta cảm nhận được nghĩa bóng sâu sắc, tinh tế,
những lời khen chê, răn dạy, phê phán thói hư tật xấu toát lên trong từng lời
ăn tiếng nói của dân gian.
HTC – Tết
Quý Mão 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét