Về mặt tạo hình, bánh chưng cũng rất đẹp Ảnh: ST |
“…Ẩm thực và văn chương có nhiều tương đồng, bánh chưng là một
thứ văn xuôi thô, nặng, dềnh dàng, xơi một góc đã nghẹn và hứa hẹn từ phần còn
lại là bội thực. Lá gói lạt buộc hì hục, nấu như kháng chiến trường kỳ, song
công phu vất vả thế vẫn chưa hết. Cái kiệt tác của ẩm thực dân tộc ấy đầy nguy
cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng, chưa kể động thái lại gạo khét tiếng,
cộng thêm bước bóc bánh nên gọi chân thành là tra tấn và thực tế chắc chắn là
chỉ sau một đũa xắn nó sẽ mất trắng tổng thể nghệ thuật và mỗi phút một hết cả
xanh lẫn rền để cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả tơi trên
mâm cỗ. Văn bánh chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp,
lớp trong lớp ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn. Đã thế lại là
văn cúng cụ, nhất định phải đặt lên bàn thờ […] Là hiện thân của một nền ẩm
thực với kỹ thuật nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến tính,
nguyên vật liệu thông dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt đơn sơ…”
(Trích Các vua Hùng đã có công - Phạm Thị Hoài)
Với bài viết trên, Nhà
văn PTH được khen quá trời mà cũng bị chửi quá trời.
Với những người “khen”
thì cho rằng, người chửi” đã không hiểu dụng ý của Nhà văn.
Với tôi, có thể PTH
không sai khi ví “thứ văn xuôi thô”, “văn cúng cụ” với bánh chưng. Nhưng bà đã
sai khi không viết rõ thứ bánh chưng đem ra ví von so sánh ấy là BÁNH CHƯNG
LỖI. Nếu không phải “lỗi toàn tập”, thì ít nhất cũng bị lỗi ở một khâu quan
trọng nào đó. Hoặc giả nó giống với loại bánh chưng “cúng cụ” nặng 2,5 tấn năm
nào, chứ không phải bánh chưng bình thường.
Thử đọc lại vài đoạn
ngắn để xem thủ pháp ẩn dụ, sự hiểu biết về chiếc bánh chưng của tác giả ra sao:
1 - “Cái kiệt tác của ẩm
thực dân tộc ấy ĐẦY NGUY CƠ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng…”.
Cụm từ “đầy nguy cơ” cho thấy chính tác giả đã thừa nhận “nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng” không phải là bản chất của bánh chưng. Không phải cứ bánh chưng là “nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng”. Nên nhớ một cái bánh chưng làm chuẩn tất cả các khâu không dễ bị thiu mốc. “Nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng” chỉ là hiện thân của một sản phẩm lỗi. Sản phẩm của đôi bàn tay vụng. Cũng như văn xuôi vậy. “Thô” hay tinh là ở tay bút, không phải ở thể loại.
2 – “Lá gói lạt buộc hì
hục, nấu như kháng chiến trường kỳ…”
Cái hay của bánh chưng
chính là ở chỗ "lá gói lạt buộc", Lá lành đùm lá rách, Lạt mềm buộc chặt, và “nấu như kháng chiến
trường kỳ…” này. Tiếng sôi lục bục, âm ỉ của nồi bánh chưng từ đêm nay cho
đến tận sáng ngày hôm sau khiến cho người ta phải quây quần, thao thức trông đợi trong tiếng gà eo óc, giống như
để cùng chứng kiến sự chuyển dịch của thời gian từ năm cũ sang năm mới vậy.
3 - “…chưa kể động thái
lại gạo khét tiếng…”.
Nguyên liệu kém; gói
quá chặt; kỹ thuật nấu không đạt; bánh để quá lâu…Đó là những nguyên nhân khiến
bánh chưng “lại gạo”. Điều này hoàn
toàn bình thường, vì không có loại bánh nào làm vụng, làm lỗi, để quá hạn mà…
vẫn ngon như thường!
4 – “…cộng thêm bước bóc
bánh nên gọi chân thành là tra tấn…”.
Quả tình, với một cái
bánh chưng lỗi, hoặc vào tay kẻ vụng thì bóc bánh là một cực hình. Không những
tay chân be bét, mà ngay cả chiếc bánh cũng… bè bẹt, đầy dấu ngón tay trước khi
đụng đũa. Nhưng với chiếc bánh ngon và bàn tay khéo léo thì bước này khá nhẹ
nhàng, tươm tất. Qua một vài lớp lang, chẳng mấy chốc hình hài chiếc bánh chưng
sẽ hiện nguyên xi trên đĩa. Không hề có dấu vết bàn tay. Giống như nó vốn sinh
ra đã “ở trần” như vậy.
Bánh chưng khổng lồ "cúng cụ" 2016 Có vẻ như nó rất giống với bánh chư PTH mô tả Ảnh: ST |
Với người hiểu bánh
chưng thì “sau một đũa xắn” không
phải là “mất trắng tổng thể nghệ thuật”,
mà chính là lúc “tổng thể nghệ thuật”
, “cả xanh lẫn rền”, được dịp phô
bày. Gạo có chuẩn; nhân có chuẩn; gói, nấu có chuẩn; cắt bánh có chuẩn,…hay
không, thì sau “một đũa xắn” (cũng
phải … chuẩn), nội dung của tác phẩm nghệ thuật sẽ được hé lộ...
“Một đũa xắn” được lấy đi…Thêm một đũa nữa…Tất cả đều gọn gàng giống
như một nấc gạt của kim đồng hồ… Những miếng bánh còn lại vẫn tinh tươm, nguyên
vẹn. Kết thúc chỉ còn một vài mẩu nhân vương trên lòng đĩa. Đó là nghệ thuật ẩm
thực. Nghệ thuật từ chế biến cho đến... thưởng thức!
Bánh chưng chưa cắt đã rã; bánh và cắt bánh kiểu gì mà muốn “xắn” cả miếng lại chỉ lấy được nửa miếng, “xắn” miếng này lại lằng nhằng kéo theo cả miếng khác; rồi nhân đi đằng nhân, bánh đi đằng bánh… thì đến “cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả tơi trên mâm cỗ” là điều hoàn toàn dễ hiểu. Lỗi này không phải tại bánh chưng. Lỗi ở bàn tay vụng. Vụng từ làm cho đến cả... vụng ăn!
6 – “…xơi một góc đã nghẹn
và hứa hẹn từ phần còn lại là bội thực”.
Bánh chưng không ai ăn
kiểu ngồi chén tì tì. Một cái bánh cắt kiểu “mễ tự cách” (chia 8 phần kiểu chữ
mễ 米), đủ cho cả nhà thưởng thức, để còn ăn món khác. Giờ cắt theo
kiểu “điền tự cách” (chia làm 4 phần hình chữ điền 田) khiến chỉ sau “một đũa xắn” đã mất béng “một góc” (1/4 cái), lại còn “hứa hẹn” xơi phần tiếp theo thì không “bội thực” mới là chuyện lạ.
Như thế, “nghẹn” hay “bội thực” là do kiểu ăn uống của kẻ cả
thèm chóng chán, đâu phải tại bánh chưng?
7 – “Văn bánh chưng là văn
to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp ngoài nhưng
không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn. Đã thế lại là văn cúng cụ, nhất định
phải đặt lên bàn thờ…”
Đây là hình ảnh cụ thể
của chiếc bánh chưng kỷ lục nặng 2,5 tấn, “trên sống dưới khê, tứ bề nhão
nhoét” dâng vua Hùng năm nào thì đúng hơn chứ nhỉ? Bánh chưng thường đâu có
giống “văn cúng cụ”, “nhất định phải đặt lên bàn thờ”?
8 – “Là hiện thân của một
nền ẩm thực với kỹ thuật nấu nướng đơn giản, quy trình chế biến thuần tuyến
tính, nguyên vật liệu thông dụng, khẩu vị bỗ bã đại trà và tập quán sinh hoạt
đơn sơ…”
Chính vì sự lầm tưởng
này mà sản phẩm của đôi bàn tay vụng, thứ bánh chưng “nhão nhoét”, “sống, sượng”,
“lại gạo khét tiếng” đã ra đời, khiến
có người ngộ nhận đó mới là bánh chưng thứ thiệt.
9- ....
10-......
Nhiều người phân tích,
bánh chưng chỉ là cái cớ để nhà văn "giải thiêng", "bóc
mẽ", "lột trần"...Cũng tốt thôi!
Tuy nhiên, tôi cho
rằng, muốn “giải thiêng”, “lột trần”, "bóc mẽ"…hay gì gì chăng nữa,
mà đem sự xấu xí, đáng chê của một thứ “văn xuôi thô”, “văn cúng cụ” nào đó để
so sánh, gán ghép cho thuộc tính không có thật của chiếc bánh chưng thứ thiệt,
e rằng cũng thô vụng và ... khó xơi không kém!
HTC/ 5/2/2022
Phải là HTC mới đủ nội lực thâm hậu phân tích phê phán PTH xác đáng .Câu kết quá đắt !
Trả lờiXóaRất thuyết phục ạ!
Trả lờiXóaCảm ơn anh Tuấn Công về bài viết "Giải oan cho bánh chưng". Anh viết có lý có lẽ, chửi cũng rất đúng chỗ và không thô. Tôi xin lỗi dùng từ chửi ở đây vì tôi rất muốn chửi PTH khi đọc trích đoạn bài viết về bánh chưng của chị ấy. Nhưng tôi biết tôi chửi không lại với người nhiều chữ như chị Hoài nên đành ngậm cục tức đến khi đọc bài anh viết - đúng là "gãi đúng chỗ ngứa" trong lòng tôi :-) Chúc anh và gia đình mạnh khỏe. Luôn chờ mong những bài phân tích rất logic và thuyết phục của anh.
Trả lờiXóaRất sung sướng khi đọc Phạm Thị Hoài và Hoàng Tuấn Công. Vui biết bao khi chúng ta có những người-hay-chữ như PTH và HTC. Nhưng hình như chữ "giải oan" cho bánh chưng không thích hợp lắm vì cái bánh-chưng-lỗi ấy chính là cái bánh chưng mà PTH muốn nói đến. Nó có oan đâu, nó y như đã được mô tả. Còn bánh chưng cũa HTC là cái bánh chưng ngon lành chúng ta vẫn được ăn ngày Tết (và cả ngày thường nếu muốn). Cái bánh-chưng-lỗi ấy thì chỉ đáng vứt đi cho dù người ta tỏ ra trân trọng đến đâu. Còn chúng ta và PTH chỉ ăn bánh chưng của HTC thôi.
Trả lờiXóaquá nửa đời người ăn bánh Trưng, tâm tư về bánh tìm hiểu về bánh cũn nhiều mà chỉ ngộ ra bánh khi đọc tuyệt phẩm song kiếm hợp bích này của hai tác giả tài tuyệt.
Trả lờiXóa