17 thg 3, 2019

AI ĐÃ “TÌM RA” TỪ “PHỒN SINH”?

"Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu phản đối việc đạo thơ
 sau nhiều lần “xuê xoa” và bị kiện ngược"
                                Ảnh + chú thích:  Báo Tiền Phong
HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong bài “Nạnđạo thơ: Không dung túng cho việc vừa ăn cắp vừa la làng” (Hạnh Đỗ - Báo Tiền Phong - 3/3/2019), Nhà thơ, PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu cho biết, ông từng nhiều lần “bỏ qua” mỗi khi bị đạo thơ, nhưng rồi “phải nếm một “quả đắng” cho thói xuê xoa này”, nên lần này phải lên tiếng để tránh sự ăn cắp trơ trẽn” đó. Cụ thể, vào năm 1995, ông là người “tìm ra” từ “phồn sinh”, thế mà đến “năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình”:

bài thơ “Phù sa sông Hồng” ông viết năm 1995, khi đó tìm ra từ “phồn sinh” Linh Khiếu rất thích: “khanh khách nước cười màu mỡ phồn sinh”. Đây cũng là một từ không có trong từ điển. Linh Khiếu cho biết: “Khi đó tôi đã gặp Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, và cả nhà thơ Hữu Thỉnh để hỏi thì hai người đều khẳng định “phồn sinh” không có trong từ điển. Sau tôi tìm gặp cả nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu hỏi trong văn học phía Nam có ai dùng từ này chưa? Họ trả lời là chưa”.
Sau này, lấy cảm hứng “phồn sinh” Linh Khiếu viết thành trường ca cùng tên vào năm 2002 và được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Tập “Phồn Sinh” mãi chưa xin được giấy phép cho đến năm 2018. Nhưng trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó, 28 bài báo nhắc đến và phân tích “Phồn sinh” như một tác phẩm “đáng kể” của trường ca Việt Nam hiện đại.
Thì vào năm 2018 vừa rồi, tác giả Đinh Sỹ Minh lấy tên “Phồn sinh” đặt cho một tập thơ của mình. Ngược đời hơn, ông Sỹ Minh còn bắn tin với bạn sẽ kiện Linh Khiếu vì tội “đạo chữ”.
Đáp lại, trên trang lethieunhon.vn, Nhà thơ Đinh Sỹ Minh trong “THƯ NGỎ gửi ông Nguyễn Linh Khiếu và ôngTổng Biên tập báo Tiền Phong! cho biết, ông “không bắn tin và cũng không có ý định kiện ai như bài báo đã đưa tin”. Mặt khác, tên tập thơ “Phồn sinh”, là do Nhà thơ Vương Tâm đặt giúp ông, và nó được lẩy ra từ câu "Chưa thôi mong ngày sỏi đá cũng PHỒN SINH", trong bài thơ “SỎI” của chính Đinh Sỹ Minh: “Tôi không hề biết ông Nguyễn Linh Khiếu đã có tác phẩm PHỒN SINH trước hay sau tôi”, Nhà thơ Đinh Sỹ Minh nói.
Cũng trên trang lethieunhon.vn, trong bài “Hai câu hỏi gửi PGS.TS Nguyễn Linh Khiếu”, Nhà phê bình Nguyễn Hoà viết:
Dù là “khẩu thiệt vô bằng”, tôi vẫn xin thưa từ những năm 80 của thế kỷ trước tôi đã tiếp xúc với khái niệm “phồn sinh”, nhưng vì không sử dụng nên tôi không chú ý tìm hiểu nội hàm khái niệm này. Nay tôi mới được biết PGS.TS Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là người đã sáng tạo khái niệm “phồn sinh…”
Xin được nói ngay rằng, tôi không quen biết hai nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và Đinh Sỹ Minh, cũng không có ý định đứng ra phân xử đúng sai trong chuyện này. Tuy nhiên, nhân có bạn đọc đề nghị cho biết ý kiến, và xét thấy vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ khá thú vị, nên xin có đôi lời lạm bàn:
1- Đối với một sinh ngữ, quá trình “rơi rụng”, biến nghĩa, thêm nghĩa, du nhập, hoặc sản sinh ra từ ngữ mới luôn luôn diễn ra. Thông thường, từ lúc xuất hiện đến khi được từ điển thu thập, giải nghĩa, thì từ mới phải qua một quá trình vận dụng nhất định. Nghĩa là từ ngữ được sử dụng tương đối ổn định trong đời sống, sau đó các nhà biên soạn từ điển mới thu thập, giải nghĩa, chứ không phải nhà biên soạn từ điển “sản xuất”, đặt ra từ ngữ rồi “cung cấp” cho đời sống. (Lưu ý: cũng có người chủ trương cứ thấy từ mới xuất hiện là thu thập vào từ điển, cho dù “ngày mai” nó không còn được ai nhắc đến nữa). Từ điển cũng không phải cái kho chứa đựng hết tất thảy từ ngữ nói và viết, cũng như không ai có thể đọc hết thiên kinh vạn quyển trong thiên hạ (dù “thiên hạ” ở đây được hiểu là một đất nước, vùng miền có giới hạn nào đó…).
Bởi vậy, không thể căn cứ vào lời của một vị “Viện trưởng viện ngôn ngữ”, hay một nhà thơ, nhà nghiên cứu nào đó “khẳng định” từ này, từ kia “không có trong từ điển”, không có trong “văn học phía Nam”, hay phía Bắc, rồi  tin rằng nó hoàn toàn mới, hay chưa từng ai dùng trong thực tế.

2- Từ “phồn sinh” có thể “mới” với Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, chứ không mới với người khác; có thể không có trong từ điển này, nhưng lại có trong cuốn từ điển khác.
 “Hán ngữ đại từ điển 漢語大詞典 (La Trúc Phong chủ biên-Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã-1993) là bộ sách gồm 12 quyển, bắt đầu biên soạn từ 1975, sau 18 năm (1975~ 1993) thì hoàn thành và xuất bản trọn bộ. Sách này đã thu thập và giải thích từ “phồn sinh” như sau:
“PHỒN SINH: phồn thực; sinh trưởng, sinh sản; phát triển nhiều thêm. [nguyên văn: 繁生 fán shēng. 繁殖滋生; 發展增多 - phồn sinh: phồn  thực tư sinh; phát triển tăng đa]
Hán ngữ đại từ điển cũng dẫn liệu:
- Tống Ứng Tinh (1585~1666), một nhà khoa học đời Minh mạt, trong sách “Thiên Công Khai Vật”, mục “Hồ thỉ” viết về cây hoa (cây cáng lò, bulo) một loại cây có thể lấy vỏ đốt nhựa làm đuốc, làm keo chế cung tên, “sản ở Liêu Dương, phía Bắc thì “phồn sinh” (mọc nhiều, sản sinh nhiều) ở Tuân Hoá, phía Tây thì “phồn sinh” ở quận Lâm Thao, các vùng như Mân, Quảng, Triết đều có cả.” [ 宋應星天工開物弧矢”: “凡樺木關外 遼陽, 北土繁生 遵化, 西陲繁生 臨洮郡, , , 亦皆有之 – Minh Tống Ứng Tinh “Thiên công khai vậtHồ thỉ ”: “phàm hoa mộc quan ngoại sản Liêu Dương, Bắc thổ phồn sinh Tuân Hoá, Tây thuỳ phồn sinh Lâm Thao quận, Mân, Quảng, Triết diệc giai hữu chi].
- Tản văn gia, Tiểu thuyết gia Dương Sóc (1913~1968), trong “Hải thị”, viết: “Mùa hoa đào cũng là mùa vạn vật “phồn sinh” (sinh sôi, nảy nở).” [楊朔海市”: “桃花時節, 也是萬物繁生的時節 - Dương Sóc “Hải thị”: “đào hoa thời tiết, dã thị vạn vật phồn sinh đích thời tiết].
- Nhà văn Lỗ Tấn (1881~1936), trong “Tam nhàn tập - Cận đại thế giới đoản thiên tiểu thuyết tập-tiểu dẫn”, viết: “Trong hoàn cảnh hiện nay, người ta bận bịu nhiều công việc, không có thời gian đọc trường thiên. Tự nhiên điều này trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho đoản thiên tiểu thuyết “phồn sinh” (phát triển, thịnh hành).” [魯迅三閑集近代世界短篇小小引”:“在現在的環境中,人們忙於生活,無暇來看長篇,自然也是短篇小繁生的很大原因之一 Lỗ Tấn “Tam nhàn tập “Cận đại thể giới đoản thiên tiểu thuyết” tiểu dẫn”: “Tại hiện tại đích hoàn cảnh trung, nhân môn mảng ư sinh hoạt, vô giá lai khán trường thiên, tự nhiên dã thị đoản thiên tiểu thuyết đích phồn sinh đích ngận đại nguyên nhân chi nhất]
- “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm từ điển học Vietlex kế thừa và phát triển), là bộ từ điển được biên soạn, chính lý bổ sung một cách bài bản, hệ thống. Tuy chưa thu thập và giải nghĩa từ “phồn sinh”, nhưng trong kho ngữ liệu mà Trung tâm từ điển học Vietlex cung cấp cho chúng tôi có ghi nhận từ “phồn sinh”: “Tôi và cô đã bí mật gặp nhau. Một buổi trưa, ngày chuyển mùa, nắng đầu hạ nhạt và nhẹ tênh. Sự giao linh của mùa đã nhú mầm PHỒN SINH trên cây cỏ”. [Văn nghệ quân đội. Tác giả: Lê Ngọc Minh. Ngày phát hành: 01-06-1997.].
Có thể lấy ngay từ “giao linh” trong câu văn của Lê Ngọc Minh làm ví dụ: “Sự GIAO LINH của mùa đã nhú mầm PHỒN SINH trên cây cỏ.”.
Trong hàng chục cuốn từ điển xuất bản tại Việt Nam “từ cổ chí kim”, chúng tôi chưa tìm thấy cuốn nào thu thập từ này. Thậm chí, khi tìm kiếm trên Google, “Giao Linh” chỉ hiển thị với nghĩa là tên một ca sĩ ở miền Nam trước 1975. Tuy nhiên, “giao linh” được “Hán ngữ đại từ điển” thu thập và giải nghĩa là: “1.Chỉ linh khí trời đất giao hoà [謂天地兩種靈氣交合-vị thiên địa lưỡng chủng linh khí giao hợp]; 2. Nói hồn phách tương giao. [謂魂魄交往-vị hồn phách giao vãng].
Cũng theo ngữ liệu của Trung tâm từ điển học Vietlex, sau Lê Ngọc Minh đúng một tháng, “Giao linh” xuất hiện trong một bài thơ của tác giả khác: “Tất cả giao linh trong nhịp đập của đất” [Tiền Phong cuối tháng. Tác giả: Vi Thuỳ Linh. Ngày phát hành: 01-07-1997.].
Cả Lê Ngọc Minh và Vi Thuỳ Linh đều dùng “giao linh” đúng với nghĩa như “Hán ngữ đại từ điển” đã giảng. Vậy, nếu theo cách “độc quyền từ ngữ” của Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, thì tác giả Lê Ngọc Minh cũng có quyền đi kiện Vi Thuỳ Linh, vì đã dùng từ “giao linh” chăng?
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng, Nhà thơ Đinh Sĩ Minh
đã "đạo chữ" "phồn sinh" do ông "tìm ra" từ 1995
                                             Ảnh: Lí Học


3-Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu viết: “trong khoảng thời gian ở dạng bản mềm đó, đã có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu về nó, 28 bài báo nhắc đến và phân tích “Phồn sinh” như một tác phẩm “đáng kể” của trường ca Việt Nam hiện đại.”
Nhà phê bình Nguyễn Hoà đặt nghi vấn: một tác phẩm chưa xuất bản, thì liệu có đủ tiêu chuẩn để lựa chọn làm luận án tiến sĩ hay không? Còn chúng tôi lại muốn nói đến một vấn đề khác. Với một tác phẩm văn học, sự đóng góp của nhà văn không chỉ về tư tưởng, cốt truyện, hay hình tượng nghệ thuật…mà còn về mặt ngôn ngữ. Giả sử ai đó là người sáng tạo ra từ “phồn sinh”, thì sự đóng góp “đáng kể” của tác phẩm về mặt ngôn ngữ sẽ phụ thuộc vào việc từ “phồn sinh” có thực sự “phồn sinh” trong đời sống hay không.
Như vậy, xét về “lí”, thì người đầu tiên Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cần “kiện” về tội “đạo chữ”, phải là tác giả Lê Ngọc Minh, chứ không phải Đinh Sỹ Minh. Hoặc sau Lê Ngọc Minh (1997) là “ khởi kiện” vô số người khác đã dùng từ “phồn sinh”, theo kết quả tìm kiếm trên Google, như:
-“…về biểu tượng phồn sinh trong văn hóa Chăm.” (doanhnhansaigon.vn-15/7/2012).
-Có hay không một thánh địa của nghi lễ phồn sinh tại Cát Tiên.” (Báo Lâm Đồng-2013).
-“Ước vọng phồn sinh, phồn thực” (Tạp chí Sông Hương-2015).
-“Bài chòi phồn sinh sức xuân.” (Báo Quảng Nam-2015)…
Tuy nhiên, nếu người ta có thể kiện tụng, “đòi chữ” kiểu này được, thì con cháu của Tống Ứng Tinh bên Tàu lại sẽ là người khởi kiện Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu về tội đã dùng từ “phồn sinh” theo đúng cái nghĩa mà từ nửa thiên niên kỷ trước, cha ông họ đã dùng mới phải. Nhưng dẫu muốn, thì con cháu Tống Ứng Tinh cũng không thể căn cứ vào sự ghi nhận của “Hán ngữ đại từ điển” mà kiện Nguyễn Linh Khiếu được. Bởi hai chữ “phồn sinh” trong “Thiên công khai vật” có “niên đại” sớm nhất trong số 3 dẫn chứng mà “Hán ngữ đại từ điển” đưa ra, chứ không có nghĩa Tống Ứng Tinh là người đầu tiên, hoặc người sáng tạo ra từ này. Theo đó, có thể trước ông đã có người, hoặc nhiều người dùng “phồn sinh” rồi. Cũng như theo ngữ liệu của Trung tâm từ điển học Vietlex, thì “phồn sinh” xuất hiện trong tác phẩm của Lê Ngọc Minh (1997), nhưng thực tế Nguyễn Linh Khiếu đã dùng trong “Phù sa sông Hồng” từ hai năm trước (1995). Và dĩ nhiên, trước 1995, không bằng cách này thì cách khác, phải có người du nhập, dùng từ “phồn sinh”, rồi Nguyễn Linh Khiếu mới biết đến mà vận dụng.

[Cập nhật: Sau khi chi sẻ bài viết trên FB (23g 20p/ngày 17/3/2019) Bạn đọc Bùi Quang Anh Tú đã cung cấp cho chúng tôi ngữ liệu quý trong đoản thiên tiểu thuyết của Phạm Vọng Chi trên báo "Thanh Nghệ Tĩnh Tân Văn" xuất bản năm 1931 (hiện lưu tại Thư viện Quốc gia), trong đó có từ "PHỒN SINH": 
"Đến năm sau gặp lúc mùa xuân, tiết trời êm ái, gió lặng, trăng thanh, vạn vật PHỒN SINH, bách hoa đua nở, hai cụ thong dong, đồ đệ gánh gồng, vui chân theo bọn thiện-nam tín-nữ,khăn xanh áo đỏ đi lễ chùa Hương-tích..." (xem ảnh minh hoạ)
Tư liệu do FB Bùi Quang Anh Tú  cung cấp 

4- Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu nói: Tôi là người cẩn thận, tất cả các sáng tác của tôi đều đã đăng ký bản quyền, nhưng để tránh những vụ việc tương tự, có lẽ chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại vấn đề này, không thể chuyện lớn hóa nhỏ mãi được, bởi bây giờ người ta đạo văn không chỉ tinh vi mà còn trơ trẽn.”!
Nhưng liệu có cơ quan nào dám chứng nhận “bản quyền” từ “phồn sinh” cho Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, khi ông không phải là người sáng tạo ra từ này?
Trong Hán tự, chữ “phồn” , có nhiều nghĩa, như: nhiều; thịnh vượng; tươi tốt; sinh sôi; hưng thịnh; tạp loạn; biến cải…Chữ “phồn” được dùng để cấu tạo nên hàng chục, hàng trăm từ ngữ khác:
-“Từ điển Hán Việt” (Phan Văn Các chủ biên-NXB Từ điển Bách khoa-2014) thu thập hơn 30 từ ngữ có chữ “phồn”, như: “phồn bản繁本 (bản đủ, bản dài); “phồn bác繁博 ([dẫn chứng] phong phú, nhiều nguồn); “phồn phức繁複 (phiền toái, phiền phức); “phồn hoa繁花 (nhiều hoa); “phồn hoa繁華 (phồn hoa, sầm uất); “phồn lệ繁麗; ([từ ngữ] dồi dào hoa lệ); “phồn loạn繁亂 ([công việc] rắc rối); “phồn mang繁忙 (công việc bận rộn); “phồn mậu繁茂 (cây cối rậm rạp, tốt tươi); “phồn mật繁密 (dày đặc, đông đúc); “phồn nan繁難 (phức tạp, khó khăn); “phồn náo繁鬧 (phồn vinh, náo nhiệt); “phồn vinh繁榮 (phồn thịnh, phát triển); “phồn dục繁育 (nhân giống phát triển)…
-“Hán ngữ đại từ điển” thu thập và giải nghĩa hơn 150 từ ngữ bắt đầu bằng chữ “phồn”, như: “phồn mộc繁木 (cây cối tốt tươi rậm rạp); “phồn văn繁文 (văn từ dài dòng, phức tạp…); “phồn đa繁多 (nhiều đông); “phồn ngôn繁言 (nhiều lời); “phồn lâm繁林 (cây rừng rậm rạp): “phồn chi繁枝 (cành lá tốt tươi); “phồn xương繁昌 (phồn vinh, đẹp tốt); “phồn dục繁育 (sinh đẻ và nuôi nấng); “phồn pháp繁法 (quy định phiền hà); “phồn chỉ繁祉 (nhiều phúc); “phồn vân (nhiều mây); “phồn thử繁暑 (nhiều nắng), v.v…
Như vậy, việc xác định người đầu tiên đặt ra “phồn sinh” là không thể. Bởi cấu tạo và nghĩa của từ “phồn sinh” không có gì đặc biệt so với hàng trăm từ ngữ có chữ “phồn” khác. Nói cách khác, nó đặc biệt, hay dở ra sao là phụ thuộc vào tài vận dụng của từng người. Một mình từ "phồn sinh" không làm nên giá trị của tác phẩm. Hơn nữa, giả sử Tống Ứng Tinh hoặc một tác gia cổ đại nào đó “đăng ký độc quyền từ ngữ”, thì chắc hẳn, từ “phồn sinhchẳng những không “phồn sinh” được, mà còn nằm chết dí trong tác phẩm của họ từ mấy trăm năm trước. Người đời sau đâu còn được quyền “tìm ra”, rồi tạo nên tác phẩm “đáng kể” như Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tự hào?
                                                         HTC/3/2019


2 nhận xét:

  1. Nhiều người cứ cậy có học hàm học vị cứ tưởng là mình ''đỉnh cao trí tuệ'', mà không biết mình dốt!

    Trả lờiXóa
  2. Bài này phân tích khách quan. Like!

    Trả lờiXóa