4 thg 4, 2017

SẦM SƠN XƯA VÀ NAY (Kì 1): Từ một cồn cát bỏng

                   
Từ đền Độc Cước nhìn xuống bãi tắm của Sầm Sơn thời Pháp

Ảnh: Từ liệu St
    HOÀNG TUẤN PHỔ
    Kết quả nghiên cứu địa chất học và địa lý học cho thấy cách nay ba bốn ngàn năm, Sầm Sơn còn là một vịnh nông. Núi Trường Lệ như đảo nhỏ Trường Sơn, sóng biển từng lớp từng lớp vỗ ào ào vào tận thôn Bình Hòa, xã Quảng Châu. Truyền thuyết vua An Dương vương bị quân Thục đánh đuổi chạy đến đây bị tắc lối nghẽn đường buộc phải dừng ngựa khấn thần Kim Quy giúp đỡ... có cơ sở thực tế về địa lý lịch sử.

          Khoảng cách giữa Bình Hòa và Sầm Sơn là đồng Sông mênh mông bể sở, bốn mùa sóng vỗ ì oạp. Đồng này xưa nối liền với sông Mã, nước sâu tới rốn, chỉ cấy được lơ thơ mấy đám lúa thông, lúa cờn, chúng cố ngoi ngóp vươn lên chống chọi lại sóng gió để trổ bông cho người giống gạo quí. Nhân dân vùng này than thở:
Bao giờ đền Thượng hết hương
Đồng Sông hết nước, dân thường mới no!
          Đất Sầm Sơn hình thành do những dòng hải lưu kiên trì không mệt mỏi đem phù sa và bùn đất từ những cửa sông phía Bắc,: Sông Mã, Lạch Trường... rồi được con đê thiên tạo vĩ đại Trường Lệ làm bức tường thành chắn giữ lại. Biển khơi chịu thua, mỗi ngày càng lùi xa, bỏ lại một vụng hồ thành đồng Sông. Khi Sầm Sơn hình thành một cồn cát kéo dài từ chân núi Trường Lệ đến Lạch Trào cửa Hới (sông Mã) sự sống nhanh chóng xuất hiện, đầu tiên là cỏ bụi, cây lùm rồi rất lâu mới thấy con người, những cư dân thất cơ lỡ vận lang thang dọc bờ biển đi tìm đất sống. Bà con Bình Hòa và nhiều người khác phía Tây núi Trường là nông dân sống chết với đồng ruộng, đất cồn bái mênh mông còn bỏ hoang, để ý gì đến bãi cát mới nổi nênh trước đầu sóng ngọn gió.
Kéo rùng ở Sầm Sơn
Ảnh tư liệu ST

          Những người đầu tiên đến cồn cát đi lút bàn chân nóng bỏng trưa hè phải nương tựa vào một góc chân núi Trường Lệ để chống lại sóng biển, gió cát, bão tố. Đó là những hạt nhân đầu tiên của Sầm Sơn, chụm lại thành xóm Núi. Trước năm 1945, Sầm Sơn thành lập nhiều thôn, xã, tính từ cửa Hới, cửa sông Mã vào:
          1- Hải Thôn, tên nôm làng Hới.
          2- Xã Triều - Thanh Lộc có 3 thôn: Triều Dương, tên nôm làng Trào. Thôn này ở mép sông Mã tức Lạch Trào. Thanh Khê, tên nôm làng Vạn, vốn trước là một vạn chài (xóm chuyên nghề chài lưới). Lộc Trung, tên nôm làng Giữa, chỉ có một thôn Bình Tân, tên nôm làng Bến, thuộc loại “nhất xã nhất thôn”.
          3- Xã Lương Niệm là xã lớn nhất. Sau năm 1945, căn cứ số dân, địa thế phải chia làm 4 xã: xã Quảng Sơn chỉ có một thôn, tên xưa: Sầm Thôn. Xã Quảng Tường gồm Lương Hải Thôn, Triều Dương. Xã Quảng Tiến có các thôn Cá Lập, Hải Thôn, Bình Tân tức Hải Lộc. Xã Quảng Cư trước là hai làng Thanh Khê, Lộc Trung. Xã này ở cửa Hới, địa dư nhô ra đến hơn 10 m. Đây là hiện tượng tự nhiên theo quy luật “đất tiến biển lùi” do các dòng hải lưu vẫn tiếp tục hoạt động từ thiên vạn cổ.
Bãi tắm xưa ở Sầm Sơn
Ảnh tư liệu ST

          Địa danh Sầm Sơn trước năm 1945 không phải là tên chung bao gồm các làng xã nói trên, thời phong kiến thuộc tổng Cung thượng, huyện Quảng Xương. Tên Sầm Sơn mới xuất hiện từ sau khi thực dân Pháp xâm lược và cai trị Việt Nam, phát hiện ra một nơi nghỉ mát thú vị, ưa thích đặc biệt ở Thanh Hóa. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa: “Tên một trái núi ở Thanh Hóa. Tên cũ cửa biển ở gần núi Sầm Sơn, khí hậu rất tốt, người Tây lấy để làm nơi nghỉ mát”. Điều này không thật chính xác: Sầm Sơn là tên gọi do người Pháp về một hòn núi của dãy núi Trường Lệ, thực danh núi Trường Sơn, tên nôm núi Kẻ Trường. Bởi làng Cổ Trường Lệ áp sát mỏm phía Tây Trường Sơn nên được xem là núi Trường Lệ. Cửa biển gần núi nhất là Lệ Hải, tức Lệ Hải Bà vương, một tước phong của Bà Triệu có đền thờ trên núi Trường Lệ, từ lâu đã mất. Cửa Lệ Hải, Pháp hàn đá xây cống thành tên cống sông Đơ, làm nơi trú ngụ cho thuyền bè khi bão tố. Một bài ca vè thời ấy ca ngợi:
Sầm Sơn phong cảnh hữu tình
Hòn Hèo cao nhất, hòn Gành thứ hai,
Thứ ba ngọn núi Phù Thai
Thứ tư Cổ Giải nằm ngoài Đầu Voi...
          Hòn núi gần làng Trường Lệ, tên chữ Tượng Đầu Sơn phong cảnh rất đẹp, xưa thờ thần Độc Cước, nay đổi đền Cô Tiên, hướng nhìn xuống hòn câu bé nhỏ, theo truyền thuyết đêm đêm các nàng tiên trên trời xuống tắm, có chàng trai ngư dân ngồi câu cá chờ đợi được nhìn ngắm dáng hình tiên nữ sau khi cởi bỏ hết xiêm y.
          Núi Trường Lệ - Trường Sơn nhô ra biển phía đông, nằm ngoài nhất là hòn Cổ Giải thuộc sơn phận làng Núi, còn gọi là Mũi Gầm hay đỉnh Sầm. Bài “Mục lục” xưa của làng Lương Trung (làng Giữa) mô tả địa thế đẹp của làng mình có câu: “Đỉnh Sầm trước án, cao phong nhiệm mầu”. Theo địa lý phong thủy, đỉnh Sầm làm tiền án cho làng Lương Trung (xã Quảng Tường) trù phú.
Nhà nghỉ mát trên núi Trưởng Lệ thời Pháp
Ảnh tư liệu ST

          Người Pháp xây dựng trên núi Trường Lệ chỗ hòn Cổ Giải một khu dành riêng cho họ nhiều lâu đài, biệt thự mang tên “Sầm Sơn Haut” dịch Sầm Sơn Thượng, dưới chân đỉnh Sầm, bãi biển Sầm Sơn là khu vực bãi tắm, sở cẩm, nhà gian, bang tá và khu phố nhỏ gồm cửa hàng, chợ búa để phục vụ người Pháp là chính. Ngoài ra còn nhà thờ Thiên Chúa và địa phận Sầm Sơn chỉ đến đây, gọi là “Sầm Sơn Bas” dịch Sầm Sơn Hạ. Du khách đến đây người Việt thường chỉ có giới quan lại, người giàu có, quyền thế.... Và ngoại kiều được quan Bang tá cho phép. Đây là một thế giới thần tiên đối lập với cõi trần gian, bắt đầu từ khu vực nhà thờ, từ làng Lương Trung ra tận làng Hới cửa sông Mã. Người ở đây là “cư dân cát” ăn trên cát, nằm trên cát, vui buồn với cát, chết đi lại vùi sâu dưới cát, lấy cát làm... quan tài!
          Năm 1885 đánh chiếm Thanh Hóa, thực dân Pháp xây pháo đài Sầm Sơn để càn quét làng xóm đôi bờ sông Mã và năm 1886 dập tắt ngọn lửa Cần Vương, bắt đầu để ý Sầm Sơn một vùng biển giàu đẹp. Để xây dựng khu nghỉ mát Sầm Sơn, năm 1906, chính quyền cai trị bắt dân chúng đầu đội đất, vai vác đá đắp con đường số 8 từ thị xã Thanh Hóa xuống tận bãi biển để xe cộ gần xa đi lại được thuận tiện. Con đường chỉ dài 16km nhưng nỗi vất vả, cực nhọc của phu đài kéo dài đến vô tận! Kỹ sư Pháp thiết kế, công nhân từ Pháp sang thi công, những tòa lâu đài kiểu Âu Châu mọc lên dành cho công sứ, toàn quyền “ba tòa quan lớn tỉnh (Tổng đốc, Bố chính, Án Sát)... sau thêm biệt thự vua Bảo Đại (kiến trúc ở đây gọi là Sầm Sơn Hô - Sầm Sơn Thượng).
        Trước khi kết luận Sầm Sơn là bãi tắm, nơi nghỉ mát tốt nhất Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) người Pháp khảo sát rất kỹ: Chế độ gió mùa, nhiệt độ trong nước biển trung bình 210-250, lượng muối thấp, vì trong một chiều dài ba bốn chục km, có tới 5 con sông đem nước ngọt từ thượng nguồn về, nước độ mặn càng thấp, lượng oxy hòa tan càng cao. Bãi cát thì rộng dài, dốc thoai thoải, nền cát dẽ, sóng biển đổ vào nhè nhẹ, nhịp nhàng như hơi thở của bà mẹ biển cả hiền lành tốt bụng...
             Một tác giả người Pháp tả cảnh Sầm Sơn: “Bãi biển Sầm Sơn cách thị xã (Thanh Hóa) 16km có đường rất đẹp, đi ô tô độ nửa giờ, là bãi biển đông người tới nghỉ mát nhất trên bờ biển Đông Dương. Các biệt thự, khách sạn mọc trên mỏm núi đá hoa cương, hay dưới bãi cát giữa các rặng phi lao chỉ cách mép biển vài ba mét. Các viên chức, quan chức người Pháp trong tỉnh và cả ở Bắc kỳ nữa, hằng năm đến đây tắm biển và hưởng gió biển để tránh nóng nực mùa hè”. Cũng cần nói thêm ở khu Sầm Sơn Bas (Sầm Sơn Hạ) ngày càng nhiều nhà cửa, hàng hiệu được xây dựng, nhanh chóng trở thành phố thị sầm uất để phục vụ ăn chơi của giới giàu có như tiệm thuốc phiện, xóm lầu xanh, hiệu cầm đồ, nhà xóc đĩa, hàng ăn uống... Khách làng chơi hạng kiết xác cũng đến đây để biến thành kẻ hạ lưu sẵn sàng bán hết ruộng nương nhà cửa, bán cả vợ đợ cả con, rơi xuống tầng đáy xã hội: cấp bậc lưu manh!     
           Các làng mạc từ Lương Trung vào đến cửa sông Mã, nói chung đều nghèo khổ, đói rách, lam lũ và nạn cường hào áp chế, quan chức bóc lột. Dân cư đa số làm nghề đánh cá, chồng ra khơi, vợ chợ búa, ruộng nương quá ít, mươi mẫu lúa, dăm sào khoai. “Lấy chồng kẻ bể chớ nể nồi khoai”. Giá khoai rẻ hơn giá gạo. Nhưng có khoai để ăn, để sống, kể đã sung sướng lắm đối với dân kẻ bể.
Hòn Trống Mái
Ảnh tư liệu ST
          Có một làng ven sông Mã, sống bằng nghề dệt - làng Triều Dương. Mặt hàng lưới súc đánh moi của họ độc đáo nhất miền Bắc. Họ còn dệt lụa, lĩnh, lương và lụa - lĩnh - lương Triều là thương hiệu cũng được nhiều người ưa chuộng. Làng Triều bị hai kẻ thù thường xuyên đe dọa: Đất bờ sông bị lở và bọn cướp đi thuyền tới đốt nhà cướp của. Làng Triều phải xin chuyển vào sâu bên trong được làng Giữa (Lương Trung) giúp cho 13 mẫu 5 sào trên Mả Bạc (Cồn Bợm Mả Bạc) đất cằn cỗi nhiều trộm cắp. Đền thờ Bà Triều tổ sư nghề dệt cũng phải di dời, trong kháng chiến chống Pháp -  Mỹ lại bị tàn phá, chỉ còn sót lại hai con hổ vẫn trợn mắt nhe nanh ngồi canh trước cổng.
Chợ ở Sầm Sơn thời Pháp
Ảnh tư liệu ST

          Số dân làng xã từ làng giữa đến làng Hới phát triển nhanh, no đẻ đã đành nhiều, đói đẻ cũng lắm! Đất đai chật hẹp, họ phải tràn ra phía bãi biển, che những túp lều lá, cột bằng cây phi lao dưới bóng rừng phi lao thưa thớt dần, ngày đêm vẫn yêu đời cất tiếng hát vi vu hợp thành bản nhạc “Sóng-gió-cát” bao la bất tận...
                                                     Hoàng Tuấn Phổ 4/2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét