Gia đình
Lê Huấn đến ở Đại Lại đã lâu đời. Bấy giờ Đại Lại, đơn vị hành chính gọi là Bái
Nại sách, cùng với An Tôn động chung một vùng đất. Đời Tiền Lê hoặc Lý đổi tên
trang Bái Nại, tiếp đến nhà Trần mới thành hương Đại Lại. Thế
đất Đại Lại đẹp, núi non tầng tầng lớp lớp quây lại như mâm xôi, như âu vàng,
chén ngọc, thung lũng bằng phẳng, rộng dài, sông lớn lượn quanh, ôm vòng, tạo
nên thành trì bền vững muôn đời. Đồng ruộng tươi tốt, núi non xanh um cây cối,
sản vật dồi dào, nổi tiếng đất lành chim đậu, dân cư đông đúc, yên nghiệp làm
ăn.
Họ Lê ở Đại
Lại, khoảng đời Trần Thánh tông mới có Lê Huấn làm chức quan Tuyên úy. Bấy giờ,
Hồ Liêm ở Diễn Châu, Nghệ An, nghe tiếng Tuyên úy Lê Huấn, xin di cư ra Đại Lại,
làm con nuôi, đổi họ Hồ làm họ Lê – Lê Liêm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư khởi
tổ họ Hồ (Hồ Liêm) là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, Trung Quốc, sang nước
Nam làm Thái thú Diễn Châu, sau ở hương Bào Đột xưng trại chủ. Hồ Liêm là cháu
đời thứ 12 của Hồ Hưng Dật, di cư đến Đại Lại để tránh cái vạ Trần Thủ Độ “nhổ
cỏ nhổ tận gốc”, vì nhà họ Hồ đời Lý có người lấy công chúa Nguyệt Đích sinh ra
Nguyệt Đoan. Vai trò con nuôi với tên Lê Liêm đã giúp ông che giấu tông tích, ẩn
nhẫn đợi thời. Truyền đến đời thứ ba, gia đình Lê Liêm đưa được hai người con
gái tiến cung làm thiếp yêu của Trần Minh tông. Đó là hai cô ruột của Lê Quý
Ly. Qua cây cầu bắc vô cùng quan trọng này, Quý Ly dễ dàng bước vào cung vua Trần,
từ nhỏ làm chân hầu hạ (nội nhân), thăng lên chi hậu nội nhân rồi chi hậu tứ cục
chánh chưởng. Đời vua Nghệ tông, Quý Ly nhảy một bước lên Khu mật đại sứ, thăng
Tiểu Tư Không, tiến phong Đồng bình chương sự (Tể tướng), rồi gia phong tới chức
Phụ Chính Thái sư nhiếp chính, Khâm đức Hưng liệt Đại vương, Quốc tổ Chương
hoàng, khiến các đại thần đương triều, kể cả giới quý tộc nhà Trần không khỏi
choáng váng, giật mình.
Vua Nghệ
tông mất, Thuận tông nối ngôi. Năm 1399, Quý Ly buộc Thuận tông phải nhường
ngôi cho Thái tử Án con đẻ công chúa Huy Ninh, cháu ngoại Quý Ly. Thuận tông bị
giết rồi Thái tử Án cũng chết, sau khi Quý Ly lên ngôi Hoàng đế (1400) ! Ông
tuyên bố bỏ họ Lê trở lại họ Hồ gốc tổ.
Để chuẩn
bị việc cướp ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đã sai Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh xây thành Tây
Đô ở động An Tôn liền kề hương Đại Lại. Đỗ Tỉnh rất giỏi về thiên văn địa lý,
cũng là một kiến trúc sư tài năng. Đất An Tôn ba mặt núi, những hình tượng tự
nhiên kỳ lạ: Voi quì, trâu nằm, ngựa chầu… Đằng trước trông ra sông Mã, có núi
Đún làm bình phong. Động Kim Sơn án ngữ phía Tây, sông Bảo giang chắn ngang
phía đông. Lại có núi Đại Lại làm hậu thuẫn… Đúng là thế đất trời dành cho họ Hồ.
Nhưng đây là nơi “nên với loạn mà không nên với trị”. Điều này hoàn toàn hợp ý
Hồ Quý Ly, vì ông cần xây dựng một đô thành để trị loạn, trấn áp kẻ phản loạn,
nếu không, không thể trị quốc an dân.
Cổng phụ thành Nhà Hồ Ảnh: ST |
Tây Đô là
kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt sau Đông Đô. Quý Ly cho rằng mình là dòng
dõi vua Ngu tức đời Nghiêu – Thuấn bên Trung Quốc, đổi quốc hiệu Đại Việt ra Đại
Ngu.
Đất Tây
Đô thời Hồ quy vào hương Đại Lại - làng quê vua Quý Ly. Họ Hồ cho xây dựng ở
đây một số công trình văn hóa nghệ thuật giá trị: Cung Bảo Thanh, chùa Triệu
Công, lầu Đấu Kê…
Cung Bảo Thanh
Cung Bảo
Thanh xây dựng năm Đinh Sửu (1397), sau khi Hồ Quý Ly dời đô từ Thăng Long vào
An Tôn, Vĩnh Lộc. Tòa cung điện đặc biệt này dành riêng vua Trần Thuận tông ở. Bởi
nó xây dựng bên ngoài thành Tây Đô, sử cũ chép là “Hành tại”, có nghĩa nơi vua
tạm ở khi đi ra ngoài Hoàng cung, đời sau mang tên Ly cung nhà Hồ. Tại đây, Thuận
tông ban chiếu truyền ngôi cho Thái tử Án, phong Quý Ly làm Quốc tổ nhiếp
chính, nhà vua ra Đông Triều (Quảng Ninh) tu đạo Lão rồi bị giết.
Cung Bảo
Thanh, hay Hành tại Đại Lại có lẽ bị tàn phá từ 1407, sau khi quân Minh chiếm
đóng thành Tây Đô. Nó được nhận diện những năm 1979, 1980, 1983, 1995, qua tài
liệu khảo cổ học phát hiện từ đống đổ nát hoang tàn. Toàn bộ cung Bảo Thanh,
trên bình diện khoảng 2 ngàn m2 giữa lòng hình tay ngai của núi Đại
Lại về phái tây nam, cách sông Lèn chừng 1km. Nền chính tòa cung điện gần hai
trăm m2 với những chi tiết chạm khắc còn thấy cho ta hình dung một
công trình kiến trúc to lớn, lộng lẫy, nói lên trình độ nghệ thuật đặc sắc của
thời đại Trần Hồ. Mỗi hòn đá chân tảng là một tác phẩm mỹ thuật rất đáng khâm
phục. Bề mặt chân tảng chạm cánh sen, trong mỗi cánh sen chạm “lưỡng long triều
nguyệt”. Vòng quanh bệ tảng, hoa văn trang trí hình dây leo uốn lượn đẹp mắt.
Hình rồng trong từng cánh sen uốn khúc rắn mềm mại, uyển chuyển, thân nhỏ nhắn,
cân đối, loại rồng rắn đã phát triển tới đỉnh cao nghệ thuật thời Trần. Hiện vật
khá phong phú chủng loại là đầu rồng, đầu chim, đầu nghê sấu… Đầu rồng mào lửa
có sừng, râu tóc mềm mại, mượt mà, mũi nở, trán cao, miệng rộng… Đầu chim phượng
hoàng mỏ to khỏe, mắt đẹp tựa chim thần. Đầu nghê sấu trông giống như đầu sư tử,
vẻ oai phong, thực ra không phải, nó là con vật huyền thoại trang trí trong kiến
trúc cung đình và đền miếu. Những viên gạch bằng đất nung lát nền, ốp tường,
nung chín ở độ cao, kích thước rộng tới 35cm x 35cm x 5cm, chính giữa mỗi viên
một bông hoa 4 cánh to, nằm gọn trong khung vuông, có gờ chỉ nổi. Bốn góc mỗi
viên gạch trang trí nổi bốn nửa bông hoa giống hoa cúc cách điệu. Loại gạch ốp
tường trang trí hình rồng khá công phu đúc bằng khuôn nhưng sau đó gia công thêm,
đường nét tinh xảo, sinh động… Ngoài ra còn những di vật khác cũng rất đặc sắc
về nghệ thuật như lá đề đất nung, vv…
Chùa Triệu Công
Đó là tên
chùa do Hồ Quý Ly đặt, với ý nghĩa một công trình kiến trúc kỷ niệm ngày bắt đầu
gây dựng cơ nghiệp nhà Hồ. Họ Hồ còn đổi tên núi Đại Lại là núi Kim Âu. Đời Lê
nhân tên núi Kim Âu gọi chùa Kim Âu, vì chữ Triệu Công không xứng đáng với họ Hồ.
Sau lại đặt Phong Công tự - ngôi chùa tốt đẹp, khéo léo. Được nhiều người biết
tới và khen ngợi là “Đề Kim Âu sơn Phong Công tự” của Võ Quỳnh (quê làng Mộ Trạch,
Hải Dương, đỗ Hoàng Giáp 1478, làm tới Binh bộ Thượng thư, kiêm Tổng tài quốc sử
quán, tác giả Việt giám thông khảo)
Phiên âm:
Hoang
sơn nhật mộ tỏa nhàn vân
Kiệt các điêu lương yến ngữ xuân
Đa thiểu tầm phương yên tự khách
Chỉ hoài sơn thủy bất hoài nhân!
Bản dịch:
Đề chùa Phong Công núi Kim Âu
Núi hoang mây phủ bóng chiều phai
Lầu vắng nên xuân én liệng hoài
Khách đến chùa xưa thăm viếng cảnh
Bởi yêu non nước, nhớ gì ai!
(Hoàng Tuấn Phổ dịch thơ)
Làng Trần
Hương Đại Lại nhanh chóng phát triển thành một vùng quê trù phú, dân cư
đông đúc, gồm nhiều làng xã, trung tâm là Chiềng Thôn tức Bái Nại trang xưa.
Vua Trần Nghệ tông đổi Chiềng Thôn thành Trần Thôn. Nơi này còn lại một số dấu
tích cổ liên quan đến Hồ Quý Ly như Vườn Hồ, Đường Hồ, Bãi Hồ, Mả Ông Voi, Chùa
Trần…
Rồng đá khu vực thành Nhà Hồ Ảnh: ST |
Vườn Hồ: Tại đây, ông Hồ
Liêm từ Diễn Châu, Nghệ An ra xin làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn, được làm nhà
chung sống cùng gia đình. Cũng nơi này, Quý Ly chôn rau cắt rốn và cất lên tiếng
khóc chào đời.
Đường Hồ: Lê Quý Ly lên ngôi
vua, bỏ họ Lê, lấy lại họ Hồ. Quý Ly sai đắp một con đường lớn nối với Tây Đô để
thỉnh thoảng vua xa giá về thăm nhà.
Chùa Trần: Xây dựng đời Trần,
tên chính Phúc Linh tự. Tục truyền, Quý Ly lúc nhỏ được một nhà sư chùa Trần
nuôi dạy chữ và võ nghệ. Năm Canh Tuất (1370) vua Trần Nghệ tông về Đại Lại tập
hợp binh thuyền trên sông Lèn, chuẩn bị tiến quân ra Thăng Long dẹp loạn Dương
Nhật Lễ, đã tạm trú ở chùa Trần. Sau khi phục quốc, Nghệ tông cho sửa sang lại
chùa Trần, quy mô tráng lệ hơn xưa. Chùa Trần qua trùng tu nhiều lần. Năm 1901,
tu sửa phật điện, tô tượng đẹp, đúc chuông lớn, xây lại tam quan… mười phần
hoàn hảo. Khoảng năm 1945, chùa bị hư hỏng nhiều hạng mục, địa phương không có
điều kiện sửa chữa, chẳng mấy chốc hóa thành đống gạch ngói hoang tàn. May mắn
còn lại gác chuông rất đẹp, chứng tích duy nhất của một công trình kiến trúc
nghệ thuật Phật giáo, có giá trị văn hóa – lịch sử khá lâu đời.
Cũng trong vùng hương Đại Lại xưa, hiện còn một số di tích thời Lý hoặc
liên quan tới thời Lý. Cách chùa Trần không xa, đền thờ Lý Thường Kiệt và chùa
Linh Xứng nổi tiếng cùng ở núi Ngưỡng Sơn, trông ra sông Lèn.
Sông Lèn xưa kia là một dòng lớn sông Mã, cũng mang tên Đại Lại, có bến Chiềng
thuộc làng Chiềng tức làng quê Hồ Quý Ly – Trần Thôn. Khởi đầu những “Tiếng hò sông Mã” cất lên từ đây :
Sáng mai rời gót bến
Trần
Đi lên Đầm, Sét, Hồi
Xuân xế chiều.
(Hò rời bến)
Khi trở về bến Chiềng, con đò dọc đi qua vùng núi non cẩm tú của địa danh lịch
sử Đại Lại:
Núi Chum, núi Ác
qua rồi
Ngưỡng Sơn, núi Ốc
đã ngồi kề bên.
(Hò sắp đến bến)
Ngưỡng Sơn, núi Ốc đều là những danh sơn, thắng địa, những di tích văn hóa
– nghệ thuật giá trị, những địa chỉ du lãm quen thuộc, mến yêu của du khách bốn
phương.
H.T.P/12/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét