5 thg 9, 2014

"Uống như hũ chìm" là thế nào ?

  Hoàng Tuấn Công
  
Thư bạn đọc Nguyen Son Phu phu.191973@gmail.com viết: "Tôi mới biết trang “Tuấn Công Thư Phòng” gần đây thôi, khi trang “Quê choa” giới thiệu loạt bài viết của Anh về một số thiếu sót trong một số tác phẩm của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. 

Thú thật lúc đầu đọc các bài của Anh thấy thật khó “trôi” nhưng đọc đi, đọc lại tôi lại thấy thích. Từ đó, tôi trở thành độc giả khá thường xuyên của trang “Tuấn Công Thư Phòng”, cứ có thời gian rảnh là tôi lại vào đọc. Tôi đặc biệt thích mục “Phê bình”, mục “Nghiên cứu” của trang. Nhờ đọc các bài của Anh, tôi mới tường tận những điều mà tưởng như mình đã biết (ví dụ như câu “Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dười bể” hay câu “Mồng ba ăn rốn, mồng bốn ngồi trơ”...). Những bài viết của Anh đã làm cho độc giả hiểu đúng, thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Cám ơn anh nhiều lắm.
Các con tôi cũng hay hỏi về từ, thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, để giải thích cho các cháu tôi không dám giải thích theo cách mình hiểu nữa (chính là nhờ đọc các bài viết của anh) mà phải tra từ điển. Về từ tôi có đọc một lời khuyên của Anh cho một độc giả là nên chọn cuốn Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, nhưng tục ngữ, thành ngữ chưa biết chọn cuốn nào phiền anh chỉ giáo.
          Cũng nhờ anh giải thích giúp câu “Uống như hũ chìm” (Tôi hiểu là uống nhiều nhưng chưa rõ tại sao lại như hũ chìm).
          Một lần nữa cám ơn Anh. Chúc Anh mạnh khỏe, hạnh phúc và có nhiều bài viết hay.
          Kính chào Anh".
          Cảm ơn anh Nguyễn Sơn Phú (?) đã quan tâm tới Tuấn Công thư phòng. Về câu thành ngữ "Uống như hũ chìm", tôi xin trả lời như sau:
Các cuốn "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" của nhóm Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào, "Từ điển thành ngữ Việt Nam" (Viện ngôn ngữ học-Nguyễn Như Ý chủ biên) "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân) "Thành ngữ Việt Nam lược giải" (Nguyễn Trần Trụ), "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" (chọn lọc dùng cho học sinh-Nguyễn Bích Hằng) v.v...đều không thấy ghi nhận thành ngữ "Uống như hũ chìm". Bản thân tôi cũng lần đâu tiên được nghe. Có thể đây là câu thành ngữ không thuộc diện thông dụng ? Tuy nhiên, theo tôi, "Uống như hũ chìm" là một câu thành ngữ hay và được hiểu như sau:
          Về nghĩa đen: hũ là đồ đựng bằng sành hoặc bằng gốm, có hình dáng gần giống cái chum: đáy hóp lại, thân phình ra và cổ thắt lại. Hũ khác cái chum ở chỗ nhỏ hơn, đáy hóp hơn và cổ cũng bé, thắt lại nhiều hơn so với chum. Nếu so với chĩnh, hũ lại lớn hơn, miệng rộng hơn. Khi thả xuống nước, cái hũ tròng trành, "uống"  no nước rồi chìm nghỉm. Không nói bạn đọc cũng tưởng tượng ra lúc này bên trong hũ “căng” đầy nước, bên ngoài ngập trong nước. Thế là cả trong, cả ngoài đều chìm ngập trong nước.
Về nghĩa bóng: hình dáng cái hũ phình dần phần thân lên đến cổ trông giống như cái bụng uống nước no căng. Tiếng nước tràn vào lòng hũ và đẩy không khí thoát ra ngoài "òng ọc" nghe chẳng khác nào tiếng "nốc" ừng ực của người uống... Bây giờ, anh thử tưởng tượng một ai đó nhảy xuống cái bể rượu, uống căng một bụng rượu rồi chìm ngập trong cả cái bể rượu ấy.
Chúng ta thường có cách nói để ám chỉ việc uống nhiều bia rượu như: uống như trâu, uống như rồng, ngập trong bia rượu, được một hôm tắm bia v.v...Tuy nhiên, chẳng có kiểu so sánh, ví von nào sinh động, đắt hơn hình ảnh "Uống như hũ chìm": trong bụng đầy rượu, bên ngoài ngập rượu, chỉ toàn rượu là rượu...
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều nghĩa đen  và nghĩa bóng. Hũ chìm còn có thể được hiểu là hũ rượu chôn xuống đất, đầy rượu bên trong (chìm theo nghĩa của chìm của nổi).
 Câu hỏi của anh, chúng tôi sơ bộ chọn cách hiểu như vậy. Mong có thêm ý kiến đóng góp của bạn đọc. Cuối cùng, cảm ơn anh Nguyen Son Phu đã bày tỏ tình cảm với Tuấn Công thư phòng vào đúng dịp Blog tròn 1 năm ngày đăng bài đầu tiên. Cũng mừng cho các cháu nhà ta còn nhỏ mà đã biết quan tâm tìm hiểu di sản thành ngữ tục ngữ dân tộc.

                                                                          HTC/5/9/2014

1 nhận xét: