Ở nông thôn xưa, bờ dậu chỉ đơn sơ thế này Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
“Từ
điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP Hồ Chính Minh, 2010)
đưa ra 3 dị bản đồng nghĩa:
-Mục “Ai nuôi chó một nhà; ai nuôi gà một sân”
chú dẫn “Nh. Chẳng ai nuôi chó một
nhà, chẳng ai nuôi gà một sân”.
-Mục “Chẳng ai nuôi chó một nhà, chẳng ai nuôi gà
một sân”, Nguyễn Đức Dương giải thích: “Chưa từng thấy ai chỉ nuôi toàn chó
trong nhà; chưa từng thấy ai chỉ nuôi toàn gà trong sân (vì vừa chẳng vui nhà,
vừa dễ bị rủi ro một khi gặp dịch bệnh)”.
-Mục “Không ai nuôi chó một nhà; không ai nuôi gà
một sân”, Nguyễn Đức Dương chú dẫn “Nh.
Chẳng ai nuôi chó một nhà, chẳng ai nuôi
gà một sân”.
Theo
đó, lời diễn giải vế đầu của soạn giả nghe chừng cũng có lý. Vì “Chưa từng thấy ai chỉ nuôi toàn chó trong
nhà” thật! Nhưng vế hai, không hẳn “chưa
từng thấy ai nuôi toàn gà trong sân”. Xưa kia, chỉ với với qui mô chăn nuôi
nông hộ, thì một nhà vẫn có thể nuôi bầy gà tới hàng trăm con (gọi là một “sân
gà” cũng không ngoa). Mặt khác, nuôi chó, nuôi gà đâu phải mục đích cho “vui
nhà”; nuôi ít hay nuôi nhiều cũng không phải vì lí do dịch bệnh. Và điều quan
trọng hơn cả, là ý dân gian không phải vậy.
Đặc điểm cư trú của
người Việt, là láng giềng “giáp mái kề hồi”. Rào giậu ngăn cách nhà này với nhà
kia chỉ là giậu mồng tơi, cúc tần, hàng râm bụt đơn sơ, hoặc mấy cây duối, cây găng trồng làm cõi theo quy ước. Trường hợp “gần nhà xa ngõ”,
lại mở thêm lối tắt (người Thanh Hoá gọi là cái “nổ”) để sang nhà nhau những
khi “tắt lửa tối đèn”, hay có bát nước chè xanh, miếng ngon miếng ngọt, thì gọi nhau, cho nhau khi còn nóng hổi.
Nhưng kiểu cư trú như anh em một nhà này nhiều khi cũng gây nên không ít phiền
phức, mất lòng nhau. Chỉ riêng chuyện chó mèo, gà qué đã đủ sinh chuyện.
Những hàng rào râm bụt thế này không có tác dụng ngăn chó, gà xâm nhập Ảnh: ST |
Trong “lục súc” 六畜 (sáu loài vật nuôi: ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn), thì gà, chó không nuôi nhốt mà thả tự do, đi lại kiếm ăn trong sân vườn. “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Chó gà nhà nào thì quen sinh sống, kiếm ăn và bảo vệ lãnh địa nhà đó. Tuy nhiên, cũng có lúc chó nhà này chui rào sang nhà kia đái ỉa bậy, ăn vụng, cắn lộn nhau. Thế rồi, “Cú nói có, vọ nói không”, lời qua tiếng lại. Dù là láng giềng, nhưng cứ bị quấy phá nhiều lần cũng không thể chịu nổi, nên có khi đánh què cả chó hàng xóm, hoặc bực mình chửi đổng, khiến láng giềng phải buông lời trách móc “đánh chó không ngó mặt chủ nhà”!
Với gà qué, thì ngày
chỉ cho ăn hai lần gọi là để “nhớ bữa”, còn
lại tự chúng phải “bới đất nhặt cỏ”, tìm kiếm mối giun trong vườn. Bởi vậy,
chuyện chúng luồn giậu sang hàng xóm canh bới, phá phách vườn rau, đống rơm không phải
là chuyện hiếm. Trong cả hai trường hợp này, thì phía nhà bị chửi bới, trách
móc sẽ nói: “Ai nuôi chó một nhà, ai nuôi
gà một sân”! Có nghĩa không ai nuôi gà, nuôi chó mà lúc nào cũng quản lý chúng
quanh quẩn trong sân vườn nhà mình được. Bởi vậy, chuyện con chó con gà có lỡ
xâm phạm, phá phách, thì hàng xóm láng giềng cũng nên thông cảm, xem đó là điều
khó tránh khỏi.
Gà nhà có khi đi kiếm ăn khá xa. Chúng có thể sang cách mấy nhà hàng xóm, hoặc ra tận ngoài đồng để kiếm ăn. Ảnh: ST |
Chính từ thực tế này
mà dân gian đúc kết nên kinh nghiệm “Yêu nhau thì rào giậu” (dị bản “Yêu nhau
rào dậu cho kín”). Nghĩa đen ở đây được hiểu: dù có thân mật đến đâu, nhưng để
đảm bảo quan hệ hàng xóm láng giềng được tốt đẹp, bền vững, thì tốt nhất nên “rào
giậu cho kín”, tôn trọng, giữ gìn không gian sống của nhau, tránh va chạm,
gây phiền toái cho nhau, dù vô tình hay hữu ý.
Như vậy, “nuôi chó
một nhà” không phải là “nuôi toàn chó
trong nhà”; “nuôi gà một sân”
không phải là “nuôi toàn gà trong sân”
như Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích. Theo đó, “nuôi chó một nhà” là nuôi chó chỉ trong phạm vi nhà mình; “nuôi gà một sân”, là nuôi gà chỉ trong
phạm vi sân vườn nhà mình(*).
Ngoài “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức
Dương, thì trong hàng chục cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, chỉ thấy có
thêm “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt
Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn Học, 2008) là thu thập và giải
nghĩa câu tục ngữ này. Tuy không giải thích cụ thể về nghĩa đen, nhưng cách hiểu
nghĩa bóng của Nhóm Vũ Dung là đúng: “Trong sinh hoạt hàng ngày có những lúc, những việc không thể bó hẹp
trong phạm vi từng gia đình, giữa hàng xóm láng giềng phải có sự thông cảm, bỏ
quá cho nhau”.
HTC/6/2018
(*)-Bây giờ, không gian cư trú ở nông thôn đã có
sự thay đổi khá lớn. Dải "ngăn cách mềm" giữa hai nhà bằng giậu mồng
tơi, cúc tần xanh mướt xưa kia, nay đã hoá tường cao kiên cố. Chó mèo, gà qué
nhà này không còn xâm phạm nhà kia nữa. Nhưng chính điều đó lại làm mất đi vẻ đẹp
tự nhiên vốn có của xóm thôn. Tình nghĩa xóm giềng cũng vì thế mà thêm phần
ngăn cách, đúng như Nhà thơ Trịnh Anh Đạt đã cảm thán: "Làng ta lên phố đổi tên/Xóm giềng ngăn cách giậu phên thay rồi/Tình người
nhạt miếng trầu hôi/Hồn làng hoá đám mây trôi phiêu bồng..."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét