25 thg 5, 2018

“ĂN TRỘM CÓ TANG, CHƠI NGANG CÓ TÍCH”


Tham tụng Hà Tông Huân phá án gian dâm giết người
HOÀNG TUẤN CÔNG

Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) giải thích: “ăn trộm có tang, chơi ngang có tích Nói những kẻ gây rối trong xã hội”.

Dĩ nhiên, đây là lời giảng hoàn toàn sai. Soạn giả nhầm lẫn với “đầu trộm đuôi cướp” hoặc “du thủ du thực” chăng?  


“Chơi ngang” là gì? Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex) giảng 2 nghĩa: “đg. 1 [id] có hành động ngang ngược, bất chấp phép tắc: cậy thế chơi ngang. 2 có quan hệ nam nữ bất chính khi bản thân đã có vợ, có chồng: “Có chồng càng dễ chơi ngang, Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai?” (Cdao)”.

Theo đây, nếu hiểu “chơi ngang” trong câu tục ngữ là “nói những kẻ gây rối”, có thể tạm chấp nhận được, nhưng “ăn trộm” sao gọi là “gây rối”?

Thực ra, đây là câu tục ngữ liên quan đến lĩnh vực hình án, tầm quan trọng của tang chứng, vật chứng với hai tội “trộm cắp” và “gian dâm” (hiểu rộng ra là các vụ việc thuộc lĩnh vực hình án, cướp của giết người...). “Tang” hay “tích” ở đây đều có nghĩa là tang chứng, vật chứng của vụ việc. Theo đó, người thi hành luật pháp luôn coi trọng tang chứng hơn lời cung khai (Trọng chứng bất trọng cung). Bởi vậy, tục ngữ Hán cũng có câu: Bắt trộm phải có tang vật, bắt kẻ gian dâm phải cả cặp gian dâm [捉賊見贓,捉奸捉雙-Tróc tặc kiến tang, tróc gian tróc song]”Và “Kẻ cướp đi bên đường, không tang chứng chẳng thể định tội cho hắn” (強盜沿街走無贓不定罪-Cường đạo duyên nhai tẩu, vô tang bất định tội). Nghĩa là dù biết rõ kẻ khác phạm tội, nhưng để kết tội nó, phải có chứng cứ rõ ràng. 
Xưa kia, khi khoa học hình sự chưa phát triển, thì tang chứng, vật chứng là những điều kiện vô cùng quan trọng để luận tội. Ví như “Luật Gia Long” về “Các tội trộm cướp và sang đoạt”, thì tội ăn trộm tiền của, súc sản (trâu bò), thóc lúa ngoài đồng, đều phải căn cứ vào vật chứng và giá trị của vật chứng để định tội. Đến như tội “ăn trộm nước tưới”, cũng phải căn cứ vào vật chứng là số nước lấy cắp tưới cho bao nhiêu mẫu ruộng mà xử phạt.
Riêng với “Tội thông gian và giết chết kẻ thông gian”, Luật Gia Long không chỉ coi trọng tang chứng, mà phải là tang chứng ngay tại chỗ. Ví dụ, điều 254 chép như sau: “Phàm thê thiếp ăn nằm với đàn ông khác mà chồng y bắt được cả gian phu và gian phụ ngay tại nơi diễn ra sự gian dâm và người chồng đã giết chết cả hai tên thông gian đó thì luật không bắt tội; còn nếu như chỉ giết chết có tên gian phu thì tên gian phụ kia sẽ bị khép vào tội hoà gian (tức “thông gian”-HTC) và xử chém không tha. Nhưng nếu đó chỉ là sự giao du vui chơi, chứ chưa thành gian dâm hoặc là đã diễn ra sự gian dâm nhưng không bắt được ở chính tại nơi diễn ra sự gian dâm, mà người chồng ấy lại giết chết họ, thì khép tội đối với người chồng vào tội tự tiện giết người để trừng phạt.” (Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn-TS Huỳnh Công Bá, NXB Thuận Hoá, 2017).
Về nguyên tắc hình án, tục ngữ Hán còn có dị bản “Gian dâm phải có đôi, trộm cướp phải có tang vật, giết người phải có vết sát thương” [捉奸見雙,捉賊見贓剎人見傷-Tróc gian kiến song, tróc tặc kiến tang, sát nhân kiến thương”].

Thuỷ Hử truyện, hồi 25 “Cửu Thúc giấu xương chờ khách hiệp; Võ Tòng giết chị tế hồn anh”, đoạn Võ Tòng dẫn hai nhân chứng Hà Cửu Thúc và Vận Kha đến Huyện đường Dương Cốc kể tội Tây Môn Khánh và chị dâu thông gian, lập mưu giết chết anh trai Võ Tòng là Võ Đại.

Bấy giờ Huyện quan mới bảo Võ Tòng: “Gian dâm phải có đôi, trộm cướp phải có tang, giết người phải có vết tích sát thương” [捉奸見雙,捉賊見贓剎人見傷], nay anh ngươi đã chết, xác không còn lại, chính ngươi cũng không bắt được sự gian. Nếu bằng cứ chỉ là lời nói hai đứa làm chứng này, mà cho ngay là có việc giết người, chẳng phải là chuyện quá hồ đồ hay sao?”. 

May thay, vì biết bản chất sự việc là gian dâm giết người, nên Hà Cửu Thúc đã giấu lại “hai mảnh xương đen” (của Võ Đại chết do trúng độc), “một đĩnh bạc mười lạng” (do Tây Môn Khánh lót cho Cửu Thúc, nhờ khâm liệm Võ Đại), và tờ giấy “viết rõ ràng ngày tháng tên tuổi những người đi tống táng”, thảy đều bỏ chung vào một gói, đợi ngày Võ Tòng trở về. Theo đó, dù ít hay nhiều, đây cũng chính là những tang chứng cực kì quan trọng để người thi hành luật pháp có căn cứ điều tra, trị tội cặp gian phu dâm phụ.
Việc có tang chứng vật chứng không chỉ đảm bảo tránh oan sai, mà khi thực hiện hình án, kẻ phạm pháp cũng khó bề chối tội.
Như vậy, câu “Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích” (dị bản “Đạo tang, dâm tích”) có thể hiểu theo hai nghĩa chính: Những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện; Cần phải có tang chứng cụ thể, rõ ràng mới kết tội được. Đây cũng là lời khuyên rất hữu ích khi đi bắt kẻ gian dâm, trộm cắp, cướp của giết người: hãy cố gắng có được tang chứng thật rõ ràng, “bắt tận tay, day tận trán”. Bởi “Gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”, “Tặc vô tang, ngạnh tự cương-賊無贓,硬似鋼” (bắt trộm mà không có tang chứng thì nó cãi cứng như thép). Ngược lại, nếu chỉ "trọng cung" chứ không "trọng chứng", cũng rất dễ khiến người ngay phải chịu oan khuất, gánh tội thay cho kẻ gian tà.

                                   Hoàng Tuấn Công/5/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét