16 thg 6, 2018

CHIÊM KHÔN HƠN MÙA DẠI

Lúa vụ xuân ở Thanh Hoá 2018
Ảnh: HTC

HOÀNG TUẤN CÔNG

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân): Chiêm khôn hơn mùa dại Người tốt mà dại thì thua thiệt kẻ xấu mà khôn”.
-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): Chiêm khôn hơn mùa dại. (chiêm khôn: thứ gạo chiêm già nắng, hạt nhỏ và đanh; mùa dại: thứ gạo mùa hạt to và đục). Một kinh nghiệm chọn gạo: thường gạo mùa hơn gạo chiêm, nhưng gạo chiêm vẫn ngon hơn thứ gạo mùa xấu”.

-“Từ điển tiếng Việt” (New Era): “Chiêm khôn hơn mùa dại. Một kinh nghiệm chọn gạo là lệ thường gạo mùa hơn gạo chiêm, nhưng gạo chiêm ngon thì vẫn hơn gạo mùa xấu”.
          Theo chúng tôi, cả ba cách giảng trên đây đều chỉ là phỏng đoán, suy diễn.
Với GS. Nguyến Lân, tại sao “chiêm khôn” lại hiểu thành “người tốt mà dại”, còn “mùa dại” lại có nghĩa là “kẻ xấu mà khôn”?
Với Nhóm Vũ Dung và New Era, cách giải thích không có cơ sở thực tế. Quả tình, tục ngữ có câu “Chiêm hơn chiêm sít, mùa ít mùa nở”, ý nói gạo chiêm không ngon, cứng và ít nở so với gạo mùa (“Gạo mùa treo chái chùa cũng chín”). Tuy nhiên, không có cơ sở nào để khẳng định “chiêm khôn” và “mùa dại” được dùng với nghĩa “gạo ngon” và “gạo xấu”. Mặt khác, nếu muốn đúc kết kinh nghiệm chọn gạo, theo ý gạo chiêm ngon, vẫn hơn gạo mùa mà “xấu”, thì dân gian sẽ dùng phép ngoa ngôn, ví như: “Thà ăn gạo chiêm ngon, chẳng thà ăn gạo mùa xấu” (tương tự “Thà ăn vảy trốc, chẳng thà ăn ốc tháng tư”; “Thà ăn muối, chẳng thà ăn chuối chết”, v.v…).
Thực ra, câu này nói về thời vụ cấy lúa và kinh nghiệm đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Ngày trước, người ta xem thời vụ sản xuất vụ Mùa (còn gọi vụ Mười-thu hoạch vào tháng Mười) tốt hơn vụ Chiêm (còn gọi vụ Năm-thu hoạch vào tháng Năm).
Từ điển bách khoa nông nghiệp”, mục “lúa mùa” cho biết: “Trước kia, lúa mùa cho năng suất cao hơn lúa chiêm, nhưng hiện nay lúa mùa có năng suất thấp hơn năng suất lúa đông-xuân và lúa hè-thu”.
Trong sách “Xứ Đông Dương”,  Paul Dumer cũng chép như sau: “Nam Kỳ chỉ có một vụ thu hoạch lúa mỗi năm; Bắc Kỳ thì có hai vụ. Vụ thu hoạch quan trọng nhất là vào tháng Mười theo lịch An Nam, rơi vào tháng Mười một; vụ kia vào tháng Năm theo lịch An Nam, rơi vào tháng Sáu”.
Học giả Charles Robequain trong sách “Le Thanh Hoa (Tỉnh Thanh Hoá”, G.VAN xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp 1929; Nguyễn Xuân Dương - Lâm Phúc Giáp dịch - NXB Thanh Hoá - 2012) ghi chép rất rõ: “Các vùng đất thấp, do vị trí của chúng, gần như chỉ dành riêng cho lúa và khắp mọi nơi đều làm hai vụ, vụ tháng 10 thường tốt hơn vụ tháng 5 một chút; tuy thế trong hầu hết các tổng ở Hà Trung, Bắc Hậu Lộc (tổng Chi Nê), phía Tây Nga Sơn (tổng Cao Vịnh và một phần tổng Mậu Lâm) vụ tháng 5 tốt hơn; ở phía Bắc Hà Trung nữa (tổng Nam Bạn, Trung Bạn, và Đông Bạn), trên phần lớn các đất bị ngập lâu ngày không thể cấy được vụ lúa Thu (tháng 10) và trong các tổng khác của phủ này, các ruộng thấp cấy vào mùa Xuân phòng hạn hán thường bị mất vì úng thuỷ vào tháng 7 tháng 8 hoặc tháng 9”.
Như vậy, chỉ với vùng đất quá thấp, sâu trũng như Hà Trung, Hậu Lộc (Thanh Hoá), thì xưa kia (thậm chí ngay cả hiện nay), người ta mới xem vụ chiêm là vụ chính (vì nếu làm vụ mùa, sẽ bị mất trắng do ngập lụt). Theo đó, hiện nay ở vùng trũng Hà Trung, sau khi gặt xong vụ chiêm, thì nông dân không gieo cấy vụ mùa, mà để lại gốc rạ để tiếp tục thu hoạch lúa chét.
Charles Robequain viết tiếp: “ở phía Nam sông Mã, tại Quảng Xương và Tĩnh Gia, có cồn cát cao hơn chỉ trồng được hoa màu cạn và ở đây vụ Chiêm kém hẳn vụ Mùa. Trong các vùng trũng, nhiều ruộng một năm cấy được hai vụ, nhưng vụ Hè thường bị hao hụt bởi khô hạn và chỉ bằng vụ Mùa trong một vài dải đất sét hẹp như ở phía Tây Sầm Sơn”. Và ông kết luận: “Nói chung năng suất lúa theo hecta vụ Mùa cao hơn vụ Chiêm”.
          Điều này được khẳng định trong thực tế, trước kia lúa mùa thường chiếm diện tích nhiều nhất trong cả nước. Mặt khác, ở vụ mùa, người ta gieo trồng rất nhiều giống lúa, nhiều phương thức canh tác khác nhau (gieo thẳng, cấy), trên các loại chân đất khác nhau, mà thông thường lúa vụ chiêm không cấy được do bị hạn hán thiếu nước. Vì trên một số chân đất bỏ trổi vụ chiêm (do thiếu nước) nên đất được nghỉ, đến khi canh tác vụ mùa, lúa cho năng suất cao hơn cũng là điều dễ hiểu.
          Hiện nay, do tưới tiêu đã chủ động, nên vụ lúa chiêm (nay gọi là vụ xuân) lại cho năng suất cao hơn hơn vụ mùa. Nguyên nhân, vụ mùa thường được gieo cấy ngay sau vụ xuân kết thúc, nên đất không có thời gian nghỉ. Trong khi, sau thu hoạch mùa, đất được cày ải và nghỉ trong ba tháng vụ đông, nên đến vụ xuân lúa được cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào hơn. Mặt khác, vụ chiêm cũng ít sâu bệnh và thiên tai bão lụt so với vụ mùa. Bởi vậy, đây là một trong những câu tục ngữ, mà nghĩa đen của nó không còn phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp ngày nay nữa. 
Trong số các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay, “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích không đến nỗi sai nặng như cách suy diễn của ba cuốn từ điển đã dẫn, nhưng vẫn chưa đúng ý dân gian: Chiêm khôn hơn mùa dại: Vụ chiêm mà bội thu thì lượng thóc thu về sẽ nhiều hơn là vụ mùa thất bát (tuy năng suất chiêm thường kém xa so với lúa mùa)”. Theo đó, vụ chiêm bội thu thì sẽ hơn vụ mùa thất bát, điều đó là quá hiển nhiên rồi, cần gì phải tổng kết thành tục ngữ?
Như vậy, câu “Chiêm khôn hơn mùa dại”, ý dân gian là: Vụ mùa tốt hơn vụ chiêm, nhưng nếu vụ chiêm mà cày cấy kịp thời, biết đầu tư chăm sóc [“khôn”] thì vẫn tốt hơn vụ mùa có điều kiện thuận lợi, nhưng không cần cù, không đầu tư chăm sóc[“dại”]. Nghĩa bóng: trong điều kiện khó khăn, nhưng nếu biết cách khắc phục, thì vẫn cho kết quả tốt hơn so với có điều kiện thuận lợi, mà không biết tận dụng phát huy. 
                                                    HTC/6/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét