HOÀNG TUẤN CÔNG |
MInh hoạ: ST |
Tuần
qua, báo chí và mạng xã hội bình luận sôi nổi về đề thi ngữ văn THPT năm 2017,
với đoạn văn đọc hiểu, trích dẫn từ sách “Thiện,
Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017). Xin
trích:
“Thấu cảm
là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của
họ.
Giống như cái lạnh thấu vào tủy hay cái
đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta
hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy
ra mà không có sự phán xét.
Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của
người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm”.
Rất
nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, nhưng có thể tổng hợp thành mấy quan điểm
chủ yếu như sau:
-Thứ
nhất: “Thấu cảm” là một “từ lạ”, không có trong tiếng Việt, cũng không có trong
tiếng Hán, và không được bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận. (“Một thạc sỹ công tác tại Viện Từ điển học và
Bách khoa thư Việt Nam thú nhận: “Chưa từng nghe từ này bao giờ”- báo “Tiền
phong”). Vì tiếng Việt không có cái gọi là “thấu cảm”, nên cách hiểu, cách giảng
về “thấu cảm” của TS Đặng Hoàng Giang là vô nghĩa.
-Thứ
hai: Từ “thấu cảm” tuy không thông dụng, nhưng đã được dùng trong thực tế và được
từ điển tiếng Việt ghi nhận. Tuy nhiên, cách giải thích của tác giả Đặng Hoàng
Giang mang nặng tính suy diễn, chủ quan, phi lý.
- Thứ
ba: Không có vấn đề gì đáng phải bàn cãi trong đoạn văn đọc hiểu và đề thi môn
ngữ văn.
Trước tiên, xin nói về từ “thấu cảm”.
Có
thể nói, “Từ điển tiếng Việt” của Trung
tâm từ điển học Vietlex (Vietlex) là cuốn từ điển duy nhất (đến thời điểm này mà
chúng tôi biết) có ghi nhận từ “thấu cảm”. Sách này đưa ra hai cách giải thích như
sau: “thấu cảm • 透感 đg. thấu hiểu và cảm thông một cách sâu
sắc” (theo bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt, NXB Đà Nẵng, 2015); “thấu
cảm • đg. cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc : thấu cảm lòng nhau” (bản
không chú chữ Hán, NXB Đà Nẵng, 2007).
Tuy
nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Vietlex thu thập và chú chữ Hán cho từ “thấu
cảm” là thiếu thận trọng, thậm chí không đúng, vì đây không phải là từ có trong
tiếng Hán. Mặt khác, cách giải nghĩa của Vietlex theo kiểu lắp ghép máy móc, tuỳ
tiện của “từ điển Vũ Chất” (kiểu như “giao hợp” = giao lưu và hợp tác!). Nghĩa
là theo quan điểm này, thì ngay cả khi “thấu cảm” đã được từ điển tiếng Việt
ghi nhận, cũng không có nghĩa là đúng.
Vậy,
nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo
chúng tôi, cần thấy rằng, từ Việt gốc Hán không dứt khoát phải là một từ có
trong tiếng Hán, được dùng với nghĩa của tiếng Hán. Từ gốc Hán còn là những từ “có sự vay mượn hoàn toàn hay một phần ý
nghĩa từ tiếng Hán. Khi vay mượn và biến đổi theo những nghĩa không có trong tiếng
Hán thì ngữ tố đó được gọi là Hán Việt Việt dụng” (ví dụ các từ: lịch sự, tử
tế, thông cảm-HTC chú); “Những từ được
người Việt tạo thành từ việc kết hợp các từ tố gốc Hán (với ba mặt
hình-âm-nghĩa) theo kiểu của người Việt và chỉ có người Việt sử dụng. Những đơn
vị này không xuất hiện trong từ vựng của tiếng Hán, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng
như khối từ vựng văn ngôn của các nước này thì được gọi là từ Hán Việt Việt tạo.”
(“Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển”-Trần
Trọng Dương, NXB Từ điển bách khoa-2014).
Như
vậy, căn cứ tiêu chí mà các nhà ngôn ngữ nói chung, tác giả Trần Trọng Dương
nói riêng đưa ra để phân loại, thì “thấu cảm” thuộc nhóm từ “Hán Việt Việt tạo”.
Quá trình sản sinh từ “Hán Việt Việt tạo” diễn ra cách nay ít nhất cũng đã hơn
nửa thiên niên kỷ. Cụ thể, theo tác giả “Nguyễn
Trãi quốc âm từ điển”, thì (cho đến thời điểm này) từ “Hán Việt Việt tạo” xuất
hiện trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi được coi là sớm nhất.
Về từ
“thấu cảm”, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Ts Hán Nôm Trần Trọng Dương cũng chia sẻ ý kiến với
chúng tôi như sau: “Xét về mặt lý thuyết,
"thấu cảm" không có gì sai về từ pháp (cấu trúc từ) của Hán văn, và
không có gì sai về cơ chế sản sinh từ vựng của tiếng Việt. Nguyên lý này dựa
trên cảm thức ngôn ngữ, và tri thức Hán văn của người bản ngữ, để có thể tiếp tục
làm giàu thêm kho từ vựng phong phú của tiếng Việt. Ví dụ: về cấu trúc tương
đương, thấu hiểu >>> thấu cảm >>> thấu thị >>> thấu
đáo. Giống như, lâm tặc> hải tặc> tin tặc> cát tặc”.
Quả
vậy, về từ “thấu hiểu”, “Từ điển tiếng Việt”
(Vietlex) giảng như sau: “thấu hiểu •
透曉 đg. hiểu một cách sâu sắc, tường tận: thấu hiểu lòng nhau”; “Hán ngữ đại từ điển” giảng: “thấu hiểu:
hiểu một cách triệt để, tường tận” (nguyên văn: “triệt để hiểu ngộ 徹 底 曉 悟”). Theo đó, với từ “thấu cảm”,
thì “thấu” ở đây là “thông thấu” 通透 (Hán
điển giảng: “thông thấu = thấu hết; hiểu rõ” [nguyên văn “通透 (penetrating): 通徹, 明白”]; “cảm” 感 nghĩa là sự rung động, nhận biết bằng giác
quan, hoặc bằng cảm tính về sự vật, hiện tượng nào đó. Bởi vậy, “thấu cảm” có
thể được hiểu là sự cảm nhận, hiểu biết một cách sâu sắc, tường tận về trạng
thái tâm lý, hoặc cảnh ngộ… của ai đó. Tuy nhiên, “cảm” trong “thấu cảm” là cảm
nhận mang tính chất cảm thông,
chia
sẻ, chứ không phải là cảm nhận nói chung. Theo đó, phương pháp định nghĩa phổ
biến trong từ điển giải thích là dùng “từ bao”. Nghĩa là phải thể hiện được mối
quan hệ trực tiếp của nội dung định nghĩa với yếu tố thể hiện ở đầu mục từ. Bởi
vậy, từ cách tạo từ đến lời giảng của Vietlex: “thấu cảm: cảm nhận và thấu hiểu
một cách sâu sắc”; hoặc “thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc”, hoàn toàn không
có gì là bất thường, ngô nghê. Ví dụ thêm, từ “cân xứng” 斤稱 (Hán ngữ = tương xứng 相稱) là một từ “Hán Việt Việt tạo” (đã có
trong thơ quốc âm của Nguyễn Trãi). Từ điển của Vietlex giảng: “cân xứng • 斤稱 cân đối và phù hợp với nhau. Đn: tương xứng”.
Tuy nhiên, “cân xứng” cũng có thể được giảng là “cân đối và tương xứng”, mà
không bị xem là cách ghép từ và giải thích theo kiểu máy móc của “từ điển Vũ Chất”.
Hoặc “cách điệu” 格調, được
“Hán Việt từ điển” của Đạo Duy Anh giảng là: “cách-thức
và thanh-điệu của văn-chương”…
Theo ngữ liệu của Vietlex, thì “thấu cảm”
đã xuất hiện trong văn học xuất bản từ năm 1941. Đó là truyện ngắn “Những nỗi
lòng” (nằm trong tập truyện ngắn “Nằm vạ” của Bùi Hiển):
“Anh viên chức đạc điền trước nhà, bác thợ
may hàng xóm, chị bán cháo bánh canh thường ngày cung cấp cho tôi món quà sáng
thơm ngon ngầy ngậy, họ sống ra sao, lo nghĩ những gì, họ yêu ai và ghét những
ai? Tại sao cô em gái tôi thương yêu nhất đời lặng lẽ khóc hai lần giữa ngày mồng
một Tết? Tôi không hề biết, không hề biết!
Tâm
hồn tôi trở nên lo lắng. Tôi sống chăm chú, vểnh tai và giương mắt như con nai
rừng rậm, tôi muốn cho linh giác thẳng căng, để mà THẤU CẢM, một cách lẹ làng tế
nhị, sự thầm kín ủ trong những nỗi lòng”.
Ngoài ra, cũng theo ngữ liệu (do Trung tâm
từ điển học Vietlex cung cấp cho chúng tôi), “thấu cảm” còn xuất hiện trong rất
nhiều tác phẩm khác, như:
-“Tối
đen, yên ắng. Bóng tối trở nên lạnh. Đã đến lúc phải về rồi, Kiên thầm nghĩ và
phóng tay ngồi dậy. Chẳng hiểu sao cậu cảm thấy một nỗi tiếc nuối cay đắng, cảm
thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức mình. Như THẤU CẢM được
lòng Kiên, Phương khẽ nói:
- Chẳng
sợ đâu. Đằng nào cổng trường cũng đóng rồi. Đợi tối khuya cụ lao công gà gật,
ta trèo tường biến”. [Bảo
Ninh. Nỗi buồn chiến tranh”. 1990].
-“Thuật
lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý những cử
chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm trạng và
âm vang trong cơ thể người kể”. [Thế Bảo Tịnh. Hà Nội mới cuối tuần. 1996]
-“Không
nhận thức rõ ràng nguồn gốc tư tưởng nhân đạo đậm đà bản sắc dân tộc này thì sẽ
dẫn tới sự đối lập cực đoan giữa cá nhân và xã hội, giữa cái tôi và cái ta, giữa
chủ thể đạo đức và chủ thể trí tuệ, không dễ gì THẤU CẢM được “sự thật bên
trong” của những câu thơ “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng.” [Nguyễn
Thanh Hùng. Văn nghệ. 1996]
-“Cha
mẹ lại cũng cần THẤU CẢM với trẻ, nhớ lại cái thuở tuổi mới lớn của mình để hiểu
những phản ứng của trẻ bây giờ, nhưng vẫn phải có trách nhiệm giám sát, cố vấn”.
[Đỗ Hồng Ngọc. Kiến thức ngày nay. 1997]
-“Thiên
nhiên thật thiên vị, dường như đã dồn hết cả tinh tuý của đất trời về phía Tây
Hồ. Đã có biết bao mùa thu đến rồi đi qua, vậy mà cứ mỗi một mùa thu về lại dậy
trong tôi những cảm giác mới lạ, THẤU CẢM bằng cả tâm hồn”. [Báo Doanh nghiệp
chủ nhật. 1997]
-“Chủ
tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về giao tiếp quản lý. Đó là sự giao tiếp
luôn hướng vào quần chúng, đồng cảm ở mức độ THẤU CẢM với họ, để ứng xử phù hợp
- sáng tạo và cách mạng, như đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh rất
giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho quần chúng hiểu được, nhớ được,
làm được”. [Nguyễn Liên Châu. Giáo dục & Thời đại chủ nhật. 1999].
Dĩ nhiên, ngữ liệu thống kê trên đây của
Vietlex không có nghĩa năm 1941 là thời điểm (hoặc mới là thời điểm) xuất hiện
từ “thấu cảm”; hoặc đến nay chỉ chừng ấy tác giả, tác phẩm sử dụng từ này.
Như vậy, có thể “thấu cảm” chưa được sử dụng
rộng rãi và biết đến nhiều trong đời sống hàng ngày, hãy còn xa lạ với học sinh
phổ thông, nhưng không phải là quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là người cầm
bút, càng không phải là “từ lạ” do TS Đặng Hoàng Giang “sáng chế” ra.
Trở
lại hai chữ “thấu cảm”. Tiếng Việt mượn nhiều từ gốc Hán vào kho tàng từ vựng của
mình, đồng thời cũng tự tạo ra nhiều từ mới bằng các từ hoặc yếu tố gốc Hán.
Qua quá trình sử dụng, có những từ bị “rụng” bớt nghĩa, hoặc chuyển nghĩa (thêm
nghĩa mới). Những từ này nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt, chịu sự chi phối
của các quy luật ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa của tiếng Việt, trở thành tài sản
của người Việt, mà không dứt khoát phải phụ thuộc vào người Hán. Người Hán nói “cảm
thông”, ta cũng nói “cảm thông” với nghĩa tương đương, nhưng lại có thêm từ “thông
cảm” với nghĩa khác cách dùng của Hán. Hán nói “tương xứng”, ta cũng nói “tương
xứng”, nhưng lại có thêm “cân xứng”. “Tương xứng” và “cân xứng” của ta cũng
không đồng nghĩa trong mọi trường hợp.
Tiếng
Việt uyển chuyển và phong phú là thế. Bởi vậy, ngay cả khi “thấu cảm” không có
trong tiếng Hán, hoặc chưa có bất cứ cuốn từ điển tiếng Việt nào ghi nhận từ
“thấu cảm”, thì điều đó hoàn toàn không có nghĩa là từ này không có trong tiếng
Việt. Điều đáng hoan nghênh là “Từ điển
tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex đã bám sát, phản ánh kịp thời
đời sống ngôn ngữ, sưu tầm ngữ liệu một cách bài bản, rồi bổ sung từ “thấu cảm”
vào từ điển từ năm 2007[1].
Tóm lại, theo chúng tôi, dù thông dụng, hay
chưa thông dụng, chúng ta cũng nên nhìn nhận từ “thấu cảm” một cách công bằng
như bao từ “Hán Việt Việt tạo” đã sinh ra trong quá trình phát triển, làm giàu
thêm cho tiếng Việt. Nghĩa là nếu đoạn văn đọc hiểu trích từ “Thiện, Ác và
Smartphone” có vấn đề, hãy đưa ra lý lẽ để bác bỏ, phê phán chính nó, chứ không
nên và không thể “tẩy chay”, loại trừ luôn từ “thấu cảm”[2].
Hoàng Tuấn Công/6/2017
Chú thích:
[1] Công bằng mà nói, nếu so sánh cách
dùng từ “thấu cảm” trong kho ngữ liệu của Vietlex, với cách “tán” của TS Đặng
Hoàng Giang, thì “thấu cảm” thực ra mang nghĩa giản dị, dễ hiểu hơn nhiều.
Nghĩa là tác giả “Thiện, Ác và Smartphone” đã gán thêm cho “thấu cảm” nhiều
nghĩa rất bí hiểm, linh diệu. Ví dụ, đoạn văn trong “Nỗi buồn chiến tranh”, khi
“thấu cảm được lòng Kiên”, thì Phương vẫn quan sát và cảm nhận bằng giác quan của
chính mình, chứ đâu phải nhìn bằng “con mắt của người khác”? Hay, Phương chỉ
“thấu cảm” trạng thái tâm lý của Kiên trong cảnh ngộ cụ thể (“cảm thấy một nỗi
tiếc nuối cay đắng, cảm thấy cái việc phải rời đây ra về là nặng nề quá sức
mình”), chứ đâu phải là “sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” của Phương về con người
Kiên (tức hiểu biết tất cả tâm tính, niềm vui, nỗi buồn, hay thiện ác trong một
con người). Từ chỗ “thấu cảm” được “nỗi tiếc nuối cay đắng” trong lòng Kiên,
Phương đã nói lời chia sẻ, an ủi, cảm thông.
Hoặc trong đoạn văn của Thế Bảo Tịnh:
“Thuật lắng nghe một vấn đề, không phải chỉ bằng tai mà còn cả bằng mắt, để ý
những cử chỉ nhỏ của người nói, để dễ tạo cho mình một THẤU CẢM về sự kiện, tâm
trạng và âm vang trong cơ thể người kể”, chúng ta thấy rõ, cách lắng nghe đế thấu cảm là vận dụng
cùng lúc các giác quan (tai mắt) của chính mình; và cũng chỉ “thấu
cảm” về “sự kiện, tâm trạng” của người kể chuyện trong lúc đó, chứ đâu phải hiểu
“thấu đáo, trọn vẹn” người đang kể chuyện! Ấy là chưa kể đến những ví dụ về sự
thấu cảm của tác giả Đặng Hoàng Giang cũng chưa thể gọi là “thấu cảm” được.
Ý kiến riêng của tôi, đề thi môn ngữ văn THPT năm 2017 có "vấn đề", Trường hợp lấy đoạn trích trong “Thiện, Ác và Smartphone” và yêu cầu thí sinh chỉ ra những điểm chưa hợp lý
trong cách hiểu từ “thấu cảm” của tác giả, lại là chuyện khác. Tuy nhiên, đó không phải là yêu cầu phù hợp với trình độ của học sinh THPT.
[2] Xin
tham khảo thêm một số ngữ liệu do Vietlex thu thập (chúng tôi viết hoa THẤU CẢM
là để nhấn mạnh và dễ quan sát):
-Tức là, đối với một nhà lãnh đạo, THẤU
CẢM không có nghĩa là việc cố gắng hùa theo cảm xúc của những người khác, lấy cảm
xúc của họ làm cảm xúc của mình, với mục đích làm hài lòng mọi người; trái lại,
nó mang ý nghĩa chỉ về việc trong tiến trình đưa ra các quyết định sáng suốt,
nhà lãnh đạo ấy biết ân cần quan tâm đến những tâm tư tình cảm - cũng như đến
nhiều yếu tố khác nữa - của các nhân viên mình. [misa.com.vn. 17/12/2012.]
-Nét khác biệt giữa hai người quản lý
kia chính là sự THẤU CẢM. Người thứ nhất quá đỗi lo lắng về "số phận"
của chính bản thân, đến độ không thiết đoái hoài gì đến nỗi lo âu của các nhân
viên mình. Người thứ hai thì bằng trực giác mà biết được những cảm giác của các
nhân viên anh, hiểu được những nỗi lo sợ họ đang mang trong lòng, và anh đã tìm
cách dùng lời lẽ mà động viên họ. [misa.com.vn. 17/12/2012.]
-Những người có khả năng THẤU CẢM đều bắt
nhịp được với những gì tinh tế được biểu hiện qua ngôn ngữ cơ thể; họ có thể
nghe ra được thứ thông điệp nằm sâu bên dưới lớp vỏ ngôn từ. Trên hết, họ có được
một cách nắm bắt sâu xa về cả sự tồn tại lẫn tầm quan trọng của những nét khác
biệt giữa các nền văn hoá hay giữa các dân tộc với nhau. [misa.com.vn.
17/12/2012.]
-Bạn đời sẽ thể hiện cảm xúc dễ tổn
thương nhiều hơn thay vì cảm xúc phản ứng (ví dụ tức giận), từ đó càng gợi lên
sự THẤU CẢM giữa hai vợ chồng.
Điều này cũng giúp các cặp vợ chồng biết
tìm hiểu và cảm thông hơn về hoàn cảnh gia đình của nhau. Nó gợi lên sự THẤU CẢM
về các nhu cầu chưa đạt được và lý do tại sao hoàn cảnh hiện tại dẫn đến những
phản ứng mạnh mẽ. Các cặp vợ chồng cũng cần tò mò về nhau trong vấn đề này vì
tò mò cũng tạo điều kiện để tăng sự THẤU CẢM giữa đôi bên. [doanhnhansaigon.vn.
22/11/2015].
-Bổ sung thêm một số thông tin khoa học
giúp các bạn nhỏ nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của những vận động tự nhiên đối
với cuộc sống loài người, thông qua những tình tiết suy tư của ếch xanh, tôi
mong cuốn sách gợi dậy những hạt mầm THẤU CẢM với tự nhiên, biết rung động trước
một chiếc lá chao nghiêng, một hạt mưa rơi lan toả sóng trên mặt nước… [Kim Yến.
tiepthithegioi.vn. 30/11/2016]
-Nghe tiếng loài vật, con người nhận ra
loài vật có sinh mệnh, tâm hồn, tình cảm, cảm giác, ngôn ngữ do vậy, các nhân vật
trong truyện THẤU CẢM với động vật, chia sẻ cảm giác bị đau với chúng. [Trần Thị
Ánh Nguyệt. tapchisonghuong.com.vn. 16/01/2017]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét