15 thg 7, 2017

“THƯỢNG ĐIỀN” và “HẠ ĐIỀN”

Thi cấy lúa tại Lễ hội Xuống đồng ở Hà Nam
(Quàng Yên- Quảng Ninh) năm 2007
Ảnh: báo Quảng Ninh
HOÀNG TUẤN CÔNG

“Thượng điền” là nghi lễ nông nghiệp của những cư dân trồng lúa nước. “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh giải thích rõ ràng như sau: “thượng điền上田 Đám ruộng tốt nhất, khác với trung-điền, hạ-điền; Tục lệ nhà nông khi bắt đầu ra làm ruộng, mỗi năm có lệ tế Thần-nông, tế xong mới rủ nhau ra cày ruộng, gọi là lễ Thượng-điền”.


Về nghĩa thứ nhất của “thượng điền”, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, cách  giải thích nghĩa thứ hai, theo chúng tôi là ngược với thực tế. Vì “thượng điền” là lễ cúng khi vụ cày cấy đã xong, chứ không phải “bắt đầu ra làm ruộng”. Chúng ta có thể tham khảo cách giảng đúng của các cuốn từ điển sau đây:

- “Từ điển Hán-Việt” (Nguyễn Văn Khôn): “thượng điền 上田 Ruộng tốt nhứt. Lễ cúng thần nông khi đã cấy xong”.
- “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “thượng điền dt. Hạng ruộng tốt nhứt (theo bản sắp của nhà-nước để đánh thuế) • Tên cuộc lễ tế Thần-nông sau khi cấy xong: Lễ thượng-điền.”.
- “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “thượng-điền (tl. Thượng-đẳng điền) Ruộng tốt nhất. • Lễ cúng Thần-nông khi đã cấy xong (đối với Hạ-điền)”.
- “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí Tiến đức): “thượng-điền Lễ tế Thần-nông khi đã cấy xong <> Làm lễ thượng-điền”.
- “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex): “thượng điền d. lễ cúng thần nông sau khi cấy xong, theo phong tục thời trước: “(...) nhân ngày ‘thượng điền’ làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui.” (Ngô Tất Tố)”.

Trái với “thượng điền” là “hạ điền”, tức lễ xuống đồng bắt đầu một vụ cày cấy. “Hán Việt từ điển” (Nguyễn Văn Khôn) giảng: “Hạ điền 下田 Lễ bắt đầu làm ruộng. Ruộng xấu”. Các cuốn từ điển mà chúng tôi dẫn trên đây cũng có cách giải nghĩa tương tự.

Thông thường, lễ “hạ điền” làm long trọng hơn “thượng điền”. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có khi người ta chỉ tổ chức “hạ điền” mà không làm “thượng điền”, hoặc thu hoạch xong mới “thượng điền”, cảm tạ Thần Nông, trời đất (cần phân biệt với lễ “thường tân”, cúng cơm mới, tạ ơn thần thánh, tổ tiên).
Trong "Việc làng", Ngô Tất Tố phân biệt rõ ràng giữa "thượng điền" và "hạ điền": 
"Thì ra trưa hôm kia, làng ấy làm lễ "thượng điền".
Đó là cái lễ để trình với vua Thần Nông và các cụ tiên nông trong làng đời xưa biết rằng: làng mình cày cấy đã xong. Cũng như lễ "hạ điền" cử hành khi bắt đầu cắm cây lúa xuống ruộng, lễ này tại các thôn quê làng nào cũng có. Bởi vì làng B.X năm nay trời cho mưa nắng thuận hoà, suốt một vụ cấy, không nhà nào phải tát một khau nước nào, hơn nữa, hễ cấy đến đâu lúa cứ xanh tốt ngùn ngụt đến đấy, không cần phân tro gì hết. Người ta tin rằng, nhờ có quỷ thần ủng hộ mới được như thế. Cho nên, nhân ngày "thượng điền" làng có sửa một con lợn, trước là tạ ơn thần thánh, sau nữa cả làng ăn uống cho vui".

Cúng lễ "hạ điền" của dân gian
Ảnh: FB Kiều Mai Sơn

Bài “Nghi thức rước sắc và hồi sắc trong lễ Kỳ yên ở Cần Thơ” của Trần Phỏng Diều (báo Cần Thơ - 29/5/2010) cho chúng ta biết thêm: “Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Do lễ Kỳ yên và lễ Thượng điền, Hạ điền có nghi thức cúng tế gần giống nhau nên các ngôi đình ở Cần Thơ đã nhập hai kỳ lễ này thành một, gộp lại để cúng chung. Trong các dịp cúng đình, ban tế tự thường ghi trên thiệp mời là lễ Kỳ yên Thượng điền hoặc lễ Kỳ yên Hạ điền”.

Ở Thanh Hoá, “thượng điền” (còn gọi “lên đồng” theo cách nói dân gian), có khi được dùng với nghĩa “cấy xong”, chứ không gắn gì với lễ nghi. Ví dụ, nông dân hỏi thăm nhau: “Nhà bà đến hôm nào thì thượng điền?”.

Trong lễ "hạ điền" (xuống đồng) thường có thi cấy
Ảnh: FB Kiều Mai Sơn

Có lẽ, đây chỉ là một trong những “sự cố”, nhầm lẫn của Học giả Đào Duy Anh trong “Hán Việt từ điển”, bởi ở mục “hạ điền下田”, chính sách này lại đưa ra lời giảng “Cái lễ cúng Thần-nông ngày đầu năm để bắt đầu làm công việc nhà nông”.

Vấn đề sẽ không có gì đáng nói lắm, nếu như sau “Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh (1931), ít nhất có thêm 3 cuốn từ điển nữa lặp lại nhầm lẫn này.

Thứ nhất “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên-NXB Khoa học xã hội, 1991) giảng: “thượng điền Lễ hằng năm tế Thần nông để bắt đầu làm ruộng (cũ)”. Đây là cuốn từ điển mà GS Nguyễn Lân cùng Nguyễn Văn Đạm, Lê Khả Kế, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngô Thúc Lanh, Nguỵ Như Kon Tum, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thạc Cát, Đoàn Hựu, Trần Văn Khang, Long Điền, Hoa Bằng tham gia biên soạn, xuất bản lần đầu năm 1967.

Hơn 20 năm sau (năm 1989), nhầm lẫn của “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên), lại được GS Nguyễn Lân chép gần như nguyên xi vào sách “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”: “thượng điền (thượng: trên; lên cao; tiến lên; điền: ruộng) Nói buổi lễ cúng Thần nông đầu năm trước khi làm ruộng (cũ): Theo truyền thuyết, ngày xưa, trong ngày lễ thượng điền, vua ra ruộng cày tượng trưng, sau đó nhân dân mới làm ruộng”.

Hơn 10 năm sau (2000), cũng chính GS Nguyễn Lân lại chép tiếp cái sai này vào “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”: “thượng điền dt (H. điền: ruộng) Nói buổi lễ cúng Thần-nông đầu năm trước khi bắt đầu làm ruộng: Ngày xưa, trong ngày lễ thượng điền, vua ra ruộng cày tượng trưng, sau đó nhân dân mới làm ruộng”.
Mô phỏng lễ “tịch điền” 籍田; theo phong tục thời phong kiến,
 hàng năm, nhà vua tự mình cày cấy trên ruộng tịch điền
biểu thị sự quan tâm đối với nghề nông (khác với lễ “hạ điền” của nhà nông). 

Ảnh:ST

Cũng cần nói thêm, ở đây GS Nguyễn Lân đã giảng sai chữ “thượng”, bởi “thượng” trong “thượng điền” là bước lên, chứ không phải “dâng lên, ngồi lên”. Mặt khác, lễ “hạ điền” (tức “thượng điền” theo sự nhầm lẫn của GS Nguyễn Lân) và lễ “tịch điền” (“vua ra ruộng cày tượng trưng” như cách giảng của GS Nguyễn Lân) là hai nghi lễ khác nhau, chứ không phải là một.


                                  Hoàng Tuấn Công/7/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét