Ảnh:ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Sách “1575
thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), mục “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt
vòi”, tác giả Lê Gia giảng như sau:
“Chữ “ấm” (cũng đọc là “âm”): Bóng mát. Sự
che chở cho. Chữ “ấm” (cũng đọc là “ẩm”): Cho uống nước. Cho nên ta cũng gọi
cái bình tích thuỷ, cái nồi nấu nước là “cái ấm”. Chữ “chiêu”: Cái ấm để nấu nước
trà. Có người nói: “Chiêu từng miếng nước”; “cô chiêu”: Con gái nhà quan lớn
nhưng vì là con gái nên không được tập ấm. Nhưng vì chữ “ấm” có nghĩa là bóng
che và là cái ấm, cùng nghĩa với chữ “chiêu” là cái ấm, nên dù cô gái không được
“tập ấm”, không được gọi là “cô ấm”, thì nay gọi tạm là “cô chiêu”, nó cũng có
nghĩa là “cô ấm” (có danh, không có thực); “Cậu ấm sứt vòi”: Như trên, cậu con
trai này mang hai cái tên là “tập ấm” và “cái ấm”, nên nếu cậu là người hư hỏng,
bất tài thì ví cũng như cái ấm bị sứt mẻ mất cái vòi thành ra đồ bỏ”.(*)
Theo chúng tôi, lời “bàn thêm” của ông Lê Gia có một số điểm cần phải bàn lại như sau:
- Tác giả Lê Gia không chú
chữ Hán, nên không rõ ông nói về một chữ “ấm” với hai âm đọc, hay là hai chữ
khác nhau. Tuy nhiên, chữ “ấm” (mà
Lê Gia giảng là “Bóng mát. Sự che chở cho”),
có tự hình 蔭, nghĩa là: ① Bóng cây, bóng rợp. ② Phàm được nhờ ơn của người khác đều gọi
là ấm. Như tổ ấm 祖蔭 nhờ
phúc trạch của tổ tiên để lại. Phép ngày xưa cứ ông cha làm quan to, con cháu
được "tập ấm" 襲蔭 ra làm quan, gọi là ấm sinh 蔭生, ấm tử 蔭子, ấm tôn 蔭孫, v.v.; trong khi chữ “ẩm” (Lê Gia giảng với
nghĩa “cho uống nước”) lại có tự hình là 飲, không liên quan gì đến "ấm" 蔭 trong "tập ấm" 襲蔭.
- Dù thế nào, thì cả hai chữ “ấm” 蔭 và “ẩm” 飲, đều không có nghĩa nào chỉ “cái ấm”. Bởi vậy, ông Lê Gia cho rằng, chữ “ấm”
(trong “cậu ấm”) đọc là “ẩm” nghĩa là uống nước, nên nó cũng có nghĩa là “cái ấm”
là hoàn toàn suy diễn.
-Chữ “chiêu” 昭 trong “cô chiêu” cũng không
phải là “cái ấm để nấu nước trà” (vì
có người nói “chiêu từng miếng nước”,
như Lê Gia suy diễn), mà do chữ “chiêu” trong “Chiêu văn quán” 昭文館 (“chiêu” 昭 = “hiển dương” 顯揚 - sáng sủa, rạng rỡ). “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí Tiến đức)
giảng như sau: “chiêu: Tên gọi con ông tiến-sĩ đời Lê, con các ông tiến-sĩ thì
được dự vào học-sinh chiêu-văn-quán <> Cậu chiêu, cậu ấm, v.v..”.
Triều Lê (đời Hồng Đức) đặt ra Sùng văn
quán, Tú lâm cục. Con các quan từ Tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng văn
quán. Con các quan từ ngũ phẩm trở lên tam phẩm được tuyển vào Tú lâm cục (Trạng
lường Lương Thế Vinh từng được thăng Thị thư viện Hàn lâm, kiêm Sùng văn quán
và Tú lâm cục). Sau đời Hồng Đức, Sùng văn quán 崇文館, đổi làm Chiêu văn quán 昭文館. Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi
niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514) chép: “Phụng trực đại phu Lại bộ Thượng
thư Tri Chiêu văn quán, Tú lâm cục Tư chính Thượng khanh Đàm Thận Huy…”.(**).
Vì con các ông tiến sĩ gọi là “chiêu”, nên
Thi hào Nguyễn Du (con thứ bảy của Tiến sĩ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm), thời nhỏ còn gọi
là “cậu Chiêu Bảy”; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của Công bộ tả Thị lang, Tiến sĩ Lê
Hữu Mưu) cũng được gọi là “Chiêu Bảy".(***).
Như vậy, “ấm” 廕 trong “cậu ấm” chỉ về lệ “tập ấm” do triều
đình ban cho con cháu các quan. Như “ấm tử” 蔭子 (con quan); “ấm tôn” 蔭孫 (cháu quan)…Còn “chiêu” lại chỉ riêng các
nho sinh, con trai các ông tiến sĩ, được vào học ở Chiêu văn quán. Sau này (có lẽ khá muộn), khi mà sự trọng nam khinh nữ không còn nặng nề như xưa, thì thay vì gọi "Cậu chiêu, cậu ấm" (như Việt Nam tự điển đã ghi nhận) người ta đặt nên thành ngữ “cậu ấm, cô
chiêu” để chỉ cả con trai, con gái nhà quan nói chung. Theo đây, "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (GS. Nguyễn Lân), và "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên, GS. Nguyễn Lân là thành viên biên soạn) đã sai khi giảng (giống hệt nhau): "chiêu • dt. Con gái nhà quan to thời phong kiến <> Cậu ấm, cô chiêu".
Thành ngữ “cậu ấm sứt
vòi” chẳng qua chỉ là cách chơi chữ, đồng nghĩa “ấm” 蔭 (trong “tập ấm” 襲蔭), với “ấm” (trong “ấm nước”) để chế giễu,
mỉa mai con cái nhà quan, được hưởng ân đức, bổng lộc của cha ông mà dốt nát,
hư hỏng, hoặc lớn lên khi gia cảnh đã thất thế (giống như “đích tôn” 嫡孫, giễu cợt thành “đít tôn”, “đít vại”…).
Ngày nay, “cậu ấm cô chiêu” còn được dùng
với nghĩa con cái các quan chức lãnh đạo, hoặc nhà giàu sang, quyền quý, có địa
vị, tiếng tăm trong xã hội.
HTC/2017
(*) “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia - NXB Văn nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh, 2009), là cuốn sách mà trong đó, tác giả Lê Gia làm công
việc “bàn thêm” để chỉ ra cái chưa đúng của các soạn giả đi trước. Điều này rất
cần thiết. Tiếc rằng, rất nhiều điều “bàn thêm” của Lê Gia nặng về suy diễn chủ
quan, kiến giải vô căn cứ, khiến vấn đề có khi đang đúng lại trở thành sai, bò lành thành bò què. Cách
giảng “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt vòi”, là một ví dụ. (Chúng tôi sẽ có bài riêng viết về vấn đề này).
(**) Sùng văn quán, Chiêu văn quán đều là đều dựa theo quan chế của Tàu. Hán ngữ đại từ điển cho biết: Đời Đường, niên hiệu Vũ Đức thứ tư, lập Tu văn quán 修文館, đến năm thứ chín đổi thành Hoằng văn quán 弘文館. Thần Long Nguyên niên vì kiêng huý Hiếu Kính Hoàng đế (Lý Hoằng) nên đổi làm Chiêu văn quán 昭文館, là nơi nắm về bản đồ đất đai, hộ khẩu; tham nghị cho triều đình về chế độ lễ nghĩa; dạy học, đào tạo nho sinh v.v…
(**) Sùng văn quán, Chiêu văn quán đều là đều dựa theo quan chế của Tàu. Hán ngữ đại từ điển cho biết: Đời Đường, niên hiệu Vũ Đức thứ tư, lập Tu văn quán 修文館, đến năm thứ chín đổi thành Hoằng văn quán 弘文館. Thần Long Nguyên niên vì kiêng huý Hiếu Kính Hoàng đế (Lý Hoằng) nên đổi làm Chiêu văn quán 昭文館, là nơi nắm về bản đồ đất đai, hộ khẩu; tham nghị cho triều đình về chế độ lễ nghĩa; dạy học, đào tạo nho sinh v.v…
(***) Tham khảo "Tìm lại dấu xưa" (Võ Hồng Hải - NXB Hội Nhà Văn - 2017)
🙉
Trả lờiXóa