"Nhân phi ma mặc, mặc ma nhân" (Người không mài mực, mà mực mài người) Minh hoạ: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Các
nhà biên soạn từ điển giải thích tục ngữ “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”, rất
khác nhau:
Nhóm thứ nhất:
-“Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Viện ngôn ngữ học – Nhóm Nguyễn Như Ý,
Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành) giải thích: “Mài mực ru con, mài son đánh giặc (Các đồ nho) vừa giúp việc nhà,
vừa giúp việc nước Nhiều nhà nho chúng ta chẳng
quản mài mực ru con, mài son đánh giặc”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Mài mực ru
con, mài son đánh giặc Nói các ông đồ ngày xưa ngày thường ngồi dạy học đồng thời
giúp vợ làm việc vặt trong nhà, nhưng khi có giặc thì tham gia phục vụ quân sự”.
- “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Cừ): “Mài mực dạy con, mài son
đánh giặc Phụ nữ Việt Nam có truyền thống đẹp đẽ, đối với gia đình đảm đang mài
mực dạy con học, khi có kẻ thù xâm lược thì mài son là dùng mỹ nhân kế tiêu diệt
kẻ thù”.
- “Từ điển thành ngữ-tục ngữ-điển tích Việt Nam” (Nhóm Lê Văn Đức biên
soạn-Lê Ngọc Trụ hiệu đính): “Mài mực ru con, mài son đánh giặc thng: Cảnh tao
nhã của người hay chữ, của một xã hội văn vật”.
Nhóm thứ hai:
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Mài mực dỗ con; mài son
đánh giặc: Mài mực (nho là việc dễ làm còn hơn cả) dỗ con; mài son (cục là việc
khó làm còn hơn cả) cầm quân đi đánh giặc”. Sách này đưa thêm dị bản: “Mài mực
ru con; mài son đánh giặc” và giải thích: “Mài mực (nho là việc dễ làm con hơn
cả) ru con; mài son (cục là việc khó làm còn hơn cả) cầm quân đi đánh giặc”.
-“1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia): “Mài mực ru con, mài
son đánh giặc Thỏi mực thì mềm và đen nên khi muốn mài ra với nước mà chấm bút
viết thì nên mài nhẹ tay như là khi mình ru con vậy, nếu không thỏi mực sẽ gẫy
nát. Hòn son là một cục đá cứng và đỏ nên khi muốn mài ra với nước để chấm bút
mà viết thì phải mài cho thật mạnh tay như khi đánh giặc vậy, bột son mới bể
ra”.
Theo
chúng tôi, cách giải thích của nhóm một không có cơ sở thực tế, vì:
-Vừa
dạy học vừa “làm việc vặt”, khi có giặc
thì tham gia “phục vụ quân sự”, không
phải hình ảnh điển hình của thầy đồ xưa; càng không thể hiểu đó là “Cảnh tao nhã của người hay chữ, của một xã hội
văn vật”.
- Phụ
nữ xưa không học chữ thánh hiền, nên không thể là người “mài mực dạy con”; son không phải đồ trang điểm của phụ nữ, nên cũng
không thể hiểu “mài son” thành “dùng mỹ nhân kế tiêu diệt kẻ thù”.
Với nhóm
thứ hai:
-Cứ
theo các giảng của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương, thì câu tục ngữ đưa ra nhận xét về độ khó dễ của mài mực và mài son: “ru con” (hoặc “dỗ con”)
đã dễ, mài mực còn dễ hơn; đánh giặc đã khó, mài son còn khó hơn. Tuy nhiên, trẻ
nhỏ mà quấy khóc, “ru” (hoặc “dỗ”) cho nó ngủ đâu có dễ? “Mài mực” cũng đâu dễ tới mức “dễ
làm còn hơn cả” ru con, dỗ con? Mặt
khác, “mài son” mà là “việc khó làm
còn hơn cả” cầm quân đi đánh giặc, hoá ra chuyện “cầm quân đi đánh giặc” chẳng dễ lắm sao? Mà câu tục ngữ cũng không hề có bất cứ từ ngữ nào diễn đạt chuyện khó hơn hay dễ hơn.
-Thỏi mực cũng không hề “mềm”, dễ “gãy nát” so với
son; màu sắc (“đen”) của mực, hay màu (“đỏ”) của son, cũng không phải là nguyên
nhân khiến người ta phải mài nhẹ hay mài mạnh tay như cách giảng của Lê Gia.
Thực
ra, câu tục ngữ này nói đến kinh nghiệm, phương pháp khác nhau trong mài mực và
mài son, được diễn giải như sau: Mài mực
(thì phải mài nhẹ nhàng như) ru con; mài son (thì phải mài mạnh như đi) đánh giặc.
Thầy đồ và môn sinh ngày xưa Ảnh: ST |
Mực
tàu được làm từ muội khói của một số loại cây gỗ (khi đốt cháy), chế với nước keo,
hương liệu, luyện nhuyễn cho tới dẻo quánh, rồi nén thành thỏi. Mực thỏi để lâu
rắn đanh lại, nhưng khi mài lại không được
mạnh tay. Nếu sốt ruột, mài mạnh tay cho nhanh, mực nhiều hạt sạn, khi viết, bút
bị xơ, nét đã không đẹp, lại thêm hại bút. Ngược lại, phải kiên trì mài nhẹ
nhàng, êm tay (như “ru con”), để mực trong thỏi được bào dần, mòn dần từng tí,
hoà tan, quyện với nước, cho một thứ mực mịn màng, sóng sánh, khi viết đầu bút
chụm lại, bút lông có độ đàn hồi tốt, nét bút không bị xơ, cứng, mặt chữ bóng,
đẹp.
Với “mài
son”, xưa kia, người ta dùng một loại khoáng thạch có màu đỏ tự nhiên, gọi là chu sa [朱砂]
để
làm son và làm thuốc. Thông thường son không dùng để viết, mà để phê, khuyên,
đóng ấn, triện, nên không cần phải mịn như mực[1]. Mặt khác, son là liên kết của
thuỷ ngân kết tinh ở dạng hạt như cát, dẫu mài nhẹ nhàng cũng không mịn được
như mực. Do đó, khi mài son được phép mài (và phải mài) thật lực (như đi “đánh giặc”) vậy.
Tư thế mài mực Ảnh: ST |
Theo
một cách truyền đạt kinh nghiệm mài mực khác, tục ngữ còn có câu “Mực mài tròn,
son mài dài”. Khi mài mực, tay giữ cố định cho thỏi mực luôn vuông góc với mặt
nghiên, rồi nhẹ nhàng, đều tay mài theo vòng tròn của lòng nghiên. Động tác này
khiến người ta có sốt ruột muốn mài mạnh tay cũng không được; ngược lại khi mài
son, phải mài theo đường thẳng (giống thợ mộc bào gỗ) cho có lực, để chất son
nhanh thấm ra nước. Mặt khác, động tác “mực mài tròn” (lúc
ngược, lúc xuôi theo chiều kim đồng hồ), tiết diện của đầu thỏi mực luôn áp song
song với mặt nghiên, lực mài luôn ổn định, lại có tác dụng vừa mài vừa chà, làm cho mực càng được mịn
thêm.
Mực mài tròn
Như
vậy, câu tục ngữ “Mực mài tròn, son mài dài” góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề:
mài mực CẦN PHẢI nhẹ tay, chứ không phải CHỈ CẦN mài nhẹ tay. Nếu vấn đề chỉ
đơn giản là thỏi mực mềm, dễ mài hơn cục son cứng, thì “mực mài tròn” hay “mài
dài” đâu có quan trọng. Nói cách khác, người ta sẽ mài mực theo cách của mài
son cho nhanh.
Tục
ngữ Hán có câu “人 非 磨 墨 墨 磨 人”-Nhân phi ma mặc, mặc ma nhân [dị bản
"非人磨墨, 墨磨人] - Người không mài mực, mà mực mài người”,
ý nói chính thỏi mực mới là vật đang mài mòn ý chí, thử thách lòng kiên trì của
con người vậy[2]. Lại có câu “讀
書 真 事 業 磨 墨 靜 功 夫 – Độc thư chân sự nghiệp, ma mặc tịnh công
phu
- Học hành là một sự nghiệp; mài mực cũng cần
khổ công”. Thế
nên, học trò xưa đi học, việc đầu tiên là phải gò lưng mài mực cho thầy, rồi
sau mới đến chuyện học chữ.
Có một
câu chuyện khác liên quan đến mài mực. Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh - tác
giả “Thanh Hoá quan phong” và “Thanh Hoá kỷ thắng”, là người có tiếng
văn hay chữ tốt. Sách “Lịch sử thư pháp
Việt Nam” (Nguyễn Sử - NXB Thế giới, 2017) chép: “Vương Duy Trinh 王維貞
(?-?), tự Tử Cán, hiệu Đạm
Trai, người Hà Nội, đỗ cử nhân năm 1870, làm quan Tổng đốc Thanh Hoá.
Tác phẩm thư pháp còn lại là thơ đề chùa Long Cảm. Lối chữ có kểt thể giản đơn,
nhưng ổn định và chắc chắn”.
Chữ của Vương Duy Trinh Ảnh: Chụp lại từ "Lịch sử thư pháp Việt Nam" |
Thường khi xong việc quan, Tổng đốc Vương
Duy Trinh thích dành thời gian cho thư pháp. Ông rất cầu kì trong chuyện mài mực.
Làng Hạc Oa, (nay thuộc TP Thanh Hoá) có người (không rõ tên thật), vì mài mực rất
khéo, nên được Tổng đốc chọn chuyên mài mực cho mình, sau được ban hàm Cửu phẩm,
tục gọi là ông Cửu Mặc (Cửu phẩm mài mực)[3].
Máy mài mực Ảnh: ST |
Ngày nay, nếu ngại mài mực, đã có loại mực
pha sẵn, gọi là “mặc trấp” 墨汁
(mực nước). Tuy nhiên, mực pha sẵn viết không đẹp, không thơm hương bằng mực
mài. Bởi vậy, một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… chế ra chiếc máy
mài mực (磨墨機-ma mặc cơ). “Tay máy”
(có gắn mô tơ chạy chậm) kẹp cố định thỏi mực, rồi máy cũng nhẫn nại “mài tròn”,
chầm chậm giống như mài mực thủ công. Tuy thế cũng mất vài tiếng mới được một mẻ.
Xét thực tế, mài mực còn khó hơn cả mài son, vì mài mực yêu cầu phải có kĩ thuật
và lòng kiên nhẫn hơn mài son.
Mài mực Tàu bằng máy
Những câu chuyện trên đây cho thấy, việc “mài
mực” công phu, quan trọng biết chừng nào!
Như
vậy, vấn đề ở đây không phải do mực tàu mềm, dễ mài hơn so với son, mà là kỹ
thuật mài mực cần nhẹ nhàng, từ từ, khác với mài son thì được phép mài mạnh tay.
Theo
chúng tôi, trong số rất nhiều cuốn từ điển, cách giảng sau đây của “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”
(Vũ Dung, Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào-NXB Văn Hoá, 2000), tuy chưa giải thích cụ thể nghĩa đen, nhưng cơ bản là đúng: “Mài mực
ru con, mài son đánh giặc (mực: thỏi mực màu đen mài ra để viết; son:
đá đỏ, mài ra làm mực viết, vẽ bằng bút lông) Một kinh nghiệm mài son và mài mực:
mài mực thì nhẹ tay (như người ru con), mài son thì mạnh tay (như người đánh giặc)”.
Hoàng
Tuấn Công/5/2017
Chú thích:
[1]-Sách “Vân Đài loại ngữ” (Lê Quý Đôn) viết: “Về đại giả thạch (đá dùng làm son viết),
sách Bản thảo nói: “Đá mài ra có sắc đỏ, thì chấm được sách. Sách Sơn hải kinh nói “Lấy nước son bôi vào chân ngựa, thì trừ
được bệnh”; lại chua rằng: “Son là đất đỏ, nay người ta lấy son bôi vào sừng
trâu, thì trừ được bệnh”.
[2] - "Nhân phi ma mặc, mặc ma nhân" (Người không mài mực, mà mực mài người) còn có nghĩa bóng, chỉ việc học hành, bút mực phải hao tổn tâm trí.
[3] –
Chuyện về ông Cửu Mặc do Lương y Đỗ Tấn Long (người Hoằng Hoá, Thanh Hoá) cung
cấp cho tôi năm 2003. Như vậy, nếu vua Tự Đức từng phong cho cái nghiên mực quý của mình tước Hầu, gọi là "Tức Mặc Hầu", thì Tổng đốc Vương Duy Trinh lại có một người mài mực, được ban hàm Cửu phẩm, gọi là ông Cửu Mặc. Đủ biết, câu chuyện Văn phòng tứ bảo thú vị biết chừng nào!
Cụ Đỗ Tấn Long còn cho biết, trước năm 1945, tuy khoa cử phong kiến đã suy tàn, nhưng theo nếp cũ, trẻ con lớn lên, những nhà có điều kiện vẫn cho đi học chữ Nho. Cụ Đỗ Tấn Long được thầy đồ cho luyện theo mẫu chữ chân của Tổng đốc Vương Duy Trinh. Nay xem những thông tin về thư pháp của Vương Duy Trinh trong sách “Lịch sử thư pháp Việt Nam” của Nguyễn Sử, thì thấy câu chuyện không phải chỉ là giai thoại.
Cụ Đỗ Tấn Long còn cho biết, trước năm 1945, tuy khoa cử phong kiến đã suy tàn, nhưng theo nếp cũ, trẻ con lớn lên, những nhà có điều kiện vẫn cho đi học chữ Nho. Cụ Đỗ Tấn Long được thầy đồ cho luyện theo mẫu chữ chân của Tổng đốc Vương Duy Trinh. Nay xem những thông tin về thư pháp của Vương Duy Trinh trong sách “Lịch sử thư pháp Việt Nam” của Nguyễn Sử, thì thấy câu chuyện không phải chỉ là giai thoại.
Bài viết có tham vấn ý kiến của các Nhà nghiên cứu và thư pháp Nguyễn Sử, Xuân Như; Nhà địa chất học Nguyễn Quốc Cường. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu và mong tiếp tục nhận được sự góp ý cụ thể của các vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét