13 thg 5, 2017

MẠ GIÀ RUỘNG NGẤU

Ruộng lúa cấy phải mạ già,
chỉ sau ba tuần lúa đã trổ bông
(xã Hoằng Quỳ-Hoằng Hoá-Thanh Hoá - 2008)
Ảnh: Văn Hùng (báo NNVN)
HOÀNG TUẤN CÔNG

-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) giải thích: “Mạ già ruộng ngấu Đó là những điều kiện tốt để tăng năng suất lúa”.


-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Mạ già ruộng ngấu: Mạ càng già và ruộng càng ngấu (thì lúa càng chóng lên xanh và mùa màng càng dễ bội thu)”.


Các nhà biên soạn từ điển giải thích rõ ràng như vậy. Tuy nhiên, “mạ già” hoàn toàn không phải là “điều kiện tốt để tăng năng suất lúa” (như GS Nguyễn Lân giảng), càng không phải “mạ càng già” thì "lúa càng chóng lên xanh" và “càng dễ bội thu” (như cách hiểu của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương). Thực tế, nếu cấy mạ già, mạ quá lứa, sẽ không cho năng suất cao, thậm chí không có thu hoạch. Bởi khi cấy mạ già, cây lúa đẻ nhánh kém (hoặc không đẻ nhánh), có khi chỉ sau một tháng, lúa đã có đòng, bông bé như bông may, hạt lép.

Sở dĩ dân gian đem “mạ già” đặt cạnh “ruộng ngấu”, vì trong canh tác lúa nước, có khi xảy ra hai trường hợp “vênh nhau” về điều kiện sản xuất: mạ đợi ruộng (mạ đủ tuổi cấy, mà đất chưa làm kịp); hoặc ruộng đợi mạ (đất đã cày bừa, chuẩn bị sẵn sàng, mà mạ lại còn non). “Ruộng đợi mạ” không đáng lo ngại, nhưng “mạ đợi ruộng” dễ dẫn đến mất mùa, vì mạ quá tuổi cấy. Thế nên, tục ngữ Tày có câu “Ruộng chờ mạ, ruộng kỹ càng tốt; mạ chờ ruộng mạ muộn chẳng được hạt nào”, nghĩa là: ruộng chờ mạ thì đất càng có thời gian ngấu kĩ, nhưng mạ chờ ruộng thì muộn tuổi, quá lứa, thành mạ già, cấy không cho thu hoạch[1].

Ngày xưa, nếu mạ già đến mức đã có đốt (lóng sinh trưởng tạo đòng lúa), nông dân sẽ bỏ không cấy. Thế nên tục ngữ Mường cũng có câu: “Tiếc ruộng gần nhà cấy mạ có đốt [Tiệc roóng khênh nhá cần má cò dột], ý nói: Ruộng gần nhà (ruộng tốt, tiện cày cấy, chăm sóc), mà đi cấy mạ có đốt (mạ đã quá già) thì phí quá, tiếc quá. Hay câu “Con gái trẻ lấy chồng già, khác nào ruộng trước nhà cấy mạ có đốt [Con mài lễ dầu rá nhơ trưa khênh nhá cần má cò đột], cũng có ý tiếc cho (hay lời khuyên) cô gái trẻ, lấy phải (hoặc không nên lấy) chồng già, phí hoài tuổi xuân[2].

Vậy, nên hiểu nghĩa đen câu “Mạ già ruộng ngấu” như thế nào?

Cần phân biệt nghĩa của “già” theo cách nói của dân gian: 1.già = giả cả, lão hoá, quá tuổi sinh trưởng, không còn sung sức (già >< trẻ); 2.già = già giặn, trưởng thành, không còn non nớt (đây mới là nghĩa của “già”, trong “Mạ già, ruộng ngấu”). “Mạ già” được hiểu là mạ ở độ tuổi cứng cáp (đối với mạ non, còn chưa đủ tuổi cấy). Khi hiểu “mạ già” là mạ đã đến tuổi cấy, có nghĩa sự “già” này cũng có thời điểm nhất định, chứ không phải “mạ càng già” (càng để lâu) càng tốt, “càng dễ bội thu”. Mặt khác, “Mạ già, ruộng ngấu” không nói về khả năng cho năng suất lúa, vì cấy mạ non hay mạ già, còn tuỳ thuộc vào thời vụ (ví như vụ xuân ưa cấy mạ non). Ở đây tục ngữ nhấn mạnh hai điều kiện: “mạ già” (đã đến tuổi cấy); “ruộng ngấu” (đất đã cày bừa kỹ nhuyễn) đều có đủ, tất cả đã sẵn sàng, không còn lý do gì không tiến hành công việc (cấy) nữa. Nghĩa bóng: 1. Cần triển khai công việc ngay, vì điều kiện khách quan và chủ quan (hay yếu tố cần và đủ) đều đã chín muồi; 2. Điều kiện tốt, có thể đem lại kết quả ngay sau đó.

Trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”, đoạn Sùng Ông tố cáo Thị Kính tội giết chồng, vờ gọi Mãng Ông sang, giọng mỉa mai: “Ông Mãng ơi, sang mà ăn cữ cháu”. Mãng Ông ngỡ thật, từ ngoài đi vào, vui vẻ nói: “Đấy tôi biết ngay mà! Mạ già ruộng ngấu, không cắm cây mạ thì thôi, chứ cắm là mọc ngay cây lúa cho mà xem”.

Sở dĩ Mãng Ông ví vợ chồng Thiện Sĩ và Thị Kính giống như “Mạ già ruộng ngấu”, vì cả hai lấy nhau đều đã ở độ tuổi thành thục. Trong khi xưa kia, nhiều gia đình hỏi vợ cho con trai thường muốn chọn con người gái đã trưởng thành (nhiều tuổi hơn con mình), mục đích về nhà đã biết lo làm ăn ngay. Do đó, có tình trạng chênh lệch tuổi tác khá lớn. Vợ 17-18 tuổi, chồng 12-13 tuổi, cưới xong phải đợi nhiều năm sau mới có con (chẳng khác nào tình trạng “mạ đợi ruộng” hoặc “ruộng đợi mạ”). Thế nên mới có câu ca than thân trách phận:

Buồn tình em bế thằng bé nó lên,
Nó còn bé mọn, đã nên cơm cháo gì,
Nó ngủ nó ngáy khì khì,
Một giấc đến sáng còn gì là xuân?”

Hay:
 “Chồng lên tám, vợ mười ba
Ngồi rồi, nu nống, nu na đỡ buồn
Mười tám vợ đã lớn khôn
Nu na, nu nống chồng còn mười ba
Mẹ ơi! Con phải gỡ ra
Chồng con nu nống, nu na suốt ngày
Đêm nằm khắc khoải canh chầy!...”.

 Ngoài hiểu chưa đúng nghĩa đen của "Mạ già ruộng ngấu", GS Nguyễn Lân và Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương còn giảng thiếu đi nghĩa bóng khá thông dụng của câu tục ngữ này.

          Như vậy, “Mạ già, ruộng ngấu”, được ví như những đôi trai gái đã trưởng thành, có đầy đủ sức khỏe, thể chất, sinh lí thành thục, lấy nhau về là sinh con đẻ cái ngay[3]. Đó cũng chính là nghĩa bóng của “Mạ già, ruộng ngấu” mà Mãng Ông tội nghiệp đã xiết bao hy vọng khi gả Thị Kính cho nhà Sùng Ông, để rồi thay vì gia đình ông có “con đầu cháu sớm”, đứa con gái yêu của ông lại gặp ngay nỗi oan tày trời: tội giết chồng!


Hoàng Tuấn Công/5/2017

Chú thích:

[1] - Mạ thực chất là cây lúa non, được gieo và sống riêng trên ruộng tạm, sau đó mới đem xúc, hoặc nhổ cấy. Thời kì đầu, cây mạ có thể sinh trưởng trong điều kiện gieo dày. Tuy nhiên, đến thời kì đẻ nhánh, cần phải tách riêng từng khóm, cấy thưa, để cây lúa có điều kiện hấp thu, tích luỹ đầy đủ chất dinh dưỡng tạo đòng lúa và trổ bông, kết hạt sau này. Nếu cấy muộn (khi mạ đã quá già), cây lúa vừa bén rễ hồi xanh đã chuyển hoá đến giai đoạn tạo đốt sinh trưởng, phát dục. Do thời gian sống trên ruộng tạm quá dài, cây mạ thiếu ánh sáng, dinh dưỡng, nên chóng già, trổ sớm, lúa trổ bông nhưng không thể kết hạt. Tục ngữ Việt có câu “Mạ già chóng trổ” là vậy. Trong câu tục ngữ "Mạ già, ruộng ngấu", ngoài nghĩa nói về điều kiện đã chín muồi, dân gian chủ yếu hướng đến một kinh nghiệm là "mạ già" gặp "ruộng ngấu" thì sẽ nhanh cho kết quả (trổ bông), chứ không nói đến năng suất cao hay thấp.

[2] - Hiện nay, nếu lỡ cấy phải mạ già, hoặc gặp “vụ xuân ấm” (ít rét), lúa sinh trưởng nhanh, bị trổ sớm, người ta dùng biện pháp kỹ thuật bón nhiều đạm, phun thêm phân bón qua lá, làm cỏ sục bùn, làm đứt hỏng rễ cũ, kích thích lúa ra rễ mới, điều khiển cho cây lúa “trẻ lại” và đẻ nhánh, tiếp tục sinh trưởng đủ ngày, đủ tháng mới làm đòng, trổ bông. Tác giả viết bài này đã từng nhiều lần xuống với nông dân, trực tiếp hướng dẫn bà con cách khắc phục lúa trổ sớm do cấy mạ già.


[3] - “Mạ già ruộng ngấu”, còn được dùng để khuyên đôi trai gái nào đó đều ở độ tuổi trưởng thành (mà vẫn sống độc thân), nên tìm đến với nhau. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét