Một cảnh chia thịt ở làng Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Đây là câu tục ngữ khá thông dụng,
nhưng không phải ai cũng hiểu đúng. Cụ thể là các nhà biên soạn từ điển:
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Đánh nhau chia gạo; chào
nhau ăn cơm: Đánh nhau là chuyện hay gặp
khi chia gạo (vì gạo là thứ mọi người đều thiếu vào thời ấy); mời nhau là chuyện
hay gặp khi ăn cơm (vì đó là thứ nghi thức phổ cập rộng khắp tại Bắc bộ và Bắc
Trung Bộ ngay cả vào thời nay).
-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức” (PGS.TS Đỗ Thị
Kim Liên chủ biên): “Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm (Đánh nhau chia thóc,
mời nhau ăn cơm): Mâu thuẫn giữa những
người sống trong làng với nhau là: Lúc chia gạo thì đánh nhau nhưng lúc ăn cơm
thì lại chào nhau”.
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “đánh nhau
chia gạo, chào nhau ăn cơm Ý nói: Người
ta nhiều khi mâu thuẫn về quyền lợi, nhưng sau đó lại tỏ tình thân mật với nhau”.[1]
Cứ theo cách hiểu của Nhà ngữ
học Nguyễn Đức Dương, thì hai vế của câu tục ngữ không liên quan gì đến nhau. Nghĩa là vế đầu
(“đánh nhau chia gạo”), phản ánh điều
kiện kinh tế thời xưa (vì mọi người đều thiếu đói, nên mới hay đánh nhau khi
chia gạo). Suy ra, ngày nay cơm gạo không thiếu, nên sẽ không có chuyện “đánh nhau chia gạo” nữa; vế thứ hai (“chào nhau ăn cơm”) phản ánh phong tục tập
quán (hay chào mời nhau khi ăn cơm) của vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ[2].
Với Nhóm biên soạn Đỗ Thị Kim
Liên, các tác giả lại hiểu theo một hướng khác. Nghĩa là câu tục ngữ phản ánh sự
mâu thuẫn về quyền lợi và thái độ ứng xử của người dân trong mối quan hệ làng
xã.
Cách giảng của GS Nguyễn Lân không
đến nơi, vì vấn đề tại sao “mâu thuẫn về
quyền lợi, nhưng sau đó lại tỏ tình thân mật với nhau”, đã không được làm
sáng tỏ. Nói cách khác, soạn giả giải thích mà như không giải thích.
Ở đây, tục
ngữ nói đến “chia gạo” (dị bản “chia thóc”), tức xác lập quyền sở hữu của cải cho
từng cá nhân. Bởi vậy, “chia” phải công bằng, phân minh, rõ ràng, ai có phần của người ấy,
không ai xâm phạm của ai.
Với mỗi con người (dù tự giác
hay tự phát), quyền sở hữu cá nhân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Quyền lợi của tôi không thể nhập nhằng trở thành quyền lợi của anh. Nghĩa
là người ta luôn có tâm lý, ý thức sẵn sàng tranh đấu quyết liệt để đòi sự công bằng về vật chất, lợi ích trong cộng đồng, nhưng sau khi đã xác lập quyền sở hữu rõ ràng, tài sản đã chắc chắn là của mình rồi, thì người
ta lại sẵn sàng chia sẻ cho người khác một cách vui vẻ, hào phóng, không so đo,
tính toán. Bởi vì chỉ sau khi xác lập quyền sở hữu cá nhân, thì người ta mới
yên tâm với quyền định đoạt tài sản của mình (theo cách cho, cho mượn, hay
cho vay)…Thế nên tục ngữ Hán cũng có câu: “Các mễ hạ các oa, ná cá phạ ná cá - 各米下各鍋, 哪個怕哪個 – Gạo của ai đổ vào nồi của
người ấy, chẳng ai sợ ai xâm phạm.” (Từ
điển tục ngữ Hán Việt – Lê Khánh Trường, Lê Anh Minh).
Về nghĩa đen, xưa kia “gạo” được xem là của cải rất đáng kể (Mạnh vì gạo, bạo vì tiền). “Gạo” và “cơm” là hai thứ người ta thường hay chia sẻ, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp khó khăn, thiếu đói. “Cơm” cũng chính là “gạo”, giá trị như gạo (Cơm không ăn, gạo còn đó). Vậy mà khi chia phần gạo, thì tranh giành, nhưng khi đã thuộc về mỗi người rồi (chắc chắn vào nồi nhà mình rồi) thì lại sẵn sàng chia sẻ cho nhau[3]
Hiểu rộng ra, cơm gạo tượng trưng nhiều loại tài sản khác. Ví dụ, khi làng chia thịt, người ta so đo hơn thiệt đến từng miếng xương, nhưng một khi đã thuộc quyền sở hữu của mình, lại sẵn sàng đem mời khách mà không cần bất cứ điều kiện đánh đổi nào. Hoặc với chuyện ruộng đất, nếu bị thua thiệt một cách bất công, vô lý, người ta có thể đổ máu để giành giật từng tấc đất, nhưng sau khi đã xác lập được quyền sở hữu, người ta lại có thể sẵn sàng “hiến” hàng chục, hàng ngàn mét vuông đất cho cộng đồng xây trường học, hoặc mở đường giao thông. Cái sự mời nhau, cho nhau ấy vẫn được cộng đồng xác nhận đó là của cải, tài sản của cá nhân nào đó. Điều này rất khác với chuyện phần của mình mà bỗng dưng trở thành của chung, hoặc sang tay người khác một cách bất công.
Hiểu rộng ra, cơm gạo tượng trưng nhiều loại tài sản khác. Ví dụ, khi làng chia thịt, người ta so đo hơn thiệt đến từng miếng xương, nhưng một khi đã thuộc quyền sở hữu của mình, lại sẵn sàng đem mời khách mà không cần bất cứ điều kiện đánh đổi nào. Hoặc với chuyện ruộng đất, nếu bị thua thiệt một cách bất công, vô lý, người ta có thể đổ máu để giành giật từng tấc đất, nhưng sau khi đã xác lập được quyền sở hữu, người ta lại có thể sẵn sàng “hiến” hàng chục, hàng ngàn mét vuông đất cho cộng đồng xây trường học, hoặc mở đường giao thông. Cái sự mời nhau, cho nhau ấy vẫn được cộng đồng xác nhận đó là của cải, tài sản của cá nhân nào đó. Điều này rất khác với chuyện phần của mình mà bỗng dưng trở thành của chung, hoặc sang tay người khác một cách bất công.
Như vậy, bất kể chia gạo, chia
thịt, hay chia của cải vật chất nào khác; bất kể ở làng xã, hay thị thành, miền
Bắc, miền Trung, hay miền Nam; bất kể hoàn cảnh kinh tế (thiếu gạo, hay thừa gạo)…con
người ta (dù giàu hay nghèo) luôn có tâm lí đòi hỏi sự công bằng, sòng phẳng, rõ ràng, khi
xác lập quyền sở hữu cá nhân, phân chia lợi ích từ cộng đồng, phần của ai phải
thuộc về người đó, do người đó toàn quyền định đoạt.
Hoàng Tuấn Công/5/2017
[1] Cách giải thích của Nhóm Vũ Dung trong "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" tuy cách hiểu còn phiến diện (chỉ bó hẹp "trong công việc làm ăn"), nhưng theo chúng tôi là đúng hướng: “Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm [Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cỗ] Gần nghĩa: Ăn thì cho, buôn thì so. Trong công việc làm ăn, phải sòng phẳng, phân minh, không lẫn lộn với quan hệ tình cảm, chia ra chia, cho ra cho”.
[2] Về nguyên tắc, nếu hai vế của một câu tục ngữ không liên quan gì đến nhau (không có ý nghĩa so sánh, hoặc quan hệ nhân quả...) thì dân gian không đặt cạnh nhau.
[3] Cách nói "mời nhau ăn cơm" hay "chào nhau ăn cơm" (dị bản "ăn cỗ")", được hiểu theo hai nghĩa: 1. Hồ hởi vui vẻ với nhau; 2.Sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau bằng chính thứ của cải mà hai bên vốn tranh giành nhau. Cách nói này dựa trên thực tế nghĩa đen (như Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã nêu), là người Việt có phong tục thường "chào nhau" ăn cơm (theo phép xã giao) và "mời nhau" ăn cơm (tiếp đãi nhau thực sự) bằng tấm lòng hiếu khách.
[1] Cách giải thích của Nhóm Vũ Dung trong "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" tuy cách hiểu còn phiến diện (chỉ bó hẹp "trong công việc làm ăn"), nhưng theo chúng tôi là đúng hướng: “Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm [Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cỗ] Gần nghĩa: Ăn thì cho, buôn thì so. Trong công việc làm ăn, phải sòng phẳng, phân minh, không lẫn lộn với quan hệ tình cảm, chia ra chia, cho ra cho”.
[2] Về nguyên tắc, nếu hai vế của một câu tục ngữ không liên quan gì đến nhau (không có ý nghĩa so sánh, hoặc quan hệ nhân quả...) thì dân gian không đặt cạnh nhau.
[3] Cách nói "mời nhau ăn cơm" hay "chào nhau ăn cơm" (dị bản "ăn cỗ")", được hiểu theo hai nghĩa: 1. Hồ hởi vui vẻ với nhau; 2.Sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau bằng chính thứ của cải mà hai bên vốn tranh giành nhau. Cách nói này dựa trên thực tế nghĩa đen (như Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương đã nêu), là người Việt có phong tục thường "chào nhau" ăn cơm (theo phép xã giao) và "mời nhau" ăn cơm (tiếp đãi nhau thực sự) bằng tấm lòng hiếu khách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét