Đường từ đền Độc Cước lên Hòn Trống Mái (ảnh A. Didier chụp từ hơn 100 năm trước). |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Đứng ở ngã Ba
Môi (Quảng Tâm) nhìn về phía mặt trời mọc, núi Trường Lệ mang hình tượng người
phụ nữ nằm dài làm con đê chắn sóng gió biển từ khơi xa đổ về để giữ cho TX Sầm
Sơn được bình yên với phong cảnh hữu tình mà ta đã biết qua vần thơ ca ngợi: “Sầm
Sơn phong cảnh hữu tình". Sử sách xưa nhất chép:
“Núi Trường Lệ
ở địa phận ba xã Trường Lệ, Du Vịnh và Lương Niệm thuộc huyện Quảng Xương (Quảng
Vinh) 11 ngọn nổi vọt lên chỗ đất bằng, trên núi có đền thờ thần Độc Cước Sơn
Tiêu, đằng trước đền có vết chân người to lớn, cầu đảo nắng mưa thường được
linh ứng. Dưới chân núi có đàn Kỳ Phong”. (Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức).
Tổng đốc
Vương Duy Trinh triều Nguyễn, rất quan tâm phong tục và thích thú danh lam thắng
cảnh xứ Thanh. Trong sách “Thanh Hóa kỷ
thắng”, ông viết: “Núi Sầm Sơn tại xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương, là một
dải núi đất lẫn đá; Đông - Bắc là biển nước, Tây - Nam là đồng cát. Nơi ấy khởi
lên 16 ngọn núi, cao nhất 100 thước, trên dưới một vòng, dài đến bảy, tám ngàn
thước. Đông - Nam có ngọn núi gọi là Đầu Voi thuộc xã Trường Lệ; Đông-Bắc có ngọn
nữa gọi Giải Miết thuộc Sơn Thôn (tức làng Núi - ND) có Độc Cước Sơn Tiêu linh
từ. Nơi này núi non kỳ tú, cây cối tốt tươi như rừng. Lên cao nhìn ngắm thấy quần
đảo xa gần, khí biển phong nhiên, gió mát đong đầy tay áo, sớm chiều thuyền
đánh cá ẩn hiện trong khói sóng. Quả là một thắng cảnh giữa biển trời”.
“Tương truyền
ở xã Trường Lệ, tháng giêng ngày mùng bảy, ban đêm trời làm mưa to gió lớn, cây
dưới chân núi bật gốc, nước biển dâng tràn, nhân dân rất kinh hoàng. Lên đỉnh
núi thấy có một dấu chân in hằn trên đá, dài hơn 1 thước, cho đó là chuyện dị
thường của thần linh. Đến tháng 3 ngày 17 bỗng nhiên có một rừng gỗ lim tới
hàng trăm cây từ biển trôi vào. Ở đó bấy giờ có Linh lộc tiên đào (?) lập ở nơi
có vết tích dấu chân, gọi là đền Thượng, giữa ngọn núi gọi là đền Trung, dưới
ngọn núi gọi là đền Hạ, đều gọi là Độc Cước Sơn Tiêu tối linh từ. Sách Báo cực
truyện chép: Thần thường đứng một chân bèn gọi là Độc Cước diễn giáo thông
kinh...” (“Thanh Hoá kỉ thắng”-Mật
Đa tự tàng bản - Hoàng Tuấn Công dịch, chưa xuất bản).
Thần điện đạo
Đông, tức đạo Nội tôn thờ thần Độc Cước là Độc Cước chân nhân. Tượng thần trông
dữ tướng, một tay cầm cái búa đồng, một chân đứng trên mỏm núi đá. Đền Thượng
thờ thần Độc Cước đầu tiên ở nước ta, dựng trên ngọn núi mang nhiều tên Cổ Giải,
Miết Cảnh, Cổ Giải, Sầm Sơn, Mũi Gầm, đỉnh Sầm... tạo nên vẻ đẹp kỳ thú cho một
danh sơn thắng địa non nước thần tiên. Có thể nói núi Trường Lệ - Sầm Sơn như một
Bồng Lai, một thế giới Đào Nguyên. Trải dài suốt dãy núi xưa kia biết bao đền
đài, miếu mạo giữa cảnh nước non tiên. Đã có tới bốn, năm đền thờ Độc Cước chân
nhân từ một thần núi tu hành thành bậc lão tiên thần thông biến hóa. Hầu hết đã
hóa thân thành đất đá. Gần đây mới khôi phục được một số ngôi đền tiêu biểu
như: Bà Triệu, Tô Hiến Thành, Mẫu Liễu Hạnh... Tô Hiến Thành viên đại quan nổi
tiếng, vua Lý sai đi kinh lý miền biển xứ Thanh có công phủ dụ dân tình, dựng lại
vùng đất Sầm Sơn, khắc phục nạn cướp biển, nạn lụt nước mặn từ biển Đông kéo
vào tàn phá, như những loài quỷ đỏ (Xích quỷ) trong huyền thoại dân gian sự
tích thần Độc Cước tự xẻ đôi mình để trấn ngự trong đất liền và đánh dẹp ngoài
khơi xa. Theo Thanh Hóa tỉnh chí của Nhữ Bá Sĩ, cửa sông Đơ vốn là cửa biển Lệ Hải.
Lệ Hải là danh hiệu Lệ Hải Bà vương do nhà Ngô Trung Quốc phong cho Bà Triệu
sau khi người nữ anh hùng hy sinh trên đỉnh Tùng Sơn vẫn còn làm cho chúng thất
điên bát đảo.
Đền Cô Tiên
thờ Mẫu Thượng Thiên ngự trên đỉnh ngọn Đầu Voi (Tượng Đầu Sơn) trông ra trời
biển mênh mang khói sương mù mịt, vài ba chiếc thuyền câu dập dờn trên sóng nước
khác nào ngư phủ lạc Đào Nguyên. Dưới chân núi, chùa chiền khói hương trầm bao
phủ thôn trang, tiếng chuông bình yên sớm chiều ngân nga tận dòng sông Mã, gợi
nhớ bao người có công mở đất mở nước, những Đường Công, Quang Lộc, Kim Cương tướng
quân, Bà Chúa Dệt Triều Dương, những anh hùng liệt sĩ rạng rỡ chiến công vệ quốc:
Nguyễn Hùng Lễ, Nguyết Viết Quốc, Vũ Hồng Út...
Không phải
người Pháp có công khám phá Sầm Sơn mà trước họ, sử sách nước ta đã nhắc tới, từ
đời Trần khi vua Trần dẹp giặc phương Nam qua Sầm Sơn bị sóng gió dữ dội thuyền
không đi được phải khấn thần Độc Cước và được thần phù hộ. Khi vua Trần trở về
sai tu bổ đền thờ uy nghi tráng lệ để tạ ơn...
Trước năm
1945, nhiều thơ văn viết về Sầm Sơn, ca ngợi Sầm Sơn. Không ít cuốn tiểu thuyết
lấy Sầm Sơn làm bối cảnh, con người Sầm Sơn làm chất liệu. Kho vàng Sầm Sơn của
Tchya, Trống Mái của Khái Hưng, Dứt tình của Vũ Trọng Phụng, Ngậm miệng của
Nguyễn Bích...Có những điển hình văn học như nhân vật anh Vọi, một ngư dân đánh
cá Sầm Sơn, là vẻ đẹp hình thể tiêu biểu của thanh niên Sầm Sơn vốn những đường
nét cường tráng đã lọt vào “mắt xanh” của một cô gái đẹp Hà Thành về nghỉ mát,
tắm biển, du ngoạn núi non Sầm Sơn.
Đã nói Sầm Sơn đẹp, Sầm Sơn giàu, cũng có thể nói Sầm
Sơn thơ. Ai đã đến Sầm Sơn chắc đều dạt dào nguồn cảm hứng, hồn thơ muốn nảy
đôi vần. Từ núi Trường Lệ ra đến Lạch Hới có khoảng 50 đền, chùa, nghè, miếu. Sầm
Sơn rất huyền thoại cũng rất hiện thực. Chùa, đền, nghè nào chẳng có câu đối, cứ
trung bình dăm ba đôi nhân lên đã thấy hàng trăm. Rồi thơ khắc vào bia đá của
ông giải nguyên nọ, thơ viết lên tường của ông Khoa bảng kia, thơ trong những
cuộc rượu ngâm vịnh ngâm nga, thơ mượn lời tiên thánh tuyên truyền ái quốc...Sôi
nổi nhất những cuộc thơ xướng họa, đề tài chung quanh non nước biển trời Sầm
Sơn.
Có lẽ đáng
chú ý nhất là cuộc thơ xướng họa lấy đề tài “Non nước Sầm Sơn”. Bài xướng của một
tác giả vô danh:
Có lạ gì đâu nước với non/ Lạ vì có cảnh, có người
còn.../ Bể trông ra thế chừng bao lượng/ Non được như đây kể mấy hòn?/ Trời đất
mở mang ba mặt rộng/ Gió trăng chờ đợi mấy thu tròn?/ Nước non nay thấy trong
cao mãi/ Đằm thắm cùng nhau giữ tấc son.
Bài thơ nói cảnh
nhưng không chỉ nhằm tả cảnh, đúng hơn, tả cảnh để tả người, tả lòng. Lòng đây
là lòng tác giả, cũng là lòng dân, những tấm lòng yêu nước, yêu dân, dù nắng
mưa, bão tố vẫn vững bền như núi như non trước cảnh nước mất nhà tan. Dĩ nhiên
thời đó, ngòi bút tác giả không thể không kín đáo, khi giãi bầu tâm sự.
Một bài thơ họa
đáng chú ý là của một vị đại quan triều đình Huế: Phạm Liệu: Từ thuở non trên, bể dưới non/ Còn người, còn bể, núi non
còn/ Mênh mông bể rộng đo gì thước/ Rải rác non xa biết mấy hòn/ Gió quét hơi nồng
lòng đó mát/ Trăng lên chiếu sáng dạ đáy tròn/ Non xanh nước biếc người trong sạch/
Thu xếp đem về một nét son.
Bài họa của
Vương Tứ Đại, ngoài những ý tưởng chung những hình ảnh đẹp:
Bể rộng ai đào để đắp non/ Vết chân Độc Cước tới
nay còn/ Lô nhô sườn núi nhà thưa mái/ Khấp khểnh chân mây đá mấy hòn/ Mặt bể
trong veo dòng nước biếc/ Đầu thềm vằng vặc bóng trăng tròn.
Thì câu kết:
Lân la trong cõi non cùng nước/ Mà tấm lòng riêng
vẫn sắt son. Cho ta thấy một bầu tâm sự riêng trong cảnh núi
sông chung vẫn trong sáng như dòng nước, vầng trăng.
Cần nói rõ
hơn: Phạm Liệu làm Thượng Thư Bộ Binh, Vương Tứ Đại là thượng thư Bộ Công, trong
5 ông đứng đầu triều đình Huế dưới thời vua Khải Định rồi Bảo Đại.
Vua Bảo Đại
đã có biệt thự ở Đà Lạt, còn xây lầu ở Sầm Sơn để hưởng thụ cảnh thần tiên có một
không hai. Lần ấy vua đưa gia đình về thăm viếng đất Tổ Gia Miêu (Hà Trung) thắp
hương lăng miếu Triệu Tường, có bà Tiên Cung (bà nội), Thánh cung (mẹ) nhưng
không có Hoàng hậu (vợ) vì bà Nam Phương theo đạo Thiên chúa, không thờ cúng tổ
tiên, cha mẹ. Bà Tiên Cung nghe nói phong cảnh Sầm Sơn thú vị hơn cả sông
Hương, núi Ngự, mới bảo Hoàng Thượng đưa đi chơi phong cảnh Sầm Sơn. Bà thấy đây quả là chốn thần tiên, truyền cho vua xây thêm gác Nghinh phong sau đền Độc Cước
để hóng mát. Gác này trong kháng chiến chống Pháp bị xuống cấp, sau 1970 đã được xây lại. Ngồi ở đây có thể nhìn ra tận cửa Hới, cũng là một cảnh đẹp của Sầm
Sơn.
Trong Hòa
Bình, Sầm Sơn được kiến thiết và phát triển toàn diện: Kinh tế, văn hóa, xã hội...
với tốc độ nhanh chóng.
Trước nay, dù
nhìn Sầm Sơn trên quan điểm nào, từ phương diện nào, người ta cũng dành cho nó
những dòng tình cảm tốt đẹp, tuy chưa được đầy đủ, và ít nhiều chưa thấy hết tiềm
năng phong phú mà thiên nhiên đã ưu đãi mảnh đất này. Bằng cái nhìn khái quát,
sách "Đất nước ta" (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1963) nhóm tác giả viết về cảnh tượng
du lịch Sầm Sơn sau 9 năm kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược: “Sáng chiều
bãi biển tấp nập, người vẫy vùng đùa rỡn trên sóng nước, kẻ dạo chơi thơ thẩn
trên bãi cát phẳng mịn, trẻ con rình bắt những chú dã tràng hoặc thích thú “nặn”
cát vào lòng bàn tay cho chảy xuống những hình thù kỳ quái”.
Và “những đêm
giữa tháng, chúng ta có thể dạo chơi dưới ánh trăng vằng vặc chiếu qua những tầng
lá phi lao lấp loáng ngắm mặt biển sóng vàng từng đợt nhấp nhô. Đôi khi có những
buổi hòa nhạc tưng bừng ngay trên bãi biển mặc cho gió thổi sóng gầm...”.
Tại trung tâm
TX Sầm Sơn, từ giữa thế kỷ trước, đường đi lối lại phong quang. Hai bên đường
những rặng nhãn xòe tán che mát khách bộ hành giữa trưa hè nắng gắt, rủ bóng ấp
ủ những mái tóc xanh chụm đầu tình tự trong đêm trăng quá sáng. Ngay từ cửa ngõ
vào khu trung tâm “khách sạn Sầm Sơn” trong dáng tươi đẹp niềm nở đón chào du
khách. Tiếp theo nhà nghỉ Công đoàn Thanh Hóa, Tổng Công đoàn Việt Nam, Thư viện,
Hiệu sách, Cửa hàng Nhiếp ảnh... Tất cả đều đầy đủ tiện nghi, người phục vụ chí
tình...
Theo đà phát
triển của kinh tế, tốc độ xây dựng của làng xã Sầm Sơn được đẩy mạnh làm bộ mặt
nông thôn hoàn toàn đổi mới. Nhiều điểm dân cư mái ngói đỏ tươi, không còn cảnh
mái che phi lao trên nền cát bỏng. Các nghề đánh cá tàu, dệt thảm xuất khẩu,
nuôi rau câu, cá nước lợ... đem về no ấm, giàu có cho cả xã hội...
Kho vàng Sầm
Sơn dưới đáy biển đã bị lũ “cướp ngày” cướp sạch, nhưng Sầm Sơn vẫn là kho vàng
vô tận. Đó là gió mát, nắng lành, nước trong, chứa nhiều oxy... là những vị thuốc
bổ vô giá. Cá biển nhiều và ngon. Tình người đằm thắm, lòng mến khách chan hòa,
cảnh đẹp khác nào bồng lai giữa trần thế... cũng là kho báu vô tận.
Hoàng Tuấn Phổ/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét