HOÀNG TUẤN PHỔ
Đang trong thời kì bị giam lỏng, nên tôi tiếp tục khám phá
mảnh vườn nhà. Vườn nhà tôi có hai cây quí: Cây mít nhão mọc cạnh bờ rào ngõ
cách cây núc nác cao chừng mươi lăm bước, và cây mít mật đứng bên bờ ao ngay
đêm lao xao gió lá. Kỉ niệm thú vị nhất đối với tôi là mùa đánh bẫy chim vành
khuyên. Nó là giống chim di trú, mùa đông bay về từng đàn dạo cánh khắp vườn
tược, tìm hoa hút mật, tìm quả chín ăn chơi. Khi bay lướt qua ngọn cây hoặc
nhảy nhót chuyền cành, vành khuyên đều kêu “tí ti...tí tiii” rời rạc từng tiếng
hoặc liên tục. Lúc rời ngọn cây đồng loạt bay vù lên, chúng đồng thanh kêu “tí
ti”, tạo thành bản hoà tấu trẻ thơ của loài chim bé bỏng nghe rất vui. Với
những thanh âm “tí ti” bé nhỏ, rất khó phân biệt chim khuyên kêu hay hót. Chúng
không dạn người, cũng chẳng sợ người. Dường như với người, chúng ít bận tâm.
Tuy nhiên, chúng luôn tỉnh táo, cảnh giác tất cả, từ tiếng động lạ, đến bóng
dáng đáng ngờ.
Tôi thích
đánh chim khuyên chơi vào những ngày nghỉ học. Tôi trèo lên cây mít mật bờ ao,
treo cái lồng bẫy lên cành cao. Không có chim mồi, tôi thả vào ngăn bẫy mấy
bông hoa râm bụt, và hoa dong riềng. Từ phía xa xa, chim khuyên với đôi mắt
tròn xoe, sáng lấp lánh, chung quanh viền vòng màu trắng, phát hiện ra ngay
bông hoa sắc đỏ chót. Chúng bay đến đậu trên nóc lồng, nhận biết ngay loại hoa
này không có mật. Chúng chú ý nhiều hơn những bông hoa dong riềng ở mấy ngăn
bên cạnh. Hoa rong riềng rất dài chỉ e ấp mấy cánh màu đỏ tươi trong lớp đài
hoa vàng lợt. Con nào cũng tranh nhảy xuống trước. Cần bẫy lập tức rời khỏi
chốt bẫy và nắp bẫy sập xuống trong chớp mắt. Lũ chim ham mồi giật mình bay
tung. Nhưng tất cả đã muộn! Tôi nhẹ tay bắt từng con một thả vào nửa lồng bên
dưới.
Thời trước
chưa có thức ăn chế biến sẵn dành cho chim khuyên. Tôi nuôi vành khuyên bằng
cơm nhai nhuyễn và chuối chín nhừ. Nhưng chim chỉ sống được vài tuần lễ, bị xù
lông, đứng cù rù rồi lăn quay ra chết, nằm ngửa phơi lớp lông bụng trắng nhợt,
đôi chân bé xíu bằng que tăm bơi bơi trong không khí. Nó đang giẫy chết chăng? Không, nó đang
vật lộn với cái chết để giành giật lại sự sống!
Chim vành
khuyên sống trong khoảng không gian bao la trên những vườn cây nối tiếp nhau vô
tận. Chúng rất hay hót, và hót rất hay. Nhưng bị nhốt giữa bốn bức tường bằng
chấn song tre, chúng vẫn được đi lại,
bay nhảy, mà tiếng hót cừ mờ dần, để tiếng
kêu càng nổi rõ hơn. Sống cảnh chim lồng, cá chậu, con chim vành khuyên
bé bỏng này cũng biết buồn sao? Thì ra chim cũng như người, ưa sống tự do cùng
với bày đàn của nó...Rất may, tôi đã kịp tỉnh ngộ, chỉ đánh bẫy chơi, sau đó
lại mở rộng cửa lồng tre... Nó lao vút ra, bay vù lên trời, không một tiếng hót
chào từ biệt, chỉ thả lại vài mảnh lông xơ lơ lửng. Đó là dấu hiệu của sự tổn
thương, mà tôi hy vọng thời gian sẽ giúp nó hàn gắn lại tất cả...
Đứng ở gốc
cây mít, tôi nhìn xuống ao, cái ao tù nước đọng một màu vàng đục, lơ thơ mấy
cọc tre rêu bán đen ngòm. Một con chim trả ở đâu bay đến đậu tự nhiên trên đầu
cọc, không cần biết có người đang đứng bên gốc mít. Giống chim trả đồng bé nhỏ
hơn nhiều so với chim trả trời, lông cánh chúng đều xanh biếc tuyệt đẹp. Nó
ngồi như chết lặng trên đầu cọc, cặp mắt tinh tường nhìn xuyên thấu màu nước
đục ngầu lấp loáng ánh mặt trời lọc qua tán cây xanh, thấy rõ từng con tép đang
bơi. Nó không thích tép, chả bõ dính lưỡi.
Nó cần tóm cổ giống cá mại, cá mương khoái mỏ, vừa họng. Nhưng lũ cá tôm
lớn nhỏ sợ cảnh “cháy thành”, ban ngày trốn vào hàm ếch bờ ao, hoặc nấp dưới bờ
cỏ rậm, một cách tự vệ vô ích. Con chim trả kiên nhẫn chờ đợi, đợi chờ..., mặt
nước chẳng hề sủi tăm hay gợn sóng. Nó chán nản bay vù đi. Đôi cánh tựa hai tia
sáng xanh biếc, nhanh như chớp biến mất trong không gian im lìm, khiến cho nỗi
buồn lòng mình càng xót xa không bờ bến.
Ông chỉ huy
(tôi nghĩ vậy) khoát tay ra lệnh: “Thôi! Giải đi!”. Tôi đoán họ sẽ vào khám
nhà, lục soát mọi xó xỉnh. Bố tôi và đoàn người áp giải, súng ống lăm lăm đã
vào đến sân. Tôi không còn hồn vía nào, đầu óc tối tăm mù mịt. Tôi như chuột
chạy cùng sào, chỉ còn biết ôm cây sào chờ chết, chết trong lúc mẹ tôi và anh
Nậu cắm đầu cúi cổ nhổ cỏ lúa chiêm ngoài đồng. Bữa trưa hôm nay thiếu vắng
tôi, chắc mẹ tôi nước mắt chan cơm...Chợt loé lên một tia sáng. Tôi nhận nhớ ra
trong buồng mẹ tôi ngủ và cất đồ đạc linh tinh còn có một cái giường cưới đóng
bằng tre, thời mẹ tôi về nhà chồng. Nhanh như cắt, tôi nhảy lên giường, đắp
chiếu nằm co quắp như người đang ốm. Mà tôi ốm thật. Người nóng bừng bừng như
đang lên cơn sốt!
Có tiếng chân
người đông và tiếng nói xôn xao. Hình như họ đang tiến vào nhà trên. Có lẽ là
lục soát xong nhà trên rồi mới đến nhà dưới. Tôi nằm im, không cựa quậy, nín
thở như người đã chết. Vậy mà hai hàm răng cứ va vào nhau cầm cập! Tôi cố giữ
bình tĩnh mà không được. Không hiểu sao tiếng bước chân thình thịch, tiếng lao
xao bàn tán của đám đông lại như xa dần, mờ dần. Đầu óc tôi mê mẩn rồi sao? Tôi
đẩy tụt chiếc chiếu xuống chân, hé mắt nhìn ra. Nửa mừng, nửa lo. Tôi thấy nhà
cửa không một bóng người, ngoài sân vắng ngắt. Một sự im lặng đáng sợ! Nhưng
đúng là họ kéo đi cả rồi. Chắc họ giải bố tôi đi để tiếp tục tra khảo, và ông
sẽ phải chịu hình phạt ghê gớm hơn dành cho kẻ ngoan cố. Nhưng đâu phải bố tôi
ngoan cố. Tội gì thì có thể khai bừa, chứ khí giới, cái đồ tàn bạo của kẻ giết
người kia lấy đâu ra? Tôi bán tín, bán nghi, ngờ rằng bố tôi bị oan, chứ làm gì
có súng, có đạn.
Cây mít nhão
hơi bị đổ nghiêng. Chiều hôm ấy mẹ tôi và anh Nậu không ra đồng nhổ cỏ, mà ở
nhà đắp đất trồng lại cây mít. Đây là cây mít bà nội tôi trồng. Bà được ăn mít
bên ngoại (ông cố Lưu, cụ thân sinh, người cùng làng ở xóm Bắc) thấy ngon, đem
hạt về trồng. Năm ấy (1907) bà nội tôi có mang, ăn rở mít, năm sau sinh bố tôi
(1908). Bà gieo gửi một hạt (chọn từ múi mít to nhất) ở cạnh bờ rào ngõ. Năm bố
tôi ra đời cũng là năm hạt mít bật lên mầm xanh to mập, lớn nhanh lấn át mọi thứ dây leo, cỏ dại bưng bồng bưng bí
sống bám nương tựa bờ rào xương rồng. Cụ mít ấy sống đến nay (2016) đã 108
tuổi, gốc vẫn bền, nên dù có bị sâu, nhưng chết cành này mọc ngay cành khác,
lớn nhanh, khoẻ mạnh, xanh tươi bốn mùa, vụ nào cũng cho quả.
HTP/12/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét