HOÀNG TUẤN PHỔ
“Sào
non không cắm bến lầy”. Những người xứ lạ đầu tiên đến hạ trại cắm lều trên cồn
cát nóng bỏng, bãi cát lầy lội, ngày nay nổi danh Sầm Sơn này, phải có cánh tay
lực sĩ chèo thuyền buồm trái gió, sự gan dạ của anh hùng trận mạc một đi không
trở lại. Họ ăn sóng ở gió để xây dựng Sầm Sơn thành trung tâm đánh cá biển trù
phú xứ Thanh. Đàn ông cởi trần dáng khum khum mảng luồng từ nửa đêm gà gáy đã
khiêng thuyền vào lộng ra khơi. Đàn bà yếm váy nâu bạc phếch đeo dây buộc tím
đội đất lấp ao đầm để cải tạo thành ruộng cấy lúa trồng khoai. Giống khoai
Quảng Tiến rất ngon “con ăn một mẹ ăn hai”. Bánh tráng Sầm Sơn bằng gạo lúa
thông lúa cờn ăn kẹp với cá nục nướng hương thơm, vị ngon nhớ đời.
Làng
Lương Trung (làng Giữa) nghề cá phát triển bậc nhất. “Thu ra chà vào”. Vụ xuân
- hè được mùa cá chà. Trưa, chiều thuyền lái dã khơi cặp bến, cá chà đầy đen ắp
khoang. Cá chà là cá chim, “chim, thu nụ, đé”, ngon đệ nhất “tứ trụ” biển khơi
theo cách sắp xếp thứ bậc của làng Việt. Cá chim mang tên cá chà vì đánh lưới
vào mùa chà rạo. Trời tiết nắng nực, ngư dân dựng cây chà rạo (bằng cây tre và
lá kè) ngoài biển để hấp dẫn loài cá chim đen đến trú mát. Chung quanh cây chà
quây lưới mở rộng cửa. Nếu cá không vào, người phải nhảy xuống biển bơi vào giả
làm con cá lớn để dẫn dụ đàn cá chim vào theo.
Nghề
cá biển cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Đi không lại về không:
... Cũng vì xấu nước xấu nôi
Đánh chả được mồi ta nghĩ
làm sao?
Đâm neo kéo mãi mũi vào
Đánh xuống tám sải, tồng vào
tận te
Nước mặt chảy ra vè vè
Đánh xuống chín sải tận te
là rồi!
(Vè
Lái khơi)
Bão
tố lật thuyền chết người là chuyện thường. Cha chết con đi thay, anh chết đến
lượt em. Những gia đình cha con, anh, em chết chung một chuyến đi biển, không
hiếm. Cho nên, gia đình nào cũng cầu mong đẻ thật nhiều con trai, cháu trai,
mặc dù càng đông miệng ăn, đời sống càng bấp bênh, càng bập bềnh như con thuyền
cưỡi sóng đè gió, dẫu không bị chết đói cũng đói đến chết! Nhưng người ở đây
gan góc, bất khuất, truyền thống đấu tranh, tinh thần thượng võ được hun đúc từ
nghìn xưa. Đời Lê, tướng Lê Quang Lộc gốc quê Vĩnh Lộc, cầm quân dưới cờ thái
úy Trịnh Khả, tham gia dẹp giặc Chiêm quấy phá biên thùy. Thắng giặc, ông được
triều đình sai về trấn thủ mặt Đông Thanh Hóa, đóng quân trên cồn cát biển, đời
sau thành làng Lương Trung. Ông mở lò vật để luyện võ và lò võ Lương Trung nổi
tiếng ra tận đất Bắc. Tướng Quang Lộc mất, triều đình truy tặng tước Đường
Công, được nhân dân lập đền thờ, đời sau gọi là nghè Đề Lĩnh, quan chức của ông
lúc sinh thời.
Trước
Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Lương Trung mở hội vui xuân, vui nhất hội vật thu
hút nhiều tay vật lão luyện các nơi tới tham dự cuộc thi tài đấu sức. Hội mở
ngay trước nghè Đề Lĩnh để ngài Đường Công chứng giám. Theo lệ thường ngày mồng
10 tháng giêng âm lịch làng Lương Trung tế thần cầu ngư, mở hội vật. Hội mở từ
3 đến 5 ngày trên sân nghè. Trước cửa nghè treo từng chuỗi, từng xâu tiền
thưởng trên một cái giá gỗ. Có 3 giải chính:
Giải
nhất: 12 quan tiền đồng hoặc 6 quan tiền đồng, tùy theo khả năng kinh tế của
làng dồi dào hoặc thiếu kém do nghề cá trong năm dân làng thu hoạch cao, thấp.
Người chiếm giải này phải vật ngã 5 đô vật.
Giải
nhì: 8 quan tiền đồng hoặc 4 quan tiền đồng, phải vật ngã 3 người.
Giải
ba: 4 quan tiền đồng hoặc 2 quan tiền đồng, phải vật ngã 2 người
.
Trước
khi vào vật, đô vật phải mặc quần áo dài tới trước hương án, lễ thần bốn bái,
sau đó cởi quần áo, đóng khố điều vào vật. Người nào giật giải lại mặc quần áo
dài vào lễ tạ thần rồi mới lĩnh giải. (Làng chuẩn bị sẵn mấy bộ quần áo dài để
cho đô vật mượn. Xong hội vật, ông thủ từ đem quần áo dài giặt, phơi khô, bỏ
vào rương hòm đậy kín, cất vào nghè chờ hội vật năm sau).
Các
cụ phụ lão trong làng cách đây ba, bốn chục năm còn kể: Hội vật Lương Trung năm
nào cũng thu hút người bốn phương về dự, có mặt cả những đô vật của những lò
vật nổi tiếng, như lò Mai Động (Hà Nội), Đồng Tâm (Nam Hà), Gia Lương (Hà
Bắc)... nhưng chưa bao giờ trai Lương Trung chịu nhường giải nhất cho thiên hạ.
Có một trường hợp duy nhất là ông Mạch ở thôn Cá Lập (phường Quảng Tiến, thị xã
Sầm Sơn) vào được giải nhì, nhưng năm ấy không có giải nhất. Thông thường lò
vật nào cũng có một vài miếng sở trường. Ví dụ: Nếu như lò Yên Sở có miếng
“sườn” miếng “móc”, lò Đồng Tâm có miếng “móc cháo”, “dật bốc”, “lò Gia Lương
có miếng “bốc một”, “bốc đôi”, ở một số lò
có miếng “lò đĩa”... thì ở Lương Trung (Sầm Sơn) rất giỏi miếng “gồng”.
“Gồng” là miếng vật đặc biệt, độc đáo đòi hỏi đô vật phải có sức khỏe và sức
mạnh toàn thân, nhất là đôi vai và hai cánh tay. Người dùng miếng “gồng”, một
tay nắm chặt tay đối thủ, tay kia ôm lấy đùi đối thủ kéo mạnh về phía mình, rồi
rất nhanh và bất ngờ đưa vai ra hất vào người đối thủ làm cho ngã uỵch xuống
đất tất phải “lấm lưng trắng bụng”. Trai Lương Trung vì chuyên nghề chài lưới
nên đôi tay rắn chắc như thép do thường xuyên kéo lưới, kéo rùng, chèo thuyền,
đôi vai to nở lại khum khum tựa mảng luồng bởi hàng ngày khiêng thuyền, vác
mảng ra biển vào bãi “gồng” có kiểu “gồng đứng, gồng ngồi, gồng quì, các đô vật Lương Trung đều phải luyện tập trở nên
thành thạo. Nhờ giỏi miếng gồng, đô vật Lương Trung thường đánh ngã địch thủ
ngay từ keo đầu.
Một
lần đô vật Mạch Cá Lập thắng đô vật Lương Trung vì ông cũng là dân chài lưới,
từng đi đấu ở nhiều nơi, học được miếng “bò đĩa” ngoài Bắc. Ông giả vờ trượt
chân ngã nhử đối phương xông vào ôm đè lên người mình, rồi bất ngờ vòng tay vít
chặt cổ đối thủ, cùng lúc đó dùng hai chân quặp ngang sườn anh ta và lấy hết
sức mạnh hất ngửa làm cho kẻ địch phải phơi bụng.
Tinh
thần thượng võ của Lương Trung nói riêng, Sầm Sơn sau này nói chung góp phần
đáng kể tạo nên truyền thống chiến đấu gan góc anh hùng trong sự nghiệp giữ gìn
đất nước, bảo vệ quê hương. Đầu năm 1885 giặc Pháp âm mưu xâm lược Thanh Hóa
tiến vào bằng đường thủy qua cửa Hới, bị nhân dân Sầm Sơn chống trả quyết liệt.
Năm 1946, đô vật Nguyễn Viết Quốc người Lương Trung là đô vật vô địch khu IV
trong một hội vật toàn khu. Cuối năm 1952 một tàu chiến Pháp chở 212 sĩ quan
Pháp bị nổ tung ở biển Sầm Sơn, có công đóng góp tích cực của người Sầm Sơn.
Chuyện
Kho vàng Sầm Sơn trong tin đồn và tiểu thuyết là có thực. Một ngày tháng 8 năm
1934 cách bờ biển khoảng 150m, một ngư dân ông Đường Phèn người thôn Phú Xá
đang đánh cá, thấy lưới bị mắc, lặn xuống để gỡ, bất ngờ đụng phải một kho vàng
bạc, châu báu, và những của quý khác. Ông mới mò được một số thoi vàng nặng 10
lạng ta, những thoi bạc dài 12cm, một khẩu súng đồng nạm vàng niên hiệu chữ
Hán, Vĩnh Thịnh bát niên (năm 1712)... Tin tức đến tai chính quyền Pháp, lập
tức mở cuộc tra xét, tịch thu hết số của cải tìm được trong nhà ông Đường Phèn
và thuê người lặn xuống biển tiếp tục mò tìm. Theo tài liệu công bố trên báo
chí, không rõ chính quyền Pháp tìm thấy chính xác bao nhiêu, chỉ biết nhà nước
thu lại được 99 thoi vàng, hơn 100 nén bạc, trị giá sang bạc Đông Dương bấy giờ
khoảng 80.000 đồng. Những tiền đồng và của quí khác không thể tính đếm hết. Đặc
biệt ông Đường Phèn còn mò được một chiếc ngai vàng. Ông bị Pháp bắt bỏ tù vì
dám ngồi lên ngai vàng của vua, mặc dù chỉ mới ghé đít thử chơi!
Kết
cục kho vàng Sầm Sơn bị thực dân Pháp chiếm sạch. Nhưng Sầm Sơn còn lại một kho
vàng quý hơn, là con người anh dũng kiên cường, bất khuất và một biển cả vô
giá.
Một
tác giả người Pháp viết: “Đây là một bãi tắm tốt nhất để hồi phục sức khỏe...
không thuộc loại thông thường như Đồ Sơn... và hấp dẫn nhất đối với người tắm
biển là núi. Đi theo con đường hẻm đến biệt thự Núi Đá rồi trèo lên đỉnh, chúng
ta rẽ tay phải sẽ được thấy những cái kỳ lạ về địa chất, đá chồng, đá hình răng
cọp nổi lên như một cái đài kỷ niệm mang nhiều hình dạng kỳ lạ...”.
Bài
thơ của ông Nghè Khuyến (Người Nghĩa Trang - Hoằng Hóa) đã vịnh cảnh Sầm Sơn:
Khà khà! Khéo đúc cảnh thiên
nhiên
Thú vị Sầm Sơn tựa chốn
tiên!
Sóng vỗ phấp phô phun bọt
nước
Đá chồng khấp khểnh tựa tòa
sen
Sớm ra, kẻ dạo lao xao chợ
Chiều lại người đưa thấp
thoáng thuyền
Cuộc rượu Sầm Sơn vui vẻ quá
Khà khà! Khéo đúc cảnh thiên
nhiên.
Hoàng Tuấn Phổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét