4 thg 10, 2015

Địa danh một số làng biển Thanh Hóa-Kỳ 4-Làng Đồn Điền (Quảng Xương)

Đền thờ Thành hoàng làng Đồn Điền

Ảnh: báo Dân Trí
HOÀNG TUẤN PHỔ

Đồn Điền là loại hình kinh tế sở hữu nhà nước. Khi chế độ đồn điền bãi bỏ, sở đồn điền này là một trong số ít sở đồn điền trên miền Bắc lấy tên gọi chung của sở làm tên đặt riêng cho làng.

Năm 1470-1471 Lê Thánh tông thân chinh hỏi tội vua Chiêm, đại thắng trở về. Một cánh quân do Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu chỉ huy, vua sai trở lại Thanh Hoá cùng binh lính làm đồn điền. Tô Chính Đạo giữ chức Đồn Điền Chánh sứ, Uông Ngọc Châu làm Phó sứ. Có lẽ ngoài việc mở mang đồn điền còn kiêm nhiệm vụ phòng thủ duyên hải nên mới chọn mảnh đất khô cằn ven biển Quảng Xương. Dân đồn điền bấy giờ chủ yếu là binh lính, bổ sung thêm một ít tù binh, và thành phần khác. 


Gia phả họ Tô chép: “…Sơ khởi tổ ta làm quan sứ thần ở Thanh Hoa, Thừa tuyên sứ (Tô Chính Đạo cùng vua Lê Quang Thuận (nhầm niên hiệu vì mới bắt đầu đổi niên hiệu mới: Hồng Đức-HTP) đi đánh giặc Chiêm Thành thắng lợi trở về, lại phụng sắc (vua) dụ dân kiến an quốc nội. Năm Hồng Đức thứ 3 (1472) tổ ta cùng ông Uông Ngọc Châu lập ấp sở đồn điền ta, số ruộng hơn 130 mẫu (Con số đo đạc thời điểm năm Cảnh Trị-1663 đời Lê Huyền tông-HTP), chưa kể những nơi lân cận như Mai Xuyên (Đông Sơn), Tào Lâm (Nông Cống), Thiên Linh (Quảng Xương), Lưu Vệ, Thái Lai, Cô Đồng, Cô Bái, Du Vịnh, Phú Xá, Bể Thôn (đều ở Quảng Xương)…

Theo tài liệu địa chí của xã Quảng Thái, ruộng đất sở đồn điền xưa (nay thuộc xã Quảng Thái) ban đầu được xác lập là 132 mẫu, 5 sào, 5 tấc do Khâm sai nội giám quan tổng Tham tri giám sát Vũ Trung Kiên khâm sai đo đạc. Các đồn điền nơi khác trong huyện như Lưu Vệ, Thái Lai, Cô Đồng, Cô Bái, Du Vịnh, Ngọc Giáp…số ruộng được xác lập trên cơ sở điền bạ số 2 với diện tích: 2.434 mẫu 5 sào, 9 thước, 8 tấc. Đem hai số liệu so sánh, ta thấy ruộng đất của sở đồn điền tiền thân của làng Đồn Điền thời kỳ đầu chắc là ít nếu đem chia cho số lao động, nhân khâủ đông hàng ngàn người. Ruộng đất khai phá của đồn điền ở phía tây vì phía đông là biển, nhưng phía tây lại đã có làng Hà Đông, nó không còn điều kiện để mở mang khai phá. Như chữ “điền” đã chỉ định, nhiệm vụ của nó là khai phá đất hoang, sản xuất lương thực cho nhà nước, nhưng nhân khẩu tăng dần buộc phải tìm thêm nghề khác. Thì trước mặt của nó là biển khơi bao la, tất yếu nó phải nghĩ cách chinh phục biển để kiếm sống.

Cho tới đầu thế kỷ XX, chữ “điền” đã trở nên bé nhỏ so với chữ “ngư” quá lớn. Việc đánh bắt cá biển tuy dần dần mở mang thành nghề, thu hút số lượng lớn lao động tham gia, nhưng cái gốc nghèo vẫn nghèo vì có mấy chục mảng luồng quanh quẩn với lưới rùng và bãi ngang. Năm đói Ất Dậu (1945) số người chết đói của làng Đồn Điền nhiều nhất huyện.

Từ thời Nguyễn, làng Đồn Điền đã là một ngôi làng thực sự với các phong tục tính ngưỡng, văn hoá. Ngoài hai vị tổ làng Tô Chính Đạo, Uông Ngọc Châu được thờ làm phúc thần, làng Đồn Điền có nghè thờ thần thành hoàng Bản thổ tôn thần, đền thờ Tứ vị thánh nương, miếu thờ Đức ông Cá voi. Đầu xuân tế thần Tứ vị, trên cây nêu treo một bó lúa. Tế xong, hạ nêu cho dân làng tranh cướp cành tre, bông lúa. Họ mang về treo lên dàn bếp, khi  con cháu trong nhà bị cảm sốt, dùng cành tre bông lúa nấu nước cho uống để chữa bệnh. Lễ tục này thuộc văn hóa tín ngưỡng nông nghiệp, Tứ vị lại là vị thần của ngư dân, thế là thần biển kiêm nhiệm hay chuyển nhiệm thần nông. Chắc là kiêm nhiệm. Ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, làng Đồn Điền hội tế thần cầu ngư ngoài bãi biển gần miếu Ông Cá voi, phải có mặt Tứ vị thánh nương, Bản thổ tôn thần cùng Nhân ngư Đức ông. Trong phong trào hợp tác hoá (từ năm 1960) làng Đồn Điền thành lập hai hợp tác xã: Điền Nông làm ruộng và dệt chiếu, Điền Ngư chuyên nghề đánh cá. Với làng chài xóm cá, chữ “điền” trong địa danh là vô nghĩa, nhưng nhờ vậy, nó vẫn bảo lưu được gốc gác xa xưa của nó vốn làm nghề nông./.

                                                                                                      HTP


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét